12 yếu tố xúc tác dẫn tới sự bùng nổ của thị trường chứng khoán từ năm 1982 đến năm 2000 (Phần 3)
Ở Phần 3 này, chúng ta sẽ bàn về ba yếu tố xúc tác: Các dự báo lạc quan gia tăng của chuyên gia phân tích, Sự nở rộ các chương trình hưu trí có mức đóng xác định và Sự tăng trưởng của các quỹ tương hỗ. Các yếu tố này cũng góp phần thúc đẩy giá trị thị trường chứng khoán giai đoạn 1982 đến 2000.
Các dự báo lạc quan gia tăng của chuyên gia phân tích
Các nhà phân tích liên tục đưa ra các dự báo đầy lạc quan, với chỉ có 1% được khuyến nghị “bán” vào giai đoạn 1999 (tức lúc đang diễn ra bong bóng dotcom).
Các nhà phân tích đặc biệt miễn cưỡng đưa ra khuyến nghị bán gần mức đỉnh của thị trường chứng khoán vì một vài lý do. Một lý do thường được đưa ra cho sự miễn cưỡng này là khuyến nghị bán có thể gây ra sự phẫn nộ của công ty liên quan. Các công ty này có thể trả đũa bằng cách từ chối nói chuyện với các nhà phân tích mà họ xem là gửi báo cáo tiêu cực, loại trừ họ khỏi các phiên thông tin và không cho họ gặp các nhân sự chủ chốt khi họ chuẩn bị dự báo thu nhập.
Một lý do khác khiến nhiều nhà phân tích không muốn đưa ra các khuyến nghị bán là vì ngày càng có nhiều nhà phân tích được các công ty bảo lãnh phát hành chứng khoán tuyển dụng và các công ty này không muốn nhà phân tích của họ làm bất cứ điều gì có thể gây nguy hiểm cho khía cạnh sinh lợi này của doanh nghiệp.
Xu hướng tăng thiên lệch của các nhà phân tích, đã xuất hiện khi dự đoán về tương lai mơ hồ, không khác biệt, không phải là kết quả hàng quý hoặc hàng năm ngay lập tức. Và đó là những kỳ vọng cho tương lai mơ hồ, không phân biệt, thậm chí vượt xa dự báo một năm, nằm sau những định giá thị trường ở mức cao mà chúng ta đã thấy tại vùng đỉnh của thị trường chứng khoán thiên niên kỷ.
Sự nở rộ các chương trình hưu trí có mức đóng xác định
Những thay đổi theo thời gian về bản chất của các kế hoạch hưu trí dành cho nhân viên trong thời kỳ Bùng nổ thiên niên kỷ khuyến khích mọi người tìm hiểu và cuối cùng chấp nhận rằng cổ phiếu là một hình thức đầu tư. Mặc dù những thay đổi này vốn không thiên về cổ phiếu so với các khoản đầu tư khác cho nghỉ hưu, nhưng họ đã làm điều đó bằng cách buộc mọi người phải đưa ra lựa chọn rõ ràng trong số các khoản đầu tư hưu trí của họ, những lựa chọn trước đây được áp sẵn cho họ, theo hướng khuyến khích đầu tư vào cổ phiếu. Đưa ra những lựa chọn như vậy đã dạy mọi người về chứng khoán và gia tăng mức độ quen thuộc với chúng.
Sự thay đổi mang tính cách mạng nhất trong các tổ chức này ở Hoa Kỳ là việc mở rộng chương trình hưu trí có mức đóng xác định (defined contribution pension plans) tương ứng với sự thu hẹp của chương trình hưu trí có mức hưởng xác định trước (defined benefit plans). Một cột mốc quan trọng đã xuất hiện vào năm 1981, khi kế hoạch 401(k) đầu tiên được tạo ra.
Thông qua các ưu đãi thuế khi tham gia vào các chương trình để đưa ra lựa chọn giữa cổ phiếu và trái phiếu, chính phủ buộc người lao động phải tìm hiểu về lợi thế của cổ phiếu so với trái phiếu hoặc các khoản đầu tư vào thị trường tiền tệ. Bất kỳ động cơ nào tìm hiểu về một phương tiện đầu tư đều có khả năng thúc đẩy nhu cầu về nó, qua đó, giúp gia tăng kiến thức và sự quan tâm của cộng đồng đến cổ phiếu.
Sự tăng trưởng của các quỹ tương hỗ
Bùng nổ Thiên niên kỷ cũng trùng hợp với sự tăng trưởng đặc biệt trong ngành công nghiệp quỹ tương hỗ và sự phát triển của quảng cáo cho các quỹ tương hỗ. Năm 1982, khi thị trường bắt đầu đà tăng trưởng dài hạn gần đây, chỉ có 340 quỹ tương hỗ ở Hoa Kỳ. Đến năm 1998, đã có thêm 3.513 quỹ tương hỗ, nhiều hơn số lượng các cổ phiếu niêm yết trên thị trường chứng khoán New York. Năm 1984, có 8,9 triệu tài khoản cổ đông quỹ tương hỗ trong nước tại Hoa Kỳ, bằng tỉ lệ một trên mười hộ gia đình ở Hoa Kỳ.
Ngành công nghiệp quỹ tương hỗ đã được trao cho động lực mới bởi Đạo luật Bảo đảm Thu nhập Hưu trí của Người lao động năm 1974, đạo luật này tạo ra các Tài khoản Hưu trí Cá nhân (Individual Retirement Accounts – IRA). Nhưng ngành công nghiệp chỉ thực sự cất cánh sau khi thị trường tăng giá bắt đầu vào năm 1982. Một phần lý do khiến các quỹ tương hỗ tăng trưởng nhanh chóng sau ngày đó là vì chúng được sử dụng như một phần của kế hoạch hưu trí 401(k). Khi mọi người quyết định cân đối tài khoản hưu trí của họ vào các quỹ tương hỗ, họ dần trở nên quen thuộc hơn với khái niệm này; do đó họ có xu hướng đầu tư nhiều vào các quỹ này hơn cho các tài khoản cá nhân không phải kế hoạch 401(k) của mình.
Một lý do khác cho sự tăng trưởng bùng nổ của quỹ là vì họ đã chi rất nhiều tiền cho quảng cáo. Trong thời kỳ Bùng nổ Thiên niên kỷ, các chương trình truyền hình, tạp chí và tin tức thường xuyên đưa quảng cáo cho họ và các nhà đầu tư chủ động (active investor) đã nhận được quảng cáo không mong muốn trong thư. Các quỹ tương hỗ khuyến khích các nhà đầu tư ngây thơ hơn tham gia vào thị trường bằng cách khiến họ nghĩ rằng các chuyên gia quản lý quỹ sẽ giúp họ tránh xa những cạm bẫy.
Do đó, sự phổ biến của các quỹ tương hỗ tập trung sự chú ý của công chúng vào thị trường, với hiệu ứng khuyến khích biến động giá đầu cơ trong toàn thể thị trường chứng khoán thay vì trong các cổ phiếu riêng lẻ.
12 yếu tố xúc tác dẫn tới sự bùng nổ của thị trường chứng khoán từ năm 1982 đến năm 2000 (Phần 1)
12 yếu tố xúc tác dẫn tới sự bùng nổ của thị trường chứng khoán từ năm 1982 đến năm 2000 (Phần 2)
Nguồn: sách Lạc Quan Tếu
Có thể bạn quan tâm: Lạc Quan Tếu – Irrational Exuberance
Nhận diện SIÊU BONG BÓNG
Cơ hội làm giàu từ sự phi lý trí của thị trường chứng khoán