Đắc nhân tâm đã thay đổi cuộc đời Warren Buffett như thế nào? (Phần 2)
Vô tình bắt gặp “bí kíp” (như đã nêu rõ ở phần 1), Warren Buffett bắt đầu thực hành. Cậu thực hành từ những bước nhỏ nhất. Vài phép ứng xử đến với cậu một cách rất tự nhiên, nhưng rồi cậu nhận ra rằng bộ quy tắc này không dễ áp dụng hay tự động mà thành thói quen ứng xử.
Đắc nhân tâm đã thay đổi cuộc đời Warren Buffett như thế nào?
“Không chỉ trích” nghe qua rất đơn giản, nhưng có nhiều cách chỉ trích người khác mà bạn không nhận ra rằng mình đang chỉ trích. Thật khó giấu đi tính khoe khoang cố hữu của con người, hay kìm nén sự khó chịu, hoặc thể hiện lòng kiên nhẫn. Thừa nhận mình sai cũng không dễ dàng trong mọi lúc. Thật lòng quan tâm đến mọi người và chân thành thể hiện sự cảm kích đối với họ là điều khó nhất. Với một người thường xuyên chìm trong sự thống khổ như Warren thì thật khó lòng để ý đến người khác, ngoại trừ bản thân mình.
Tuy nhiên, dần dần cậu nhận ra rằng những năm tháng đen tối thời tiểu học là bằng chứng sống động cho thấy bỏ qua các nguyên tắc của Dale Carnegie là điều sai lầm. Khi cậu bắt đầu lấy lại căn bản trong trường trung học, cậu tiếp tục thực hành các qui tắc đó trong giao tiếp với mọi người.
Không như nhiều người đọc quyển sách của Carnegie và nghĩ rằng, “Ồ, hay quá!”, rồi bỏ xuống và quên bẵng đi, Warren đọc và thực hành cuốn sách với một sự tập trung hiếm thấy. Cậu đọc đi đọc lại các qui tắc và thường xuyên áp dụng chúng trong cuộc sống của cậu. Thậm chí khi cậu thất bại hay quên áp dụng một qui tắc nào đó, cậu lập tức xem lại và áp dụng lại. Trước khi kết thúc trung học, cậu đã có thêm một vài người bạn mới, gia nhập câu lạc bộ golf Woodrow Wilson, và tập được tính điềm tĩnh không bị chạm tự ái trước mọi người. Dale Carnegie đã mài giũa cho sự sắc sảo của cậu, và trên tất cả là giúp cậu tăng cường khả năng thuyết phục người đối diện, một sự nhạy bén hết sức cần thiết cho nghề bán hàng.
Cậu trông có vẻ bề ngoài rất mạnh mẽ, nhưng bên cạnh đó là vẻ tinh quái; cậu vừa điềm đạm, hòa đồng lại vừa cô độc. Có điều chắc chắn là đam mê làm giàu của cậu – vốn chiếm gần hết thời gian rảnh rỗi của cậu – là độc nhất vô nhị tại trường Woodrow Wilson vào thời đó.
Không có học sinh nào khác tại trường là một người biết làm ra tiền như Warren. Việc bỏ ra vài giờ đi giao báo mỗi ngày đã giúp cậu kiếm được 175 đô la hằng tháng, còn hơn cả lương tháng thầy giáo của cậu. Vào năm 1946, một người lớn kiếm được 3.000 đô la một năm từ một công việc toàn thời gian đã được xem là thành đạt. Warren cất giữ tiền trong tủ quần áo của mình ở nhà và không một người nào khác được phép đụng vào. “Một hôm, tôi đến nhà cậu ấy chơi. Cậu ấy mở ngăn kéo ra và bảo: “Đây là toàn bộ số tiền tớ dành dụm được”. “Tất cả là 700 đô la gồm những tờ bạc mệnh giá nhỏ. Quả là một tài sản rất lớn ở thời điểm đó.” Lou Battiston hồi tưởng.
Cậu đã khởi sự rất nhiều việc kinh doanh khác nhau. Cậu từng mua những quả bóng golf cũ về tân trang để bán lại với giá 6 đô la một tá. Cậu đặt mua những quả bóng này từ một người ở Chicago có tên là Witek, người mà Warren không thể không đặt cho một biệt danh là “HalfWitek”. “Chúng được phân loại và thực sự là loại bóng có chất lượng cao với các nhãn hiệu Titleist, Spalding Dots và Maxflis. Tôi mua mỗi tá 3,5 đô la và chúng còn rất mới. Cậu cố gắng mua những quả bóng không bị rớt xuống nước và chỉ có cậu là người trả giá cao nhất.” Không có học sinh nào trong trường biết gì về Half-Witek. Ngay cả gia đình cậu dường như cũng không nhận ra rằng cậu mua những quả bóng golf đã qua sử dụng để bán lại. Các thành viên trong trong đội golf của trường Wilson thì cho rằng cậu vớt những quả bóng golf bị rơi xuống nước và bán lại.
Dịch vụ Mua bán Tem Buffett chuyên bán các bộ sưu tập tem đến các nhà sưu tập khắp nước Mỹ. Còn Buffett Showroom Shine là một doanh nghiệp chuyên mua bán xe “cổ” sưu tầm từ nghĩa địa xe của cha của Lou Battistone. Về sau cả hai bỏ việc kinh doanh này vì nó tiêu phí quá nhiều sức lao động chân tay và có quá nhiều việc phải lo.
Rồi một ngày kia, vào năm Warren 17 tuổi và là học sinh cuối cấp, Warren hộc tốc đi tìm và kể cho Don Danly về ý tưởng mới của cậu. Đó là một phát hiện có đặc trưng của hàm số mũ như cuốn 1000 Cách kiếm 1.000 đô la – nơi một chiếc máy sản xuất tiền có thể tạo ra một hay nhiều chiếc máy khác. “Chúng ta hãy hùn vốn mua một cái máy pin-ball cũ với giá 25 đô la. Nhiệm vụ của cậu là lắp đặt cái máy đó. Cậu nghĩ xem, thế nào ngài Wilson cũng gạ gẫm mua lại của chúng ta. Cậu không phải chịu rủi ro nào cả. Chúng ta sẽ đặt cái máy kiếm tiền lẻ này ở phía sau nhà, ngài Erico và khách hàng của chúng ta có thể chơi trong khi chờ đợi. Chúng ta sẽ chia lợi nhuận với nhau.”
Danly là đứa mạo hiểm. Dù rằng không ai dám đặt máy chơi pin-ball ở tiệm hớt tóc nhưng cả hai vẫn đưa ra đề nghị với ông Erico, và ông ấy chấp nhận ngay lập tức. Hai cậu tháo bỏ phần chân của chiếc máy và đặt nó vào xe của cha Don và đưa tới tiệm hớt tóc. Và, đúng như dự đoán, ngay buổi chiều đầu tiên khi cả hai đến kiểm tra hộp tiền xu thì đế được tổng cộng đến những 4 đô la! “Thế là tuyệt!” Ông Erico hài lòng và chiếc máy tiếp tục ở lại đó.
Một tuần sau, Warren đến tiệm hớt tóc để lấy tiền xu. Cậu chia số tiền thu được thành hai phần riêng biệt và nói với ông Erico: “Thưa ông Erico, chúng ta sẽ sòng phẳng với nhau. Một phần của ông, phần còn lại là của cháu. Xin ông cứ chọn trước.” Cứ như kiểu chia bánh từ thời chúng ta còn bé: một đứa cắt, và đứa còn lại có quyền chọn. Sau khi Erico tém một phần về phía mình, Warren đếm phần của cậu cả thảy là 25 đô la. Bấy nhiêu đã đủ để cậu mua một cái máy pin-ball khác. Chẳng bao lâu sau, 7-8 cái máy pin-ball đã hiện diện khắp các tiệm hớt tóc trong thị trấn.
Warren nhận ra phép màu của đồng tiền: nó phục vụ cho ông chủ của mình như đó là nhiệm vụ duy nhất của nó.
“Bạn phải giữ mối quan hệ với các chủ tiệm hớt tóc. Điều đó rất quan trọng. Ý tôi là, họ có thể tự mình mua mấy cái máy 25 đô la ấy mà lắp đặt trong tiệm của họ. Vì thế chúng tôi nói với họ rằng họa là người có chỉ số thông minh 400 điểm mới có thể sửa được những cái máy ấy.
Lúc bấy giờ, có một vài kẻ “bốc mùi” có liên quan đến ngành kinh doanh máy pin-ball thường lai vãng tại một nơi được gọi là Silent Sales. Đó là khu “săn bắn” của chúng tôi. Nó nằm ở tòa nhà 900 thuộc đường D, ngay bên cạnh khu ăn chơi Gayety trong khu ổ chuột của thành phố. Những người này lấy làm vui thích với công việc của chúng tôi, nghĩa là chúng tôi đến đó, nhìn ngó mấy cái máy và mua bất kỳ cái nào cũng với giá 25 đô la. Một cái máy mới thời đó có giá 300 đô la. Tôi thường đặt mua tờ tạp chí Billboard để nắm bắt giá cả lên xuống của các máy pin-ball.
Tuy nhiên, bọn người ở Silent Sales cũng dạy chúng tôi đôi điều. Có một số máy giật xèng (máy đánh bạc tự động) ngoài chợ trời. Họ dạy chúng tôi cách đổ bia vào các máy đó để làm cho đồng 50 xu bị kẹt trong máy, và bạn cứ giữ lấy tay nắm mà không thả ra cho đến khi toàn bộ tiền trong máy rơi xuống hết. Họ dạy chúng tôi cách làm tê liệt nguồn cấp điện trong các máy bán nước ngọt tự động tại các rạp hát, rằng nếu bạn bỏ một đồng xu vào đó và ngay lập tức rút dây điện nguồn, bạn sẽ tha hồ lấy hết số lon nước ngọt đang chứa trong cái máy đó.
Những gã này sẵn sàng giải thích tất cả và chúng tôi chỉ việc mở to đôi tai để mà nghe và ghi nhớ nằm lòng. Có lẽ cha tôi sẽ nghi ngờ đám người này nhưng ông luôn luôn cảm thấy tôi là người tốt.”
>>Xem tiếp phần 3 tại đây
>>Xem lại phần 1 tại đây
Nguồn: sách Hòn tuyết lăn
Có thể bạn quan tâm: Payback Time – Ngày đòi nợ – Phil Town
(đầu tư theo phong cách Warren Buffett, Charlie Munger)