Thủ tướng: Nhìn rõ thực tế, tập trung vào 3 động lực tăng trưởng
Nhìn nhận rõ thực tế để có giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng, tập trung vào ba động lực chính là , theo Thủ tướng.
Ngày 3-6, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5-2023, kết nối trực tuyến tới các tỉnh, thành phố.
Lắng nghe các ý kiến thảo luận, Thủ tướng nêu rõ quan điểm: “Chúng ta không tô hồng, không bôi đen mà nhìn rõ sự thật, đánh giá đúng bản chất”.
Tập trung cho ba động lực tăng trưởng
Ghi nhận các kết quả đạt được và sự nỗ lực của các cấp ngành, người dân và doanh nghiệp, Thủ tướng nói kết quả lớn nhất là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; giảm nợ công, nợ Chính phủ, bội chi ngân sách.
Nhận định thời gian tới khó khăn nhiều hơn, nên cần phải ưu tiên cho tăng trưởng vì kiểm soát được lạm phát. Tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, chắc chắn, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, mở rộng sản xuất cho dịch vụ, nông nghiệp.
Ba động lực tăng trưởng được người đứng đầu Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh, gồm: giải pháp tiêu dùng gắn với tiêu thụ hàng hóa trong nước, tăng tổng cầu, tổng cung, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí; khuyến mại, hỗ trợ người lao động…
Giải pháp về đầu tư trên cơ sở tăng cường giải ngân vốn đầu tư công nhanh, kịp thời và hiệu quả. Thúc đẩy đầu tư tư nhân, giải quyết khó khăn về vốn, phí, lệ phí, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Giải pháp về xuất khẩu trên cơ sở tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, khai thác hiệu quả các FTA, tăng năng suất lao động, giảm chi phí logistics. Cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, giáo dục tinh thần trách nhiệm của cán bộ công chức, chấm dứt tình trạng đùn đẩy trách nhiệm.
Thủ tướng giao các bộ ngành liên quan tiếp tục giảm chi phí lãi suất cho vay; tăng khả năng tiếp cận vốn vào lĩnh vực ưu tiên. Đẩy nhanh chính sách hoàn thuế VAT, chuẩn bị chính sách bổ sung miễn, giảm thuế, thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, quy định về phòng cháy, chữa cháy, triển khai hiệu quả đề án 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội. Đẩy nhanh dự án giao thông trọng điểm, đặc biệt lưu ý thúc đẩy dự án sân bay Long Thành.
Chủ động tìm đến doanh nghiệp để gỡ khó
Cũng tại phiên họp sáng ngay, lãnh đạo các địa phương đã thông tin nhiều tín hiệu, số liệu tích cực trên các lĩnh vực. Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi cho hay doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng, sản xuất công nghiệp xây dựng của địa phương này đã “thoát âm”…
Đây là những yếu tố giúp kinh tế thành phố vượt lên. Dự kiến tốc độ tăng trưởng GRDP quý 2 tăng 5,87% so với cùng kỳ.
Đặc biệt, Tổ công tác của Thủ tướng, các bộ, ngành đã hướng dẫn tháo gỡ 18/30 vướng mắc của thị trường bất động sản. Thành phố lập tổ công tác với chủ tịch là người đứng đầu cũng đang tập trung giải quyết, phân loại nhóm và trách nhiệm từng dự án bất động sản để xử lý.
Ông Mãi cho biết thêm, thành phố phấn đấu giải ngân 35% vốn đầu tư công trong quý 2, khởi công đường vành đai 3 trong tháng 6; triển khai các chương trình khuyến mãi, kích cầu du lịch…
Tuy vậy, ông Mãi nhìn nhận doanh nghiệp còn nhiều khó khăn về thị trường, đơn hàng, thủ tục phòng cháy chữa cháy. Các thị trường bất động sản, trái phiếu phục hồi nhưng chưa mạnh… Vì vậy, cần củng cố, nuôi dưỡng và quản lý nguồn thu để thu đúng, thu đủ, thu kịp thời.
Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cho biết GRDP dự kiến 6 tháng tăng trưởng 10% so với năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp IIP dự kiến tăng trên 12%.
Đặc biệt thành phố cũng vừa khởi công 4 dự án nhà ở xã hội với 1.500 căn hộ, đạt 50% chỉ tiêu so với chỉ tiêu Thủ tướng giao tới năm 2025; nhà ở công nhân đã đạt 10.000 căn, gần đạt chỉ tiêu tới năm 2026.
Chia sẻ kinh nghiệm, ông Tùng nói việc giải phóng mặt bằng do chủ tịch các cấp trực tiếp chỉ đạo, không giao cho cấp phó. “Doanh nghiệp không tìm mình mà mình tìm doanh nghiệp để giải quyết khó khăn”, ông Tùng nói.
Tiến Phát