Tiết kiệm, đầu tư hay lên kế hoạch nghỉ hưu sớm là ưu tiên tài chính hàng đầu?
Có rất nhiều lời khuyên tài chính khác nhau nhưng điều mà đa số mọi người quan tâm là không biết nên tập trung vào tiết kiệm, đầu tư hay chuẩn bị cho kế hoạch nghỉ hưu từ sớm?
Trước đây, mọi người thường cho rằng việc lập kế hoạch tài chính chủ yếu liên quan đến những doanh nghiệp lớn và người giàu có. Tuy nhiên, trên thực tế thì hầu như bất kì ai trong chúng ta cũng đã hoặc đang thực hiện các quyết định tài chính khác nhau.
Lập kế hoạch không phải là nhìn thấy trước tương lai chính xác, mà là chuẩn bị cho nó, đối với tài chính và quản lí tiền bạc cũng vậy, theo bài phân tích trên Financeblogzone.
Kế hoạch tài chính là gì? Vì sao các cá nhân cần nó?
Kế hoạch Tài chính là một quá trình xác định các cơ hội khác nhau để kiếm tiền, tiết kiệm và tối ưu hóa chi tiêu của bạn. Nó cũng phân chia khoản tiền bạn có cho các mục đích khác nhau, từ việc kiếm được bao nhiêu đến đầu tư vào đâu và cần cân đối chi tiêu thế nào để đạt được mục tiêu tài chính.
Có thể nói, tất cả mọi người đều có danh sách những điều muốn đạt được, muốn thực hiện được trong tương lai. Nếu không có kế hoạch tài chính phù hợp thì rất có thể những danh sách đó sẽ mãi chỉ nằm trên giấy, không thể thực hiện được.
Dĩ nhiên, lập kế hoạch tài chính cũng sẽ không khiến bạn trở nên giàu có chỉ trong một sớm một chiều nhưng nếu bạn thực hành nó liên tục, điều này sẽ giảm bớt căng thẳng về tài chính, hỗ trợ nhu cầu hiện tại và chuẩn bị sẵn sàng khi bạn về hưu.
Phân tích tình trạng tài chính hiện tại cũng được xem là nền tảng của việc lập kế hoạch tài chính. Bạn không cần phải băn khoăn nên tiết kiệm, đầu tư hay chuẩn bị kế hoạch nghỉ hưu sớm mà thay vào đó, hãy cân nhắc làm tất cả những việc đó cùng lúc.
Những quyết định tài chính tốt nhất
1. Xây dựng thói quen tiết kiệm và đầu tư
Bạn có quá nhiều khoản phải chi và cảm thấy không có “thừa” để mà tiết kiệm? Quan điểm này chỉ cho thấy bạn không có thói quen tiết kiệm lành mạnh mà thôi. Rõ ràng, tiết kiệm tiền là một việc khó khăn và mọi người thường “vung tay quá trán” ngay cả khi không có thu nhập cao. Vì sao ư? Đó là vì bạn không có mục tiêu tài chính cụ thể. Điều này dẫn đến việc bạn sẽ rất khó để duy trì kế hoạch và cảm hứng vì không rõ mình tiết kiệm để làm gì.
Các cố vấn tài chính khuyên rằng bạn nên tạo ra các mục tiêu có thể đạt được khi để tiết kiệm, ví dụ như để mua xe, mua nhà hay đơn giản hơn là đi du lịch. Bạn chỉ cần bắt đầu bằng cách thiết lập các khoản tiết kiệm hoặc đầu tư tự động trực tiếp từ tài khoản lương của mình. Điều này sẽ giúp bạn hình thành thói quen tiết kiệm tốt.
Bạn cũng nên nhớ rằng, cắt giảm các khoản chi không cần thiết để tiết kiệm là chưa đủ, bạn còn phải cố gắng tìm ra giải pháp thay thế để quản lí tài chính cá nhân hiệu quả hơn. Khi tiền chi tiêu hàng tháng của bạn bị tăng vọt, hãy cố gắng không tiếp tục bội chi, thay vào đó hãy cố gắng sống với mức thu nhập cố định và tăng tiền đầu tư.
2. Quản lí các khoản nợ của bạn một cách khôn ngoan
Không có gì sai khi sử dụng thẻ tín dụng hoặc vay nợ cho các mục đích rõ ràng. Bạn có thể sử dụng khoản tiền vay đó cho các nhu cầu cơ bản, y tế hoặc một khoản mua lớn như đất đai, nhà cửa, ô tô, v.v. Vấn đề là bạn nên quản lí các khoản nợ thật khôn ngoan để không bị vướng vào những khoản thanh toán lãi suất cao.
Khoản nợ của bạn không được phép nhiều hơn 20% thu nhập ròng của bạn, ở đây đề cập đến các khoản thanh toán bằng thẻ tín dụng, khoản vay mua ô tô, khoản vay sinh viên chứ không tính tiền thuê nhà hay mua hàng hóa tiêu dùng.
Để thanh toán các khoản phí của bạn một cách nhất quán, hãy xem kĩ thói quen chi tiêu và phân tích những điều chỉnh có thể được thực hiện đối với thu nhập hoặc chi phí để có thể để dành tiền trả nợ.
Giải pháp tài chính này tập trung vào việc xóa các khoản nợ lãi cao, đồng thời thanh toán các khoản nợ tối thiểu khác. Điều này sẽ giúp bạn thoát khỏi tình trạng rối bời khi phải vay tiền nhiều lần.
3. Lên kế hoạch nghỉ hưu
Nghỉ hưu nên là khoảng thời gian thanh nhàn nhất của một người, không có căng thẳng liên quan đến tiền bạc vì sau nhiều năm làm việc vất vả, bạn xứng đáng được nghỉ ngơi. Để có những ngày tháng dễ dàng sau này, bạn cần bắt đầu lập kế hoạch tài chính ngay từ bây giờ cho đến thời điểm nghỉ hưu thực sự.
Điều cần thiết là bạn phải cho mình cơ hội tốt nhất để có một tương lai an toàn. Lập kế hoạch tài chính cho việc nghỉ hưu sẽ cho bạn quyền tự do quyết định cách thức và thời điểm bạn sẽ nghỉ hưu.
Các quĩ hưu trí nên được gộp chung vào các lựa chọn đầu tư dài hạn, theo đó quĩ của bạn sẽ tích lũy và phát triển theo thời gian, mang đến một khoản lợi nhuận đủ để bạn sống thoải mái khi về già.
Happy Live Team
Nguồn: Vietnambiz
Có thể bạn quan tâm: 101 Lời khuyên tài chính cá nhân từ Thái Phạm
Từng bước xây dựng tương lai tài chính của bạn và gia đình thịnh vượng, bền vững