fbpx

4 hành vi trong đầu tư – càng tránh càng bớt sai lầm

Tự tin thái quá, suy nghĩ cố chấp, giới hạn nhận thức và khuôn mẫu lặp lại là những hành vi không hiếm gặp trong quá trình giao dịch của các nhà đầu tư, dẫn họ đến những sai lầm trong các quyết định đầu tư.

Bạn đã có kinh nghiệm nhiều năm giao dịch trên thị trường chứng khoán, bạn đã tự tích lũy cho mình những chiến lược đầu tư được back-test kỹ càng và có tiềm năng mang lại tỷ suất sinh lời cao, nhưng trên thực tế giao dịch, bạn vẫn mắc phải những sai lầm tâm lý lặp đi lặp lại.

Bạn là nhà đầu tư mới tham gia thị trường, bạn đã nghiên cứu rất chi tiết báo cáo tài chính của doanh nghiệp bạn dự định đầu tư, bạn đã đọc hết những cuốn sách dạy phân tích kỹ thuật đồ thị biến động giá cổ phiếu, nhưng vẫn lúng túng không biết nên hành xử ra sao khi giá cổ phiếu tăng trần vài phiên, hoặc chẳng biết ra quyết định như thế nào khi một ngày cổ phiếu của bạn đột ngột “nằm sàn”.

Trên thực tế, đầu tư chứng khoán không đơn giản dừng lại ở việc “cày cuốc” những kiến thức hàn lâm và áp dụng những gì được viết trong sách vở là có thể đạt được kết quả đầu tư như bạn kỳ vọng. Cho dù có kỷ luật đến đâu, có đôi lúc nhà đầu tư vẫn sẽ đưa ra những quyết định dựa trên bản năng, hay suy nghĩ và cảm xúc thoáng qua của mình. Trong tâm lý học hành vi, hiện tượng này được gọi là “Thành kiến Hành vi” (Behaviour Bias).

Nếu bạn đang loay hoay trong những vấn đề như trên, nếu bạn mong muốn tìm cách vượt qua được những thành kiến hành vi để tối ưu hóa hiệu quả đầu tư của mình, bài viết này là để dành cho bạn.

Cạm bẫy số 1: Tự tin thái quá

Hiện tượng:

Tự tin thái quá có thể được thể hiện ở hai trạng thái, một mặt là sự tự tin quá mức của NĐT vào chất lượng thông tin họ đang có; mặt khác là sự quá tin tưởng rằng họ có khả năng hành động chính xác dựa trên những thông tin sẵn có.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những NĐT khi gặp phải trạng thái tự tin thái quá thường có xu hướng giao dịch (trading) thường xuyên hơn, và không đa dạng hóa danh mục đầu tư của mình một cách phù hợp.

Bằng cách phân tích giao dịch của 10.000 khách hàng tại một công ty chứng khoán lớn, một nhóm các nhà khoa học đã tìm cách trả lời câu hỏi giao dịch thường xuyên có dẫn đến lợi nhuận cao hơn cho NĐT hay không. Kết quả của nghiên cứu đã cho thấy rằng, bỏ qua phí giao dịch và thuế NĐT phải trả, các cổ phiếu NĐT đang nắm giữ trong danh mục có mức tăng giá kém hơn các cổ phiếu đã bán 5% trong vòng một năm và 8,6% trong khoảng thời gian hai năm trở lên. Nói cách khác, NĐT cá nhân giao dịch với tần suất càng cao, thì họ càng kiếm được ít tiền.

Nhóm các nhà khoa học đã lặp lại nghiên cứu nhiều lần trên nhiều thị trường khác nhau và luôn cho ra cùng một đáp án. Kết luận rút ra rằng, một cách vô thức, các NĐT đang “trả phí để mất thêm tiền”.

Cách khắc phục:

Hãy giao dịch ít hơn và đầu tư nhiều hơn (Trade less and Invest more). Trước khi enter một lệnh mua hay một lệnh bán, bạn cần hiểu rõ những “người chơi” của mình là ai. Họ có thể là những NĐT cá nhân giống như bạn, nhưng cũng hoàn toàn có thể là các NĐT chuyên nghiệp, những định chế đầu tư tài chính, hoặc ”cỗ máy” robot trading với những điểm mạnh về kinh nghiệm thực chiến, dữ liệu thông tin và công cụ giao dịch ưu việt hơn bạn. Rõ ràng lợi thế của cuộc chơi đang nghiêng hẳn về phía họ.

Bằng cách kéo dài khoảng thời gian đầu tư, xây dựng danh mục mô phỏng theo chỉ số Index, kết hợp với việc nhận cổ tức đều đặn, bạn mới có thể tích lũy tài sản ổn định qua các năm. Hãy tập cách từ bỏ suy nghĩ rằng bạn đang có nhiều lợi thế về thông tin và sở hữu trực giác giao dịch nhạy bén hơn các “tay chơi” khác trên thị trường.

Cạm bẫy số 2: Suy nghĩ cố chấp

Hiện tượng:

Thừa nhận đi, chắc chắn bạn đã phạm sai lầm này ít nhất một lần trong đời. Bạn tin tưởng rằng cổ phiếu bạn đã mua đang bị định giá quá thấp, và có rất ít khả năng giảm giá. Bạn từ từ “vào hàng” nhưng càng mua giá cổ phiếu càng giảm. Mặc dù vậy, bạn vẫn kiên định với niềm tin rằng giá cổ phiếu sẽ quay đầu tăng trở lại sớm thôi, bất chấp phần lỗ phải “gồng” ngày một nặng nề. Tuyệt vọng, bạn bỏ cổ phiếu ra khỏi danh mục theo dõi và tạm thời không nhìn đến nó nữa vì cho rằng, miễn là chưa bán thì mình vẫn chưa lỗ cho đến ngày danh mục của bạn “bay” mất vài chục phần trăm. Các nhà kinh tế học hành vi gọi hiện tượng này là “Suy nghĩ cố chấp”.

Là con người, chúng ta luôn cố gắng không đặt mình vào trạng thái phải hối tiếc về một điều gì đó. Để làm được điều đó, chúng ta thường kéo dài khoảng thời gian hành động, đôi khi đưa ra quyết định thật phi logic, để tránh phải trải qua cảm giác hối tiếc. Cụ thể ở đây, bằng cách không bán vị thế và hiện thực hóa phần thua lỗ, NĐT đang nuôi hi vọng rằng mình sẽ không phải trải qua cảm giác hối tiếc khi bán “trúng đáy”.

Nghiên cứu cho thấy rằng tỷ lệ NĐT có khuynh hướng chốt lãi quá sớm hoặc “gồng lỗ” quá lâu thường cao gấp 1,5 đến 2 lần so với những NĐT tuân thủ nghiêm túc quy tắc đầu tư họ đặt ra từ đầu, nguyên nhân chính là do hiện tượng “suy nghĩ cố chấp” gây ra.  

Cách khắc phục:

Kỷ luật là chìa khóa thành công (Discipline is the key to success). Hãy tự đặt ra các quy tắc giao dịch cho mình và tuân thủ nó. Ví dụ: nếu một cổ phiếu giảm 7% giá trị, hãy nhắm mắt bán bằng mọi giá. Nếu giá cổ phiếu tăng đến mức bạn kỳ vọng, bạn nên chủ động hiện thực hóa lợi nhuận. Hãy biến những quy tắc kỷ luật này thành kim chỉ nam và tuyệt đối không giao dịch theo cảm tính.

Cạm bẫy số 3: Giới hạn nhận thức 

Bạn có biết, chỉ xét riêng thị trường cổ phiếu, đến hết quý II/2021, có gần 800 doanh nghiệp đang được niêm yết trên HOSE và HNX, con số này vẫn đang ngày một tăng lên. Thế nhưng, NĐT dường như chỉ tập trung sự chú ý của mình vào một số mã cổ phiếu nhất định, mà bỏ qua việc rà soát toàn bộ các cổ phiếu đang được niêm yết trên thị trường trước khi ra quyết định đầu tư.

Hiện tượng tâm lý này được nhà tâm lý học Herbert Simon gọi là “tính hợp lý có giới hạn” (Bounded rationality). Lý thuyết này chỉ ra rằng con người có khuynh hướng đưa ra quyết định dựa trên những kiến ​​thức hạn chế mà họ có thể tích lũy được, thay vì đưa ra quyết định hiệu quả nhất, họ sẽ đưa ra quyết định thỏa mãn họ nhất.

Do những hạn chế này, NĐT thường chỉ xem xét những mã cổ phiếu mà họ chú ý tới thông qua các trang phương tiện truyền thông tài chính, hoặc được đối tác, đồng nghiệp, bạn bè gia đình… giới thiệu. Ví dụ, khi NHNN chấp thuận cho một số NHTM được điều chỉnh dư nợ tín dụng, những cổ phiếu được truyền thông rầm rộ về việc hưởng lợi từ chính sách này sẽ thu hút được nhiều sự quan tâm hơn so với những cổ phiếu của các NHTM khác.

Cách khắc phục:

Thừa nhận rằng các phương tiện truyền thông đang tác động lên quyết định giao dịch của bạn, từ đó mở rộng phạm vi nghiên cứu của bạn sang cả những mã cổ phiếu “bị bỏ quên”, vì đây chính là những “mỏ vàng” chờ bạn là đi tiên phong khai phá.

Thông thường, một phần lớn kỳ vọng về câu chuyện tăng trưởng của cổ phiếu đã được phản ánh vào thị giá của nó khi tên tuổi của cổ phiếu đó xuất hiện với tần suất dày đặc trên các báo chí và diễn đàn. Đừng để âm thanh náo nhiệt của truyền thông ảnh hưởng đến sự tĩnh tại trong bạn, thay vào đó, hãy coi phương tiện này là một trong rất nhiều kênh khai thác thông tin đầu tư của bạn mà thôi.

Cạm bẫy số 4: Khuôn mẫu lặp lại

Hiện tượng:

Đây được cho là một trong những thành kiến hành vi NĐT hay mắc phải nhất. Các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực tài chính hành vi đã phát hiện ra rằng 39% tổng số tiền của NĐT mới đầu tư vào các Quỹ tương hỗ có xu hướng chảy vào 10% những Quỹ có tỷ suất lợi nhuận cao nhất TRONG NĂM TRƯỚC ĐÓ.

Mặc dù trong điều lệ lập Quỹ thường bao gồm tuyên bố miễn trừ trách nhiệm rằng “hiệu suất đầu tư trong năm trước không phản ánh kết quả đầu tư của Quỹ trong các năm về sau”, các NĐT nhỏ lẻ vẫn có niềm tin rằng họ có thể dự đoán tương lai bằng cách nghiên cứu quá khứ.

Con người thường rất nhanh nhậy trong việc tìm ra các mẫu hình (pattern) và khi tìm thấy chúng, chúng ta mặc nhiên tin vào mức độ tin cậy để dự đoán tương lai của chúng. Khi thấy mẫu hình đó lặp lại, NĐT sẽ có khuynh hướng hành động theo biến động quá khứ của nó.

Hãy cảnh giác! Bởi vì ngay cả khi một mẫu hình được xác nhận lặp đi lặp lại nhiều lần, thị trường vẫn biến động khó lường hơn nhiều so với nhận thức của NĐT. Nghiên cứu của Đại học California cho thấy rằng các NĐT đưa ra quyết định mua bán dựa vào mẫu hình lặp lại trong quá khứ là những người cho ra hiệu suất đầu tư kém nhất trong tất cả các trường phái đầu tư.

Cách khắc phục:

Nếu bạn xác định được một xu hướng, có khả năng thị trường đã xác định và khai thác nó trước bạn rất lâu. Nếu hành động lúc này, bạn sẽ đối mặt với rủi ro “đu đỉnh” rất cao. Không phải ngẫu nhiên Warren Buffett đã đúc kết ra triết lý đầu tư “mua khi người khác sợ hãi và bán khi họ đang hưng phấn”. NĐT nên nhớ rằng, vượt qua được tâm lý bầy đàn chính là vũ khí hiệu quả nhất để đưa bạn lên đỉnh vinh quang trong những “cuộc chơi” lớn.

Đầu tư không phải là một cuộc dạo chơi, trái lại, nó là kết quả của một quá trình học hỏi, trải nghiệm, suy ngẫm và đúc kết liên tục. Nếu bạn đã xây dựng được một phương pháp đầu tư đúng đắn, chúc bạn tiếp tục vững bước trên con đường hoàn thiện triết lý đầu tư của mình. Nếu bạn chưa thành công, đừng vội bỏ cuộc, bởi vì “Đầu tư không phải là đánh bại người khác trong trò chơi mà họ làm chủ. Trái lại, đó là việc kiểm soát bản thân trong trò chơi của chính mình” (Benjamin Graham).

Nguồn: Investopedia.com

============

>> Hãy trao gửi những tâm sự về trải nghiệm đầu tư của bạn với Happy Live nhé!

HÒM THƯ: TÂM SỰ ĐẦU TƯ

Các viết cùng chủ đề