Triết lý giúp Steve Jobs giúp xây dựng công ty nghìn tỷ USD, bất cứ ai làm chủ doanh nghiệp cũng nên học hỏi
Steve Jobs là một người thẳng như ruột ngựa, khó hài lòng và không phải lúc nào cũng vui vẻ, nhưng có một điều mà chúng ta không bao giờ có thể tước đoạt được ở ông: Khi ông sai, ông có thể thay đổi suy nghĩ một cách đáng kinh ngạc.
Năm 1992, Apple phát hành một ứng dụng mã nguồn mở cho văn phòng, OpenDoc với hy vọng các lập trình viên sẽ xây dựng các công cụ để người dùng làm việc tốt hơn trên các hệ thống. Thật không may, nó rất phức tạp, tải chậm và các tệp quá lớn. Điều này đối lập với triết lý của Apple về trải nghiệm người dùng mượt mà và vì vậy Steve đã hủy nó.
Năm 2007, khi Steve lần đầu tiên công bố iPhone, không có ứng dụng của bên thứ ba nào được phép xuất hiện trong App Store – Apple sẽ tự xây dựng tất cả. Một năm sau, Jobs hoàn toàn thay đổi quan điểm, ông nói rằng các ứng dụng của bên thứ ba sẽ là chìa khóa thành công của iPhone. Ông ấy đã đúng. Apple không bao giờ có thể tự mình tạo ra 2,2 triệu ứng dụng. Việc này thu lại lợi nhuận hơn nhiều.
Ngay cả một khách hàng cũng có thể thay đổi suy nghĩ của Steve: Trong một lần trao đổi email công khai, một người đàn ông đã phàn nàn về việc ứng dụng truyện tranh châm biếm đoạt giải Pulitzer bị xóa khỏi cửa hàng. Steve nói: “Đó là một sai lầm. [Nó] sẽ có mặt trong cửa hàng trong thời gian ngắn. ” Một vài ngày sau, nó đã xuất hiện trở lại.
Steve Jobs rất khó tính, nhưng miễn là ý tưởng hay, của bất kỳ ai, đều có thể thay đổi suy nghĩ của Steve.
Mặc dù đây là một kỹ năng đáng khen ngợi, nhưng đây không phải là đặc điểm mà chỉ có thiên tài mới có được, bất cứ ai cũng có thể rèn luyện kỹ năng này. Đó là triết lý trọng tâm của Apple, và đó là lý do nó trở thành công ty giá trị nhất trong thế giới.
Bất kỳ ai cũng có thể nắm bắt triết lý này và bất kỳ ai cũng có thể xây dựng công ty của mình xung quanh nó. Tuy nhiên, nếu bạn không làm vậy, công ty của bạn khó có thể để lại dấu ấn lớn trên thế giới. Nó sẽ không bao giờ, như Steve đã nói, “tạo ra một vết lõm trong vũ trụ.”
Rất may, Steve đã từng giải thích rất rõ về triết lý này.
“Một sự thay đổi là tất cả”
Năm 1991, Steve Jobs đã được phỏng vấn cho một bộ phim tài liệu về Joseph Juran, một kỹ sư và nhà truyền bá đầu tiên về quản lý chất lượng. Juran đã một vài lần đến thăm NeXT, công ty mà Steve điều hành vào thời điểm đó với tư cách là nhà tư vấn.
Phóng viên hỏi Steve rằng ông ấy đã thay đổi gì nhờ lời khuyên của Juran và câu trả lời của Steve không chỉ mang tính khai sáng mà còn là một “lời tiên tri” về những gì sẽ xảy ra khi ông ấy trở lại Apple:
Hầu hết các công ty, nếu bạn là người mới và bạn hỏi “Tại sao nó được làm theo cách này vậy?” thì câu trả lời là, “Bởi vì đó là cách chúng tôi làm ở đây” hoặc “Bởi vì đó giờ chúng tôi làm như vậy.”
Theo tôi, đóng góp lớn nhất cho chất lượng là tiếp cận những “cách làm việc” này một cách khoa học, có lý thuyết đằng sau lý do tại sao chúng ta làm như vậy, có mô tả về những gì chúng ta làm, và quan trọng nhất là có cơ hội luôn đặt câu hỏi về những gì chúng ta làm.
Đây là một cách tiếp cận quy trình kinh doanh hoàn toàn khác so với cách tiếp cận truyền thống – “Bởi vì đó giờ chúng tôi làm như vậy” – và sự thay đổi này là mấu chốt vấn đề, theo tôi, bởi vì sự thay đổi đó thể hiện một quan điểm lạc quan, đột phá về cách làm việc của một công ty.
Nó chứng minh rằng: “Những người này rất thông minh. Họ rất thông minh và nếu có cơ hội để thay đổi và cải thiện, họ sẽ làm được. Họ sẽ cải thiện các quy trình nếu có một cơ chế cho nó.”
Tôi thấy chủ nghĩa nhân văn lạc quan đó rất hấp dẫn – và tôi nghĩ chúng ta có rất nhiều tấm gương ngoài kia cho thấy chủ nghĩa này hoàn toàn có hiệu quả.
Đây là triết lý thực sự của Apple. Đây là lý do nó trở thành công ty có giá trị nhất trên thế giới. Không phải nhờ Jobs. Không phải nhờ iPhone. Nhờ niềm tin vào những nhân viên. Đó là “bí mật” và nó có thể áp dụng cho bất kỳ ai đang xây dựng bất kỳ công ty nào, chỉ cần họ dám tự hỏi mình một câu hỏi đơn giản.
Bạn sẽ tin tưởng những nhân viên của bạn chứ?
Thoạt nghe có vẻ buồn cười khi Jobs trả lời câu hỏi về chất lượng bằng một lập luận triết học về nhân sự, nhưng nếu nghĩ kỹ lại, mọi câu hỏi đều là hỏi về nhân sự – bởi vì con người là điều thúc đẩy bất kỳ công ty nào.
Con người. Tất cả mọi vấn đề chung quay lại là nằm ở con người. Cả trong kinh doanh cũng như trong cuộc sống. Chỉ một khi Jobs hiểu được điều này thì ông mới có thể xây dựng Apple trở thành một thế lực không thể ngăn cản như ngày nay, và ông đã làm được điều đó bằng cách thuê những người giỏi, lắng nghe họ khi họ thách thức hiện trạng và thúc đẩy họ làm việc hết sức mình. Còn ông thì cố gắng hết mình để vạch một con đường rõ ràng phía trước cho công ty.
Bạn sẽ tin tưởng những người bạn tuyển chứ chứ? Đó là câu hỏi. Nếu không, tại sao lại thuê họ? Niềm tin là con đường hai chiều, nhưng phải có người gieo mầm trước. Do đó, nếu bạn là sếp, bạn có trách nhiệm phải trao cho người đó niềm tin trước. Đó là việc bạn cần làm khi tuyển dụng một ai đó.
Rất may, niềm tin sẽ thúc đẩy niềm tin. Niềm tin lan tỏa khắp một công ty và nó tạo ra tinh thần lạc quan không ngừng mà Steve đã nói đến. Đó là “một quan điểm lạc quan về những người làm việc trong một công ty”.
Nếu không có quan điểm lạc quan này, Apple sẽ không bao giờ phát triển thành một công ty trị giá 2 nghìn tỷ USD và công ty của bạn sẽ không bao giờ phát triển đến cái quy mô mà bạn mong muốn. Không dễ để tin tưởng tất cả mọi người. Bạn cần có sự can đảm, sự tự tin và sự nhạy cảm, và bạn cần phải luyện tập thật nhiều.
Hơn hết, bạn cần phải suy nghĩ thoáng và can đảm thay đổi khi bạn sai. Những thứ bạn chỉ có thể tìm thấy bên trong chính mình sẽ không có ai cướp lấy đi của bạn. Nên hãy cứ chấp nhận tư tưởng mới và phát triển công ty bạn.
Nguồn: Cafebiz
Có thể bạn quan tâm: Tủ sách “Gối đầu giường” dành cho doanh nhân kinh doanh đột phá 2020
ĐẶT MUA