Vì sao xuất hiện xu hướng tuyển dụng nhân sự hài hước, vui vẻ?
Tuyển dụng nhân sự dựa vào tính cách tốt, hài hước và vui vẻ, nhưng liệu đây có phải là yếu tố quyết định tất cả?
Trong mỗi tập thể luôn có một cá nhân mà chỉ cần họ xuất hiện là bầu không khí trở nên hào hứng và phấn khởi ngay lập tức. Nguồn năng lượng tích cực đó giúp họ trở thành ứng cử viên sáng giá trong mắt các nhà tuyển dụng, hình thành nên một khái niệm tuyển dụng mới đang được bàn luận nhiều gần đây – “personality hire”.
“Personality hire” – Hình thức tuyển dụng mới trong công ty
Thuật ngữ “personality hire” – đề cập một nhân viên được yêu mến bởi thái độ tích cực và sở hữu các kỹ năng kết nối các cá nhân (interpersonal skill) ấn tượng trong khi nghiệp vụ chuyên môn có thể chỉ ở mức tạm ổn. Nói cách khác, họ được tuyển dụng nhờ tính cách có phần trội hơn là khả năng chuyên môn.
Những người thuộc “personality hire” có khả năng thích nghi mạnh mẽ. Chỉ cần vài ngày là họ đã làm quen được với gần hết đồng nghiệp thuộc các phòng ban khác nhau. Họ bắt chuyện với tất cả mọi người, hay pha trò và thường đứng sau những hoạt động gắn kết trong công ty. Sự hoạt ngôn cùng nguồn năng lượng cao của họ xua tan sự căng thẳng, trì trệ trong các buổi họp.
Wesley Lieser, chuyên viên tuyển dụng cho công ty Versique Search & Consulting cho hay “personality hire” thực sự có ảnh hưởng đến văn hóa của một tổ chức. Khách hàng tìm đến Wesley đặc biệt để mắt đến các ứng viên có kinh nghiệm trong lĩnh vực dịch vụ hay chăm sóc khách hàng trực tiếp bởi họ được trang bị đủ yếu tố và kỹ năng để đảm đương nhiệm vụ “internal communication” – giao tiếp nội bộ trong công ty.
Giao tiếp là chìa khóa cho mọi hoạt động làm việc nhóm hiệu quả. Song, trong một tổ hợp của những cá tính khác biệt, công cuộc tìm tiếng nói chung không hề dễ dàng. Ai cũng có quan điểm, lý lẽ riêng và những cái tôi không dễ dàng thỏa hiệp. Vậy thì đây chính là lúc “personality hire” phát huy sở trường của mình.
Nhà ngoại giao tài ba này sẽ sử dụng tài ăn nói khéo léo, kỹ năng thuyết phục và sự linh hoạt để tìm ra những điểm chung từ đó đưa ra những giải pháp mà phần lớn nhân viên sẽ hài lòng. Sự xuất hiện của “personality hire” rất hữu ích khi giảm gánh nặng cho phòng nhân sự với các vấn đề giao tiếp nội bộ, vốn thường mang tính cá nhân nhằm hạn chế sự không thoải mái nơi làm việc.
Vì sao các công ty cần tuyển dụng những nhân sự “vui tính”?
Song song những tiêu chí về chuyên môn, các nhà tuyển dụng cũng mong muốn tìm được ứng viên dễ gây thiện cảm. Kate Walker, cố vấn và chuyên gia nhân sự chia sẻ: “Ai mà không thích một nhân viên có tính cách tốt chứ?”. Mọi người đều thích những người có tính cách thân thiện, hòa đồng và luôn mang không khí phấn khích cho nơi làm việc. Bản thân những cá nhân này cũng tự hào về việc đó. Với họ, việc lan tỏa năng lượng vui vẻ và sự tích cực còn được ưu tiên hơn chuyện phải hoàn thành công việc chính. Điều này về lâu dài sẽ tạo nên một thứ gọi là “thương hiệu công ty” và “văn hóa công sở”. Bạn có từng hỏi bạn bè rằng “công ty của bạn có vui không?” bao giờ chưa?
Dữ liệu khảo sát năm 2019 của Glassdoor cho biết có hơn 77% trong số 5,000 người tham gia bày tỏ họ quan tâm đến văn hóa của một công ty trước khi tìm hiểu sâu về công việc tại đó. Cũng trong khảo sát, thế hệ Millennials chia sẻ họ ưu tiên văn hóa công ty hơn cả mức lương, khác với nhóm nhân viên thuộc độ tuổi từ 45 trở lên.
Trang Skillwork liệt kê 5 xu hướng xây dựng văn hóa tại nơi làm việc năm 2023 bao gồm: Tập trung vào sức khỏe tinh thần – thể chất – sự hài lòng của nhân viên; Tạo cơ hội làm việc linh hoạt; Nuôi dưỡng văn hóa đa dạng và hội nhập; Chú trọng phát triển kỹ năng; Ứng dụng trí thông minh nhân tạo và tự động hóa. Không khó để thấy ba trong năm xu hướng trên đều thể hiện sự ưu tiên của các doanh nghiệp cho sức khỏe tinh thần của nhân viên.
Sau hơn hai năm đầy biến động, đặc biệt là hậu đại dịch COVID-19 buộc mọi người phải giãn cách xã hội trong thời gian dài thì nhu cầu về một môi trường làm việc tươi sáng, gắn kết và cởi mở càng được đẩy mạnh hơn. Để có thể đạt được mục tiêu này thì doanh nghiệp sẽ cần đến “personality hire” và chấp nhận cho họ thêm thời gian để cải thiện khả năng chuyên môn.
Về trường hợp của những ứng viên năng lực tốt nhưng thái độ không tốt, Wesley nhận định: “Nếu chúng tôi đưa ra lựa chọn sai lầm khi nhận một người chỉ vì năng lực tốt nhưng không thể hòa nhập với tập thể, họ sẽ rời đi sau sáu tháng và chúng tôi lại tiếp tục tìm người thay thế.”
Đừng để sự vui vẻ lấn át năng lực chuyên môn
Sẽ đến một mức độ mà năng lượng khuấy động không khí của những “personality hire” lấn át năng lực chuyên môn của họ, hoặc, năng lực duy nhất của họ chỉ là làm cho mọi người vui vẻ. Từ đây, vấn đề bắt đầu xuất hiện. Nếu là vế đầu, không có gì chắc chắn liệu những “personality hire” này sẽ luôn duy trì được trạng thái vui vẻ. Với vế còn lại, tiếng cười sẽ mất vui khi đồng nghiệp phải ôm thêm gánh nặng vì họ không thể hoàn thành công việc.
Đến cuối ngày thì một doanh nghiệp không thể tồn tại nhờ mỗi tiếng cười. Những đặc điểm tính cách trên chỉ là một điểm cộng cho hồ sơ xin việc chứ không phải là tất cả. Đồng nghiệp sẽ quý bạn nhưng nếu hiệu quả công việc không được đảm bảo trong một thời gian dài thì chuyện nhận được “thank you letter” là hoàn toàn khả thi. Chúng ta cần nhìn nhận thực trạng hiện tại của thị trường lao động là rất khó khăn, liên tiếp nhiều đợt lay-off diễn ra, ngân sách chi trả bị hạn chế.
Ngoài ra với những doanh nghiệp cho nhân viên làm việc tại nhà thì “personality hire” gần như không phải là tiêu chí được cân nhắc nhiều. Dù tính cách của ứng viên là một phần quan trọng trong quá trình tuyển dụng nhưng các công ty sẽ không tuyển một người chỉ để tạo tiếng cười. Điều này lại càng hiếm hơn trong thời buổi hiện nay khi thị trường lao động đang khắc nghiệt và các doanh nghiệp đều tìm kiếm những nhân viên có hiệu suất làm việc cao nhất có thể.
Nhìn chung, “personality hire” vẫn là một trong những xu hướng tuyển dụng đang được kiểm chứng về tính hiệu quả. Nó cho phép chúng ta có thêm một cái nhìn về những tiêu chí tuyển dụng mà bản thân có thể cần phải đáp ứng nếu muốn hợp tác với một tổ chức yêu cầu nhiều về điểm này. Biết đâu nếu cố gắng cải thiện và học cách cân bằng bạn lại trở thành một “personality hire” với năng lực làm việc xuất sắc thì sao?
Happy Live Team
Nguồn: vietcetera
Có thể bạn quan tâm: Bộ sách Nghệ Thuật Lãnh Đạo Bằng Ngôn Ngữ
Bí quyết Nâng cấp tư duy lãnh đạo cùng David Marquet
ĐẶT SÁCH NGAY