fbpx

TS Trương Văn Phước giải thích nghịch lý lạm phát thấp nhưng lãi suất cao và đề xuất ‘đáp án’ cho thanh khoản BĐS

Thông thường khi lạm phát thấp thì cung ứng tiền cho nền kinh tế từ NHTW sẽ tăng lên, do đó lãi suất sẽ thấp xuống. Hiện nay tỷ lệ lạm phát tháng 1/2023 so cùng kỳ 2022 đã tăng 4,89%, nhưng lãi suất bình quân huy động và cho vay tăng gấp 1,5 đến 2,5 lần là khá cao. Vì sao có hiện tượng này?

TS Trương Văn Phước giải thích nghịch lý lạm phát thấp nhưng lãi suất cao và đề xuất ‘đáp án’ cho thanh khoản BĐS - Ảnh 1.

Hiện nay, tỷ giá hối đoái Việt Nam ổn định, lạm phát thấp nhưng lãi suất lại cao. Theo ông, tại sao điều này xảy ra đối với nền kinh tế Việt Nam?

Thông thường khi lạm phát thấp thì cung ứng tiền cho nền kinh tế từ NHTW sẽ tăng lên, do đó lãi suất sẽ thấp xuống. Hiện nay tỷ lệ lạm phát tháng 1/2023 so cùng kỳ 2022 đã tăng 4,89%, nhưng lãi suất bình quân huy động và cho vay tăng gấp 1,5 đến 2,5 lần là khá cao. Vì sao có hiện tượng này?

Cần nhìn lại hoạt động của thị trường tiền tệ Việt Nam năm 2022. Có thể thấy 9 tháng đầu năm cả lãi suất và tỷ giá đều khá ổn định, có mối tương quan khá hợp lý so lạm phát. Các biến động về tỷ giá và lãi suất trên thị trường quốc tế bắt nguồn từ đứt gãy cung ứng sau Covid-19, xung đột quân sự Nga – Ukraine tạo ra các cú sốc về cấm vận, đưa giá năng lượng lên cao… buộc các NHTW phải thắt chặt tiền tệ do lạm phát tăng cao.

Đồng USD đã tăng lãi suất từ 0% lên 4,5% đưa tỷ giá USD tăng gần 20% so với các ngoại tệ chủ yếu, tạo dòng chảy ngoại tệ thu hút về Mỹ. Khác với các nước, Việt Nam có nền nông nghiệp phong phú, đa dạng không chỉ cân đối nhu cầu mà còn có khả năng xuất khẩu.

Do đó, lạm phát thấp, NHNN có điều kiện để giữ lãi suất VND ở mức thấp. Do có thặng dư trên cán cân thanh toán nhờ xuất khẩu và vốn đầu tư nước ngoài vào, tỷ giá USD/VND có tăng nhưng không đáng kể.

TS Trương Văn Phước giải thích nghịch lý lạm phát thấp nhưng lãi suất cao và đề xuất ‘đáp án’ cho thanh khoản BĐS - Ảnh 2.

Có thể cú sốc lớn đối với thị trường tài chính Việt Nam bắt nguồn từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Vi phạm của một số công ty khi phát hành trái phiếu làm mất lòng tin của nhà đầu tư, tạo ra khan hiếm cục bộ về thanh khoản. Do đó, lãi suất đã tăng khá nhanh. Qua tháng 12/2022 và tháng 1/2023 thị trường đã ổn định trở lại, nhưng cũng cần thời gian để khẳng định việc kiểm soát lạm phát là trong tầm tay và xu hướng giảm lãi suất mới chắc chắn được.

TS Trương Văn Phước giải thích nghịch lý lạm phát thấp nhưng lãi suất cao và đề xuất ‘đáp án’ cho thanh khoản BĐS - Ảnh 3.

Năm 2023, nhiều chuyên gia dự báo rằng: “Dư địa chính sách tiền tệ sẽ bị thu hẹp đáng kể, khả năng tăng nhanh tín dụng và giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng là rất khó khăn”. Ông đánh giá sao về nhận định này?

Cần đặt khái niệm “dư địa chính sách” trong bối cảnh hoàn toàn khác so thời kỳ sau đại dịch Covid-19. Nói vắn tắt, sau đại dịch, thế giới chịu áp lực lạm phát cao, còn bây giờ lạm phát dịu đi rất nhiều và đối mặt suy thoái. Cho nên cần xem lại quan điểm: dư địa chính sách tiền tệ bị thu hẹp.

Phần lớn các nước hiện nay lo ngại nhất là suy thoái, chứ không phải nỗi sợ hãi lạm phát như trước đây. Lãi suất đã bắt đầu chững lại không tăng nhiều, và dự kiến khoảng 6 tháng cuối 2023 sẽ giảm xuống.

Tỷ giá đồng USD mất giá mạnh trong 3 tháng qua, chỉ số USD đã giảm 6,5%. Thị trường tiền tệ Việt Nam có những đặc thù riêng, nhưng vẫn chịu tác động bối cảnh chung của thế giới. Ý kiến riêng của tôi là lạm phát Việt Nam năm 2023 tiếp tục được kiểm soát quanh mức 4% và chúng ta có nhiều thuận lợi cho giảm lãi suất cũng như có thể tăng cung tiền cao hơn năm 2022.

TS Trương Văn Phước giải thích nghịch lý lạm phát thấp nhưng lãi suất cao và đề xuất ‘đáp án’ cho thanh khoản BĐS - Ảnh 4.

Áp lực tỷ giá – lãi suất dự kiến được giải tỏa một phần từ giữa năm 2023, nhưng lãi suất thực ở Việt Nam hiện vẫn cao. Theo ông, điều này tác động thế nào tới tăng trưởng kinh tế? Các nhóm ngành nào sẽ chịu tác động lớn nhất?

Lãi suất thực được hiểu là chênh lệch giữa lãi suất danh nghĩa trừ đi (-) lạm phát dự kiến. Như thế, lãi suất thực của đồng Việt Nam hiện nay là cao. Lãi suất thực mà cao thì chi phí vốn sẽ lớn, giá thành tăng lên, sức cạnh tranh tất yếu giảm xuống. Điều này sẽ tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế.

Giải quyết vấn đề lãi suất phụ thuộc vào hai nhân tố: cung cầu tiền tệ và thanh khoản của các ngân hàng thương mại. Về tổng thể, mức cung tiền tệ cần đáp ứng mức cầu tiền tệ của nền kinh tế. Nhưng mặt khác, nếu một bộ phận ngân hàng thương mại khó khăn về thanh khoản, lãi suất huy động sẽ bị đẩy tăng cao và hệ quả là lãi suất cho vay cũng sẽ cao.

Lúc này, để giảm lãi suất huy động, vai trò người cho vay cuối cùng của NHNN để đảm bảo thanh khoản cho các tổ chức tín dụng là rất quan trọng. Thị trường mở, cho vay tái cấp vốn linh hoạt… là những công cụ chính sách được kỳ vọng của NHNN. Lãi suất VND có thể hạ xuống nếu NHNN tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại với lãi suất phù hợp với mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ. 

Bên cạnh đó, cũng cần tạo lập một thị trường tiền gửi liên ngân hàng tin cậy, hỗ trợ tích cực từ các ngân hàng lớn cho các ngân hàng bé hơn về dòng tiền, thanh khoản. Đây là nhân tố quan trọng cho việc giảm lãi suất. Bài toán lãi suất cao sẽ được giải nếu kiên quyết tiếp cận theo quan điểm này.

Cũng có nhiều ý kiến cho rằng NHNN cần can thiệp để giải cứu thị trường bất động sản (BĐS), nhưng theo tôi, NHNN nên tiếp tục kiên trì chính sách quản lý rủi ro theo hệ số CAR với từng lĩnh vực cụ thể, nhằm đảm bảo an toàn hệ thống, nhưng không nên can thiệp vào các quyết định cấp tín dụng của ngân hàng thương mại. Bởi Nếu NHNN giải cứu bất động sản thì các thị trường khác như chứng khoán, nông sản… sẽ ứng xử như thế nào?

Với khung pháp lý đã có và hệ số rủi ro được quy định theo từng lĩnh vực, ngân hàng thương mại sẽ có quyền “liệu cơm, gắp mắm” và quyết định cho ai vay, với lãi suất bao nhiêu để thu hồi được nợ cũng như đảm bảo an toàn.

TS Trương Văn Phước giải thích nghịch lý lạm phát thấp nhưng lãi suất cao và đề xuất ‘đáp án’ cho thanh khoản BĐS - Ảnh 5.

Bên cạnh vấn đề lãi suất cao với nền kinh tế nói chung, thanh khoản của các doanh nghiệp bất động sản cũng là vấn đề rất cấp bách. Ông có đề xuất giải pháp nào cho vấn đề này?

Một số nước như Trung Quốc và Hàn Quốc đã sử dụng trái phiếu Chính phủ để hoán đổi trái phiếu doanh nghiệp mà nhà đầu tư đang nắm giữ. Cách làm này đã giúp tái lập niềm tin của nhà đầu tư, đồng thời giúp xử lý thanh khoản cho các doanh nghiệp BĐS, mà không làm nợ công tăng lên. Tôi nghĩ, chúng ta cũng cần nghiên cứu các kinh nghiệm xử lý hiệu quả kiểu này.

Theo đó, chúng ta cần phân loại các loại trái phiếu doanh nghiệp. Doanh nghiệp nào có khả năng phục hồi sau giai đoạn này, có sản phẩm làm tài sản đảm bảo, thì được xem xét đưa vào “Gói hoán đổi”. Làm như thế, chắc chắn thi trường BĐS sẽ phục hồi, thanh khoản của thị trường tài chính nói chung sẽ cải thiện tốt, nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu sẽ có niềm tin trở lại. Điều này cũng góp phần làm lãi suất giảm xuống.

TS Trương Văn Phước giải thích nghịch lý lạm phát thấp nhưng lãi suất cao và đề xuất ‘đáp án’ cho thanh khoản BĐS - Ảnh 6.

Nhiều chuyên gia nhận định, phục hồi sản xuất, thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán đều phụ thuộc hoàn toàn vào cung tiền năm 2023. Còn ông thì sao?

Theo tôi, nhận định trên là đúng nếu thị trường tài chính Việt Nam chỉ có thị trường tiền tệ duy nhất hoạt động, thị trường vốn bị đóng băng. Nhưng trong thực tế không phải như vậy. Chính phủ đang tìm cách vực dậy thị trường vốn bằng cách chỉnh sửa thể chế, để khơi thông dòng vốn không từ hệ thống ngân hàng.

Bên cạnh đó Chính phủ đang tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư để thu hút vốn trực tiếp và gián tiếp từ bên ngoài vào. Cải cách thị trường tài chính là chủ đề nóng bỏng vài chục năm nay, nhưng tiếc là hiệu quả của quá trình cơ cấu này chậm và khá khiêm tốn.

Kiên quyết phát triển thị trường vốn theo các chuẩn mực quốc tế là điều có thể làm được, nhằm cân đối hai thị trường là thị trường vốn và thị trường tiền tệ. Được vậy thì các thị trường bất động sản và chứng khoán rồi sẽ phục hồi thôi. Dĩ nhiên vốn từ hệ thống ngân hàng vẫn là quan trọng, nhưng không phải là duy nhất cho nền kinh tế phát triển.

TS Trương Văn Phước giải thích nghịch lý lạm phát thấp nhưng lãi suất cao và đề xuất ‘đáp án’ cho thanh khoản BĐS - Ảnh 7.

Theo dự báo của ông, lãi suất, tỷ giá, lạm phát biến động như thế nào trong năm 2023? 

Như tôi đã phân tích ở trên, thế giới đang phải ứng phó với nguy cơ suy thoái kinh tế. Bài toán lạm phát không còn gay gắt lắm và đang từng bước lắng xuống. Lạm phát Việt Nam chịu tác động từ hai phía: bên ngoài là nhập khẩu lạm phát; bên trong là điều hành lưu thông hàng hóa – tiền tệ. Sức cầu của thế giới đang từng bước giảm xuống, với việc kiểm soát tỷ giá không làm VNĐ mất giá đột biến thì tác động bên ngoài đối với lạm phát của Việt Nam là không lớn.

Về các yếu tố bên trong, những nguồn cung ứng hàng hóa phục vụ tiêu dùng và sản xuất có thể kiểm soát, cân đối được. Hơn nữa, cơ chế điều hành giá của Việt Nam là khá linh hoạt, có thể làm mềm hóa các cú sốc về giá.

Về tiền tệ, rõ ràng đây không là nguyên nhân của lạm phát trên thế giới hay tại Việt Nam, chỉ cần dòng vốn đi vào sản xuất, kinh doanh thực chất thì sẽ không gây lạm phát. Tôi dự báo lạm phát Việt Nam quanh mức 4%, lãi suất có thể trở lại mức trước tháng 9/2022 và đồng Việt Nam mất giá quanh lạm phát.

Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Hà An

cafef.vn

Có thể bạn quan tâm:

Basic Economics Kinh tế học cơ bản, a bờ cờ, kinh tế học nhập môn cho nhà đầu tư

“Cuốn sách giúp thay đổi rất nhiều luận điểm còn đang mơ hồ và những lầm tưởng khi nghĩ về kinh tế học”

Basic Economics

ĐẶT SÁCH NGAY

Các viết cùng chủ đề