5 dấu hiệu bong bóng của nền kinh tế
Người giàu phất lên từ khủng hoảng rất nhiều, có thể kể đến như: Warren Buffett. Và đây là 4 dấu hiệu bong bóng của nền kinh tế mà bạn cần nắm.
1. Giá cả tăng nhanh
Trước hết, một bong bóng rõ ràng sẽ liên quan với một đợt tăng giá nhanh chóng. Tuy nhiên, bản thân một đợt tăng giá mạnh không phải luôn luôn hàm ý là sẽ có bong bóng xảy ra, do giá có thể tăng từ những mức quá thấp (do trước đó tài sản bị định giá thấp). Do đó chúng ta chỉ nên nghi ngại có bong bóng xảy ra khi việc định giá vượt lên trên các mức trung bình trong quá khứ (tức là căn cứ vào dữ liệu lịch sử để làm mốc so sánh).
Bạn có thể sử dụng những chỉ số như P/E cho chứng khoán hay chỉ số giá nhà/thu nhập đối với nhà đất. Mức độ của sự tăng giá có thể cho chúng ta manh mối để xác định xác suất chính xác của khả năng bong bóng xuất hiện.
2. Các tài sản đang bị định giá quá mức
Những câu chuyện xoay quanh vấn đề định giá tài sản luôn là những vấn đề gây nhiều tranh cãi nhất. Nhiều người cho rằng chúng ta không thể nào biết chắc liệu thị trường có bị định giá quá mức hay không. Tôi không đồng ý với quan điểm này.
Tôi cho rằng chúng ta có thể nhận diện những khoảng hay ngưỡng định giá “hợp lý”, và nếu như thị trường vượt qua những ngưỡng này, ít nhất cũng có thể dự đoán rằng có khả năng bong bóng sẽ xảy ra. Ngoài ra, cũng có thể tìm thêm “chứng cứ” của một bong bóng đang hé lộ ở những đặc tính khác của nó.
3. Nền kinh tế liên tục tăng trưởng qua nhiều năm
Một xu hướng điển hình, đó là bong bóng kinh tế thường xuất hiện sau vài năm tăng trưởng kinh tế ổn định vững chắc, niềm tin của các nhà đầu tư rằng thị trường sẽ tiếp tục tăng trưởng ngày càng gia tăng. Những ảnh hưởng của các đợt suy thoái hay bong bóng vỡ trước kia (ít nhất là trong cùng thị trường) đã lùi xa và mờ đi.
Ví dụ, bong bóng chứng khoán Mỹ thập niên 1990 xuất hiện trong ba năm cuối cùng của một giai đoạn tăng trưởng kinh tế liên tục trong 9 năm liền, đồng thời cũng ngay sau giai đoạn 15 năm mà thị trường chứng khoán tăng mạnh và ổn định. Tương tự, khủng hoảng chứng khoán và địa ốc châu Á hồi 1997-1998 cũng xuất hiện sau một thập kỷ tăng trưởng ấn tượng của khu vực này, giai đoạn từng được gọi là “sự thần kỳ châu Á”. Riêng bong bóng nhà đất Mỹ có một chút khác biệt, khi xuất hiện ngay sau khi nền kinh tế thoát ra khỏi suy thoái. Tuy nhiên, nó cũng chỉ xuất hiện sau hơn 10 năm tính từ đợt bong bóng nhà đất trước đó (đầu thập niên 1990, với quy mô nhỏ hơn nhiều).
4. Sự xuất hiện của những yếu tố mới
Một đặc điểm nữa của bong bóng tôi thường thấy đó là xuất hiện một thay đổi hay sự phát triển nào đó trong nền kinh tế, trở thành niềm tin cho sự tăng giá. Trong thập niên 1990, đó là sự xuất hiện của máy tính và công nghệ làm việc theo mạng, làm tăng năng suất của nền kinh tế Mỹ, đến mức người ta lúc đó đã thường nói về khái niệm một “nền kinh tế mới”.
Trong thập niên 1980 tại Nhật, yếu tố mới là sự cảm nhận rằng mô hình kinh tế Nhật, với những khái niệm và phương pháp xuất sắc như quản trị hàng tồn kho just-in-time, sự tham gia và gắn bó của người lao động, rồi quản trị chất lượng toàn bộ (total quality management) v.v… đang thống trị cả thế giới. Các bong bóng nhà đất thì liên hệ chặt chẽ với tình trạng nhập cư gia tăng và lãi suất giảm xuống.
5. Sự quan tâm của công chúng và truyền thông
Sự quan tâm của công chúng đến thị trường ngày càng tăng, được phản ánh qua các phương tiện thông tin đại chúng. Nhiều câu chuyện nhấn mạnh đến khía cạnh giật gân, khi những đợt tăng giá trong thị trường khiến nhiều người giàu lên nhanh chóng chỉ sau một đêm. Đôi khi, các bài báo còn cung cấp thông tin cho độc giả về chứng khoán, các khoản đầu tư về tài sản hay thế chấp, nói cách khác họ đang chỉ cho người ta cách “tham gia bàn tiệc”.
Một loại thông tin khác lại nhấn mạnh đến nguy cơ bong bóng và những rủi ro đi kèm, phê phán các nhà đầu cơ và đôi khi là cả những cơ quan quản lý đã tạo điều kiện cho bong bóng diễn ra. Chẳng hạn, vào cuối những năm 1990 các tờ báo nỏi tiếng như The Economist và Financial Times thường xuyên nhấn mạnh điệp khúc về bong bóng trên thị trường chứng khoán Mỹ. Khi bong bóng này nổ tung, họ đã rất hài lòng với dự đoán của mình. Và sau đó, những tờ báo này lại tiếp tục đưa ra cảnh báo về nguy cơ bong bóng nhà đất trong thập niên kế tiếp. Suy cho cùng, việc xác định một thị trường đang nóng lên có phải là bong bóng hay không là vấn đề mang tính xét đoán, dựa trên số lượng những đặc điểm của bong bóng đang xuất hiện, cũng như mức độ “trầm trọng” của chúng.
Điều quan trọng là…
Trong mọi tình huống, bạn phải luôn hiểu rõ giá trị thực của doanh nghiệp đang ở đâu cùng lợi thế cạnh tranh đặc biệt là gì. Chỉ có những điều đó mới giúp bạn vượt qua được những đợt khủng hoảng suy thoái.
Nguồn: Govalue
Có thể bạn quan tâm: Lạc Quan Tếu – Irrational Exuberance
Nhận diện SIÊU BONG BÓNG
Cơ hội làm giàu từ sự phi lý trí của thị trường chứng khoán