fbpx

Warren Buffett khốn khổ vì cổ phiếu ngân hàng đầu tư (Phần 2): Đại họa giáng xuống đầu

Những sai phạm của cán bộ cấp dưới cũng như sự che giấu của các lãnh đạo cấp cao nhất đã đẩy Salomon Brothers vào hiểm cảnh, khoản đầu tư 700 triệu USD của Warren Buffett có nguy cơ mất trắng.

Cuộc gọi giữa đêm

Ngày 8/8/1991, khi Warren Buffett đang đi nghỉ ở thành phố Reno (bang Nevada) thì văn phòng tập đoàn Berkshire Hathaway thông báo rằng CEO Gutfreund của Salomon Brothers muốn được nói chuyện điện thoại với ông vào lúc 10h30 tối theo giờ New York.

Warren Buffett 'chết hụt' với cổ phiếu ngân hàng đầu tư (Phần 2): Đại họa ập đến - Ảnh 1.

Warren Buffett nhận tin dữ qua điện thoại. (Ảnh minh họa: University of Nebraska Lincoln).

Đúng giờ hẹn, Buffett rời khỏi bàn ăn tối của khách sạn và đến một cột điện thoại ven đường để gọi cho lãnh đạo Salomon. Giám đốc vận hành Tom Strauss và luật sư nội bộ Donald Feuerstein cho biết chuyến bay của CEO Gutfreund bị hoãn nên sẽ không thể tham gia vào cuộc gọi được.

Hai người sau đó kể cho Buffett nghe về “một vấn đề” mới phát sinh tại ngân hàng. Công ty luật chuyên tư vấn cho Salomon là Wachtell Lipton Rosen & Katz vừa phát hiện ra rằng hai cán bộ giao dịch chứng khoán, bao gồm Giám đốc phòng trái phiếu Paul Mozer, đã vi phạm quy định đấu thầu trái phiếu Kho bạc nhiều lần trong năm 1990 và 1991.

Từ năm 1990, mỗi thành viên thị trường trái phiếu Kho bạc chỉ được đăng ký mua tối đa 35% lượng trái phiếu mời thầu trong mỗi phiên. Vào tháng 12/1990 và tháng 2/1991, Paul Mozer đã đại diện Salomon dự thầu 35% hạn ngạch được phép, sau đó tiếp tục giả danh khách hàng của Salomon để đặt mua thêm trái phiếu.

Tất cả trái phiếu trúng thầu dưới tư cách của Salomon và của khách hàng đều được đưa vào tài khoản tự doanh của ngân hàng, khách hàng từ đầu đến cuối không hề hay biết.

Cả hai người vi phạm, bao gồm Mozer, đã bị đình chỉ công tác và Salomon đang chuẩn bị thông báo tới cơ quan quản lý cũng như gửi ra thông cáo báo chí. Luật sư Feuerstein sau đó đã đọc bản dự thảo thông cáo cho Buffett và nói thêm rằng Salomon đã báo vụ việc cho Charlie Munger – Phó Chủ tịch của Berkshire Hathaway và bạn thân của Buffett.

Đứng trong cây điện thoại bên đường với nhiều người nói chuyện xung quanh, Warren Buffett không nghe hoàn toàn rõ và cũng không phát hiện ra vấn đề gì quá nghiêm trọng. Vậy nên ông quay lại bàn ăn tối mà không lo nghĩ nhiều.

Đến khi nói chuyện với phó tướng Charlie Munger hơn một ngày sau đó, Warren Buffett mới cảm thấy có mùi nguy hiểm. 

Munger tốt nghiệp trường luật ra nên nhanh chóng phát hiện những điểm khả nghi trong lời nói của luật sư Feuerstein.

Charlie vặn hỏi vị luật sư của Salomon và được biết rằng ban lãnh đạo của ngân hàng đã biết về sai phạm của Mozer từ cuối tháng 4 và từng kết luận vấn đề khá nghiêm trọng, cần phải được thông báo cho Cục Dự trữ Liên bang (Fed) chi nhánh New York. Trong thực tế, Salomon không có bất kỳ động thái gì trong tháng 4, 5, 6 hay 7.

Đến ngày 9/8 khi bản thông cáo báo chí của Salomon được công bố, dư luận cũng không hề biết rằng ban lãnh đạo ngân hàng đã nắm được sai phạm từ lâu nhưng giấu kín trong nhiều tháng.

Charlie Munger đề nghị Salomon phải công khai thừa nhận đầy đủ trách nhiệm nhưng luật sư của ngân hàng này cho rằng việc công bố quá nhiều thông tin sẽ gây ảnh hưởng tới danh tiếng và khả năng huy động vốn để trả hàng tỷ USD nghĩa vụ nợ đến hạn mỗi ngày.

Munger không thích kiểu nói năng lấp lửng này nhưng tự cho rằng mình không hiểu rõ về nghiệp vụ huy động vốn của ngân hàng nên đã nhượng bộ.

Quả bom nguyên tử

Ngày 13/8, CEO Gutfreund nhận được một bức thư của Cục Dự trữ liên bang (Fed) chi nhánh New York với lời lẽ khá nặng nề. Ông Gerald Corrigan, Chủ tịch Fed New York cho rằng “những bất thường” trong hoạt động đấu thầu trái phiếu của Salomon khiến cho Fed “cảm thấy cực kỳ lo ngại” và phải xem xét “có nên tiếp tục quan hệ làm ăn” với Salomon hay không.

Fed yêu cầu Salomon phải báo cáo đầy đủ tất cả “những bất thường, vi phạm và hoạt động giám sát” trong vòng 10 ngày sau khi nhận được bức thư.

Tuy nhiên trong cuộc họp hội đồng quản trị ngày 14/8, CEO của Salomon không hề tiết lộ cho Buffett và các ủy viên khác biết về bức thư của Fed cũng như yêu cầu báo cáo toàn diện.

Chủ tịch Gerald Corrigan kỳ vọng rằng sau khi trông thấy bức thư của Fed, hội đồng quản trị của Salomon sẽ hiểu rằng cần phải thay thế bộ máy điều hành ngay lập tức. Khi không có thay đổi nào diễn ra, Fed cho rằng lãnh đạo của Salomon đang tỏ ý đối địch. 

Tuy nhiên thực tế là phải hơn một tháng sau, Buffett và hội đồng quản trị của Salomon mới biết đến bức thư.

Warren Buffett 'chết hụt' với cổ phiếu ngân hàng đầu tư (Phần 2): Đại họa ập đến - Ảnh 3.

(Minh họa: Song Ngọc)

Theo Buffett, việc Fed tin rằng bức thư của mình đã bị phớt lờ là lý do vì sao cơ quan quản lý lại hành xử mạnh tay với Salomon trong những ngày sau đó.

Ban Giám đốc của Salomon từng nhiều lần che giấu thông tin trước HĐQT, nhưng việc bỏ đi bức thư của Fed đã gây ra thảm họa tương tự như “một quả bom nguyên tử”, Warren Buffett nói. Một cách mô tả khác là: “Fed cảm thấy rằng HĐQT và Ban Giám đốc của Salomon đã rủ nhau nhổ vào mặt cơ quan quản lý”.

Mất niềm tin vào Salomon

Chỉ trong vài ngày sau khi thông tin về sai phạm đấu thầu trái phiếu được được công bố, giá cổ phiếu Salomon sụt 25%, từ 36 USD còn 27 USD/cp.

Bản thân việc giá cổ phiếu lao dốc không gây ra tác hại gì ghê gớm nhưng nó lại đại diện cho lòng tin của nhà đầu tư và đối tác vào Salomon.

Đánh mất lòng tin sẽ gây ra hậu quả thảm khốc cho bất kỳ định chế tài chính nào, đặc biệt là với một ngân hàng đầu tư phụ thuộc nặng nề vào nợ vay như Salomon.

Vào tháng 8/1991, tổng tài sản của Salomon lên tới 150 tỷ USD (chưa kể các khoản mục ngoại bảng) nhưng vốn chủ sở hữu chỉ 4 tỷ USD, tỷ lệ đòn bẩy là 37,5 lần.

Warren Buffett so sánh việc Salomon cần lòng tin của đối tác giống như một người bình thường cần không khí: Lúc có thừa thì không để ý đến, lúc thiếu thì không thể để ý tới thứ gì khác.

Những chủ nợ ngắn hạn luôn sẵn sàng bỏ chạy bất cứ lúc nào. Một khi đánh hơi thấy nguy hiểm, họ sẽ ngay lập tức rút vốn về, không vì ham hố chút lãi suất mà cho vay thêm.

Thậm chí việc tăng lãi suất hòng thu hút vốn vay còn gây ra tác dụng ngược, khiến cho các chủ nợ nghĩ rằng rủi ro của bên đi vay đã lớn hơn trước.

Ngày 15/8, nhà đầu tư muốn bán lại các trái phiếu trung hạn của Salomon cho chính Salomon. Các giao dịch viên hạ giá mua xuống thấp với hy vọng làn sóng bán tháo sẽ dừng lại nhưng thực tế người bán vẫn đổ về.

Sau khi mua khoảng 700 triệu USD, Salomon đã làm điều không tưởng: Dừng mua lại trái phiếu của chính mình. Cả Phố Wall cũng làm điều tương tự. Nếu như chính Salomon còn không muốn mua trái phiếu do mình phát hành thì những người khác đương nhiên cũng không.

Đón đọc Phần 3: Salomon chết đi sống lại.

Hoai An Le (Theo Vietnambiz)

Có thể bạn quan tâm ấn phẩm bán chạy nhất của Happy Live

Ngày đòi nợ – Phil Town

ĐẶT SÁCH NGAY

Các viết cùng chủ đề