Từ lạm phát 2011, nhìn lại gói kích cầu 2009
Khủng hoảng kinh tế toàn cầu nổ ra vào cuối năm 2008 và đến năm 2009 Chính phủ Việt Nam tung ra gói kích cầu. Theo tác giả Vũ Đình Ánh thì tổng số gói kích cầu bao gồm các khoản hỗ trợ lãi suất (4%), các khoản ứng vốn, chuyển vốn, bổ sung trái phiếu chính phủ, miễn giảm thuế, bảo lãnh tín dụng… xấp xỉ 9 tỉ đô la Mỹ (160.000 tỉ đồng), chiếm trên 9% GDP.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2009 các thành phần của cầu cuối cùng như tiêu dùng cuối cùng của dân cư, chi tiêu dùng cuối cùng của Nhà nước, tích lũy gộp tài sản không tăng đáng kể. Tiêu dùng cuối cùng của dân cư chỉ tăng 3,8% tăng thấp nhất kể từ năm 2000, tích lũy tài sản chỉ tăng trên 4% – thấp nhất kể từ năm 2000, nhưng đáng ngạc nhiên là tuy giá trị xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm nhưng về số lượng thì tăng mạnh (trên 11%).
Nguồn: thesaigontimes
Phân tích sâu hơn số liệu, có thể thấy trong xuất khẩu năm 2009 có đến 2,6 tỉ đô la Mỹ là vàng phi ngoại tệ, tăng xuất khẩu về lượng chủ yếu là than đá (tăng 29%) và các sản phẩm nông nghiệp như hạt tiêu tăng 49%, gạo tăng 26%… Từ đó có thể thấy:
– Để đạt được tốc độ tăng trưởng trong năm 2009, đóng góp của khu vực nông nghiệp là quan trọng;
– Hỗ trợ lãi suất cho nông nghiệp nông thôn phát huy hiệu quả.
– Xuất khẩu nhiều nông sản và tài nguyên trong lúc giá thế giới hạ tuy làm tăng GDP chung nhưng là một thiệt thòi cho nông dân và đất nước.
Ngoài ra, theo phương pháp tính (ước lượng) tích lũy gộp (I) của cơ quan thống kê từ “vốn đầu tư”, có thể thấy khi tính xuất khẩu vàng phi tiền tệ đã không trừ ra khỏi tích lũy.
Về nguyên tắc, vàng phi tiền tệ được nhập vào những năm trước đó (từ năm 2005-2008) trị giá khoảng 7 tỉ đô la (Niên giám Thống kê) sẽ được tính vào tích lũy tài sản nhưng khi xuất khẩu phải được trừ ra khỏi tích lũy tài sản.
Nếu trừ lượng vàng phi tiền tệ đã được xuất khẩu khỏi tích lũy thì tích lũy tài sản gộp trong năm 2009 không những không tăng mà thậm chí còn giảm (khoảng 3%).
Trong khi đó, một chỉ tiêu rất quan trọng đánh giá nội lực thực sự của nền kinh tế là để dành thì ngày càng suy giảm trong khi tỷ trọng đầu tư hàng năm vẫn chiếm trên 40% GDP (hình 3).
Ngoài ra, báo cáo về cân đối GDP giữa sản xuất và nhu cầu cuối cùng trong Niên giám Thống kê còn cho thấy GDP nhìn từ phía cung (GDPsx) nhỏ hơn GDP nhìn từ phía cầu (GDPsd) là 22.000 tỉ đồng. Tình hình sai số giữa GDP từ phía cung và GDP từ phía cầu biểu thị trong hình 4.
Điều này cho thấy các biện pháp kích cầu khác không đến được với các yếu tố của cầu. Và nếu lượng tiền bỏ ra nhằm kích thích các yếu tố của cầu nhưng không đến được với cầu để tăng trưởng kinh tế thì sẽ dẫn tới việc cân đối tiền – hàng bị căng thẳng. Ngoài ra, điều này cũng làm cho giá bất động sản tăng cao hơn giá trị thực khá nhiều. Phải chăng đây cũng là một trong những nguyên nhân gây nên lạm phát trong năm nay?