fbpx

Warren Buffett và lần phỏng vấn “hụt” vào trường Harvard

Bị đánh rớt khỏi Harvard vừa là một cú sốc nhưng cũng là một bước ngoặt lớn giúp Warren Buffett gặp được hai người thầy của mình: Benjamin Graham và David Dodd.

Warren Buffett
Warren Buffett khi còn học Đại học

Trải qua một thời biên thiếu đầy tội lỗi và quá trình “khổ luyện” Đắc Nhân Tâm, Warren Buffett đã bỏ hết các tật xấu và bắt đầu cuộc sống sinh viên tại Đại học Ohama. Dù là một người không đề cao chuyện học hành, nhưng Buffett vẫn mong muốn có thể tiếp tục học tại Harvard để “nâng giá” bản thân và giúp tạo dựng một mối quan hệ tương lai. Bị đánh rớt khỏi Harvard vừa là một cú sốc nhưng cũng là một bước ngoặt lớn giúp cậu gặp được hai người thầy của mình: Benjamin Graham và David Dodd.

“Mùa xuân năm 1950, Warren càng lúc càng tiến gần đến ngày ra trường. Sau ba năm học, cậu chỉ còn một vài môn nữa là kết thúc đời sinh viên. Và, cậu đã có một quyết định, một quyết định vĩnh viễn làm thay đổi cuộc đời cậu cho đến ngày hôm nay. Sau khi học xong trung học, cậu cảm thấy rằng mình có đủ khả năng để đạt mục tiêu trở thành một triệu phú trước tuổi 35 mà không phải học thêm gì nữa. Nhưng giờ đây cậu sắp sửa tốt nghiệp đại học, vào lúc mà mọi người đã xong chuyện học hành và chuẩn bị đi làm thì Warren lại bỏ chuyện công việc sang một bên. Cậu sắp xếp cho tham vọng của mình bằng cách đăng ký vào Trường Kinh doanh Harvard.

Lịch sử học tập của Warren cho thấy cậu không thích thú gì với chuyện học hành chính quy theo trường lớp – thậm chí còn phản đối việc học – và tự xem mình là một kẻ tự học. Tuy nhiên, Harvard đã đem lại cho cậu hai điều quan trọng: danh giá và một mạng lưới các mối quan hệ cho tương lai. Cậu vừa chứng kiến cảnh cha mình bị ném ra khỏi Quốc hội và nghề môi giới chứng khoán của ông cũng tiêu tan theo, một phần vì ông tự cô lập mình qua việc hy sinh các mối quan hệ để giữ vững “chí khí”. Vì thế cũng không có gì đáng ngạc nhiên khi Warren chọn Harvard.

gia đình warren bufett
Nhìn thấy cha mình bị ném khỏi Quốc hội càng thôi thúc Buffett theo học tại Harvard

“Một ngày nọ, tôi đọc trên tờ Daily Nebraskan một mẩu tin viết rằng: “Học bổng John E. Miller sẽ được trao ngày hôm nay. Mời các ứng viên đến Phòng 300 tòa nhà Quản trị Kinh doanh để nhận học bổng.” Mỗi suất học bổng này trị giá 500 đô la và đủ để bạn theo học xong Harvard.

Tôi đến Phòng 300 và là sinh viên duy nhất có mặt ở đó. Ba vị giáo sư giám khảo muốn nán lại chờ thêm giây lát, nhưng tôi nói: “Không, không. Bây giờ đã là 3 giờ chiều rồi…” Và thế là tôi thắng được học bổng mà không phải làm gì cả.”

Bỗng dưng trở nên giàu có với một mỏ vàng lớn nhờ đọc tờ báo của trường, Warren thức dậy vào lúc nửa đêm và đón xe lửa đi Chicago, nơi diễn ra cuộc phỏng vấn để vào Harvard. Năm này cậu 19 tuổi, trẻ hơn hai tuổi so với một sinh viên vừa tốt nghiệp đại học, và cũng trẻ hơn một sinh viên có độ tuổi trung bình của trường kinh doanh. Điểm số phỏng vấn của cậu đạt loại giỏi chứ không xuất sắc. Mặc dù là con trai của một cựu Thượng Nghị sĩ Hoa Kỳ nhưng cậu không hề đề cập đến điều đó để mong được nhận vào Harvard. Vì Howard Buffett không qua lại với ai nên Warren, con trai ông cũng không muốn điều đó.

Warren thức dậy vào lúc nửa đêm và đón xe lửa đi Chicago, nơi diễn ra cuộc phỏng vấn để vào Harvard.
Warren thức dậy vào lúc nửa đêm và đón xe lửa đi Chicago, nơi diễn ra cuộc phỏng vấn để vào Harvard.

Warren dựa vào vốn kiến thức cổ phiếu của mình để tạo ấn tượng tốt trong cuộc phỏng vấn. Cho đến lúc này, cậu đã biết rằng bất cứ khi nào cậu nói về cổ phiếu thì tất cả mọi người xung quanh không thể không im lặng lắng nghe. Bà con họ hàng, thầy cô giáo, bạn bè của cha mẹ cậu, các bạn đồng học của cậu – tất cả đều muốn nghe cậu thuyết trình về đề tài này.

Nhưng cậu đã nhìn nhận sai về sứ mệnh của Harvard, vốn chỉ đào tạo ra các nhà lãnh đạo. Khi cậu đến Chicago và tự giới thiệu mình với người phỏng vấn, anh ta không để ý gì đến sự tự tin của cậu trong tư thế là một “thần đồng”…. “Tôi trông như mới 16 tuổi và tâm hồn tôi là của một đứa trẻ lên chín. Tôi ở đó trong 10 phút với anh sinh viên Harvard, người chịu trách nhiệm phỏng vấn tôi. Anh ta đánh giá năng lực của tôi và cho tôi… rớt.”

Warren Buffett và lần phỏng vấn "hụt" vào trường Harvard

Warren không bao giờ có cơ hội để chứng tỏ kiến thức về cổ phiếu của mình. Anh chàng phỏng vấn viên đến từ Harvard nhẹ nhàng chúc cậu có nhiều cơ hội tốt hơn trong các năm sắp tới. Warren rất ngây thơ, nói như thế tức là có hy vọng. Cho nên, khi nhận được thư từ chối từ Harvard, cậu bị sốc nặng. Ý nghĩ đầu tiên của cậu là: “Mình phải nói với bố như thế nào đây?”

Dù nghiêm khắc và cứng rắn nhưng Howard không bao giờ đòi hỏi quá nhiều ở các con mình. Giấc mơ Harvard là của Warren, không phải của cha cậu. Howard đã quen với thất bại và luôn đứng vững trong những lúc khó khăn. Câu hỏi Warren thực sự cần hỏi đúng ra phải là: Mình phải nói với mẹ thế nào đây? Những cuộc nói chuyện diễn ra, nhưng rồi mọi người cũng quên khuấy đi theo thời gian. Tuy nhiên sau này Warren nói rằng việc bị Harvard từ chối là một chương then chốt không thể bỏ qua trong cuộc đời ông.

Gần như ngay lập tức, Warren bắt đầu điều tra các trường khác. Trong khi lật nhanh catalog của trường Columbia vào một ngày nọ, cậu bắt gặp hai cái tên rất quen thuộc đối với cậu: Benjamin Graham và David Dodd.

“Đây là những tên tuổi rất lớn đối với tôi. Tôi vừa đọc sách của Graham, nhưng tôi không hề nghĩ rằng ông ấy dạy tại Đại học Columbia.”

Benjamin Graham
Benjamin Graham
David Dodd
David Dodd

Cuốn sách của Graham có nhan đề là “Nhà đầu tư thông minh” (The Intelligent Investor), xuất bản năm 1949. Quyển sách này là một “cố vấn thực tế” cho tất cả các kiểu nhà đầu tư – cẩn trọng hay đầu cơ, hoặc “những người dám nghĩ dám làm” – và thổi bay những mớ lý thuyết xám xịt của Wall Street, lật đổ điều mà từ trước tới nay mọi người cho là sự đầu cơ mù mờ vào cổ phiếu.

Lần đầu tiên quyển sách giải thích rằng những người bình thường cũng có thể hiểu rằng thị trường chứng khoán không hoạt động theo phép thuật. Bằng các minh họa thực tế về các cổ phiếu thực của Công ty Đường sắt Northern Pacific và Công ty Tàu thủy Hawaiian, Graham đưa ra một phương pháp định giá cổ phiếu theo toán học và lô-gíc. “Đầu tư là một hoạt động có hệ thống”, ông nói.

The Intelligent Investor

Cuốn sách đã mê hoặc Warren. Hết năm này sang năm khác, cậu thường xuyên đi thư viện và kiểm tra từng quyển sách viết về cổ phiếu và đầu tư. Rất nhiều cuốn nói về các phương pháp lựa chọn cổ phiếu dựa trên các mô hình này khác. Warren muốn có một phương pháp, một mô hình nào đó đáng tin cậy hơn. Cậu lấy làm thích thú với mô hình số và phép phân tích kỹ thuật.

“Tôi đọc tất cả những quyển sách ấy. Nhưng có lẽ cuốn sách có ảnh hưởng lớn nhất đối với tôi là một quyển của Garfield Drew. Ông viết về odd-lot. Tôi đọc cuốn sách này ba lần. Tôi cũng đọc Edwards và McGee, vốn là những cuốn kinh thánh về phép phân tích kỹ thuật trong chứng khoán. Tôi thường đi thư viện và đọc ngấu nghiến tất cả các cuốn sách có liên quan.” Nhưng khi bắt gặp cuốn Nhà Đầu tư Thông minh, cậu đọc đi đọc lại nó hàng chục, thậm chí hàng trăm lần. “Như thể cậu ấy gặp được Thượng đế vậy.” Người bạn cùng thuê nhà, Truman Wood, nói. Sau khi nghiên cứu và suy nghĩ kỹ lưỡng, cậu quyết định tự thực hiện một vụ đầu tư “giá trị”. Rồi cậu tìm ra công ty Parkersburg Rig & Reel theo các qui tắc mà Graham đã chỉ dẫn trong sách, và mua 200 cổ phiếu của họ.

Theo cuốn catalog mà Warren vừa có trong tay, Ben Graham, người vừa trở thành tác giả yêu thích của cậu, đang giảng dạy môn tài chính tại Đại học Columbia. David Dodd cũng đang giảng dạy ở đó. Dodd là phó hiệu trưởng Trường Quản trị Kinh doanh và Trưởng Bộ môn Tài chính. Năm 1934, Graham và Dodd là đồng tác giả của một cuốn sách gây chấn động dư luận về đầu tư có tựa đề là Phân tích Đầu tư Chứng khoán. Cuốn Nhà Đầu tư Thông minh chính là một bảo sao có phát triển của quyển sách nói trên.

Phân tích Đầu tư Chứng khoán

Vào Columbia có nghĩa là cậu sẽ được học với Ben Graham và David Dodd. Và như tờ catalog của Columbia quảng cáo: “Không thành phố nào khác trên thế giới mang đến cho bạn một cơ hội để làm quen trực tiếp với nghề quản trị kinh doanh thực tế. Ở đây, sinh viên có thể gặp gỡ trực tiếp với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu nước Mỹ và nhiều người trong số họ sẵn sàng dành thời gian để tham gia nói chuyện tại các diễn đàn, hội thảo hay hội nghị… Các công ty lớn tại thành phố luôn rộng cửa đón tiếp các nhóm sinh viên và du khách đến tham quan. Về mặt này thì Harvard không thể có.

Giờ đây Warren đã quyết định vào Columbia, nhưng đã quá trễ. “Tôi viết thư cho họ vào tháng Tám, khoảng một tháng trước khi năm học mới bắt đầu, cơ hội thường qua đi khi bạn muốn làm một điều gì đó. Có trời mới biết tôi đã viết gì? Có lẽ tôi viết rằng tôi vừa đọc được catalog của Columbia khi đang học tại Đại học Omaha, và cuốn catalog nói rằng ông ấy và Ben Graham đang giảng dạy tại đó, trong khi tôi lại nghĩ rằng cả hai người đang ngự trên đỉnh Olympus nhìn xuống mỉm cười với chúng tôi. Nếu được nhận, tôi sẽ đến trường ngay lập tức. Tôi biết đó không phải là một một lá thư được viết đúng bài bản, có lẽ nó khá riêng tư.”

Trong đơn xin xét tuyển, tuy không theo qui ước nào nhưng Warren cũng tạo được ấn tượng mạnh và cậu đã thành công hơn so với cuộc phỏng vấn vào Harvard trước đó. Lá đơn được chuyển lên bàn David Dodd. Vào năm 1950, sau khi giảng dạy tại Columbia được 27 năm, Dodd đã được mời làm đối tác đầu tư của Benjamin Graham nổi tiếng.

Dodd là một người đàn ông cao, ẻo lả, hói đầu và hết mực yêu thương chăm sóc người vợ bị liệt tại nhà. Ông là con của một mục sư thuộc Giáo hội Trưởng Lão (Presbyterian) và lớn hơn cha của Warren tám tuổi. Dodd rất xúc động trước một đơn xin xét tuyển được viết theo lối của một người biết rất rõ về bản thân mình. Và sự thật là ông và Ben Graham quan tâm đến thiên hướng kinh doanh của các sinh viên nhiều hơn là sự chín chắn trong tình cảm của họ. Graham và Dodd không cố tạo ra các nhà lãnh đạo. Họ chỉ dạy sinh viên trở thành những chuyên gia hàng đầu trong ngành của mình.

Cho dù đã quá thời hạn cuối cùng và không cần một cuộc phỏng vấn nào, Warren vẫn được nhận vào Đại học Columbia.

Nguồn sách Hòn tuyết lăn

Có thể bạn quan tâm: Payback Time – Ngày đòi nợ – Phil Town (mua tích trữ cổ phiếu và làm giàu dưới tác động của lãi kép)

sach-Payback-Time-ngay-doi-no-phil-town

ĐỌC THỬ

ĐẶT MUA

 

Các viết cùng chủ đề