Định giá nhanh theo phương pháp P/E
Cổ phiếu đắt hay rẻ? Câu hỏi rất cơ bản được nhà đầu tư quan tâm khi tham gia vào thị trường chứng khoán. Câu trả lời có vẻ không đơn giản như câu hỏi khi nó đi liền với quyết định đầu tư và ảnh hưởng đến lợi nhuận sau đó.
Điều chúng ta cần để biết một cổ phiếu đắt hay rẻ, là cổ phiếu đó có giá trị đầu tư hay không? Và giá trị đó so sánh như thế nào với các cổ phiếu khác cùng ngành? Và có thể so sánh khác ngành được không? Chỉ số P/E chính là công cụ phân tích quan trọng để trả lời câu hỏi này.
Chỉ số P/E là gì?
Chỉ số P/E là chỉ số đánh giá mối quan hệ giữa giá thị trường của cổ phiếu (P) và thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS). Hay nói cách khác, nhà đầu tư phải trả giá bao nhiêu cho mỗi đồng thu nhập. Đây là phương pháp định giá đơn giản vì không cần nhiều thời gian phân tích số liệu nhưng rất hiệu quả để xem xét mối tương quan đắt – rẻ của giá các cổ phiếu trong cùng ngành.
1. Công thức tính P/E
Về mặt lý thuyết, P/E cho biết số tiền mà các nhà đầu tư sẵn sàng bỏ ra trả cho một đơn vị lợi nhuận đã được tạo ra trong một thời kỳ nhất định. Hệ số P/E cao có nghĩa nhà đầu tư kỳ vọng vào khả năng tạo ra lợi nhuận cao hơn trong tương lai. Tuy nhiên hệ số này quá cao không hẳn tốt, đồng nghĩa với việc cổ phiếu đó chứa đựng nhiều rủi ro. Nếu hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp không gặp thuận lợi và không đạt được kết quả như kỳ vọng thì khả năng giảm giá của cổ phiếu càng mạnh. Với hệ số P/E thấp, sẽ xảy ra 02 khả năng:
- Kỳ vọng tạo ra lợi nhuận thấp hơn trong tương lai
- Công ty có hoạt động kinh doanh tốt nhưng đang ít được quan tâm và đang được định giá rẻ. Đây là nhóm các cổ phiếu cần được “săn tìm” để tìm kiếm lợi nhuận vượt trội khi thị trường nhận ra và đưa giá cổ phiếu về đúng giá trị.
2. So sánh P/E giữa các ngành
Khi dùng phương pháp định giá nhanh P/E, nhà đầu tư cần xem xét chỉ số này trong nhiều năm và so sánh P/E của các công ty đối thủ trong ngành để xem xét mức độ tương quan về mặt định giá. Để xác định nhanh cổ phiếu nào đang đắt hay rẻ, nhà tư đầu tư sẽ xem xét P/E của công ty so với P/E chung của toàn ngành. Cổ phiếu nào có P/E thấp hơn P/E ngành sẽ được ưu tiên đầu tư.
Đối với mỗi ngành nghề, phụ thuộc vào đặc thù kinh doanh, lợi nhuận tiềm năng có thể tạo ra trong tương lai mà có các mức P/E khác nhau, tương ứng kì vọng đối với mỗi ngành nghề là khác nhau.
3. Ứng dụng định giá P/E
Ví dụ nhà đầu tư muốn đầu tư vào nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng. Chỉ số P/E sẽ cung cấp thông tin về cổ phiếu nào đang ở mức định giá hấp dẫn về mặt P/E so với mặt bằng chung của ngành.
Như vậy, các cổ phiếu ngành ngân hàng có mức định giá hấp dẫn về P/E so với trung bình ngành, tức có chỉ số P/E thấp hơn trung bình ngành là các cổ phiếu HDB, ACB, TPB, LPB, MBB… Nhà đầu tư có thể xem xét đầu tư các cổ phiếu này và chờ đợi thị trường điều chỉnh giá về mức P/E trung bình ngành.
Kết luận: Như vậy, với phương pháp định giá nhanh P/E, nhà đầu tư có thể nhanh chóng xem xét cổ phiếu nào đang được định giá rẻ so với trung bình ngành với kỳ vọng giá cổ phiếu tiến về mức định giá P/E ngành. Theo đó, đây sẽ là công cụ hữu ích, giúp nhà đầu tư có thêm thông tin về mặt định giá trước khi đưa ra quyết định đầu tư.
Nguồn: Sưu tầm
Có thể bạn quan tâm