12 yếu tố xúc tác dẫn tới sự bùng nổ của thị trường chứng khoán từ năm 1982 đến năm 2000 (Phần 4)
Đây là phần cuối cùng trong chuỗi series 12 yếu tố dẫn tới sự bùng nổ của thị trường chứng khoán từ năm 1982 đến năm 2000. Ba yếu tố xúc tác cuối sẽ được nhắc tới là: Sự suy giảm của lạm phát và ảnh hưởng của ảo giác về tiền bạc, Sự nở rộ của khối lượng giao dịch và Sự trỗi dậy của các cơ hội đánh bạc.
Sự suy giảm của lạm phát
Triển vọng về lạm phát của Hoa Kỳ, được đo bằng tỉ lệ phần trăm thay đổi trong chỉ số giá tiêu dùng, dần dần được cải thiện trong quá trình Bùng nổ Thiên niên kỷ. Công chúng nói chung đã chú ý rất nhiều đến lạm phát, vì cuối những năm 1990, các nghiên cứu về thái độ của công chúng đối với nó đã tiết lộ. Mọi người tin rằng tỉ lệ lạm phát là một thước đo sức khỏe kinh tế và xã hội của một quốc gia. Người ta cho rằng lạm phát cao biểu thị sự xáo trộn kinh tế, mất đi các giá trị cơ bản và sự thất thế của quốc gia trước người nước ngoài. Lạm phát thấp được xem là một dấu hiệu của sự thịnh vượng kinh tế, công bằng xã hội và chính phủ tốt. Nhiều thái độ trong số này vẫn còn tồn tại trong chúng ta đến ngày hôm nay, mặc dù có lẽ không mạnh mẽ sau hai mươi năm lạm phát thấp đến mức đáng lo ngại. Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi tỉ lệ lạm phát giảm trong khoảng thời gian Bùng nổ Thiên niên kỷ đã thúc đẩy niềm tin của công chúng và do đó thúc đẩy định giá thị trường chứng khoán.
Sự nở rộ của khối lượng giao dịch
Tỉ lệ quay vòng (Turnover Rate là tổng số cổ phần bán ra trong một năm chia cho tổng số cổ phần) các cổ phiếu của Sở giao dịch chứng khoán New York tăng gần gấp đôi từ năm 1982 đến năm 1999, cụ thể từ 42% đến 78%. Thị trường NASDAQ, vốn chú trọng các cổ phiếu công nghệ cao, cho thấy sự gia tăng tỉ lệ quay vòng thậm chí còn lớn hơn, tăng từ 88% năm 1990 lên 221% vào năm 1999. Tỉ lệ quay vòng cao hơn có thể là biểu hiện của sự quan tâm của thị trường tăng lên do các yếu tố khác được đề cập ở đây. Nhưng một lý do khác cho sự gia tăng tỉ lệ quay vòng trên thị trường chứng khoán là chi phí thực hiện giao dịch giảm. Sau khi Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC) chỉ thị phí hoa hồng môi giới cạnh tranh vào năm 1975, tỉ lệ hoa hồng giảm ngay lập tức và nhà môi giới chiết khấu (discount broker) ra đời. Thay đổi công nghệ và tổ chức cũng rục rịch chuyển động. Những đổi mới như Hệ thống Thực thi Lệnh đặt Nhỏ (hỗ trợ thanh toán bù trừ các giao dịch với khối lượng thấp – chú thích của người dịch), được NASDAQ giới thiệu vào năm 1985 và các quy tắc xử lý lệnh mới do SEC ban hành vào năm 1997 đã dẫn đến chi phí giao dịch thấp hơn bao giờ hết. Các quy định của SEC khuyến khích tiếp cận bình đẳng với các thị trường. Theo đó, sản sinh một số lượng lớn các nhà đầu tư nghiệp dư có thể giao dịch trong ngày, họ cố gắng kiếm lợi nhuận bằng cách giao dịch nhanh chóng các cổ phiếu và sử dụng cùng hệ thống thực hiện lệnh như các chuyên gia.
Sự tăng trưởng đáng chú ý của các dịch vụ giao dịch trực tuyến trùng khớp với sự gia tăng ngoạn mục nhất của thị trường chứng khoán từ năm 1997 đến năm 2001. Theo một nghiên cứu của SEC, có 3,7 triệu tài khoản trực tuyến tại Hoa Kỳ vào năm 1997; đến năm 1999 đã có 9,7 triệu tài khoản như vậy. Sự tăng trưởng của giao dịch trực tuyến, cũng như các dịch vụ thông tin và truyền thông dựa trên Internet có thể đã kích thích sự chú ý từng phút một đến thị trường. Giao dịch sau giờ giao dịch trên các sàn giao dịch cũng có khả năng tăng mức độ chú ý đến thị trường, vì các nhà đầu tư có thể theo dõi giá cả thay đổi trong phòng khách của mình trong thời gian rảnh rỗi.
Tuy nhiên, có một số bằng chứng cho thấy rằng việc tiếp xúc thường xuyên hơn với bảng giá có thể làm giảm nhu cầu đối với cổ phiếu. Hai nhà kinh tế học Shlomo Benartzi và Richard Thaler đã chỉ ra rằng mô hình thời gian của sự chú ý đến giá cả thị trường có thể gây tác động quan trọng đến nhu cầu đối với cổ phiếu. Trong các tình huống thử nghiệm, nếu mọi người được xem dữ liệu hàng ngày về giá cổ phiếu, họ sẽ thể hiện sự quan tâm đến việc đầu tư vào cổ phiếu ít hơn nhiều so với khi chỉ được cho xem lợi nhuận trong thời gian dài hơn. Chứng kiến sự ồn ào hàng ngày của giá cổ phiếu rõ ràng gia tăng nỗi sợ hãi hơn về rủi ro vốn có của hoạt động đầu tư vào cổ phiếu. Do đó, những đổi mới về thể chế khuyến khích theo dõi giá thị trường thường xuyên hơn có thể có xu hướng làm giảm mức giá của thị trường.
Sự trỗi dậy của các cơ hội đánh bạc
Thị trường cờ bạc được thương mại hóa và nhận sự hỗ trợ của chính phủ trở nên thịnh hành trên khắp thế giới trong thời kỳ Bùng nổ Thiên niên kỷ. Tỉ lệ phổ biến ngày càng tăng này tương đương với sự ngưỡng vọng ngày càng tăng đối với thị trường và tài sản tư nhân, cũng như sự ngưỡng mộ ngày càng tăng đối với những người “chiến thắng” và sự khinh miệt với kẻ “thua cuộc”.
Biến động thị trường chứng khoán cao nhất của Hoa Kỳ xảy ra trong khoảng thời gian từ năm 1929 đến năm 1933, khi nó cao hơn gấp đôi so với kỷ lục trước đây. Thời kỳ biến động này xảy ra trong một “cơn sốt cờ bạc” không phải do được hợp pháp hóa mà bởi các hoạt động tội phạm có tổ chức được tạo ra do sự cấm đoán đồ uống có cồn từ năm 1920 đến năm 1933. Các băng đảng tội phạm phát triển sau năm 1920 để thỏa mãn cơn khát của quốc gia đối với rượu, việc phân nhánh thành các trò chơi số hoặc phiên bản lậu của các trò chơi đánh bạc như craps (gieo xúc xắc) và roulette (cò quay) là điều tự nhiên.
Một sự lan tỏa từ cờ bạc sang biến động tài chính có thể xuất hiện bởi tác động của cờ bạc và các tổ chức thúc đẩy nó. Họ đã gieo vào lòng người chơi ước tính về khả năng may mắn bị thổi phồng, mối quan tâm cao độ đến thành tích của mình so với người khác, và cách thức mới để kích thích bản thân thoát khỏi cảm giác buồn chán hoặc đơn điệu. Vào cuối những năm 1990, mọi người thường xuyên bị bủa vây bởi những quảng cáo rất chuyên nghiệp hòng thúc đẩy những thái độ như vậy, thậm chí quảng cáo trên đài phát thanh và truyền hình còn mô tả hình ảnh những người đánh bạc điển hình do các diễn viên gạo cội thủ vai. Những nỗ lực tiếp thị này kết hợp kinh nghiệm trực tiếp đánh bạc hoặc nhìn thấy người khác đánh bạc cũng có thể có tác dụng khuyến khích hành vi chấp nhận rủi ro phù phiếm trong thị trường chứng khoán. Những quảng cáo như vậy đôi khi thẳng thắn đáng ngạc nhiên. Vào năm 1999, gần thời kỳ đỉnh cao của thị trường chứng khoán, một bảng quảng cáo ngoài trời cho cá cược tại tiểu bang Connecticut đề bằng những cái chữ lớn rằng “Giống như thị trường chứng khoán, chỉ khác là nhanh hơn”.
Tìm hiểu các phần trước tại đây:
12 yếu tố xúc tác dẫn tới sự bùng nổ của thị trường chứng khoán từ năm 1982 đến năm 2000 (Phần 1)
12 yếu tố xúc tác dẫn tới sự bùng nổ của thị trường chứng khoán từ năm 1982 đến năm 2000 (Phần 2)
12 yếu tố xúc tác dẫn tới sự bùng nổ của thị trường chứng khoán từ năm 1982 đến năm 2000 (Phần 3)
Nguồn: sách Lạc Quan Tếu
Có thể bạn quan tâm: Lạc Quan Tếu – Irrational Exuberance
Nhận diện SIÊU BONG BÓNG
Cơ hội làm giàu từ sự phi lý trí của thị trường chứng khoán