fbpx

Xu thế dòng tiền: Quét sạch sóng tăng cả năm, thị trường mở lại cơ hội cho đầu tư giá trị?

Thị trường đột ngột xuất hiện biến động rất mạnh theo hướng tiêu cực trong 2 phiên cuối tuần qua khiến rất nhiều nhà đầu tư không kịp phản ứng hoặc giao dịch trong trạng thái tâm lý hoảng loạn…

xu-the-dong-tien-quet-sach-song-tang-ca-nam-thi-truong-mo-lai-co-hoi-cho-dau-tu-gia-tri-happy-live-1

Thị trường đột ngột xuất hiện biến động rất mạnh theo hướng tiêu cực trong 2 phiên cuối tuần qua khiến rất nhiều nhà đầu tư không kịp phản ứng hoặc giao dịch trong trạng thái tâm lý hoảng loạn.

Các chuyên gia cũng đề cập đến nhiều lý do khiến thị trường phản ứng bất ngờ như vậy. Tuy nhiên các ý kiến cũng khuyến cáo nhà đầu tư không nên bị cuốn theo để rồi hoang mang những tin tức lộn xộn trên thị trường. Điều quan trọng hơn là quản lý rủi ro tốt, đánh giá thị trường qua yếu tố cơ bản và không phải cổ phiếu nào cũng chịu tác động và có rủi ro như nhau.

VN-Index cuối tuần qua đã điều chỉnh xuống vùng 1.040-1050, vốn là vùng hỗ trợ mạnh trong kịch bản xấu được xác định từ khi chỉ số hình thành mô hình 2 đỉnh. Sau phiên giảm mạnh ngày 26/10 thị trường đã có thêm một nhịp điều chỉnh nữa trước khi phục hồi trở lại về cuối phiên lên trên 1.060 điểm. Mặc dù vậy các chuyên gia vẫn tỏ ra thận trọng chờ đợi thêm những tín hiệu cân bằng trong vùng này.

Tỷ trọng cổ phiếu hầu hết được khuyến nghị ở trạng thái cân bằng. Tuy nhiên các chuyên gia đã sẵn sàng giải ngân nhiều hơn khi thị trường tiếp tục điều chỉnh về hẳn nền giá tích lũy hồi tháng 3 và tháng 4, thời điểm trước khi chính sách tiền tệ chuyển từ thắt chặt sang nới lỏng. Biến động thị trường hiện tại được cho là phù hợp và thuận lợi đối với qua điểm đầu tư giá trị và dài hạn.

Nguyễn Hoàng – VnEconomy

Thị trường đột ngột biến động rất mạnh trong 2 phiên cuối tuần. Có quan điểm cho rằng đó là nhịp “đánh xuống” tạo “washout” nhưng cũng có quan điểm thị trường đang xuất hiện rủi ro gì đó chưa biết. Quan điểm anh chị thế nào?

Ông Nguyễn Thế Hoài – Giám đốc chi nhánh Đồng Nai, Chứng khoán Rồng Việt

Tôi thấy việc đưa ra nhận định “washout” hay thị trường có rủi ro gì đó chưa biết là việc làm có vẻ… hên xui. Hiện giờ thị trường đã về lại gần vị trí xuất phát hồi đầu năm trong khi các chính sách vĩ mô đã chuyển sang nới lỏng, chính phủ đang tích cực kích thích nền kinh tế thông qua đầu tư công, giảm thuế cộng thêm vốn FDI 9 tháng đầu năm vượt 20 tỷ USD… là điều chúng ta nên quan tâm. Lúc này chúng ta nên bình tĩnh soi xét tìm kiếm cơ hội hơn là hoang mang với các tin tức lộn xộn trên thị trường.

Ông Nguyễn Việt Quang – Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội

Theo tôi khả năng cao nhịp đánh xuống này là nhịp tạo “washout”. Hiện tôi thấy thị trường nhiều cổ phiếu đã có dấu hiệu tạo đáy trước VN-Index và có những cổ phiếu khỏe hơn còn tao xu hướng tăng trong ngắn hạn. Thường những phiên cuối cùng của đợt giảm giá bao giờ cũng là phiên bán tháo mạnh và cổ phiếu giảm sàn la liệt, sau đó là những phiên chững lại đà giảm. Khi nhìn vào lịch sử diễn biến của VN-Index trong quá khứ chúng ta có thể thấy rõ điều này.

Ông Thái Hữu Công – Chuyên viên phân tích cao cấp, Chứng khoán KBSV

Nhịp điều chỉnh tuần qua của thị trường phản ánh một vài yếu tố rủi ro đến từ trong và ngoài nước. Bên cạnh những yếu tố ngoại biên như việc lợi suất trái phiếu 10 năm của Mỹ vượt đỉnh 5%, mức cao nhất từ 2007 trở lại đây, khiến cho thị trường chứng khoán trên thế giới phải lao đao, áp lực đến từ việc tỷ giá gia tăng, Ngân hàng nhà nước phát hành tín phiếu, lãi suất qua đêm trên thị trường 2 tăng vọt đã khiến cho thị trường chứng khoán Việt Nam có một nhịp giảm điểm khá đồng pha so với diễn biến chung của thế giới.

Theo tôi ở thời điểm hiện tại, vẫn chưa xuất hiện những tín hiệu cho thấy áp lực của các yếu tố này thực sự qua đi và nhịp giảm điểm vừa qua có thể chưa phản ánh hết các rủi ro đang tiềm ẩn.

Ông Nguyễn Văn Sơn – Chuyên gia phân tích Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng

Đứng dưới góc nhìn từ dòng tiền, tôi cho rằng thị trường sụt giảm đột ngột xuất phát từ bối cảnh dòng tiền chung liên tục suy yếu và sự kiện cổ phiếu “họ Vin” rơi là “giọt nước tràn ly”.

Nguyên nhân dòng tiền chung sụt giảm là bởi sau giai đoạn thị trường tăng mạnh mẽ trước tháng 8, nhiều cổ đông lớn cũng như các ông chủ có thể đã tận dụng để “thoát hàng” lấy tiền giải quyết các khó khăn về vốn cho doanh nghiệp khi kênh trái phiếu gần như “bế tắc” và kênh tín dụng khó tiếp cận do không đủ chuẩn.

Ngoài ra, việc Ngân hàng nhà nước hút ròng trên thị trường mở cũng có tác động lớn tới dòng tiền chung bởi thị trường tài chính luôn có mối liên hệ mật thiết thông qua cơ chế “bình thông nhau”, và phiên hút ròng trở lại vào cuối tuần qua sau khi đã có 6 phiên tạm nghỉ là tín hiệu tiêu cực lên thị trường.

Thêm vào đó, các biến động khó lường trên thị trường toàn cầu với việc Dow Jones có chuỗi giảm gần cả tuần ngay trước cuộc họp quan trọng của Fed vào tuần sau, và khối ngoại vẫn giữ trạng thái bán ròng mạnh trong tuần qua, đã tác động mạnh lên dòng tiền cũng như tâm lý chung của thị trường.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu “họ Vin”, vốn có sức ảnh hưởng lớn tới điểm số đột ngột “rơi” ngay từ đầu phiên ATO, đã như một giọt nước tràn ly đẩy tâm lý thị trường vào hoảng loạn.

Theo góc nhìn như vậy, tôi thấy thị trường chỉ có thể ổn định trở lại khi các yếu tố tác động tiêu cực tới dòng tiền được “cởi bỏ”, cũng như sức ép từ sự kiện “họ Vin” đi qua.

Ông Lê Đức Khánh – Giám đốc phân tích, Chứng khoán VPS

Có rất nhiều yếu tố có thể khiến thị trường chao đảo trong một số giai đoạn biến động mạnh. Tâm lý e ngại về  câu chuyện tỷ giá, lo ngại về tình hình địa chính trị thế giới, bối cảnh  vĩ mô trong nước chưa kể các cổ phiếu lớn vì một số lý do nội tại giảm mạnh kéo theo tâm lý bán ra của bộ phận nhà đầu tư.

Tôi cho rằng nhiều khi thị trường giảm đôi khi chỉ đơn giản là dòng tiền tham gia yếu và chỉ cần một vài biến động nhỏ, thông tin tiêu cực cũng có thể khiến các cổ phiếu giảm sâu. Dù sao đi nữa, nhà đầu tư vẫn nên chỉ quan tâm đến các cổ phiếu riêng lẻ mà mình đang nắm giữ hoặc định giải ngân trong giai đoạn tới bởi thị trường vốn dĩ cũng khó đoán định trong ngắn hạn biến động lên xuống.

Nguyễn Hoàng – VnEconomy

VN-Index chốt tuần dừng lại đúng vùng 1050 điểm, cũng là ngưỡng tối đa anh chị dự kiến từ đầu tháng 10. Liệu đây đã là ngưỡng tin cậy để thị trường tạo đáy? Anh chị có thay đổi quan điểm?

Ông Thái Hữu Công – Chuyên viên phân tích cao cấp, Chứng khoán KBSV

Mặc dù chỉ số đã xuất hiện những nỗ lực hồi phục đầu tiên với nhiều nhóm ngành ghi nhận đà tăng điểm tương đối tốt trong phiên cuối tuần, cơ hội tạo đáy ở vùng 103x vẫn chưa được đánh giá cao. Theo tôi VN-Index nhiều khả năng sẽ tiếp tục trải qua các nhịp điều chỉnh giằng co với thanh khoản kỳ vọng duy trì ở mức thấp về ngưỡng hỗ trợ cấp trung quanh 1.000 (+-10) trước khi có cơ hội bước vào một nhịp hồi phục ngắn hạn.

Ông Nguyễn Việt Quang – Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội

Nhìn từ đồ thị tuần và đồ thị ngày thì vùng 1.050 +/- 20 điểm là vùng hỗ trợ mạnh. Vùng đó đều tạo những đáy quan trọng cũng như giá thấp nhất của phiên thứ 6 đã chạm vào cạnh dưới kênh song song được tạo bởi xu hướng giảm hiện tại. VN-Index giảm từ đỉnh cũng đã được hơn 17% biên độ cũng đã đủ cho một nhịp sóng giảm. Kèm theo đó chỉ số đang tạo phân kỳ giữa giá và RSI. Từ nhiều yếu tố nên tôi đánh giá xác suất tạo đáy ngắn hạn khá cao.

Ông Lê Đức Khánh – Giám đốc phân tích, Chứng khoán VPS

Thị trường giảm điểm cũng đến một mốc điểm nào đó và sẽ chững lại rồi bật hồi. Tôi đánh giá vùng hỗ trợ mạnh 1.030 – 1.050 điểm vẫn là khu vực được coi là có thể có những đợt sóng hồi, cho dù vẫn cần tiếp tục theo dõi thanh khoản. Dòng tiền nhập cuộc đi kèm với việc bật hồi tại các vùng hỗ trợ tâm lý là tín hiệu có thể xác nhận đáy.

Ông Nguyễn Văn Sơn – Chuyên gia phân tích Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng

Dưới góc nhìn của phân tích kỹ thuật, khu vực hỗ trợ quanh 1.050 điểm đối với VN-Index vẫn là vùng hỗ trợ rất mạnh, bởi đây là khu vực mà chỉ số này đã tạo nền cân bằng khá lâu, khoảng hơn 5 tháng trước khi Ngân hàng nhà nước chuyển hướng chính sách từ thắt chặt sang nới lỏng.

Mặc dù vậy, trên đồ thị nến ngày, chỉ số vẫn đang nằm trong xu hướng điều chỉnh trung hạn, với các đường MA5 và 20 vẫn ở trạng thái hướng xuống và phân kỳ âm. Chỉ số tuy có tạo được “nến rút chân” vào phiên cuối tuần nhưng thanh khoản sụt giảm, nên vẫn chưa đủ tín hiệu để khẳng định vùng 1.050 điểm đã là đáy hay chưa. Do đó, tôi cho rằng chỉ số vẫn cần chờ đợi thêm tín hiệu trước khi việc thay đổi xu hướng hiện tại được xác nhận.

Trong trường hợp, VN-Index chưa sớm tạo được nền cân bằng ổn định quanh vùng hỗ trợ 1.050 thì vùng 980 – 1.000 điểm có thể sẽ là vùng hỗ trợ mạnh tiếp theo.

Ông Nguyễn Thế Hoài – Giám đốc chi nhánh Đồng Nai, Chứng khoán Rồng Việt

Thị trường đã giảm 200 điểm từ mức 1.250 điểm trong gần 2 tháng có thể coi là khá nhanh và mạnh. Giá nhiều cổ phiếu đã về tới vùng hợp lý nên tôi thấy vùng này rủi ro đã thấp đi rất nhiều. Thị trường có những thời điểm các cổ phiếu tăng giảm cùng nhau nhưng cũng có thời điểm phân hóa và tôi nghĩ thời gian tới thị trường sẽ phân hóa. Khả năng cao thị trường sẽ cân bằng quanh đây.

Nguyễn Hoàng – VnEconomy

Thống kê cho thấy mức độ sử dụng margin lại khá lớn thời điểm chốt quý 3 trong bối cảnh thị trường điều chỉnh mạnh trong tháng 10. Tuy nhiên thanh khoản tháng 10 rất thấp. Dường như sức mua của nhà đầu tư cá nhân đang cạn?

Ông Nguyễn Việt Quang – Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội

Tôi khá đồng tình với quan điểm sức mua của nhà đầu tư cá nhân đang cạn vì hầu hết các nhà đầu tư cá nhân giai đoạn vừa rồi đều nắm giữ cổ phiếu, thậm chí khi giá điều chỉnh về các mốc hỗ trợ họ có thể giải ngân thêm bằng margin. Còn nhà đầu tư lớn hiện đang đứng ngoài thị trường và tôi đang kỳ vọng họ sẽ tham gia vào tháng tới và thị trường có một nhịp sóng hồi ổn.

Ông Nguyễn Văn Sơn – Chuyên gia phân tích Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng

Như đã chia sẻ ở trên, tôi có đề cập tới việc các cổ đông lớn và chủ doanh nghiệp có thể đã tận dụng đợt tăng trước đó để rút tiền qua việc “thoát hàng” hoặc qua margin, bởi trong bối cảnh khó tiếp cận bởi không đạt chuẩn để vay, thì việc giải bài toán thanh khoản cho doanh nghiệp thông qua thị trường vốn luôn là một lựa chọn đối với họ.

Thanh khoản tháng 10 rất thấp là biểu hiện cho thấy dòng tiền đã sụt giảm sâu khi sức mua của nhà đầu tư cá nhân dần trở nên cạn kiệt theo đà giảm của thị trường.

Ông Thái Hữu Công – Chuyên viên phân tích cao cấp, Chứng khoán KBSV

Theo quan sát của tôi, một lượng lớn tiền của các nhà đầu tư tổ chức, tự doanh cũng như nhà đầu tư nước ngoài đã bị rút ra khỏi thị trường khi mà nhóm này đã liên tục bán ra trong những nhịp tăng điểm trước. Bên cạnh đó, việc dòng tiền của các nhà đầu tư cá nhân bị kẹt lại quanh vùng giá cao chứ không còn luân chuyển liên tục như trong quý 3 cũng là một trong số những lý do khiến cho thanh khoản của thị trường duy trì ở mức thấp.

Ông Nguyễn Thế Hoài – Giám đốc chi nhánh Đồng Nai, Chứng khoán Rồng Việt

Tôi cho rằng dòng tiền đầu cơ, dòng tiền nóng đã rút khỏi thị trường khoảng hơn 1 tháng nay. Chúng ta có thể thấy qua thanh khoản của thị trường và giá các cổ phiếu mang tính đầu cơ điều chỉnh giảm khá nhiều. Trong ngắn hạn theo tôi dòng tiền này sẽ không sớm quay lại thị trường nên chúng ta sẽ làm quen dần với thanh khoản duy trì ở mức thấp.

Ông Lê Đức Khánh – Giám đốc phân tích, Chứng khoán VPS

Nhà đầu tư vẫn có thể đang e ngại việc mua vào dù rõ ràng giai đoạn này cơ hội cho việc giải ngân lại có thể tốt hơn, đặc biệt là các cổ phiếu giảm mạnh giai đoạn vừa qua. Theo tôi yếu tố tâm lý đôi khi vẫn khá quan trọng, ảnh hưởng đến hành vi giao dịch của các nhà đầu tư hơn là sức mua của họ.

Nguyễn Hoàng – VnEconomy

Thị trường xuất hiện thanh khoản lớn hôm 26/10 do lực bán tháo dữ dội, nhưng phiên phục hồi cuối tuần lại quay về trạng thái thanh khoản thấp. Anh chị có tham gia bắt đáy? Tỷ trọng cổ phiếu hiện tại là bao nhiêu?

Ông Thái Hữu Công – Chuyên viên phân tích cao cấp, Chứng khoán KBSV

Tuần vừa qua tôi đã thực hiện bán hạ tỷ trọng cổ phiếu trong các nhịp hồi phục sớm về quanh ngưỡng kháng cự 1.100 điểm và duy trì tỷ trọng ở mức thấp quanh 10%-15%. Tuy nhiên, nếu thị trường xuất hiện các nhịp điều chỉnh với thanh khoản thấp trong tuần tới như kỳ vọng, tôi dự kiến sẽ tham gia bắt đáy và đẩy mạnh tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục của mình lên mức 80%.

Ông Nguyễn Văn Sơn – Chuyên gia phân tích Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng

Dựa trên nhận định thị trường vẫn chưa cho tín hiệu tạo đáy đủ tin cậy nên tôi chưa tham gia giao dịch trong phiên bán tháo 26/10 vừa qua. Tôi vẫn giữ tỷ trọng ở mức như trước với danh mục chỉ tập trung nắm các cổ phiếu có báo cáo quý 3 tăng trưởng tích cực và triển vọng kinh doanh khả quan ở năm tới.

Ông Lê Đức Khánh – Giám đốc phân tích, Chứng khoán VPS

Tôi vẫn xác định có một số cổ phiếu thị trường giảm mạnh lại là cơ hội để phân bổ thêm, mua gia tăng những cổ phiếu yêu thích. Tỷ trọng cổ phiếu/tiền mặt hiện tại đang là 60%/40%.

Ông Nguyễn Thế Hoài – Giám đốc chi nhánh Đồng Nai, Chứng khoán Rồng Việt

Bắt đáy là một công việc rủi ro nhưng nếu chúng ta xác định được nhóm ngành, doanh nghiệp nào có giá cổ phiếu hợp lý và phân bổ tỷ trọng hợp lý thì sẽ hạn chế được rủi ro và đem lợi mức lợi nhuận tương xứng. Dòng tiền trên thị trường không còn dồi dào nên dòng tiền thông minh sẽ tìm tới các cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt, có triển vọng kinh doanh tăng trưởng mà đang bị ảnh hưởng bởi thị trường. Theo tôi tỷ trọng cổ phiếu hiện tại khoảng 50% là hợp lý.

Ông Nguyễn Việt Quang – Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội

Phiên thứ 6 tôi có tham gia giải ngân 20% vào các mã có dấu hiệu tạo đáy trước thị trường và mã đã tạo xu hướng tăng ngắn hạn. Tỷ trọng cổ phiếu hiện tại cổ phiếu tôi nắm giữ 40% cổ phiếu và 60% tiền mặt. Nếu thị trường tiếp tục có những tín hiệu tốt hơn tôi sẽ gia tăng tỷ trọng nắm giữ cổ phiếu.

Tiến Phát

vneconomy

Có thể bạn quan tâm: Bộ sách được chọn lọc tinh gọn dành riêng cho những F0 “chập chững”

gia nhập phương pháp đầu tư Kungfu Chứng Khoán

ĐẶT SÁCH NGAY

 

Các viết cùng chủ đề