Xu thế dòng tiền: VN-Index có thể kiểm định đáy tháng 8, nên cắt lỗ hay bình quân giá?
Mặc dù có tuần lao dốc mạnh thứ hai liên tiếp, VN-Index giảm chung cuộc 2,8%, nhưng hiệu ứng bắt đáy và phục hồi ở phiên cuối tuần lại được chú ý. Nhà đầu tư rất ưa thích các phiên xuất hiện “nến rút chân” như vậy, vì thể hiện lực cầu bắt đáy có hiệu lực…
Mặc dù có tuần lao dốc mạnh thứ hai liên tiếp, VN-Index giảm chung cuộc 2,8%, nhưng hiệu ứng bắt đáy và phục hồi ở phiên cuối tuần lại được chú ý. Nhà đầu tư rất ưa thích các phiên xuất hiện “nến rút chân” như vậy, vì thể hiện lực cầu bắt đáy có hiệu lực.
Tuy nhiên các chuyên gia lại có cái nhìn trái chiều về hiệu ứng này. Thuần túy về mặt chỉ số VN-Index hồi lại trong phiên cuối tuần khoảng 1,6% so với đáy thấp nhất, nhưng cổ phiếu lại phục hồi khác nhau. Đa số ý kiến nhấn mạnh tới hiệu ứng về điểm số hơn là diễn biến phục hồi thật sự. VN-Index được một số mã lớn bù đắp điểm số, trong khi đa số cổ phiếu yếu hơn đáng kể và nhóm chứng khoán, bất động sản vẫn bị bán tháo.
Do vậy các chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư nên quản trị rủi ro thận trọng tùy thuộc vào danh mục đang có. Trên cơ sở VN-Index, về mặt kỹ thuật thị trường được đánh giá cao khả năng kiểm định lại vùng đáy tháng 8 vừa qua. Tuy nhiên các quan điểm rủi ro của các chuyên gia khác nhau nên việc lựa chọn cắt lỗ hay bình quân giá cũng không thống nhất, đặc biệt là khi các cổ phiếu có diễn biến khác biệt nhiều so với chỉ số. Các chuyên gia cũng lưu ý rằng vùng đáy tháng 8 là ngưỡng hỗ trợ tốt, nhưng không tuyệt đối sẽ đảm bảo là đáy. Nếu vùng đáy cũ bị phá vỡ, thị trường sẽ xác lập mô hình 2 đỉnh và điều chỉnh sâu hơn.
Đánh giá về lý do phổ biến được “đổ lỗi” cho diễn biến thị trường lao dốc tuần qua, là động thái phát hành tín phiếu rút tiền về của Ngân hàng nhà nước, các chuyên gia không cho rằng động thái này tác động trực tiếp. Đây là nghiệp vụ bình thường. Tuy nhiên thị trường có thể diễn thành giải một thông điệp bất lợi hơn, rằng các áp lực về tỷ giá sẽ khiến cơ hội giảm thêm lãi suất trở nên bất khả thi.
Nguyễn Hoàng – VnEconomy
Thông tin bất ngờ tuần qua là Ngân hàng nhà nước rút tiền về thông qua phát hành tín phiếu. Quy mô khá nhỏ và đây cũng là nghiệp vụ bình thường. Tuy nhiên thông tin này đang bị đổ lỗi cho diễn biến bất thường trên thị trường chứng khoán. Anh chị có bình luận gì?
Ông Nguyễn Văn Sơn – Chuyên gia phân tích Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng
Theo tôi, diễn biến giảm mạnh của thị trường trong tuần qua là bởi sự cộng hưởng của nhiều yếu tố. Không chỉ từ yếu tố kỹ thuật do VN-Index chịu áp lực chốt lời khi chưa thể vượt qua được đỉnh cũ, cũng như yếu tố bán ròng mạnh của khối ngoại, mà còn bởi thông tin kém tích cực rằng lãi suất còn tăng và neo cao lâu hơn ở Mỹ sau cuộc họp của Fed cũng như thông tin tái hoạt động kênh T-bill qua thị trường mở của Ngân hàng nhà nước.
Với tác động từ thông tin mua vào 10 nghìn tỷ giá trị T-bill kỳ hạn 28 ngày trên thị trường mở hôm 22/9, mặc dù giá trị không lớn và đây cũng là hoạt động nghiệp vụ bình thường của một ngân hàng trung ương, nhưng thị trường lại đặt thông tin này trong bối cảnh đã lâu rồi Ngân hàng nhà nước không có sử dụng công cụ này, mà luôn duy trì trạng thái thanh khoản dồi dào trên hệ thống liên ngân hàng. Bởi vậy, hoạt động hút tiền về đã khiến cho thị trường lo ngại rằng đây có thể là dấu hiệu khởi động cho một quá trình bớt nới lỏng, và dù giá trị không lớn nhưng cũng đủ để ảnh hưởng tới tâm lý giao dịch của nhà đầu tư.
Trong bối cảnh, thị trường chứng khoán trải qua giai đoạn tích cực vừa qua hoàn toàn nhờ vào Ngân hàng nhà nước duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng với lãi suất thấp và thanh khoản trên hệ thống ngân hàng dồi dào. Do đó, mọi tín hiệu dù nhỏ nhất tác động tới các yếu tố cốt lõi trên đều có thể ảnh hưởng tới thị trường, đặc biệt là các thông tin có tính lần đầu và ngược chiều.
Và tới hiện tại, thông tin Ngân hàng nhà nước hút bớt thanh khoản thông qua thị trường mở, có thể đã được phản ánh vào giá cổ phiếu và tác động sẽ không còn nhiều. Nhưng liệu hoạt động hút thanh khoản này có thành xu hướng hay chỉ đơn thuần mang tính thời điểm?, thì chúng ta cần thêm thời gian theo dõi. Bởi bất cứ một tín hiệu nào tác động tới yếu tố trọng yếu, đều có sức ảnh hưởng lớn tới dòng tiền chung cũng như xu hướng chính của thị trường.
Ông Nguyễn Việt Quang – Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội
Theo tôi thông tin trên chỉ là một phần nguyên nhân dẫn đến diễn biến bất thường trên thị trường chứng khoán. Hoạt động Ngân hàng nhà nước rút tiền về thông qua phát hành tín phiếu sẽ tác động xấu đến thị trường chứng khoán nhưng với quy mô nhỏ thì ảnh hưởng không nhiều, nhưng điều chú ý ở đây là số thành viên đăng ký tham gia đăng ký thầu rất nhiều điều này thể hiện các ngân hàng thương mại đang dư thừa tiền rất lớn.
Ông Thái Hữu Công – Chuyên viên phân tích cao cấp, Chứng khoán KBSV
Tôi cho rằng một trong số những nguyên nhân chính khiến Ngân hàng nhà nước thực hiện nghiệp vụ phát hành SBV-bills trên thị trường mở lần đầu tiên sau 3 tháng vừa qua là do áp lực về tỷ giá USD-VND đang mạnh dần lên. Điều này được cho là sẽ giúp hạn chế việc đầu cơ USD của nhiều ngân hàng trong bối cảnh thanh khoản có phần dư thừa.
Mặc dù lần phát hành này có quy mô khá nhỏ và chỉ là nghiệp vụ bơm/rút thanh khoản thông thường (không mang ý nghĩa giảm lượng tiền đồng lưu thông trong hệ thống) nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn lo ngại rằng đây là tín hiệu đầu tiên của việc đảo chiều chính sách tiền tệ, giống với giai đoạn cuối năm 2022. Điều này đã khiến cho thị trường phản ứng tiêu cực và góp phần kích hoạt đà bán tháo mạnh trong 2 phiên cuối tuần.
Ông Nguyễn Thế Hoài – Giám đốc Chi nhánh Đồng Nai, chứng khoán Rồng Việt
Thị trường diễn biến theo đúng các chu kì của một đợt phát động Bùng nổ theo đà, tiếp đến 4 phiên phân phối và sau đó giảm giá. Việc tìm thông tin để giải thích cho sự giảm giá của nhà đầu tư cá nhân là việc khá quen thuộc trên thị trường chứng khoán. Theo thôi việc thị trường giảm giá mạnh đều đã có tín hiệu báo trước, tin tức này chỉ là sự giải thích.
Tuy nhiên, để đánh giá, việc Ngân hàng nhà nước có động thái rút tiền về thông qua kênh phát hành tín phiếu cho thấy rằng Nhà nước đã có hành động can thiệp điều tiết tỉ giá và khó sẽ có sự giảm lãi suất thêm nữa. Do đó dưới góc nhìn của việc các tài sản như chứng khoán, bất động sản đã hết rẻ thì việc các cổ phiếu chứng khoán và bất động sản bị bán mạnh trong 2 ngày cuối tuần vừa qua là dễ hiểu.
Ông Lê Đức Khánh – Giám đốc phân tích, Chứng khoán VPS
Có lẽ nhà đầu tư vẫn thường chú ý đến các nguyên nhân, tác động vĩ mô hay kể cả những thông tin “thất thiệt” có ảnh hưởng ít nhiều đến thị trường chứng khoán, nhưng có lẽ việc quản lý danh mục, đầu tư mua và nắm giữ cổ phiếu riêng lẻ tiềm năng nào vẫn là điều đáng chú ý hơn. Quá trình đầu tư hay giao dịch ngắn hạn các cổ phiếu vẫn chỉ lưu ý đến tiềm năng tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận của các doanh nghiệp, mức định giá mục tiêu đi kèm với chiến lược giao dịch ngắn hạn cổ phiếu trong hoàn cảnh dự báo diễn biến xu hướng thị trường trong ngắn hạn. Bởi thế nhà đầu tư vẫn nên chú ý yếu tố, thông tin nào thực sự quan trọng liên quan đến ngành nghề, cổ phiếu cụ thể nào mà nhà đầu tư đang nắm giữ.
Nguyễn Hoàng – VnEconomy
VN-Index giảm rất mạnh trong phiên cuối tuần, với thanh khoản gia tăng đột biến. Diễn biến này gợi nhớ đến phiên ngày 18/8 vừa qua với tín hiệu bắt đáy mạnh mẽ. Liệu có thể kỳ vọng thị trường sẽ tạo đáy quanh mức 1.150 điểm tương tự như hồi tháng 8? Nếu thủng mức này, anh chị dự kiến khả năng điều chỉnh tới đâu?
Ông Thái Hữu Công – Chuyên viên phân tích cao cấp, Chứng khoán KBSV
Mặc dù thị trường trong phiên cuối tuần đã xuất hiện một cây nến rút chân cùng thanh khoản tăng mạnh, việc hồi phục chủ yếu đến từ một vài mã ngân hàng vốn hóa lớn như VCB, BID hay STB,… trong khi các ngành dẫn dắt như chứng khoán, thép, bất động sản vẫn tiếp tục diễn biến tiêu cực với áp lực bán mạnh duy trì đến cuối phiên. Điều này đang để ngỏ rủi ro chỉ số sẽ tiếp tục mở rộng nhịp điều chỉnh sang tuần sau với ngưỡng hỗ trợ gần đáng lưu ý quanh 1.140 (+-5) điểm.
Ông Nguyễn Việt Quang – Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội
Thị trường phiên thứ 6 diễn biến xấu tuy nhiên có tạo cây nến Hammer cho tín hiệu đảo chiều. Nhưng diễn biến hồi phục chủ yếu từ động lực kéo của một số cổ phiếu trụ lớn đặc biệt là dòng ngân hàng tiêu biểu là: VCB, BID, STB,… trong khi đó rất nhiều cổ phiếu hồi phục yếu thậm chí đóng cửa thấp nhất phiên.
Hiện chúng ta cần theo dõi kỹ vùng quanh 1.170 điểm xem thị trường phản ứng hấp thụ lực cung vùng này tốt không và có tín hệu đảo chiều tăng không. Nếu VN-Index đóng cửa dưới mức đóng cửa thấp nhất đáy vừa rồi – 1.172.56 điểm thì thị trường xác nhận tạo mô hình 2 đỉnh và khả năng sẽ giảm về vùng quanh 1.050 điểm.
Ông Nguyễn Thế Hoài – Giám đốc Chi nhánh Đồng Nai, chứng khoán Rồng Việt
Thị trường thứ 6 vừa rồi có một cú rút chân rất tích cực và tôi đánh giá thị trường sẽ vào pha đi ngang với biên độ 1.160 – 1.250 từ giờ đến cuối năm và khó mà có thể giảm sâu tiếp. Trừ khi có thêm những thông tin gì đó tiêu cực từ bên ngoài.
Vùng 1.160 điểm từ 18/8 là vùng dòng tiền chấp nhận gom hết những cổ phiếu bị bán giải chấp và thứ 6 lại một lần nữa dòng tiền vào bắt rất mạnh khi chỉ số chạm 1.174. Nếu thủng 1.160 thì Index sẽ trở lại kênh giảm giá trung và dài hạn và có thể về lại hẳn vùng 1.030 – 1.080 điểm, là vùng nền giá được tạo ra suốt khoảng thời gian quý 1 và quý 2 của năm 2023. Nhưng tôi đánh giá xác suất thủng 1.160 điểm là rất thấp.
Ông Nguyễn Văn Sơn – Chuyên gia phân tích Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng
Theo tôi các yếu tố hỗ trợ và nuôi dưỡng chu kỳ đi lên hiện tại của thị trường vẫn chưa thay đổi. Mặt bằng lãi suất thấp cùng thanh khoản dồi dào trong hệ thống ngân hàng, đang giúp cho thị trường chứng khoán thu hút được dòng tiền mạnh mẽ.
Đồng thời, tôi cũng bảo lưu quan điểm rằng thị trường giảm điểm tuần qua chỉ đang thể hiện giai đoạn sóng điều chỉnh trung gian nhằm chuyển tiếp động lực tăng trưởng mà thôi. VN-Index có thể đang vận động trong khu vực hình hộp với biên độ 50 điểm quanh 1.200 điểm.
Do đó, tôi kỳ vọng vùng đáy cũ tháng 8 cũng sẽ là vùng đáy của đợt điều chỉnh hiện tại. Thị trường sẽ có cơ hội giữ được trên vùng 1.150 điểm nếu VN-Index tiếp tục điều chỉnh trong tuần tới.
Ông Lê Đức Khánh – Giám đốc phân tích, Chứng khoán VPS
Theo tôi ngoài vùng hỗ trợ mạnh 1.150 – 1.160 điểm thì vẫn có vùng hỗ trợ rất tin cậy nữa đó là khu vực 1.120 +/-. Nhà đầu tư cũng nên nhớ việc diễn biến biến động ngắn hạn tăng/giảm điểm có thể diễn ra rất nhanh và phiên tạo đáy có thể biến động +/- 20 – 30 điểm cũng rất bình thường để cho thấy chiến lược đầu tư vẫn nên chú ý đến các cổ phiếu riêng lẻ đặc thù hơn là việc dự báo biến động của thị trường chung trong ngắn hạn.
Nguyễn Hoàng – VnEconomy
Diễn biến thị trường rất nhanh và giá giảm rất sâu chỉ trong một phiên. Hầu hết nhà đầu tư chịu thua lỗ lớn. Liệu có nên cắt lỗ hay bình quân giá lúc này?
Ông Nguyễn Việt Quang – Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội
Theo tôi để đưa ra lời khuyên phụ thuộc rất lớn vào tỷ trọng sử dụng margin, mục tiêu của nhà đầu tư. Với nhà đầu tư nắm giữ tỷ trọng margin lớn tôi nghĩ có hồi nên giảm bớt tỷ trọng để phòng kịch bản xấu xảy ra; Với những nhà đầu tư mục tiêu đầu tư nắm giữ cổ phiếu dài hạn khi cổ phiếu về vùng hỗ trợ có thể tham gia mua bán lướt để giảm giá vốn lượng cổ phiếu đầu tư dài hạn,….
Ông Nguyễn Thế Hoài – Giám đốc Chi nhánh Đồng Nai, chứng khoán Rồng Việt
Tôi cho rằng quan trọng việc nhà đầu tư đang cầm cổ phiếu gì. Với những nhà đầu tư đang cầm cổ phiếu chứng khoán, bất động sản thì tôi nghĩ 2 nhóm này đã có một pha tăng giá khá dài, từ tháng 4/2023 đến giờ nên chắc chắn sẽ cần mất thời gian tích lũy. Do đó với những ai đang cầm cổ phiếu của 2 ngành này cân nhắc khi thị trường hồi phục để cơ cấu bán ra, không nên trung bình giá.
Còn với những nđt đang cầm cổ phiếu ngành bán lẻ, xuất khẩu hay một số ngân hàng thì vẫn có thể nắm giữ vì những nhóm này hầu hết chỉ là điều chỉnh bình thường 8% từ đỉnh, thậm chí xuất khẩu nhiều mã còn vượt đỉnh. Do đó nhà đầu tư có thể cân nhắc thăm dò vị thế nếu cầm tiền mặt nhiều và nắm giữ tiếp với bán lẻ, xuất khẩu. Thậm chí chúng ta có thể gia tăng vị thế khi thị trường có dấu hiệu cân bằng và hồi phục.
Ông Nguyễn Văn Sơn – Chuyên gia phân tích Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng
Theo kinh nghiệm của tôi, trong giai đoạn sóng trung gian, thị trường thường biến động giằng co về mặt điểm số, nhưng rất phân hóa mạnh về mặt nhóm cổ phiếu.
Đặc biệt hơn với bối cảnh “tiền nhiều” như hiện nay, thì dòng tiền còn thể hiện sự phân hóa mạnh hơn nữa, và có những dòng cổ phiếu tăng rất nóng hay giảm sốc thoát hẳn khỏi sự vận động chung của thị trường. Bởi vì thế mà chúng ta không nên xem nhẹ đi nguyên tắc cắt lỗ, cũng như việc tận dụng nhịp điều chỉnh chung của thị trường để tái cơ cấu lại danh mục theo sự vận động của dòng tiền.
Do đó, việc cắt lỗ hay bình quân giá sẽ được quyết định dựa trên từng vị thế cụ thể. Tôi cho rằng các cổ phiếu có cơ bản tốt, câu chuyện ngành hấp dẫn hay dự báo kết quả kinh doanh quý 3 tăng trưởng mạnh, nên được ưu tiên hướng tới.
Ông Thái Hữu Công – Chuyên viên phân tích cao cấp, Chứng khoán KBSV
Mặc dù trong 2 phiên cuối tuần thị trường có diễn biến giảm điểm mạnh nhưng nếu nhìn rộng hơn trong từ 3-6 tháng trở lại đây, nhiều nhà đầu tư vẫn đang lãi lớn khi nhiều mã cổ phiếu đã tăng trung bình từ 40-50%. Theo đó, việc hạ bớt tỷ trọng và bảo toàn thành quả đã đạt được ở thời điểm hiện tại là cần thiết để tránh những biến động khó lường của thị trường chung.
Còn đối với các vị thế đã mở mới nếu không có diễn biến như kỳ vọng, nhà đầu tư cần tuân thủ kỷ luật cắt lỗ đã đề ra.
Ông Lê Đức Khánh – Giám đốc phân tích, Chứng khoán VPS
Tôi cho rằng việc nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu, phân bổ đầu tư các cổ phiếu đang nắm giữ thế nào sẽ quyết định việc sẽ mua bình quân giá thời điểm nào nay chấp nhận việc lỗ trạng thái trong gắn hạn. Tỷ trọng cổ phiếu hợp lý hiện tại nên được ưu tiên và nhà đầu tư sẽ đợi thị trường chạm đáy điều chỉnh và phục hồi.
Nguyễn Hoàng – VnEconomy
VN-Index chốt phiên cuối tuần đã hồi phục khoảng 1,6% so với mức thấp nhất. Thị trường đã đi sang tuần cuối tháng 9, có thể trông chờ vào lực đỡ NAV quý 3 trong tuần tới?
Ông Nguyễn Thế Hoài – Giám đốc Chi nhánh Đồng Nai, chứng khoán Rồng Việt
Tôi cho rằng VN-Index sẽ đi ngang biên 1.160 – 1.250 điểm nên phiên bán tháo đã qua, do đó không nên tiêu cực. Sang tuần sẽ là cơ hội cho nhà đầu tư thăm dò. Ngay phiên thứ 6 vừa rồi cũng có lực đỡ rất mạnh thì VN-Index mới rút chân như vậy được.
Do đó nhà đầu tư tránh quá bi quan mà hành động sai. Chủ động mua thăm dò và gia tăng dần vị thế khi thị trường hồi phục với những ngành kì vọng vào quý 4.
Ông Thái Hữu Công – Chuyên viên phân tích cao cấp, Chứng khoán KBSV
Xét về mặt kỹ thuật, VN-Index hiện vẫn đang trong xu hướng giảm điểm với độ dốc khá sâu cùng biên độ giảm điểm rộng. Các nhịp hồi phục có thể xuất hiện đan xen, tuy nhiên cơ hội để thị trường có thể tạo đáy ngay vẫn chưa được tôi đánh giá cao. Trong ngắn hạn, tôi vẫn kỳ vọng vùng 1.140 sẽ cho phản ứng và đóng vai trò điểm đỡ đáng lưu ý của thị trường trong ngắn hạn.
Ông Nguyễn Việt Quang – Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội
Thường thời điểm chốt NAV thị trường sẽ có một phiên tăng khá khoảng trên 10 điểm nhưng điểm số đó không phải là lớn, chúng ta tuần tới nên theo dõi sát phản ứng của thị trường ở vùng đáy cũ nếu phá vỡ thì phiên đáo hạn có tăng cũng chỉ là phiên chững lại cho một nhịp giảm còn giữ được đáy cũ thì phiên đáo hạn sẽ tạo động lực cho nhịp hồi phục.
Ông Nguyễn Văn Sơn – Chuyên gia phân tích Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng
Theo quan sát của tôi, hiệu ứng chốt NAV thường mạnh vào quý 4 hơn là các quý còn lại trong năm. Bởi vì số liệu chốt NAV ở cuối năm tài chính thường có nhiều ý nghĩa hơn. Do vậy, nếu thị trường có phục hồi trở lại ở tuần tới, thì cũng không hẳn là nhờ vào hiệu ứng chốt NAV.
Ông Lê Đức Khánh – Giám đốc phân tích, Chứng khoán VPS
Nhà đầu tư vẫn có thể trông chờ vào kết quả kinh doanh quý 3, triển vọng tiềm năng tăng trưởng của các doanh nghiệp và có thể sàng lọc các cổ phiếu có tiềm năng để xem xét mức giá đầu tư có phù hợp không trước khi giải ngân.
Tiến Phát
Có thể bạn quan tâm: Bộ sách được chọn lọc tinh gọn dành riêng cho những F0 “chập chững”
gia nhập phương pháp đầu tư Kungfu Chứng Khoán