Thất bại lớn của các ngân hàng trung ương khi không dự báo được cú sốc lạm phát
Các ngân hàng trung ương toàn cầu vừa mắc một trong những sai lầm lớn nhất khi đánh giá thấp mức độ và thời gian xảy ra tình trạng lạm phát tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua.
Theo trang bloomberg.com, theo một loạt biểu đồ mô tả lạm phát ở Nhóm Các nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới (G7), hầu hết các ngân hàng trung ương đã liên tục mắc sai lầm, buộc họ phải liên tiếp sửa đổi dự báo về giá tiêu dùng. Thiếu khả năng dự báo lạm phát đang gây ra tác động.
Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và hầu hết các ngân hàng trung ương đang tìm cách hành động nhanh hơn để bù lại thời gian đã mất bằng cách tăng lãi suất lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ. Điều này có nghĩa là chi phí đi vay đã có thể cao hơn nếu bắt đầu tăng lãi suất sớm. Thất bại trong dự báo lạm phát có thể làm giảm niềm tin về một cuộc “hạ cánh mềm”. Hạ cánh mềm là nỗ lực của các ngân hàng trung ương trong ngăn chặn nền kinh tế nóng lên quá mức, hoặc phải chịu đựng lạm phát cao.
Trên thực tế, có nguy cơ suy thoái lớn hơn khi các quan chức tìm cách kiểm soát lạm phát. Các chính trị gia có thể yêu cầu giám sát nhiều hơn đối với các vấn đề chính sách tiền tệ. Chính sách của Fed có thể bị giám sát còn nhiều hơn nếu đảng Cộng hòa giành được quyền kiểm soát một hoặc cả hai viện của Quốc hội trong cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11.
Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Lawrence Summers nói: “Vào năm 2021, Fed đã khiến chúng tôi thất vọng rất nhiều. Năng lực dự báo của Fed kém và tôi phải nói rằng điều này chưa được khắc phục hoàn toàn”.
Dự báo trung bình của các quan chức Fed vào tháng 6 cho thấy lạm phát sẽ giảm trở lại mục tiêu 2%, nhưng tỷ lệ thất nghiệp chỉ đạt mức cao nhất là 4,1% vào năm 2024. Theo ông Summers, đây là một dự báo rất khó xảy ra.
Chủ tịch Fed Jerome Powell và các đồng nghiệp thừa nhận rằng họ đã mắc sai sót. Ông từng nhận định rằng lạm phát sẽ chỉ là nhất thời vì ông nghĩ những khó khăn liên quan đến đại dịch như chuỗi cung ứng căng thẳng và nhu cầu hàng hóa từ bên ngoài sẽ giảm dần khi dịch bệnh giảm bớt và không còn cảnh phong tỏa.
Một số người cũng hy vọng rằng sẽ có thay đổi theo hướng thắt chặt chính sách tiền tệ và sẽ cải thiện tình hình thị trường lao động.
Tuy nhiên, thay vào đó, khi các ngân hàng trung ương đưa ra các chính sách quá lỏng lẻo, người dân tiếp tục chi tiêu và thương mại rơi vào tình trạng hỗn loạn. Xung đột ở Ukraine và chính sách chống COVID-19 nghiêm ngặt ở Trung Quốc đã làm tăng chi phí lương thực và nhiên liệu. Thị trường lao động thiếu người làm cũng đẩy tiền lương tăng lên. Các gói kích thích tài khóa lớn ở một số nền kinh tế cũng làm tăng nhu cầu.
Theo Bloomberg Economics, lạm phát toàn cầu sẽ chưa đạt đỉnh 9,3% trong quý III.
Không phải chỉ Fed dự báo sai về lạm phát. Ước tính trung bình của các nhà kinh tế mà Bloomberg khảo sát vào khoảng cuối năm 2021 là lạm phát giá tiêu dùng của Mỹ (khi đó đang ở mức 7%) sẽ vào khoảng 4,3% cho cả năm 2022. Khi tình hình thay đổi, chỉ trong sáu tháng, các nhà phân tích đã nâng cao dự báo.
Các chính trị gia đang lưu ý tới vấn đề này cho dù họ đã để cho các ngân hàng trung ương tương đối độc lập hàng chục năm qua. Chính phủ Australia đã đưa ra đánh giá về dự báo của ngân hàng trung ương nước này. Ngoại trưởng Anh Liz Truss nói rằng bà có thể thay đổi Ngân hàng Trung ương Anh nếu bà trở thành thủ tướng vào tháng 9 tới.
Tại Mỹ, ngày 28/7, Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ John Osoff cho biết các hành động chính sách năm 2021 của Fed là chuyện đã rồi. Tuy nhiên, các thành viên đảng Cộng hòa có thể không “bao dung” như vậy nếu họ giành quyền kiểm soát quốc hội vào năm tới.
Ông Graeme Wheeler, cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương New Zealand, đã viết trong một báo cáo được công bố trong tuần này: “Các ngân hàng trung ương cần suy ngẫm lại sâu sắc về việc điều hành chính sách tiền tệ trong hai năm qua và xem xét lại các mô hình cũng như các dự báo, quyết định mà họ đã đưa ra. Nguyên nhân chính gây ra áp lực lạm phát là do những sai sót trong phán đoán của các ngân hàng trung ương về điều hành chính sách tiền tệ trong đại dịch COVID-19”.
Trong thời gian qua, nhiều quốc gia ghi nhận lạm phát ở mức cao kỷ lục. Chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ tăng 9,1% vào tháng 6 so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu mức cao nhất trong vòng 40 năm qua.
Báo cáo do Cơ quan Thống kê Australia (ABS) công bố ngày 27/7 cho biết tỷ lệ lạm phát hằng năm của Australia đã tăng lên 6,1%, mức cao nhất trong hơn hai thập kỷ gần đây.
Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản (MIC) thông báo rằng trong tháng 6/2022, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cơ bản của nước này tăng 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tháng thứ 10 liên tiếp chỉ số này tăng, và là tháng có mức tăng cao nhất trong khoảng 7 năm qua.
Cơ quan Thống kê Canada (Statscan) cho biết chỉ số giá tiêu dùng nước này trong tháng 6 vừa qua đã tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước, mức cao nhất kể từ tháng 1/1983.
Số liệu do Cơ quan Thống kê New Zealand (Stats NZ) công bố ngày 18/7 cho thấy lạm phát nước này trong quý II đã tăng lên 7,3%, cao hơn 0,4% so với quý trước đó và là mức cao nhất trong vòng 32 năm.
Tiến Phát
Có thể bạn quan tâm