fbpx

Twitter – Nạn nhân đáng thương trong thương vụ 44 tỷ USD: Bị bán hay không đều chịu thiệt, kinh doanh vốn khó khăn vẫn bị Elon Musk trêu đùa

Đối với Twitter, không có kết quả tốt đẹp nào cho vụ Elon Musk.

Khi người đồng sáng lập Twitter Jack Dorsey mời Elon Musk phát biểu tại một buổi họp mặt toàn công ty vào đầu năm 2020, ông đã hỏi CEO Tesla một câu hỏi giả định – nhưng lại như là tiên tri trước: “Nếu được điều hành Twitter, anh sẽ làm gì? Nhân tiện, tôi muốn hỏi anh có muốn điều hành Twitter không?” Dorsey nói đùa khiến các nhân viên cười lớn.

Musk, người vào thời điểm đó không phải là người giàu nhất thế giới và cũng không phải là người khiến Twitter “đau đầu” nhất sau đó đã trả lời câu hỏi của Jack Dorsey một cách nghiêm túc. “Tôi nghĩ sẽ rất hữu ích nếu phân biệt tài khoản thật và tài khoản giả”, Musk trả lời. Khuôn mặt CEO Tesla được chiếu lên một số màn hình video khổng lồ bên trong trung tâm hội nghị Houston khi hơn 4.000 nhân viên Twitter đang ngồi lắng nghe.

Hai năm rưỡi sau, suy nghĩ của Musk về những vấn đề đang xảy ra với Twitter không chỉ là sự tò mò. Lời đề nghị của ông vào tháng 4 để mua lại công ty với giá 44 tỷ USD – và cuộc chiến tồi tệ xảy ra sau đó khi ông cố gắng rút khỏi thỏa thuận (rồi lại đồng ý mua với giá ban đầu) – đã gây chấn động giới kinh doanh trong nhiều tháng.

Một phiên tòa để xác định liệu Twitter có thể buộc Musk tuân theo các điều khoản của thương vụ mua lại hay không dự kiến bắt đầu vào ngày 17/10. Nhưng, Musk chớp nhoáng vào những giây cuối cùng, nói rằng sau cùng thì ông sẽ mua Twitter với giá ban đầu. Kết quả là thẩm phán đã cho hai bên đến ngày 28/10 để hoàn tất thương vụ trước khi tiến hành phiên tòa.

Nếu thỏa thuận kết thúc, các cổ đông của Twitter sẽ được trả 54,20 USD một cổ phiếu và Musk sẽ có toàn quyền kiểm soát công ty. Điều đó chắc chắn sẽ dẫn đến một số tình huống khó xử tại văn phòng: Musk đã công khai ném đá quản lý hàng đầu của Twitter, xa lánh hơn 7.000 nhân viên (trong tương lai) của mình. Các luật sư của Twitter thì cho rằng ông là một kẻ đạo đức giả không trung thực, người đã cố tình làm hỏng danh tiếng của công ty do hối hận về quyết định thâu tóm.

Về mặt tài chính, thật dễ hiểu tại sao Musk muốn “lật kèo”. Ông đưa ra lời đề nghị mua của mình vào thời điểm thị trường chứng khoán tốt hơn nhiều và theo tiêu chuẩn của Phố Wall, Twitter đã không đạt được hiệu quả kinh doanh trong nhiều năm.

Nhưng drama Twitter còn chứa đựng nhiều thứ hơn những con số, do vai trò của mạng xã hội này trong đời sống chính trị và xã hội Mỹ. Musk nói rằng công ty đã có hành vi kìm hãm tự do ngôn luận không phù hợp. Ông cũng cho biết sẽ nới lỏng các nguyên tắc nội dung của Twitter và cho phép cựu Tổng thống Donald Trump quay trở lại nền tảng này, hủy bỏ lệnh cấm trước đó.

Một bộ phận đã tán dương lập trường này, đặc biệt là vì nó thúc đẩy những người theo chủ nghĩa tự do tạo ra cuộc cách mạng. Nhưng những người hâm mộ cuồng nhiệt nhất của Twitter đã coi mạng xã hội này như một bãi rác độc hại; Các nhà phê bình của Musk lo ngại kế hoạch hạn chế kiểm duyệt nội dung của ông sẽ khiến nội dung trở nên tồi tệ hơn đáng kể theo những cách xấu đi.

Nếu bằng cách nào đó các cuộc đàm phán cho thương vụ thâu tóm lại thất bại và sau đó Musk thuyết phục thẩm phán để có thể thoát khỏi thỏa thuận, giá cổ phiếu của Twitter có thể sẽ giảm xuống. Hàng tỷ USD giá trị thị trường sẽ bị thổi bay. Và công ty sẽ trở lại trạng thái như hồi đầu năm nay, với tư cách là một mạng xã hội nổi bật nhưng chưa từng có khả năng xây dựng loại hình kinh doanh sắc bén mà các mạng đối thủ như Facebook và YouTube làm được.

Tờ Bloomberg nhận định, đối với Twitter, không có kết quả tốt đẹp nào cho vụ Elon Musk.

Sự chua chát đã xuất hiện khi Musk nói chuyện với nhân viên của Twitter vào ngày 16/6, gần hai tháng sau khi lần đầu tiên đạt được thỏa thuận mua lại công ty. Nhân viên Twitter vốn kiếm được ít tiền hơn so với các đồng nghiệp của họ tại các công ty công nghệ lớn khác. Nhiều người tỏ ra không đồng tình với quan điểm của Musk về việc kiểm duyệt nội dung. Hơn nữa, họ cũng bị phân tâm bởi một cáo buộc rằng Musk đã quấy rối tình dục một nhân viên của SpaceX (điều mà Musk phủ nhận).

Trong cuộc gặp mặt lần đó, Musk dường như không thuyết phục được những người hoài nghi. Khi ông ám chỉ đến việc kết thúc chế độ làm việc từ xa và khả năng sẽ phải thực hiện việc sa thải, một số nhân viên đã sử dụng Slack để chế nhạo người sắp trở thành ông chủ mới của họ.

Cuộc họp chính là điểm tồi tệ nhất trong suốt một mùa xuân buồn bã của Twitter và đáng nói, mọi thứ dường như sẽ sớm trở nên tồi tệ hơn nữa. Sau nhiều năm có lãi ổn định, công ty đã báo cáo lỗ ròng vào tháng 7, cũng như giảm doanh thu so với cùng kỳ năm trước.

Tuần tiếp theo, họ thông báo rằng sẽ đóng cửa hoặc giảm quy mô văn phòng ở New York, San Francisco, Sydney và một số thành phố khác. Đáng chú ý, điều đó xảy ra sau khi công ty đã tạm dừng tuyển dụng và hủy bỏ các đề nghị tuyển dụng cho một số ứng viên. Trên hết, Twitter cũng đã sa thải một số giám đốc điều hành cấp cao chủ chốt và yêu cầu nhân viên nghỉ việc dự kiến vào đầu năm 2023 tại Disneyland.

Cuộc họp cũng đưa ra một cái nhìn thoáng qua về những gì có thể xảy ra với Musk trên cương vị lãnh đạo mạng xã hội này. Hội đồng quản trị của Twitter sẽ bị giải thể. Musk cũng có khả năng sẽ tái cấu trúc nội bộ các bộ phận và nhiều nhân viên trong các nhóm mà ông chỉ trích – bao gồm luật pháp, chính sách và truyền thông – đang chuẩn bị cho khả năng họ sẽ sớm bị cho thôi việc.

Có vẻ như gần như chắc chắn Musk sẽ loại bỏ CEO hiện tại Parag Agrawal, cũng như luật sư hàng đầu của Twitter, Vijaya Gadde, người giám sát tất cả việc kiểm duyệt nội dung. Tin nhắn văn bản có trong hồ sơ tòa án cho thấy Musk và Agrawal nhanh chóng nhận ra mình có mâu thuẫn.

Vào đầu tháng 4, khi Musk vẫn chỉ định gia nhập hội đồng quản trị của Twitter, ông đã gửi một loạt dòng tweet chỉ trích công ty, trong đó có một câu hỏi liệu những người nổi tiếng sử dụng dịch vụ ít hơn có phải là dấu hiệu cho thấy nền tảng này đang “chết”.

Agrawal đã nhắn tin cho Musk: “Anh có thể tự do tweet: Twitter đang chết hoặc bất cứ điều gì khác về Twitter – nhưng tôi có trách nhiệm phải nói với anh rằng điều đó không giúp tôi cải thiện Twitter trong bối cảnh hiện tại”. Musk phản pháo lại trong vòng một phút: “Cậu đã làm được gì trong tuần này?” 40 giây sau đó, Musk viết tiếp: “Tôi không tham gia hội đồng quản trị. Đây là một sự lãng phí thời gian”.

Một vài tuần sau, Dorsey – người đã chọn Agrawal để kế nhiệm ông làm CEO và cũng là người khuyến khích Musk mua Twitter – đã thực hiện một nỗ lực hòa giải bất đồng giữa 2 người đàn ông thông qua một cuộc gọi điện thoại. Sau đó, Dorsey nhắn tin cho Musk: “Rõ ràng là 2 người không thể làm việc cùng nhau. Điều đó đã được làm rõ”. Có thể thấy, nỗ lực của Dorsey đã thất bại.

Về mặt hoạt động, tác động dễ thấy nhất của Musk có thể sẽ là việc ông nới lỏng các nỗ lực của Twitter nhằm ngăn chặn thông tin sai lệch và lạm dụng. Công ty đã dành nhiều năm để cố gắng ngăn chặn sự lừa dối có phối hợp và những lời nói xấu về dịch vụ của mình, nhưng bản thân Musk lại tự hào về điều đó. Cách tiếp cận của ông để kiểm duyệt nội dung về cơ bản là “mọi thứ sẽ thuận lợi” và ông nói với nhân viên Twitter rằng người dùng nên được phép đăng “những thứ khá thái quá”.

Một trọng tâm khác của Musk, có lẽ sẽ là một nỗ lực để giảm sự phổ biến của các tài khoản bot. Khi cố gắng thoát ra khỏi thỏa thuận, Musk nói lý do của mình là nhóm lãnh đạo của Twitter đã trình bày sai về số lượng người dùng.

Báo cáo kết quả kinh doanh của công ty bao gồm một dòng nói rằng bot và tài khoản spam chỉ chiếm ít hơn 5% cơ sở người dùng được báo cáo tổng thể của công ty. Musk tuyên bố con số này cao hơn nhiều, nhưng ông không cung cấp bất kỳ bằng chứng nào và cho biết Twitter đã cản trở nỗ lực phân tích cơ sở người dùng của mình. Khi Agrawal tweet vào tháng 5 rằng ước tính nội bộ của Twitter trong 12 tháng trước đó thì lượng tài khoản bot thực sự thấp hơn 5%, Musk đã trả lời bằng cách tweet lại 1 biểu tượng cảm xúc khiếm nhã.

Musk đã tuyên bố sẽ loại bỏ bot nhưng kế hoạch của ông để làm như vậy rất mơ hồ.

Chính xác Musk sẽ làm gì trong việc thực hiện bất kỳ thay đổi nào trong số này vẫn chưa rõ ràng, đặc biệt là khi ông còn chịu trách nhiệm ở các công ty khác. Người mới rời khỏi vị trí CEO Twitter là Dorsey – cũng có hai công việc, nhưng ông đã tweet vào tháng 5 rằng sẽ “không bao giờ làm CEO nữa” và giờ gần như hoàn toàn chỉ tập trung vào việc quảng bá Bitcoin.

“Là giám đốc điều hành sẽ có rất nhiều việc”, Musk nói với các nhân viên Twitter vào tháng 6 khi được hỏi về vai trò dự kiến của mình tại công ty. Nhưng ngay cả khi người khác nắm giữ trọng trách này, không có gì hoài nghi khi Musk vẫn sẽ là người có tiếng nói cuối cùng. “Tôi không thực sự quan tâm đến chức danh sẽ là gì”, ông nói. “Nhưng rõ ràng là mọi người cần lắng nghe tôi”.

Hà An

Nguồn: Bloomberg BusinessWeek

 

Có thể bạn quan tâm: BỘ SÁCH MARKETING – BÁN HÀNG ĐỈNH CAOBí quyết marketing bán hàng đỉnh cao

ĐẶT MUA

Các viết cùng chủ đề