Trì hoãn – Phần 1: Tại sao những người trì hoãn lại thích trì hoãn vậy?
Lời người dịch: Bài viết này của tác giả Tim Urban, bản gốc đăng trên waitbutwhy. Khi dịch, tôi cố gắng giữ lại nội dung gốc của tác giả một cách nhiều nhất có thể, tuy nhiên vẫn có một số chỉnh sửa nhỏ nhằm tạo cảm giác thân thuộc cho người đọc và phù hợp với văn hóa Việt Nam. Một số đoạn mà tôi thấy rườm rà, không cần thiết đã bị cắt bỏ. Bài này là bài đầu tiên trong loạt 4 bài viết về “trì hoãn” của tác giả. Mỗi bài viết trong loạt bài này đều khá dài, tôi không chắc có vượt qua được sự trì hoãn để dịch hết cả 4 bài hay không. Nếu phần 1 này có nhiều lượt đọc, tôi sẽ hăng hái bắt tay vào dịch phần 2. Còn không, có lẽ tôi sẽ tạm hoãn công việc khó khăn này lại để dành thời gian viết hoặc dịch những bài đơn giản và đỡ tốn công hơn!
******************************************
Trì hoãn là từ dùng để chỉ một thói quen hoặc một xu hướng tâm lý không muốn bắt tay vào làm một công việc cần làm ngay mà muốn kéo dài, hoãn lại đến một khoảng thời gian sau mới thực hiện.
Người ta vẫn thường hay khuyên bảo nhau là: “Đừng trì hoãn!”
“Đừng trì hoãn!” – một lời khuyên thanh lịch trong sự đơn giản của nó.
Trong khi chúng ta đang ở đây, hãy chắc chắn rằng những người mất ngủ đừng thao thức cả đêm, những người trầm cảm đừng nên buồn phiền, và ai đó làm ơn nói với những con cá voi mắc cạn rằng chúng đừng nên ra khỏi đại dương.
Không, “đừng trì hoãn” chỉ là một lời khuyên tốt cho những người trì-hoãn-giả, những người thường nói đại loại như “Tôi lướt Facebook vài lần tại nơi làm việc, tôi đúng là một người trì hoãn!”. Cũng chính người trì-hoãn-giả đó sẽ nói với người trì-hoãn-thật rằng “Chỉ cần không trì hoãn nữa và bạn sẽ ổn thôi!”
Những người trì-hoãn-giả sẽ không hiểu được rằng: đối với những người trì-hoãn-thật thì trì hoãn không phải là một lựa chọn, họ không biết làm cách nào để “đừng trì hoãn”.
Ở trường Đại học, sự tự do cá nhân được giải phóng một cách đột ngột thật đúng là một thảm họa đối với tôi. Tôi đã không làm bất cứ điều gì vì bất cứ lý do nào. Một ngoại lệ duy nhất là tôi phải nộp bài tập đúng thời hạn. Tôi thường chỉ bắt đầu làm bài vào đêm hôm trước ngày nộp bài, cho đến khi tôi nhận ra rằng tôi có thể làm bài vào sáng sớm hôm sau. Hành vi này đã đạt đến mức độ lố bịch khi tôi không thể bắt đầu viết luận án tốt nghiệp dài 90 trang của tôi mãi cho đến thời điểm 72 giờ trước hạn chót. Và kết quả của trải nghiệm này là tôi phải nằm ở phòng y tế của trường trong tình trạng hạ đường huyết. May mắn là tôi đã hoàn thành luận án, nhưng nó không được tốt.
Thậm chí bài viết này mất nhiều thời gian hơn so với nó cần phải mất. Bởi vì tôi đã tiêu tốn vài giờ để làm những việc vô bổ như nhìn vào hình ảnh của chú khỉ đột (Gorilla) này (ảnh bên dưới). Tôi nghĩ rằng nó có thể đánh bại tôi trong một cuộc chiến, và sau đó tôi lại tự hỏi liệu nó có thể đánh bại một con hổ. Sau đó tôi lại tự hỏi ai sẽ chiến thắng trong một cuộc chiến giữa sư tử và hổ. Sau đó tôi google và đọc về nó trong một khoảng thời gian (Kết quả: trong hầu hết các trường hợp, con hổ sẽ chiến thắng con sư tử). Tôi có vấn đề!
Để hiểu rõ vì sao một người trì hoãn lại trì hoãn nhiều đến thế, chúng ta hãy cùng bắt đầu bằng cách tìm hiểu bộ não của một người không trì hoãn.
Khá bình thường, đúng không? Nào, bây giờ chúng ta hãy cùng nhìn vào bộ não của một người trì hoãn.
Bạn có để ý thấy điều khác biệt chưa?
Có vẻ như “Kẻ ra quyết định hợp lý” trong não của người trì hoãn đang cùng tồn tại với một con vật cưng – “Con khỉ thỏa mãn tức thì”.
Điều này khá dễ thương, với điều kiện “Kẻ ra quyết định hợp lý” phải có hiểu biết về việc làm thế nào để sở hữu một con khỉ. Thật không may, anh ta dường như không được đào tạo trong lĩnh vực này, thậm chí anh ta còn hoàn toàn bất lực khi con khỉ quấy rối không cho anh ta làm công việc của mình.
Thực tế là, “con khỉ thỏa mãn tức thì” là sinh vật cuối cùng phải chịu trách nhiệm về các quyết định. Nó chỉ nghĩ về hiện tại, bỏ qua các bài học trong quá khứ và hoàn toàn không một chút bận tâm đến tương lai. Điều duy nhất mà nó quan tâm là tối đa hóa niềm vui và sự thỏa mãn ở thời điểm hiện tại. Nó không hiểu “kẻ ra quyết định hợp lý” cũng giống như “kẻ ra quyết định hợp lý” không hiểu nó. Con khỉ nghĩ rằng nếu dừng lại mang đến cảm giác tốt hơn, vậy thì hãy dừng lại. Tại sao phải làm những việc không mang lại niềm vui? Tại sao chúng ta phải sử dụng máy vi tính cho công việc trong khi Internet là ngay ở đó với đầy trò vui? Nó cho rằng con người thật là điên.
Trong thế giới của loài khỉ, nó cho rằng mọi thứ đã được tìm ra. Nếu bạn ăn khi đói, ngủ khi mệt và không làm bất cứ điều gì khó khăn, bạn là một con khỉ khá thành công. Vấn đề với người trì hoãn là anh ta sống trong thế giới của loài người, anh ta không thể sống với tiêu chuẩn quá thấp của “con khỉ thỏa mãn tức thì”. Trong khi đó, “kẻ ra quyết định hợp lý”-người vốn được đào tạo để đưa ra các quyết định hợp lý lại không thể đối phó với sự cạnh tranh của con khỉ trên bàn điều khiển, không biết làm thế nào để chiến đấu với con khỉ. Anh ta chỉ càng ngày càng cảm thấy bản thân mình tồi tệ hơn, và anh ta càng thấy bại thì người trì hoãn lại càng đau khổ và mắng mỏ anh ta thậm tệ.
Đó quả thật là một mớ hỗn độn. Con khỉ phụ trách mọi thứ, và người trì hoãn thấy mình đang chi tiêu rất nhiều thời gian trong một nơi được gọi là “sân chơi đen tối”.
“Sân chơi đen tối” là nơi mà mỗi người trì hoãn đều biết rõ. Đó là nơi mà các hoạt động giải trí xảy ra vào những thời điểm mà đáng lẽ chúng không nên xảy ra. Những niềm vui mà bạn có trong “sân chơi đen tối” không thật sự thú vị bởi vì bạn không bao giờ có thể tận hưởng nó. Không khí trong sân chơi phủ đầy cảm giác tội lỗi, lo lắng, tự hận thù và sợ hãi. Đôi khi “kẻ ra quyết định hợp lý” quyết định bước chân ra khỏi “sân chơi đen tối” và không muốn lãng phí thời gian cho những trò giải trí vô bổ. Và tất nhiên lúc ấy “con khỉ thỏa mãn tức thì” sẽ không để yên cho bạn làm việc, nó sẽ tìm mọi cách để quấy rầy bạn. Bạn thấy chính mình như đang ở trong một địa ngục kỳ quái của những hoạt động kỳ lạ mà ở đó tất cả mọi người đều là kẻ thua cuộc.
Với tất cả những khó khăn này, làm thế nào mà những người trì hoãn có thể sống sót?
Hóa ra, có một thứ có thể khiến cho “con khỉ thỏa mãn tức thì” sợ khiếp đi.
“Quái vật hoảng loạn” thường không hoạt động trong hầu hết thời gian. Tuy nhiên anh ta sẽ đột nhiên tỉnh dậy khi một hạn chót đã quá gần (deadline thúc đít), khi xuất hiện nguy hiểm hoặc một thảm họa sự nghiệp, hoặc một số hậu quả khác.
“Con khỉ thỏa mãn tức thì” bình thường không thể lay chuyển được, nhưng lúc này nó cực kỳ sợ hãi “quái vật hoảng loạn”. Còn cách nào khác để bạn có thể giải thích một người không thể viết một câu mở đầu cho một bài báo trong vòng 2 tuần nhưng đột nhiên lại có thể thức nguyên đêm và viết tới 8 trang?
Và đó là những người trì hoãn may mắn. Một số người thậm chí còn không đáp ứng “quái vật hoảng loạn”, và trong giây phút hoảng loạn nhất, họ thậm chí chạy lên cây cùng với con khỉ, bước vào trạng thái tắt máy tự hủy diệt.
Có thể bạn cũng nằm trong số những người trì hoãn không may đó!
Những người trì hoãn là những người đầy đau khổ, dưới đây là 3 lý do vì sao:
1.Nó thì khó chịu: Có quá nhiều thời giờ quý báu đã bị lãng phí cho sự cực nhọc trong “sân chơi đen tối”. Thời gian đó đáng lẽ có thể được chi tiêu cho việc tận hưởng niềm vui và giải trí có ích nếu như nó đã được thực hiện theo một lịch trình hợp lý hơn. Và hoảng loạn không phải là niềm vui cho bất cứ ai.
2.Những người trì hoãn tự bán mình với giá rẻ: Anh ta kết thúc với những kết quả kém cỏi và không phát huy được hết tiềm năng của mình. Thời gian bị lãng phí và anh ta bị lấp đầy với sự tiếc nuối và tự ghê tởm.
3.Những-việc-phải-làm có thể xảy ra, nhưng không phải là những-việc-muốn-làm: Thậm chí nếu người trì hoãn có con “quái vật hoảng loạn” hiện diện thường xuyên và giúp anh ta hoàn thành công việc, anh ta vẫn sẽ bỏ lỡ những điều tuyệt với khác trong cuộc sống như tập thể hình, nấu ăn, tập chơi guitar, viết một cuốn sách hay thậm chí bắt đầu tự kinh doanh và tạo lập một sự nghiệp cho riêng mình. Những người trì hoãn bỏ lỡ mất cơ hội để mở rộng kinh nghiệm sống, làm cho cuộc sống trở nên phong phú và hạnh phúc hơn.
Tuy nhiên, tới đây vẫn chưa phải là kết thúc. Làm cách nào để một người trì hoãn có thể cải thiện chính mình và trở nên hạnh phúc hơn? Hãy đọc tiếp phần 2: Làm cách nào để đánh bại sự trì hoãn.
Ảnh trên: Khỉ thỏa mãn tức thì và Quái vật hoảng loạn nhồi bông. Trong khi chúng đang hủy hoại cuộc đời của bạn, bạn cũng có thể ôm chúng!
Xem thêm Trì hoãn – phần 2: Làm thế nào để vượt qua trì hoãn?
Theo Waitbutwhy (Tim Urban)
Biên dịch và Việt hóa: Woody Übermensch – Ohay TV
Có thể bạn quan tâm: Bộ sách Thay thói quen – Đổi vận mệnh