Tổng quan về nền giá – Mối liên hệ của các chu kỳ thị trường với các nền giá và Cách đếm nền giá
Mỗi nền giá đều cần xem xét cẩn trọng vì đó là nơi cổ phiếu thường “nghỉ xả hơi” trước khi tiếp tục leo dốc, cổ phiếu sử dụng nền giá như bàn đạp để leo lên cao hơn trong cuộc hành trình tăng giá trên biểu đồ.
NỀN GIÁ LÀ GÌ?
Trong quá trình cổ phiếu tăng giá, nó có thể định kỳ điều chỉnh để hình thành các vùng giá tích luỹ củng cố – còn được gọi là các nền giá (bases) hay các mẫu hình biểu đồ (chart patterns). Điều đó xảy ra khi có một số lượng lớn các nhà đầu tư bán ra để chốt lãi sau một đợt chạy giá của cổ phiếu.
Mỗi nền giá đều cần xem xét cẩn trọng vì đó là nơi cổ phiếu thường “nghỉ xả hơi” trước khi tiếp tục leo dốc, cổ phiếu sử dụng nền giá như bàn đạp để leo lên cao hơn trong cuộc hành trình tăng giá trên biểu đồ.
Nền giá là tiền đề cho bước tiến lớn tiếp theo của một cổ phiếu chiến thắng. Chúng giống như những bước đệm – khu vực nghỉ ngơi, là nơi cổ phiếu tạm dừng sau đợt tăng giá vài tuần hoặc vài tháng. Nền giá là cơ hội để cổ phiếu khôi phục sức mạnh và khởi động giai đoạn leo dốc tiếp theo.
Hình bên là ví dụ đơn giản về nền giá.
SỬ DỤNG NỀN GIÁ ĐỂ GIẢM THIỂU RỦI RO, TỐI ƯU LỢI NHUẬN
Các nền giá và các điểm mua của chúng giúp bạn xác định thời điểm tốt nhất để nhảy vào một cổ phiếu. Hãy nghĩ về các mẫu hình biểu đồ như một bệ phóng: Nó là điểm khởi đầu bước tiến lớn tiếp theo của cổ phiếu. Cổ phiếu thoát khỏi một đợt suy giảm trước đó, tìm thấy một “mức sàn” hỗ trợ, sau đó phá vỡ xuyên qua “mức trần” kháng cự trước đây. Đó là tín hiểu của sức mạnh và là chỉ báo cho thấy một đợt leo dốc mới đã bắt đầu. Bằng cách chờ đợi những điều này xảy ra trước khi mua, bạn sẽ giảm thiểu được rủi ro và vẫn gặt hái được những món lợi nhuận lớn.
CÁC PHẦN CỦA NỀN GIÁ
Mặt bên trái của nền giá: bán tháo
Nền giá bắt đầu hính thành sau khi cổ phiếu leo dốc lên cao hơn trong một thời gian, thường là một vài tuần hoặc một vài tháng, sau đó bắt đầu suy giảm, thường là do các nhà quản lý quỹ và các nhà đầu tư tổ chức khác đang bán chốt khoản lãi họ kiếm được trong đợt chạy giá trước đó. Đợt suy giảm này thường xảy ra khi thị trường chung bắt đầu trượt vào một xu hướng giảm. Sự bán tháo tạo ra mặt bên trái của mẫu hình.
Đáy của nền giá: là “mức sàn” hỗ trợ, hình thành khi lực bán giảm đi
“Máu ngưng chảy” và đáy nền giá bắt đầu hình thành vì các nhà đầu tư lớn ngừng hành động bán mạnh và bắt đầu mua lại. Nhưng ở thời điểm này, vẫn còn quá sớm để biết liệu cổ phiếu đã thực sự lấy lại được sức mạnh hay sẽ còn tiếp tục cắm đầu giảm xuống thấp hơn nữa.
Mặt phải của nền giá: Tổ chức quay lại mua cổ phiếu
Mặt phải của nền giá được hình thành khi các nhà đầu tư lớn bắt đầu múc lại. Hành động này đẩy giá cổ phiếu lên cao hơn và tiến gần hơn đến vùng kiểm tra quan trọng tiếp theo, đó chính là điểm mua lý tưởng hay vùng kháng cự trước đó. Nhưng hãy kiên nhẫn và đừng dự đoán cái gì sẽ xảy ra tiếp theo. Hãy cho cổ phiếu tự chứng minh khí phách của mình bằng cách phá vỡ điểm mua với khối lượng lớn.
Điểm mua: Là điểm phá vỡ “mức trần” hay mức kháng cự trước đó
Điểm mua lý tưởng của một mẫu biểu đồ là khi cổ phiếu vượt qua vùng kháng cự trước đó. Hãy chắc chắn rằng cổ phiếu có thể khoan thủng qua mức trần đó với khối lượng lớn trước khi đầu tư. Điều này làm giảm đáng kể rủi ro mà vẫn gặt hái được lợi nhuận lớn.
Hãy tìm kiếm các cổ phiếu đang ở vùng đỉnh mới
Như chúng ta đã thấy trước đây, Chữ “N” trong CANSLIM là viết tắt của một sản phẩm mới hoặc một xu hướng công nghiệp mới, nhưng nó cũng đề cập đến đỉnh giá mới trong vòng 52 tuần. Đối với mỗi một trong số các mẫu hình – Cốc tay cầm, hai đáy và nền giá phẳng – có một yêu cầu then chốt là cổ phiếu phải đang ở hoặc phải ở gần đỉnh mới khi nó break out. (Xem ví dụ về Điểm mua ở trên. Lưu ý điểm mua và điểm phá vỡ là ở vùng đỉnh mới). Đó là dấu hiệu của sức mạnh, và cũng là lời nhắc quan trọng về thực tế lịch sử thị trường:
- Cổ phiếu đạt đỉnh mới có xu hướng tiếp tục tăng lên cao hơn.
- Cổ phiếu giảm xuống mức đáy mới có xu hướng tiếp tục giảm xuống thấp hơn.
Vì vậy, hãy tránh xa những cổ phiếu có xu hướng giảm và đang mò đáy mới. Thay vào đó, hãy tập trung vào các cổ phiếu thể hiện sức mạnh, là những cổ phiếu đang leo lên vùng đỉnh mới và đang phá vỡ các mô hình biểu đồ vững chắc.
Tại sao không mua ở đáy của nền giá?
Khi một việc đã xảy ra rồi thì đọc kết quả là việc quá dễ dàng, nhưng dự đoán tương lai mới khó. Sau khi cổ phiếu đã hoàn thành mẫu hình rồi, thật dễ dàng khi nói bạn sẽ kiếm được nhiều tiền hơn bằng cách mua ở đáy của nền giá. Nhưng khi mô hình đang hình thành, còn quá sớm để biết liệu xu hướng đã thực sự thay đổi hay cổ phiếu sẽ tiếp tục xuống thấp hơn nữa. Nếu cố gắng mua trước khi mẫu hình hoàn thiện, bạn sẽ gặp rủi ro không cần thiết. Thay vào đó, hãy chờ cho cổ phiếu hoàn thành và phá vỡ nền giá với khối lượng lớn. Điều đó làm giảm đáng kể rủi ro mà vẫn kiếm được những món lợi nhuận lớn.
Quản lí kì vọng
Đầu tư thành công phải bắt đầu bằng việc giữ cho tỷ lệ đặt cược có lợi cho mình. Qua nhiều năm, lịch sử cho thấy cách tốt nhất để thực hiện điều đó là mua các cổ phiếu có yếu tố cơ bản mạnh mẽ khi chúng thoát ra khỏi mô hình biểu đồ thích hợp trong xu hướng tăng của thị trường. Phương pháp này giúp bạn giảm đáng kể rủi ro đồng thời gia tăng lợi nhuận đều đặn. Mua cổ phiếu không có các đặc điểm cơ bản mạnh mẽ thì hiệu quả sẽ thấp và bạn có thể phải cắt lỗ rất nhiều lần.
Nhưng có một chìa khóa khác để đầu tư thành công là quản lý kỳ vọng. Hãy hiểu rằng không phải tất cả các nền giá đều dẫn đến lợi nhuận lớn. Đôi khi cổ phiếu phá vỡ nền giá, sau đó đảo chiều và lại cắm đầu lao xuống thấp hơn. Đó là lý do tại sao bạn phải luôn tuân theo các quy tắc bán nếu giao dịch không diễn ra theo kế hoạch. Tuân thủ và giữ kỷ luật là chìa khóa để đạt được thành công lâu dài: Hãy sử dụng các mẫu biểu đồ để mua đúng lúc và sử dụng các quy tắc phòng thủ để vừa chốt lãi vừa bảo vệ danh mục đầu tư của bạn.
Mối liên hệ của các chu kỳ thị trường với các nền giá và Cách đếm nền giá
Để hiểu khi nào và tại sao các nền giá xuất hiện và cách kiếm lời từ chúng, bạn cần nhận ra chúng gắn chặt với các chu kỳ của thị trường chung như thế nào.
Hầu hết các nền giá hình thành trong quá trình thị trường điều chỉnh
Như chúng ta đã thấy trong phần Hướng dẫn xác định xu hướng thị trường, khi thị trường chung rơi vào một đợt điều chỉnh, sẽ có 3 trong số 4 cổ phiếu giảm theo. Vì vậy, khi thị trường từ xu hướng tăng chuyển sang xu hướng giảm, đó là khi hầu hết các cổ phiếu quay đầu kéo ngược trở lại để hình thành nền giá mới.
Mẹo: Hầu hết các cổ phiếu bắt đầu hình thành nền giá mới sau khi tăng 20% đến 25% so với điểm mua của mẫu hình trước đó. Và điều đó thường xảy ra trùng với thời điểm xu hướng tăng của thị trường chung bắt đầu chuyển sang giai đoạn điều chỉnh. Đó là lý do tại sao việc tuân thủ quy tắc bán chốt lãi 20% đến 25% có thể giúp bạn chốt lời trước khi cổ phiếu bắt đầu bị bán tháo và hình thành một mẫu hình biểu đồ mới.
Nền giá phản ánh độ sâu và độ dài của xu hướng giảm trên thị trường chung
Nếu sự điều chỉnh tổng thể của thị trường là ngắn và nông, bạn sẽ thấy rất nhiều nền giá ngắn và nông tương tự giữa các cổ phiếu hàng đầu. Trong thời gian giảm trung hạn trên thị trường chung, các cổ phiếu tăng trưởng thường hình thành những “giá đỡ” có giá trị bằng 1,5 đến 2,5 lần mức trung bình của thị trường. Và trong một đợt điều chỉnh nghiêm trọng hơn, kéo dài và sâu, các mẫu hình mà cổ phiếu riêng lẻ hình thành sẽ phản ánh hành động đó.
Vì vậy, không có gì lạ khi chứng kiến một cổ phiếu xây dựng nền giá dài và sâu trong một đợt thị trường điều chỉnh dốc. Nhưng nếu một cổ phiếu hình thành nền giá dài và sâu trong thời kỳ thị trường chung điều chỉnh với mức độ nhẹ hơn nhiều thì hãy cẩn thận. Điều đó thường cho thấy có gì đó không ổn với bản thân cổ phiếu và việc nó bị bán ra mạnh như thế không chỉ đơn thuần là một phản ứng bình thường do sự suy yếu trên thị trường chung.
Cổ phiếu tốt nhất sẽ phá vỡ thoát khỏi nền giá khi xu hướng thị trường mới vừa bắt đầu
Khi thị trường phục hồi, chu kỳ mới lại bắt đầu: Cổ phiếu thoát ra khỏi nền giá chúng đã hình thành trong quá trình điều chỉnh vừa qua và tăng lên cao hơn.
Để Mua được Cổ Phiếu Vào Đúng Thời Điểm, hãy hành động đồng Bộ Với Chu Kỳ Thị Trường
Khoản tiền lớn được tạo ra trong giai đoạn đầu của một xu hướng tăng mới. Và để nắm bắt được những mức tăng đó, bạn cần phải làm bài tập về nhà trong quá trình sự điều chỉnh đang diễn ra và xác định các cổ phiếu đang hình thành nền giá báo hiệu trước một động thái tăng giá mới.
Cách đếm nền giá và tại sao nên đếm nền giá?
Bạn nên theo dõi số lượng nền giá mà một cổ phiếu đã hình thành trong suốt giai đoạn chạy giá hiện nay của nó. Theo nguyên tắc chung, hãy cố gắng mua những cổ phiếu đang phá vỡ thoát khỏi nền giá thứ nhất hoặc thứ hai trong quá trình chạy giá của chúng. Các nền giá ở giai đoạn cuối thì rủi ro cao hơn. Nền giá giai đoạn cuối nghĩa là nền giá số 3 hoặc cao hơn nữa.
Tại sao việc phát hiện nền giá giai đoạn cuối lại quan trọng?
Sau khi hình thành nền giá thứ ba hoặc thứ tư, hầu hết các cổ phiếu tăng trưởng không thể tăng thêm nữa. Những gì thường xảy ra sau đó là một đường trượt dài và dốc. Sau khi một cổ phiếu đã tăng giá rất nhiều mà không có sự điều chỉnh lớn, khả năng cao hơn là các nhà đầu tư tổ chức sẽ chốt lãi và đẩy giá xuống làm giá sụt giảm nghiêm trọng.
Vào thời điểm một cổ phiếu hình thành nền giá ở giai đoạn cuối, nó thường được đông đảo các nhà đầu tư biết đến và bị thiếu hụt lực mua mới. Ngoài ra, nền giá giai đoạn cuối có xu hướng biến động giá không ổn định, bị bán mạnh hoặc các thiếu sót khác. Qua đó biểu đồ cho bạn biết rằng các cơ hội mua tốt nhất đã không còn.
Các mẫu hình hình giai đoạn cuối vẫn có thể hoạt động và đôi khi dẫn đến lợi nhuận tốt, nhưng bạn nên hiểu rằng chúng có rủi ro cao hơn. Nếu bạn mua một cổ phiếu trong giai đoạn phá vỡ ở giai đoạn cuối, hãy đảm bảo sẵn sàng cắt lỗ nhanh chóng nếu cổ phiếu không đạt được động lực như mong đợi và bắt đầu cắm đầu đi xuống.
Đếm các nền giá là việc không khó, chỉ cần một chút ví dụ thực hành, bạn sẽ hiểu được nó.
Để đếm số lượng nền giá mà một cổ phiếu đã hình thành, hãy xem biểu đồ tuần
Nói chung, không đếm nền giá đối với cổ phiếu cho đến khi EPS và doanh thu hàng quý của công ty bắt đầu tăng trưởng ít nhất 25%. Mỗi nền giá phải cao hơn điểm mua của nền giá trước đó ít nhất 20%.
Nếu một cổ phiếu tăng giá ít hơn 20%, sau đó hình thành một nền giá khác, tất cả được tính hợp nhất là một nền, và được gọi là nền giá chồng nền giá. Điểm mua được tính từ mẫu hình hiện tại, gần đây nhất.
Thị trường gấu làm tính lại số lượng nền giá về 0 cho tất cả các cổ phiếu, dọn đường cho một thị trường tăng giá mới. Vì vậy, hãy bắt đầu đếm với lần đột phá đầu tiên từ một nền giá sau khi thị trường giá xuống kết thúc.
Một cổ phiếu cũng sẽ được đếm lại số lượng nền giá nếu giá của nó giảm quá sâu đến mức cắt xuống bên dưới điểm thấp nhất của nền giá trước đó.
Nhìn tổng thể vòng đời của một cổ phiếu sẽ có dạng như hình bên dưới. Nhìn được bức tranh lớn về vòng đời của cổ phiếu sẽ giúp nhà đầu tư dám mua lớn ở đoạn khởi đầu của nền giá, tránh hiện tượng mới chớm tăng thì mua ít, tăng mạnh chuẩn bị đật đỉnh ngắn hạn và vào điều chỉnh tạo nền mới thì lại mua thêm nhiều, không hiệu quả