5 tiêu chí đơn giản để lựa chọn cổ phiếu
Lựa chọn thông tin phù hợp để đánh giá cổ phiếu là thách thức lớn đối với nhà đầu tư. Quá trình lựa chọn cổ phiếu có thể được đơn giản hóa bằng cách sử dụng 5 tiêu chí đánh giá cơ bản dưới đây.
Một trong những vấn đề hóc búa đối với nhà đầu tư là lựa chọn công ty để xuống tiền. Xem xét khối lượng dữ liệu khổng lồ về các công ty đại chúng là điều tối cần thiết để đánh giá chất lượng doanh nghiệp và quyết định liệu chúng có phù hợp với danh mục không. Tuy nhiên, quá trình này có thể rất nặng nhọc.
Việc phát triển một bộ tiêu chí đơn giản để đánh giá cổ phiếu có thể làm cho nhiệm vụ trên bớt vất vả hơn nhiều. Dưới đây là 5 tiêu chí đánh giá cổ phiếu cơ bản được chia sẻ bởi ông David Robinson, nhà sáng lập và CEO của công ty quản lý tài sản RTS Private Wealth Management.
1. Năng lực sinh lời hiện tại và dự kiến tốt của cổ phiếu
Khi chọn cổ phiếu, điều quan trọng là cân nhắc các yếu tố cơ bản của doanh nghiệp, bao gồm lợi nhuận, biên lợi nhuận hoạt động và dòng tiền. Cùng với nhau, những yếu tố này có thể tạo ra bức tranh hợp lý về sức khỏe tài chính hiện tại của công ty và năng lực sinh lời khả dĩ trong ngắn hạn và dài hạn.
Về phía lợi nhuận, nhà đầu tư nên chú ý xem khoản mục này ổn định đến đâu và xu hướng như thế nào. Biên lợi nhuận hoạt động cao thường tốt hơn là thấp khi đánh giá mức độ hiệu quả vận hành của một công ty.
Xem xét số liệu về dòng tiền, cụ thể là dòng tiền trên mỗi cổ phiếu, rất hữu ích trong việc đánh giá khả năng sinh lời của doanh nghiệp. Đây cũng là một cách để đánh giá xem một cổ phiếu được định giá quá cao hay thấp.
2. Hệ số sử dụng tài sản phù hợp của cổ phiếu
Hệ số này đo lường doanh thu kiếm được trên mỗi đồng tài sản mà doanh nghiệp sở hữu. Ví dụ, hệ số sử dụng tài sản là 40% có nghĩa là trong một năm, doanh nghiệp kiếm được 0,4 USD cho mỗi USD tài sản. Mỗi ngành khác nhau có hệ số tối ưu khác nhau. Tương tự như biên lợi nhuận hoạt động, hệ số sử dụng tài sản là thước đo hiệu quả theo thời gian.
3. Cơ cấu vốn thận trọng của cổ phiếu
Cơ cấu vốn đề cập đến cách công ty tài trợ cho hoạt động kinh doanh bằng cả nợ lẫn cổ phiếu. Cơ cấu vốn thận trọng nghĩa là công ty có đặc điểm là sử dụng vốn sao cho tạo ra đủ thanh khoản ngắn hạn để chi trả cho chi phí hoạt động, đồng thời dự trữ đủ tài chính để mở rộng mà không làm tăng đáng kể nợ dài hạn.
4. Xu thế lợi nhuận của cổ phiếu
Lợi nhuận hiện tại hoặc gần đây là điều mà nhiều nhà đầu tư hết sức chú ý nhưng lại chỉ đơn thuần là bức ảnh về vị trí của công ty trong một thời điểm nhất định. Để xem liệu doanh nghiệp sẽ đi về đâu, hãy tìm hiểu xu thế lợi nhuận (earnings momentum) – tốc độ tăng trưởng lợi nhuận chậm lại hay tăng tốc từ giai đoạn này tới giai đoạn khác – được biểu diễn bởi các mẫu hình.
Hãy tình kiếm các mẫu hình này bằng cách nghiên cứu báo cáo thu nhập trong 8 quý vừa qua và đọc dự báo của giới phân tích về lợi nhuận tương lai. Nếu doanh nghiệp đạt được lợi nhuận tốt nhất từ vài năm trước, rồi sau đó không thể bật lên được, thì có thể doanh nghiệp đang gặp áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt.
5. Giá trị nội tại thay vì giá trị thị trường của cổ phiếu
Giá trị nội tại được các nhà phân tích xác định bằng những mô hình định giá tương đối và tuyệt đối phức tạp. Những con số này là con đường vượt qua tạp âm trên thị trường để hiểu được giá trị đích thực của cổ phiếu.
Trong ngắn hạn, giá trị nội tại có thể rất khác biệt với giá thị thị trường, vốn chịu tác động bởi nhận thức và các yếu tố hành vi. Lý tưởng nhất, nhà đầu tư nên sở hữu cổ phiếu có giá trị nội tại cao hơn giá trị thị trường, vì điều này có thể dẫn đến tăng trưởng giá trong tương lai.
Đặt câu hỏi đúng khi chọn cổ phiếu
5 tiêu chí trên tuy hữu ích nhưng sẽ không thể cho biết liệu một cổ phiếu bất kỳ có phù hợp với danh mục của bạn không. Để tìm ra đáp án, hãy thử trả lời những câu hỏi sau.
Hoạt động kinh doanh, ngành nghề và và lĩnh vực của doanh nghiệp có phù hợp với mục tiêu phân bổ tài sản của bạn không?
Tỷ trọng phân bổ tài sản của nhà đầu tư trẻ sẽ khác với nhà đầu tư lớn tuổi. Ví dụ, tuy cổ phiếu A mang tính “liều ăn nhiều” nhưng nếu bạn còn trẻ thì có thể mua vào khối lượng lớn hơn là khi bạn sắp nghỉ hưu.
Nếu sắp bước vào giai đoạn hưu trí, có thể bạn nên tập trung vào những doanh nghiệp và ngành rủi ro thấp.
Đặc điểm rủi ro của cổ phiếu có nằm trong mức độ chấp nhận rủi ro của bạn hay không?
Liệu giá bất ngờ giảm mạnh có khiến bạn mất ăn mất ngủ? Nếu bạn hình dung rằng giá một cổ phiếu lao dốc nặng nề sẽ gây ra khó chịu, có thể cổ phiếu này không dành cho bạn.
Nguồn: Vietnambiz
Có thể bạn quan tâm
Bộ sách
Trí tuệ tỷ đô của các bậc thầy đầu tư
Suy nghĩ vượt lên trên đám đông để trở thành
kẻ chiến thắng trong đầu tư