Warren Buffett đang âm thầm đối phó với cuộc khủng hoảng “tồi tệ nhất 89 năm cuộc đời” như thế nào?
Câu hỏi mà nhiều nhà đầu tư trên thị trường quan tâm hiện nay là “Những NĐT lỗi lạc như Warren Buffett hay George Soros đang làm gì để đối phó khủng hoảng?”. Đặc biệt, những lời khuyên và định hướng thị trường từ “huyền thoại xứ Omaha” Warren Buffett luôn được các nhà đầu tư mong đợi.
Trước cơn khủng hoảng tồi tệ nhất 89 năm cuộc đời
Là người đã theo dõi tỷ phú Warren Buffett nhiều năm thông qua các thư gửi cổ đông thường niên và nhiều cuốn sách viết về ông chủ Berkshire, tác giả Lawrence Cunningham đã đưa ra những nhận định về bước đi “âm thầm” của Buffett trong bối cảnh khủng hoảng dịch bệnh hiện nay cũng như dự báo về những thách thức lớn mà nền kinh tế Mỹ sẽ phải đối mặt trong thời gian tới.
Theo đó, ngay từ những ngày đầu khi dịch bệnh mới xuất hiện ở Mỹ và các nước châu Âu, Buffett đã khẳng định quan điểm đầu tư cốt lõi của mình trong một bài phỏng vấn ngắn trên CNBC hồi cuối tháng 2. Ông cho rằng đây là một dịch bệnh “nguy hiểm và đáng sợ” nhưng vẫn nhấn mạnh cách nhìn và triển vọng tiếp cận dài hạn của mình – “bình tĩnh và không chạy theo đám đông”.
Tới ngày 10 tháng 3, khi hầu hết các nền kinh tế lớn nhỏ buộc phải đóng cửa để ngăn chặn sự lây lan của dịch bênh, Buffett trả lời một cuộc phỏng vấn khác trên tờ Yahoo Finance và gọi Covid-19 là “cú đấm kép” với các thị trường. Ông cho biết tình hình đã trở nên tồi tệ hơn hồi cuối tháng 2 khi thị trường chứng khoán đón nhận những cú sốc liên quan, đặc biệt là cuộc chiến giá dầu trong bối cảnh cả thế giới đang “oằn mình” đối phó với dịch bệnh.
Bên cạnh đó, ông so sánh cuộc khủng hoảng dịch bệnh lần này có điểm tương đồng với sự sụp đổ của thị trường chứng khoán Mỹ ngày 19 tháng 10 năm 1987 và cơn hoảng loạn trên thị trường tài chính ngày 15 tháng 9 năm 2008. Tuy nhiên, lịch sử đã chứng minh, vượt lên hai cú sốc lớn đó, thị trường vẫn hồi phục tốt.
Trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, Buffett từng nói rằng chưa bao giờ ông thấy mọi người “sợ hãi” và “cẩn trọng” đến thế. “Nền kinh tế sẽ trì trệ trong một khoảng thời gian, và thị trường tài chính bị đóng băng sẽ là “con quỷ hút máu” nền kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, mọi thứ sẽ dần phục hồi khi nền kinh tế vượt qua được vách đá nguy hiểm. Và thời gian phục hồi này sẽ mất khoảng 5 năm để mọi thứ trở lại bình thường”, huyền thoại đầu tư đến từ Omaha chia sẻ trong một bài phỏng vấn trên CNBC vào tháng 3 năm 2009.
Tìm kiếm sự trấn an
Trong bối cảnh hiện nay, rất nhiều nhà đầu tư đang chờ đón những lời khuyên và sự trấn an từ huyền thoại đầu tư lỗi lạc nhất thế kỷ 20. Tuy nhiên, Buffett không đưa ra bất cứ một danh mục cổ phiếu nào nên mua ở thời điểm hiện tại. Trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008, ông khuyên các nhà đầu tư “hãy mua cổ phiếu Mỹ và ủng hộ các công ty Mỹ bởi tôi cũng đang làm thế”.
Ở thời điểm đó, Tập đoàn Berkshire của tỷ phú Warren Buffett đã thực hiện nhiều khoản đầu tư lớn nhằm cứu các công ty thoát khỏi bờ vực phá sản, trong đó đáng chú ý phải kể đến thương vụ đầu tư vào Goldman Sachs tháng 9 năm 2008 và General Electric tháng 10 năm 2008. Tuy nhiên, trong cuộc khủng hoảng dịch bệnh lần này, điều kỳ lạ là “điện thoại của Buffett không hề đổ chuông”.
Trong một cuộc phỏng vấn trên Tạp chí phố Wall ngày 18 tháng 4, “cánh tay phải của Warren Buffett”, Phó Chủ tịch Charlie Munger cho biết hầu hết các công ty đang tìm cách đàm phán và thương lượng với Chính phủ chứ không hề “cầu cứu” Buffett. Ông khẳng định một điều rằng, một khi các công ty này cần đến nguồn vốn đầu tư tư nhân, điện thoại của Buffett “chắc chắn sẽ đổ chuông”.
Berkshire hiện cũng đang gần như đóng băng mọi hoạt động thâu tóm các công ty khác trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu tê liệt. Tuy nhiên, ngay cả khi cơ hội đầu tư phát sinh trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, tính thanh khoản và khả năng sống còn của Berkshire vẫn là ưu tiên hàng đầu của Buffett.
Cộng sự lâu năm của ông – Charlie Munger từng ví von Buffett giống như một vị thuyền trưởng đang chèo lái một con tàu ra khơi thì gặp cơn bão lớn, mục tiêu duy nhất của ông lúc này là sống sót sau thảm hoạ với con tàu nguyên vẹn. Đây có thể là lý do Berkshire không muốn thực hiện bất cứ một thương vụ đầu tư hay thâu tóm nào ở thời điểm hiện tại. Họ muốn duy trì tính thanh khoản dồi dào hiện tại.
Theo Lawrence Cunningham, điểm khác biệt duy nhất trong cách Buffett đối phó với cuộc khủng hoảng dịch bệnh và cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 chính là việc Berkshire gần như “đóng băng” mọi hoạt động thâu tóm trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tê liệt.
Bình thản trước giông bão
Ngay cả khi cả nền kinh tế Mỹ và thị trường chứng khoán toàn cầu đang rung lắc vì Covid-19, Buffett vẫn giữ nguyên tâm thế bình thản vốn có. Có lẽ ông đã chuẩn bị sẵn kịch bản cho những cuộc thảm hoạ tương tự gây ảnh hưởng tới nền kinh tế. Trong lá thư gửi cổ đông thường niên năm 2019, ông từ đưa ra dự đoán:
“Rất có thể thảm hoạ bão Katrina sẽ xảy ra một lần nữa – vào ngày mai, vào năm tới hoặc vài năm nữa. Bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra – động đất, sóng thần hoặc một cuộc tấn công mạng – tất cả đều sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế và thị trường chứng khoán. Nhưng đó cũng là cơ hội để “những gã khổng lồ” mới xuất hiện và làm chủ nền kinh tế toàn cầu”.
“Và khi những thảm hoạ đó xảy ra, Berkshire sẽ đón nhận những thiệt hại – có thể lớn hoặc rất lớn. Tuy nhiên, không giống như những công ty bảo hiểm khác, chúng tôi sẽ cố gắng để việc xử lý tổn thất sau thảm hoạ không làm cạn kiệt nguồn lực dồi dào của Berkshire. Đó là điều tôi có thể khẳng định với các nhà đầu tư”.
Từ lâu, Buffett đã được mệnh danh là “nhà hiền triết đến từ Omaha” bởi những quan điểm và cách nhìn nhận vấn đề nhạy bén của ông. Cho đến nay, cái tên đó vẫn hoàn toàn phù hợp với nhà đầu tư lỗi lạc đã dành gần như 80 năm cuộc đời theo dõi những thăng trầm, biến động trên thị trường.
Nguồn: Nhịp sống kinh tế
Có thể bạn quan tâm: Payback Time – Ngày đòi nợ – Phil Town
(đầu tư theo phong cách Warren Bufffett, Charlie Munger)