fbpx

Thứ chúng ta gọi là TIỀN

Nếu chúng ta bỏ đi hàng ngàn năm văn hóa – thứ đã tác động và ảnh hưởng rất lớn tới cách chúng ta nhìn nhận tiền bạc và quan sát tiền dưới con mắt hoàn toàn mới mẻ, chúng ta có thể bắt đầu tìm hiểu về tiền với những phát hiện vô cùng cơ bản.

Đầu tiên, tiền không phải là một sản phẩm do thiên nhiên tạo ra, không mọc trên cây, cũng không rơi xuống khi trời mưa. Tiền là một phát minh riêng biệt của con người. Nó là một sản phẩm thiên tài của trí tuệ chúng ta. Chúng ta tạo ra nó rồi cho sản xuất hàng loạt. Nó là một thứ vô tri vô giác, nhưng lại xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau trong hơn 2.500 đến 3.500 năm lịch sử nhân loại, dù hình thức đó là vỏ sò, đá, những thỏi kim loại quý, tiền giấy hay một đốm sáng trên màn hình máy tính (bitcoin). Lúc ban đầu, tiền được phát minh ra để hỗ trợ quá trình chia sẻ và trao đổi hàng hoá, dịch vụ giữa các cá nhân và các nhóm người. Đến hiện tại, tiền vẫn đóng vai trò hỗ trợ cho hoạt động chia sẻ và trao đổi hàng hoá dịch vụ, nhưng trên đường phát triển, chúng ta đã dần dần trao cho tiền sự quyền năng vượt xa vai trò sử dụng ban đầu của nó.

Bây giờ, thay vì coi tiền bạc như một công cụ do chúng ta sáng tạo và kiểm soát, chúng ta lại coi như một nhân tố tự nhiên, một nguồn lực mà chúng ta bắt buộc phải tính đến. Thứ gọi là tiền, những thứ được sản xuất hàng loạt với giá trị vốn không lớn hơn mẩu giấy ghi chú hay tờ khăn giấy đã trở thành một thế lực có sức kiểm soát lớn nhất trong cuộc sống của chúng ta.

Tiền chỉ mang trên mình sức mạnh mà con người gán cho nó, nhưng dường như sức mạnh này quá lớn. Chúng ta gần như đã trao cho tiền thứ quyền lực tối thượng. Nếu chỉ nhìn vào hành vi, có thể thấy chúng ta đã biến tiền trở thành một thứ quan trọng hơn chính bản thân chúng ta, khiến nó có ý nghĩa hơn cả cuộc sống con người. Nhân danh tiền bạc, con người đã và sẽ làm nhiều điều cực kỳ kinh khủng. Vì nó, họ giết chóc, bắt người khác làm nô lệ và trở thành nô lệ cho một cuộc sống không hề vui vẻ suốt ngày theo đuổi tiền bạc.

Vì tiền, nhân loại còn sẵn sàng hủy hoại Mẹ Trái Đất. Chúng ta đã phá hủy những khu rừng mưa, ngăn lấp sông ngòi, khai thác cạn kiệt gỗ, khai thác quá mức cá ở hồ và sông suối, đầu độc đất đai bằng các chất thải hóa học từ các ngành công nghiệp và nông nghiệp. Chúng ta đã đẩy toàn bộ các giai cấp con người trong xã hội xuống vị trí thứ yếu, buộc người nghèo chuyển đến sốngtrong các dự án nhà ở, để mặc các khu ổ chuột hình thành trong đô thị, bóc lột nhiều quốc gia để sở hữu nguồn lao động với giá rẻ mạt, và chứng kiến sự tha hóa của hàng ngàn người (trên thực tế là hàng triệu, trong số đó có rất nhiều người trẻ), khi họ bị cuốn vào nạn buôn bán ma túy để kiếm tiền. Họ làm tổn thương người khác và lãng phí tương lai đầy hứa hẹn của mình vào một cuộc sống tội lỗi, nô dịch hoặc tù đày. Vì tiền, chúng ta cứ tiếp tục gán cho đàn ông và phụ nữ những quyền lợi bất bình đẳng khác nhau, chúng ta tự cho mình quyền nô dịch phụ nữ, bóp méo nghĩa vụ và sự mong đợi của đàn ông bằng chính những đặc quyền của họ với tiền bạc.

Trong cuộc sống của chúng ta, hiếm khi nào tiền thực sự lại mang đến sự tự do, niềm vui hay công lý. Ấy thế mà chúng ta lại cho phép nó kiểm soát mọi khía cạnh trong cuộc sống, và coi nó là yếu tố có sức ảnh hưởng lớn nhất khi đưa ra các quyết định về công việc, tình yêu, gia đình và bè bạn. Chúng ta hoàn toàn chấp nhận sức mạnh và quyền lực của tiền bạc, cũng như những giả định về cảm xúc của chúng ta đối với tiền. Chúng ta ngờ vực mọi giả định khác trong cuộc sống: Sắc tộc, tôn giáo, chính trị, giáo dục, giới tính, gia đình và xã hội. Nhưng khi nói đến tiền bạc, chúng ta lại hoàn toàn chấp nhận quyền lực của nó mà không hề tranh cãi gì. Chúng ta không chỉ coi nó là một thước đo giá trị kinh tế, mà còn dùng nó như một cách đánh giá tầm quan trọng và giá trị của tất cả mọi người, mọi thứ khác trên đời. Khi nói về sự thành công trong cuộc sống, hầu như tiền bạc luôn là thước đo đầu tiên, và đôi khi là thước đo duy nhất mà chúng ta sử dụng.

Còn trong cuộc sống riêng, sẽ có một thời điểm nào đó tất cả chúng ta đều hạ thấp bản thân, lợi dụng người khác, hoặc thực hiện các hành động mà bản thân chúng ta không mấy tự hào – tất cả đều nhằm kiếm thêm tiền, bảo vệ tiền hoặc quyền lực, thứ chúng ta tin rằng có thể dùng tiền để mua được. Chúng ta im lặng để tránh những mâu thuẫn hoặc các tương tác bất lợi về tiền. Chúng ta phá hủy các mối quan hệ của mình trong cuộc sống khi dùng tiền bạc như một công cụ để kiểm soát hoặc trừng phạt, trốn chạy hoặc thao túng tình cảm, hoặc coi tiền là thứ thay thế cho tình yêu.

Trong các gia đình giàu có, rất nhiều người đã bị lòng tham, sự nghi kỵ và khao khát kiểm soát người khác đầu độc. Cuộc sống đầy rẫy đặc quyền đã tước đi những trải nghiệm quan trọng của họ về những giao tiếp con người bình thường và những mối quan hệ đáng tin cậy. Còn trong các gia đình nghèo khổ, cuộc chiến với tiền có thể dễ dàng trở thành nỗi ám ảnh của họ, khiến họ tự hạ thấp giá trị và tiềm năng cơ bản của một người, một gia đình, thậm chí là toàn bộ cộng đồng và toàn bộ nền văn hóa. Đối với một số người, việc thiếu tiền triền miên đã trở thành cái cớ để họ biện minh cho sự kém tháo vát, làm việc kém hiệu quả hoặc không chịu trách nhiệm như đáng ra họ phải làm.

Chúng ta được sinh ra trong một nền văn hóa do tiền tạo nên, và mối quan hệ ban đầu của chúng ta với tiền chính là sản phẩm của nền văn hóa đó, dù chúng ta đang sống ở đâu đi chăng nữa – từ những nước nghèo như Bangladesh hay Mozambique, đến những nơi sung túc và thịnh vượng như Mỹ, Nhật Bản. Từ những trải nghiệm ban đầu ấy, chúng ta đã nhận thức được vai trò và
sức mạnh của tiền bạc trong gia đình, cộng đồng, và trong cuộc sống của chúng ta. Chúng ta nhìn thấy có những người kiếm được nhiều tiền và những người luôn thiếu thốn. Chúng ta thấy những điều cha mẹ mình sẵn lòng thực hiện và những điều họ do dự không làm, vì mục đích kiếm tiền hoặc để sở hữu những thứ mua được bằng tiền. Chúng ta cũng chứng kiến cách mà tiền bạc định hình quan điểm cá nhân và dư luận xã hội.

Trong nền văn hóa tiêu dùng mạnh mẽ của Mỹ, ngay cả trẻ em cũng đang bị cuốn vào mối quan hệ khốc liệt với tiền bạc. Bản thân chúng ta cũng từng trải nghiệm điều này trước đây, nhưng ngày nay mọi chuyện còn tệ hơn nhiều. Con cái chúng ta đang trưởng thành trong một môi trường nơi các phương tiện truyền thông và nền văn hóa đại chúng không ngừng khuyến khích việc chi tiêu và mua sắm, mà lại không cân nhắc đến những hậu quả việc đó gây ra cho mỗi cá nhân và môi trường.

Mối quan hệ của chúng ta với tiền bạc đã bị biến dạng chính bởi những trải nghiệm tưởng như vô hại mà chúng ta có mỗi ngày trong nền văn hóa sặc mùi tiền đó. Những vấn đề về tài chính cá nhân, cũng như các vấn đề về sự phát triển bền vững và công bằng xã hội, cũng như các vấn đề về kinh tế và môi trường, tất cả chúng đều bắt nguồn từ mối quan hệ của chúng ta đối với tiền bạc và từ nền văn hóa tiền bạc mà chúng ta đã sinh ra và chấp nhận nó như một lẽ tự nhiên.

Nguồn: Trích sách Linh hồn của tiền

Có thể bạn quan tâm:
Linh hồn của tiền

Đánh thức “sự giàu có” từ nội lực của chúng ta

Linh hồn của tiền

ĐỌC THỬ

ĐẶT SÁCH

Các viết cùng chủ đề