6 chiến lược bán chứng khoán giúp nhà đầu tư bảo vệ lợi nhuận
Mục đích cuối cùng của nhà đầu tư là kiếm lời và điều quan trọng hơn cả là phải bảo vệ những khoản lãi vất vả mới có được. Không có gì đáng tiếc hơn việc để cho nhuận khổng lồ biến thành cát bụi.
Sai lầm rất nhiều nhà đầu tư mắc phải là không suy nghĩ kỹ về việc bán cổ phiếu. Đối với nhiều người, chân lý là mua và giữ vĩnh viễn. Chiến lược “không bao giờ bán” này hoạt động tuyệt vời trong thị trường giá lên dài, nhưng có thể dẫn đến lỗ lớn khi thị trường gấu hoặc đợt điều chỉnh xuất hiện.
Để giúp giảm bớt thách thức cho nhà đầu tư, dưới đây là 6 chiến lược bán cổ phiếu được chia sẻ bởi ông Michael Sincere, tác giả cuốn “Những điều cần biết về chứng khoán”, cây bút của MarketWatch.
1. Mua trễ và bán sớm khi đầu tư chứng khoán
Hầu hết nhà đầu tư đều ám ảnh với châm ngôn “mua rẻ và bán đắt”. Tuy mục tiêu này nghe có vẻ hay ho, nhưng thực tế về đầu tư là chọn đúng thời điểm thích hợp là điều cực kỳ khó.
Nhà đầu cơ huyền thoại Bernard Baruch vận dụng bí quyết trái ngược để thành công: “Tôi luôn mua quá trễ và bán quá sớm”.
Mua trễ có nghĩa là bạn không cố mua vào với giá thấp nhất có thể. Thay vào đó, hãy kiên nhẫn chờ đợi để cổ phiếu chứng tỏ mình là khoản đầu tư thành công. Thay vì cố vắt kiệt đến từng xu của một giao dịch, hãy bán ra tại mức giá mang về lợi nhuận ổn.
Tuy đi ngược với hầu hết mọi thứ được dạy về đầu tư, quy tắc của ông Baruch giúp nhà đầu tư giảm thiểu tác động của cảm xúc, đặc biệt là tham lam và sợ hãi. Để tuân thủ quy tắc này, bạn phải sẵn sàng bỏ qua cơ hội tiềm năng để giảm thiểu rủi ro. Bạn cũng phải chấp nhận mua với giá cao hơn những người khác.
2. Bán dần dần khi giá lên hoặc xuống khi đầu tư chứng khoán
Thay vì bán tất cả vị thế một lần, dù là để cắt lỗ hay chốt lời, bạn có thể “thu hẹp” quy mô vị thế. Giả sử bạn đang nắm giữ 600 cổ phiếu với giá mua vào 25 USD/cp. Nếu giá tăng lên 27 USD/cp, hãy cân nhắc bán bớt 200 cổ phiếu. Nếu giá lên tiếp, bán thêm 200 cổ phiếu nữa.
Bạn cũng có thể giảm bớt quy mô vị thế đối với những cổ phiếu thất bại, tuy ông Sincere nhận thấy rằng khi phát hiện khoản đầu tư sai lầm thì tốt nhất là nên bán sạch một lúc.
3. Đặt ra giá mục tiêu khi đầu tư chứng khoán
Một phương pháp để xác định khi nào nên bán cổ phiếu là xác định mục tiêu theo giá hoặc tỷ lệ phần trăm. Ví dụ, nếu mua cổ phiếu với giá 25 USD/cp, bạn có thể đặt mục tiêu là 28 USD/cp. Hãy nhớ rằng bạn không nên chọn bừa một con số mà cần xác định giá mục tiêu dựa trên phân tích cơ bản hoặc kỹ thuật.
Một ý tưởng khác là đặt giá mục tiêu dựa trên phần trăm, ví dụ như bán ra khi giá chứng khoán tăng 5%.
Thêm nữa, nếu giá chứng khoán tăng mạnh và nhanh hơn nhiều dự kiến, hãy chớp thời cơ và cắt giảm bớt vị thế, dù nhiều hay ít.
Không gì gây tổn thương hơn cho tâm lý nhà đầu tư là thấy khoản lời lớn bốc hơi vì không kịp chuyển khoản lãi trên giấy thành tiền. Đây là lúc nhà đầu tư cần kỷ luật, và điều đó có nghĩa là không chỉ đặt ra mục tiêu mà còn thực sự tuân thủ chúng.
4. Bán nhanh những khoản đầu tư thất bại khi đầu tư chứng khoán
Khoản đầu tư thất bại cần phải được tống khứ nhanh chóng. Không phải ai cũng đồng ý với điều này, nhưng rủi ro của giữ những cổ phiếu giảm giá quá lâu là bạn có thể mất sạch lợi nhuận.
Giống như việc đặt ra mục tiêu khi giá cổ phiếu tăng, bạn cũng nên làm vậy khi cổ phiếu giảm giá. Chúng ta đều có hy vọng rằng những cổ phiếu thua lỗ sẽ quay đầu một cách thần kỳ. Nhưng trong phần lớn trường hợp, suy nghĩ này chỉ là viển vông.
Thông thường, cắt lỗ khoản đầu tư ở mức 7-10% là phù hợp, nhưng bạn có thể điều chỉnh tỷ lệ tùy thích. Điểm chính là bạn cần tránh để khoản lỗ nhỏ biến thành lỗ lớn. Bạn có thể đặt lệnh dừng lỗ hoặc cảnh báo khi giá rớt xuống một mức nào đó.
5. Chốt lời thường xuyên
Mặc dù điều này nghe có vẻ hiển nhiên, nhưng đừng quên chốt lời theo định kỳ. Một việc quan trọng khác là đánh giá lại và phân tích danh mục đầu tư một cách đều đặn, và đưa ra các quyết định bán.
Nếu bạn có lợi nhuận lớn bất thường, cao hơn nhiều so với tưởng tượng, hành động thận trọng cần làm là chốt một phần lời rồi đa dạng hóa sang các sản phẩm tài chính khác.
6. Lập danh sách nguyên tắc
Nếu bạn đồng ý với những nguyên tắc phía trên, hãy tập hợp lại thành một danh sách. Một phương pháp khác là lên kế hoạch viết rõ các chỉ dẫn bán, ví dụ như giảm bớt vị thế khi giá chứng khoán tăng trên 10% trong một ngày.
Làm theo những nguyên tắc đã được viết ra giúp bạn không bị tác động bởi cảm xúc khi ra quyết định bán. Việc này cũng giúp bạn tránh hoảng loạn trong thị trường biến động.
Có thể bạn quan tâm
Bộ sách
Trí tuệ tỷ đô của các bậc thầy đầu tư
Suy nghĩ vượt lên trên đám đông để trở thành
kẻ chiến thắng trong đầu tư