4 chiến lược giúp doanh nhân biến nỗi sợ thất bại thành động lực
Nỗi sợ thất bại tạo ra tác động tiêu cực lẫn tích cực lên nỗ lực, việc ra quyết định và hành vi. Dù là một trạng thái tự nhiên đối với doanh nhân, khả năng dự đoán và quản lý nỗi sợ thất bại là một kỹ năng sống còn.
Nỗi sợ thất bại là thứ luôn tồn tại đối với mọi doanh nhân. Vì vậy, sự can đảm với họ không phải là khi nỗi sợ biến mất, mà là khi vẫn kiên gan, bền chí bất chấp sự hiện diện của nỗi sợ hãi đó.
Trên thực tế, nỗi sợ hãi này có cơ sở của nó. Dữ liệu từ Cục Thống kê lao động Mỹ (U.S. Bureau of Labor Statistics) chỉ ra rằng, có khoảng 75% các công ty khởi nghiệp thất bại trong 10 năm đầu tiên.
Thậm chí, với những doanh nhân kinh doanh thành công, sự lo lắng, căng thẳng vẫn luôn thường trực. Khi được hỏi rằng có lo sợ trong quá trình xây dựng công ty tỷ đô của mình hay không, Hamdi Ulukaya – nhà sáng lập, CEO Công ty sữa chua Chobani trả lời: “Mỗi ngày tôi đều sợ. Vì nếu tôi thất bại, rất nhiều người sẽ bị ảnh hưởng”.
Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, sự tập trung vào thất bại như vậy là một “chất ức chế” đối với tinh thần doanh nhân.
Trong một bài viết trên Harvard Business Review, 2 tác giả là GS. James Hayton (Trường kinh doanh Warwick) – tác giả cuốn Human Resource Management – và giáo sư dự bị (Assistant professor) Gabriella Cacciotti (cũng của Trường kinh doanh Warwick) cho biết, nghiên cứu của họ cho thấy một bức tranh đa chiều hơn: nỗi sợ vừa gây ức chế vừa tạo động lực. Cụ thể, không chỉ cản trở một người trở thành doanh nhân, nỗi sợ thất bại cũng thúc đẩy họ đạt được thành công một cách mạnh mẽ hơn. Và ở đây, họ định nghĩa nỗi sợ thất bại chỉ là một tình trạng tạm thời.
Trong một cuộc nghiên cứu, 2 tác giả đã phỏng vấn 65 doanh nhân ở Anh và Canada, trong đó một số người là chủ doanh nghiệp nhiều năm, một số vẫn đang trong những giai đoạn đầu tiên phát triển doanh nghiệp. Nghiên cứu này đã chỉ ra 7 nguồn gốc của nỗi sợ:
– Sự đảm bảo tài chính
– Khả năng gọi vốn mạo hiểm
– Khả năng của bản thân
– Nỗi lo lắng về những điều người khác nghĩ về mình
– Tính khả thi của dự án kinh doanh
– Chi phí cơ hội
Theo James Hayton và Gabriella Cacciotti, không phải tất cả nỗi sợ đều như nhau. Nguồn gốc nỗi sợ rất quan trọng. Nghiên cứu này cho thấy những nỗi lo lắng có liên quan đến các chi phí cơ hội, sự đảm bảo tài chính cá nhân, hoặc khả năng gọi vốn cho doanh nghiệp đều có tác động tích cực đến sự kiên trì của doanh nhân trong việc theo đuổi mục tiêu.
Vì vậy, nếu doanh nhân suy ngẫm về sự lựa chọn họ đã đưa ra trong quá trình theo đuổi ý tưởng kinh doanh, và làm cách nào mà sự lựa chọn đó đòi hỏi họ phải bỏ qua những cơ hội khác (cả trong sự nghiệp lẫn đời sống cá nhân), họ sẽ thêm nỗ lực với quyết định kinh doanh của mình.
“Nó chỉ giúp tôi có thêm nỗ lực mạnh mẽ để đạt được mục tiêu nhanh nhất có thể”, một doanh nhân được phỏng vấn cho biết. Một số tác động tích cực tương tự lên sự kiên trì cũng có liên quan đến những nỗi bận tâm về tài chính, như sự đảm bảo tài chính cá nhân hoặc khả năng có được sự hỗ trợ vốn cho việc kinh doanh. Không những không làm hạn chế, mà những nỗi sợ có nguồn gốc như vậy còn thúc đẩy sự nỗ lực nhiều hơn nữa.
Ở chiều ngược lại, khi doanh nhân lo lắng về tiềm năng ý tưởng của họ hoặc những khả năng thành công của bản thân khi xây dựng doanh nghiệp, họ thường có xu hướng bị tác động tiêu cực hơn và kém chủ động hơn. Các quyết định được đưa ra chậm chạp hơn, sự tránh thực hiện các quyết định sai lầm trở thành động lực chính.
“Thay vì gọi điện để tìm kiếm khách hàng, bạn sẽ chỉ ngồi đó và nói về việc tại sao chúng ta phải gọi họ thêm nữa, tại sao chúng ta nên dừng việc đó lại, tại sao chúng ta chỉ nên gửi email cho họ. Vì vậy, bạn sẽ chỉ nói chứ không làm”, một doanh nhân thú nhận thực tế từ trải nghiệm bản thân.
Doanh nhân phải làm thế nào và nên làm thế nào để phản ứng lại với nỗi sợ thất bại? Nghiên cứu trên của 2 tác giả James Hayton và Gabriella Cacciotti cho thấy 4 chiến lược giúp doanh nhân tận dụng được tác động tích cực của nỗi sợ thất bại, và đây cũng là kỹ năng mềm trong cuộc sống rất cần thiết cho mọi doanh nhân:
1. Tự kiểm soát và điều hướng cảm xúc thay vì sợ thất bại
Trí thông minh cảm xúc có liên quan đến cả sự nhận thức về cảm xúc của ai đó và khả năng của họ trong việc kiểm soát sức ảnh hưởng của suy nghĩ và hành vi. “Nếu tôi đang có tâm trạng không tốt trong một tuần và khi nhìn vào các dự án của mình, tôi chỉ thấy những điều tiêu cực và những lý do tại sao nó không tiến triển tốt. Rồi tôi bắt đầu học được rằng nó thường không liên quan đến các dự án, mà liên quan nhiều hơn đến cảm xúc của tôi. Vì vậy, tôi đã học được cách tách bạch những mối lo đó ra bởi nó chỉ là nhất thời”, một doanh nhân chia sẻ với chúng tôi.
Sự tự nhận thức cảm xúc là một kỹ năng có thể học hỏi, liên quan đến việc nhận thức các dấu hiệu của cảm xúc xâm nhập vào ý thức thông qua tâm trạng, dự đoán được tác động của chúng lên suy nghĩ, và sử dụng sự nhận thức đó để giới hạn những tác động của chúng lên quyết định và hành động.
Thực hành khả năng tự nhận thức giúp kiềm hãm tác động của những cảm xúc tiêu cực lên việc thiết lập mục tiêu và ra quyết định.
2. Giải quyết vấn đề
“Sự lo lắng giúp tôi cố gắng tìm ra lỗ hổng trong quá trình kinh doanh của mình”, một doanh nhân cho biết. Sự chủ động tìm ra điểm yếu và sai sót để sửa chữa là một cách hiệu quả để làm giảm nỗi sợ thất bại.
Trực giác là một nguồn thông tin rất đáng tin cậy, và đã được chứng minh rằng đóng vai trò quan trọng trong việc đưa ra quyết định nhanh chóng và hiệu quả. Những trực giác đó thường liên quan đến cảm xúc hơn là những suy nghĩ cụ thể. Cảm xúc sợ hãi có thể cung cấp những dấu hiệu quan trọng cho thấy phần việc nào đó là cần thiết. Khi được xem như một dấu hiệu chứ không phải bị chối bỏ, những “lá cờ cảm xúc” này có thể giúp doanh nhân loại bỏ những điểm yếu và những sai sót trong ý tưởng kinh doanh.
Do đó, một phản ứng chủ động theo hướng giải quyết vấn đề sẽ có tác dụng kéo giảm sự sợ hãi.
3. Học hỏi
“Nỗi sợ thúc đẩy tôi làm việc chăm chỉ hơn, quan tâm nhiều hơn đến những thứ mình đang làm, và tự răn mình phải trở nên tốt nhất có thể trong quá trình phát triển doanh nghiệp”, một doanh nhân nói.
Các doanh nhân tham gia nghiên cứu nói với chúng tôi rằng một trong những cách giúp họ vượt qua nỗi sợ là nhờ học hỏi và tìm kiếm thông tin, nhằm có được hiểu biết cốt lõi của vấn đề. Học hỏi chính là một “liều thuốc” hiệu nghiệm đễ “chữa” nỗi sợ thất bại, giúp giảm đi nỗi nghi ngờ của ai đó thông qua việc làm tăng khả năng thực thi của họ.
Sự không chắc chắn luôn hiện hữu và tạo ra nhiều thách thức cho giới doanh nhân. Họ sẽ không bao giờ có đầy đủ tất cả thông tin mình muốn, vì vậy, luôn luôn học hỏi là yếu tố hết sức quan trọng để vượt qua nỗi sợ thất bại.
4. Tìm kiếm sự hỗ trợ
Một trong những doanh nhân tham gia cuộc nghiên cứu cho biết: “Tìm kiếm mentor – người có liên quan trực tiếp đến lĩnh vực bạn đang muốn khởi nghiệp – thực sự là một chìa khóa thành công”. Đối với những doanh nhân phải liên tục chiến đấu với nỗi sợ thất bại, mentor và mạng lưới các mối quan hệ hết sức quan trọng. Họ sẽ hỗ trợ cả 3 chiến lược trên: học hỏi, giải quyết vấn đề và kiểm soát cảm xúc.
Nói về tác động của nỗi sợ thất bại đến khả năng giải quyết vấn đề, một nữ doanh nhân nói: “Nỗi sợ thất bại chỉ thúc đẩy tôi học hỏi nhiều hơn, trò chuyện với nhiều người hơn và tìm ra lý do tại sao tôi lại sai trong bước đi đầu tiên”. Một doanh nhân khác cho biết: “Nỗi sợ thất bại giúp bạn tiếp tục dấn bước với những ý tưởng tốt hơn và tìm kiếm người trao cho mình những góp ý xây dựng trong suốt hành trình khởi nghiệp”.
Sự học hỏi từ những người dày dạn kinh nghiệm là phương thức hữu hiệu giúp doanh nhân vượt qua được những suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực. Thông qua những hình thức học hỏi cả chính thức lẫn không chính thức, họ sẽ học được rằng những cảm xúc về sự không chắc chắn và những nỗi lo lắng là chuyện bình thường, cũng như biết được những vấn đề nào nên chú ý và cách khắc phục theo thời gian.
Nguồn: Doanh nhân Sài Gòn
Có thể bạn quan tâm: Bộ sách Thay thói quen – Đổi vận mệnh