fbpx

Thua lỗ, mất tiền khi đầu tư: “Người thầy” thầm lặng giúp chứng sĩ trưởng thành

Có thể một số NĐT chưa từng trải qua cảm giác khó chịu lúc bị mất tiền khi đầu tư, nhưng phần đông NĐT đều đã từng bị thị trường “vả” cho sấp mặt tới nỗi chán nản muốn bỏ nghề.

Nếu bạn đã từng trải qua cảm giác này mà vẫn lì đòn bám trụ với thị trường để đọc được bài viết này, thì chúc mừng, bạn thuộc top những NĐT sống sót qua những bài test tâm lý đầy khó khăn của thị trường chứng khoán.

Nói một cách khách quan, tất cả chúng ta đều từng kiếm được tiền từ thị trường chứng khoán, không ít thì nhiều.

Lợi nhuận hấp dẫn chính là thứ thôi thúc NĐT rời bỏ kênh gửi tiết kiệm để tìm đến thị trường chứng khoán. Ai cũng thích kiếm được lợi nhuận. Thật không lấy làm lạ khi nội dung chính của cuộc trò chuyện giữa các chứng sĩ với nhau cũng thường xoay quanh những chủ đề như “Triển vọng công ty A là abc, nên cổ phiếu A hấp dẫn”, “Tiềm năng công ty B là xyz, cổ phiếu B chắc được hưởng lợi nhiều đấy”,… 

Nhưng, thị trường chứng khoán bên cạnh lợi nhuận, còn có những rủi ro. Chúng ta cũng thường mất tiền vì thua lỗ. Điều đáng nói, chúng ta thường xem thua lỗ là một trải nghiệm cảm xúc tiêu cực, và ít khi nhìn nhận, nói về chủ đề này.

Với mong muốn các “chứng sĩ” hiểu đúng hơn về những thương vụ thất bại, bài viết này sẽ tập trung tìm hiểu về các nguyên nhân dẫn tới thua lỗ của NĐT, đồng thời đề xuất một góc nhìn mới tích cực hơn về những giá trị mà những lần “mất tiền” đã đem lại.

Tại sao chúng ta mất tiền?

Thua lỗ, mất tiền khi đầu tư: "Người thầy" thầm lặng giúp chứng sĩ trưởng thành

Nếu có một thước đo đơn giản về thành công trong đầu tư, thì đó chính là số tiền gia tăng trong tài khoản. Nếu bạn kiếm được tiền, chứng tỏ bạn đã làm đúng (hoặc may mắn làm đúng). Ngược lại, nếu bạn bị mất tiền, tức là đã có yếu tố gì đó chưa đúng. 

Để kiếm được lợi nhuận trên TTCK, may mắn thôi là chưa đủ. Chúng ta cần phải liên tục trau dồi để nâng cấp bản thân, vận dụng phương pháp đầu tư thật kỷ luật, quản trị cảm xúc, quản trị vốn,… và rất nhiều thứ khác. Quá nhiều việc cần phải làm để đầu tư có lợi nhuận. Nhưng để thua lỗ thì dễ lắm.

Như đã đề cập, khi chúng ta thua lỗ, đồng nghĩa với việc có một yếu tố gì đó chưa đúng. Mua sai cổ phiếu, sai thời điểm, trót tin lời “phím hàng”, margin không đúng lúc, bán quá sớm khi chưa vi phạm quy tắc,… hoặc chỉ đơn giản là thị trường lúc đó xấu. Mặc dù có nhiều nguyên do, nhưng kết quả chung của chúng ta khi thua lỗ chính là mất tiền. 

Cảm giác khi mất tiền là gì?

Thành thật mà nói, mất tiền là một cảm giác vô cùng khó chịu. Nhưng để tổng hợp lại những cảm giác mà các chứng sĩ trải qua khi mất tiền, chúng ta có thể liệt kê một vài ví dụ sau:

Cảm thấy “trầm cảm”

Bản thân lợi nhuận là một điều tuyệt vời. Mỗi ngày mở tài khoản ra, thấy tiền mình tăng lên đều đều chính là niềm mơ ước của bao chứng sĩ. Vui đấy, nhưng ở kịch bản ngược lại thì không. Thử tưởng tượng khi bạn đang thua lỗ, mỗi ngày mở tài khoản chứng khoán ra, tiền chúng ta cứ vơi đi một phần. Tâm lý của NĐT lúc này sẽ cực kỳ áp lực, bởi họ sẽ có xu hướng muốn tiếp tục giữ với hi vọng giá sẽ hồi cho  về bờ, nhưng khi nhìn tiền vơi đi mỗi ngày, họ cũng càng “trầm cảm” vì sợ mất sạch tiền. Còn nếu bán ra, thì coi như “chính thức mất tiền”.

Có nhiều trường hợp buộc NĐT phải bán lỗ: Bán vì hoảng sợ, bán vì không chịu được cảm giác giày vò, bán theo kế hoạch đã lập ra từ trước,… Cho dù có bán đúng theo kế hoạch đi chăng nữa, nhưng những lần bán lỗ đều khiến NĐT “ruột đau như cắt”. Nhiều NĐT có số vốn từ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng sẽ hiểu sâu sắc điều này, bởi mỗi lần họ cắt lỗ theo quy tắc 7% đồng nghĩa với việc một con xe, vài tháng lương đã không cánh mà bay.

Điều này càng tồi tệ hơn khi NĐT trải qua một chuỗi thua lỗ liên tiếp, khiến số tiền “bốc hơi” cộng dồn thành một con số không tưởng

Cảm thấy “tức”:

  • “Tui nghiên cứu kỹ lắm. Công ty này làm ăn ngon, nội tại tốt, việc giảm mạnh như vầy là vô lý”.
  • “Cái thị trường ngộ ghê, ai mua cũng ăn. Tới khi mình tham gia thì cũng ăn đấy, nhưng…ăn hành”.
  • “Cổ phiếu này bị “lái” rồi. Mua cũng không thắng đâu”. -> Người ta mua thì thắng, tới mình thì sấp mặt 🙂  

Và còn vô vàn những ví dụ khác cho cảm giác tức của NĐT. Một lý do chính dẫn tới sự bực tức này chính là tâm lý kỳ vọng. Thông thường, bất cứ ai trong chúng ta đều mong rằng mọi thứ sẽ diễn ra suôn sẻ theo đúng ý mình muốn, chúng ta lại càng kỳ vọng hơn về một diễn biến tích cực nếu đã đầu tư công sức, thời gian và tiền bạc. Nhưng cuộc sống luôn có bất ngờ. Kỳ vọng càng nhiều thì thất vọng càng nhiều.

Khi mọi thứ không diễn ra giống như chúng ta mong đợi, chúng ta sẽ rất khó chịu. Chúng ta tức vì mất tiền, vì thua lỗ, nhưng sẽ càng tức gấp 10 lần khi nhìn thấy người khác kiếm được tiền, còn mình thì không.

Cảm thấy bản thân thất bại:

Như vừa đề cập ở trên, sẽ có những lúc NĐT rơi vào tình huống thua lỗ liên tục trong nhiều thương vụ. Lúc này, tâm lý chán nản và nghi ngờ sẽ ập đến. 

Thua lỗ, mất tiền khi đầu tư: "Người thầy" thầm lặng giúp chứng sĩ trưởng thành

  • “Rõ ràng mình đã làm đúng những gì cần phải làm rồi mà, sao vẫn có thể thua lỗ được?”
  • “Tại sao cùng đầu tư như nhau, nhưng bạn mình thì phất lên, còn mình cứ mãi mất tiền?”
  • “Có lẽ rằng tôi không giỏi trong việc này”.

Có thể một số người chưa từng trải qua cảm giác này, nhưng phần đông NĐT đều đã từng bị thị trường “vả” cho sấp mặt tới nỗi chán nản muốn bỏ nghề. Nếu bạn đã từng trải qua cảm giác này mà vẫn lì đòn bám trụ với thị trường để đọc được bài viết này, thì chúc mừng, bạn thuộc top những NĐT sống sót qua những bài test tâm lý đầy khó khăn của thị trường chứng khoán.

Thua lỗ và rủi ro trong đầu tư: Một phần của cuộc chơi

Nhiều người e ngại rủi ro, một số thì muốn tìm kiếm phương pháp “không rủi ro” vì nghĩ rằng chén thánh có tồn tại. Đầu tư là một công việc không dễ vì có rất nhiều thử thách. Thế nhưng, để hiểu cho đúng về thử thách mà một NĐT phải đối mặt, chúng ta có thể minh họa qua câu nói sau:

Đầu tư chỉ có một thử thách duy nhất: TƯƠNG LAI. Và bởi vì không một ai trong chúng ta có thể biết chắc điều gì sẽ xảy ra trong tương lai, rủi ro là không thể tránh khỏi.

– Howard Marks –

Khi chúng ta biết được sự thật rằng: Rủi ro là không thể tránh khỏi khi tham gia thị trường chứng khoán, chúng ta sẽ hiểu hơn và bớt tức giận trước những lần thua lỗ. Thị trường chứng khoán luôn biến động, đôi khi thuận theo những phán đoán của NĐT, đôi khi thì không. Vậy nên, việc chúng ta mất tiền vì thua lỗ trên thị trường là điều hoàn toàn bình thường.

Hãy hiểu đúng về mối liên hệ giữa rủi ro và thua lỗ:

Theo bạn, rủi ro bao gồm những gì? Chúng ta có thể lấy ý tưởng từ những từ đồng nghĩa với nó: nguy hiểm, mạo hiểm, nguy cơ, cơn nguy. Chúng đều có chung một ý nghĩa là không ai mong muốn cả.

Còn thua lỗ thì sao? Theo Howard Marks, thua lỗ chính là hệ quả xảy ra khi rủi ro gặp phải nghịch cảnh. 

Đọc những điều này, bạn có nghĩ tới điều gì không?

Thực tế rằng, rủi ro luôn tồn tại. Sở dĩ chúng ta bị mất tiền, vì một rủi ro đã gặp phải một nghịch cảnh nào đó. Vậy để hạn chế mất tiền, ta cần tìm cách kiểm soát các yếu tố này. Vì nghịch cảnh là không thể biết trước, nên chúng ta không thể tác động vào yếu tố này để hạn chế thua lỗ. Thứ duy nhất mà NĐT có thể kiểm soát, chính là rủi ro.

Thua lỗ, mất tiền khi đầu tư: "Người thầy" thầm lặng giúp chứng sĩ trưởng thành

Không chỉ riêng người mới, ngay cả những nhà đầu tư đại tài cũng có những thua lỗ. Đối với họ, thua lỗ là một phần của quá trình đầu tư chứng khoán. Điểm khác biệt giữa họ và những NĐT khác nằm ở cách họ suy nghĩ và hành động: Thay vì chán nản, họ tiến hành phân tích lại bản thân, cố gắng xác định những rủi ro sẽ xuất hiện khi tham gia giao dịch, và học cách kiểm soát chúng.

Một sự thật thú vị: Chúng ta không thể ngăn cản việc mất tiền trên thị trường chứng khoán, nhưng chúng ta có thể kiểm soát được số tiền thua lỗ tối đa khi rủi ro gặp phải nghịch cảnh.

Các NĐT thành công đều nói rất nhiều về điều này. Lợi nhuận sẽ tiếp tục được sinh ra, nhưng thua lỗ thì không tự dừng lại. Các NĐT phải học cách xem thua lỗ là một phần của cuộc chơi, và xác định trước một hạn mức thua lỗ tối đa có thể chịu đựng. Đây chính là bí quyết để thành công trên TTCK. 

What doesn’t kill you makes you stronger!

Hai yếu tố chính để NĐT có thể rút ra từ bài viết này chính là:

  1. Chấp nhận việc mất tiền là một phần của quá trình đầu tư;
  2. Hiểu đúng về rủi ro, học cách nhận biết rủi ro và kiểm soát rủi ro khi tham gia thị trường chứng khoán.

Thua lỗ không đáng sợ. Mất tiền thì buồn đấy, nhưng điều quan trọng nhất chính là chúng ta học được gì sau những lần mất tiền?

Mỗi một thương vụ không thành công mà NĐT phải chịu đều chứa đựng một bài học giá trị mà chính NĐT đó phải bỏ tiền ra để học (đóng học phí cho thị trường). Đừng vội nản. Hãy thực hành những điều sau:

  1. “Tôi đã cố gắng rồi”: Hãy tự nhủ bản thân điều này. Chúng ta đều không hoàn hảo, nên đôi khi thất bại là không tránh được. Hãy tự an ủi bản thân, và tiếp tục cố gắng để tiến bộ hơn.
  2. Tái đánh giá lại khoản đầu tư của mình: Kinh nghiệm là người thầy tốt nhất của chúng ta. Bạn cần hiểu rõ tại sao bạn thành công, tại sao bạn gặp thất bại. Một khi tìm ra được câu trả lời, bạn sẽ trưởng thành hơn trên thị trường, chọn lọc kỹ lưỡng và tránh những giao dịch có khả năng thất bại.
  3. Làm những việc mà bạn cảm thấy thoải mái: Tạm gác việc đầu tư sang một bên nếu cảm thấy căng thẳng. Thị trường chứng khoán là một sàn đấu tâm lý vô cùng áp lực, mà kẻ thù lớn nhất của NĐT chính là bản thân họ. Sẽ là ổn nếu NĐT chọn cách nghỉ ngơi khi mất đi sự tự tin, và trở lại khi cảm thấy sẵn sàng. Đừng lo, thị trường luôn có cơ hội.

Cuối cùng, đầu tư thành công có thể được ví như một hành trình. Không phải lợi nhuận, chính sự trưởng thành theo thời gian sẽ là phần thưởng quý giá nhất cho sự nỗ lực của NĐT ngày hôm nay. 

Happy Live Team.

Có thể bạn quan tâm

Tủ sách Tinh hoa chứng khoán toàn tập

Tủ sách Tinh hoa Chứng khoán toàn tập 2021

ĐẶT SÁCH NGAY

Các viết cùng chủ đề