fbpx

Thiếu thốn chỉ là một lời nói dối

“Trên đời thực sự có tồn tại một quy luật tự nhiên về sự dư giả, và bạn sẽ thấy quy luật đó tràn ngập trong vũ trụ này. Nhưng nếu bạn thiếu niềm tin, bạn sẽ không thể nhìn ra được quy luật đó” – Paul Zalter.

Trong những năm qua, tôi đã có cơ hội được tận mắt chứng kiến cuộc sống và hoàn cảnh của rất nhiều người. Trong số họ, có những người sống mà sự thiếu thốn thức ăn, nước uống, chỗ ở, tự do, cơ hội luẩn quẩn trong từng hành động, từng lời nói của họ. Những người khác thì lại có quá nhiều so với nhu cầu tính trên mọi phương diện – họ có quá nhiều tiền, quá nhiều thức ăn, quá nhiều xe, quá nhiều quần áo, được giáo dục quá tốt, được phục vụ quá nhiều, có quá nhiều tự do, quá nhiều cơ hội hơn… thứ gì đối với họ cũng thừa mứa cả. Tuy vậy, đáng ngạc nhiên là dù sống trong một thế giới dư thừa như thế, những cuộc trò chuyện của họ vẫn xoay quanh chủ đề thiếu thốn. Họ luôn nói về những thứ mình không có và những thứ họ muốn có được. Dù chúng ta là ai hay có điều kiện sống như thế nào đi chăng nữa, chúng ta luôn đắm chìm, luôn say sưa nói về những thứ mà mình còn thiếu.

Tôi đã tận mắt chứng kiến điều này trong chính bản thân mình. Đối với tôi và nhiều người khác, suy nghĩ đầu tiên trong ngày của chúng tôi là “Mình thiếu ngủ rồi”. Suy nghĩ tiếp theo là “Mình không có thời gian”. Dù sự thật có đúng là thế hay không, thì suy nghĩ “không đủ” cứ tự động tràn vào não bộ chúng ta, trước cả khi chúng ta kịp cẩn thận đánh giá nó. Chúng ta dành phần lớn thời gian trong ngày để nghe, giải thích, phàn nàn, hay lo lắng về những điều chúng ta còn đang thiếu. Chúng ta không có đủ thời gian. Chúng ta không được nghỉ ngơi đầy đủ. Chúng ta không tập thể dục đủ. Chúng ta chưa làm việc đủ. Chúng ta không thu đủ lợi nhuận. Chúng ta không có quyền lực đủ lớn. Chúng ta thiếu không khí tự nhiên. Chúng ta thiếu các kỳ nghỉ cuối tuần. Và tất nhiên, chúng ta luôn không bao giờ có đủ số tiền mình cần. Chúng ta không bao giờ đủ gầy, đủ thông minh, đủ xinh đẹp, đủ phù hợp, đủ giỏi, đủ thành công hoặc đủ giàu có. hậm chí, trước khi chúng ta ngồi dậy trên giường mỗi sáng, trước khi chân chúng ta chạm vào sàn nhà, chúng ta đã ở trong tình trạng thiếu thốn, đã tụt lại phía sau, đã đánh mất, đã không đủ một thứ gì đó rồi. Và vào thời điểm chúng ta lên giường đi ngủ ban đêm, đầu óc chúng ta vẫn quay cuồng với những điều mà ta không có được, không hoàn thành được trong ngày hôm đó. Những suy nghĩ lấy đè nặng chúng ta cả khi ngủ lẫn khi thức dậy, và chúng ta cứ lại lặp lại cái vòng thiếu thốn đó.

Câu thần chú “thiếu thốn” này ám ảnh chúng ta cả ngày lẫn đêm, trở thành thiết lập mặc định cho mọi suy nghĩ của chúng ta trong tất cả mọi thứ, từ số tiền mặt ta đang mang trong túi đến những người chúng ta yêu thương, đến giá trị của chúng ta trong cuộc sống. Thứ này ban đầu chỉ là dấu hiệu rằng chúng ta đang sống một cuộc sống vội vã hoặc nhiều thử thách, nhưng dần dần nó đã phát triển thành một lý do tuyệt vời để chúng ta biện minh cho cuộc sống chưa toàn vẹn của mình. Nó cũng trở thành lý do chúng ta dùng để thanh minh tại sao chúng ta không thể có thứ mình muốn hoặc không thể trở thành người mà chúng ta muốn. Nó trở thành nguyên nhân tại sao chúng ta không thể hoàn thành được các mục tiêu mà chúng ta đặt ra cho bản thân, trở thành nguyên nhân khiến những giấc mơ của chúng ta không thể trở thành sự thật. Chúng ta dùng nó làm lý do giải thích tại sao người khác làm ta thất vọng, tại sao chúng ta từ bỏ sự liêm chính của con người mình, bỏ mặc chính mình hay bỏ rơi người khác. 

Tình trạng đó diễn ra ở tất cả mọi nơi, dù ở trong nội thành hay các khu ngoại ô, ở New York, Topeka, Beverly Hills hay Calcutta. Dù chúng ta đang sống trong hoàn cảnh thiếu thốn hay giàu có – thậm chí ngay cả khi chúng ta có rất nhiều tiền, nhiều tài sản và bất cứ thứ gì mình cần và muốn – chúng ta vẫn coi sự thiếu thốn như một mặc định tất nhiên. Nó là điều không ai mảy may nghi ngờ, thậm chí là ý nghĩ chung mọi người đều đồng tình mà không cần nói ra, giống như một định nghĩa về cuộc sống vậy. Ngay cả khi trên thực tế, chúng ta không hề thiếu thốn gì cả, nhưng thiếu thốn vẫn là cảm giác thường trực của ta đối với cuộc sống, nó trở thành bàn đạp để chúng ta suy nghĩ, hành động và sinh sống trên thế giới này. Nó định hình cảm giác sâu xa nhất của chúng ta về bản thân mình, và trở thành lăng kính để ta trải nghiệm cuộc sống. Qua lăng kính đó, những mong đợi, hành vi của chúng ta và hậu quả chúng tạo ra sẽ trở thành điềm báo tự ứng nghiệm về sự thiếu thốn, sự bất mãn và không thỏa đáng.

Nguyên nhân sâu xa của tình trạng và cách tư duy “thiếu thốn” này nằm trong sự ganh tỵ, lòng tham, những thành kiến và bất mãn của chúng ta đối với cuộc sống, và nó liên hệ vô cùng mật thiết đến mối quan hệ giữa con người với tiền bạc. Trong cách tư duy “thiếu thốn” này, mối quan hệ của chúng ta với tiền bạc chứa đầy sợ hãi; nỗi sợ sẽ thúc đẩy chúng ta tham gia vào cuộc rượt đuổi vô tận để có càng nhiều tiền hơn, hoặc khiến ta thỏa hiệp hòng thoát khỏi cuộc rượt đuổi và không còn khó chịu về tiền nữa. Trong cuộc rượt đuổi hoặc trong sự thỏa hiệp này, chúng ta lại vô tình gạt bỏ bản chất hoàn thiện và liêm chính của bản thân. Chúng ta từ bỏ linh hồn mình, và ngày càng rời xa các giá trị cốt lõi cũng như những quyết tâm cao cả nhất của bản thân. Chúng ta nhận ra mình bị mắc kẹt trong vòng tròn luẩn quẩn của cô độc và bất mãn. Chúng ta bắt đầu tin vào những thông điệp văn hóa và những quảng cáo thương mại, rằng tiền có thể mua được hạnh phúc, và chúng ta bắt đầu tìm kiếm các yếu tố bên ngoài để lấp đầy con người mình. Tận sâu trong lòng, chúng ta biết điều đó không đúng, nhưng nền văn hóa vật chất đã lấn át giọng nói bên trong chúng ta, và chúng ta cảm thấy mình buộc phải tìm kiếm sự thoải mái và an tâm có thể mua được bằng tiền đó. 

Một số người cho rằng sự thiếu thốn này là một yếu cố cơ bản, tự nhiên và không thể tránh khỏi trong mối quan hệ giữa con người với tiền bạc và các nguồn lực. Nhưng sau cùng thì bạn sẽ cảm thấy mọi thứ là quá nhiều với mình. Hơn 200 năm trước, vào khoảng thời gian diễn ra cuộc Cách mạng Mỹ, Nhà Triết học và Kinh tế học người Scotland, Adam Smith, đã đưa ra luận điểm “nỗ lực tự nhiên của mỗi cá nhân nhằm cải thiện điều kiện sống của chính họ” là động lực mạnh mẽ hơn bất kỳ chướng ngại vật nào, và sau đó ông tiếp tục trình bày các nguyên tắc căn bản của nền kinh tế “thị trường tự do” hiện đại (so với thời đó), trong đó ông cho rằng “bàn tay vô hình” được tạo ra bởi mong muốn cá nhân chính là thứ nắm quyền chi phối và định hướng tự nhiên nhất.

Nhưng lập luận này chính xác đến mức nào? Trong thời kỳ đó, thế giới mà nhà tư tưởng châu Âu da trắng được ăn học đến nơi đến chốn Adam Smith sinh sống là một thế giới mà đa số những người da trắng đều coi người dân bản địa và người da màu là “ngu muội” và “man rợ”, chứ không coi họ là những cá nhân đầy tiềm năng và khôn ngoan như xã hội sau này. Tầng lớp người da trắng thống trị ngày đó đã chấp nhận và thực hiện phân biệt chủng tộc, tôn giáo và giới tính. Họ coi đó là một quy chuẩn ngầm định được chấp nhận về mặt đạo đức và kinh tế. Trong những ngày đó, con người chưa ý thức được sự liên kết giữa các yếu tố mang tính toàn cầu với lợi ích cá nhân và chủ nghĩa dân tộc – điều có sức ảnh hưởng vô cùng lớn đến con người, đến sự giàu có và sự an toàn của con người. Đó cũng chính là lý do tại sao chúng ta cần mở rộng giới hạn của “lợi ích cá nhân” để chứa đựng lợi ích của tất cả mọi người, ở tất cả mọi nơi. Những cấu trúc và nguyên tắc kinh tế cơ bản của thời kỳ đó lấy nền tảng là cách tư duy và những giả định sai lầm – về thiên nhiên, về tiềm năng con người, và về cả tiền bạc nữa. 

Một tác giả đương đại người châu Âu, Bernard Lietaer – cựu quan chức cao cấp của Ngân hàng Trung ương Bỉ, và là một trong những “kiến trúc sư” trưởng của đồng tiền chung Euro – đã viết trong cuốn sách Of Human Wealth (Tạm dịch: Sự giàu có của con người) của ông rằng: lòng tham và nỗi sợ thiếu thốn là thứ được lập trình trong mỗi con người; chúng không phải là sản phẩm của tự nhiên, và cũng không phải thứ bẩm sinh tồn tại trong bản chất con người. Chúng được xây dựng trong chính hệ thống tiền tệ mà chúng ta đang sử dụng, và chúng ta đã chìm trong hệ thống đó lâu đến nỗi hoàn toàn không thấy được những mặt tối của nó. Chúng ta đã học được cách coi chúng là điều hết sức bình thường và hợp lý. Ông kết luận rằng, hệ thống kinh tế của Adam Smith có thể được miêu tả chính xác hơn là: hệ thống phân bổ các nguồn lực khan hiếm thông qua lòng tham của mỗi cá nhân. hực chất, toàn bộ hệ thống kinh tế học “hiện đại” của Smith bắt nguồn từ nỗi sợ nguyên thủy đối với tình trạng thiếu thốn và lòng tham con người. Và công cụ để biến hệ thống ấy thành sự thật chính là tiền.

Một khi chúng ta bước ra khỏi những mặt tối của hệ thống méo mó và lỗi thời này, cũng như đã thoát khỏi cách tư duy mà nó tạo ra rồi, thì chúng ta sẽ khám phá ra điều này: thiếu thốn vốn chỉ là một lời nói dối. Sự thiếu thốn không hề liên quan đến số lượng tài nguyên chúng ta có. Nó là một hệ thống giả định, là những ý kiến và niềm tin sai lầm chưa được kiểm chứng, nó khiến chúng ta nhìn thế giới như một nơi mà chúng ta liên tục bị đe doạ bởi nỗi lo về những nhu cầu của mình sẽ không được thỏa mãn.

hông thường, chúng ta sẽ cho rằng những người cực kỳ giàu có sẽ không phải sống trong nỗi sợ thiếu thốn. Suy nghĩ đó cũng hợp lý, nhưng tôi đã chứng kiến sự thiếu thốn vẫn đè nặng cuộc sống của những người đó, chẳng khác gì so với những người đang sống bấp bênh và không kiếm đủ tiền cho những nhu cầu căn bản nhất của họ. Cũng thật vô lý khi những người giàu có lại luôn nghĩ rằng họ không có đủ. Điều đó vô lý đến mức khi biết được chuyện đó tôi đã bắt đầu đặt câu hỏi về nguồn gốc các mối lo của họ. Hoàn cảnh thực tế của họ chẳng hề thể hiện điều đó. hế là tôi bắt đầu băn khoăn không biết liệu có phải nỗi lo về việc “có đủ” này được dựa trên một tập hợp các giả định, chứ không phải dựa trên hoàn cảnh thực tế của họ hay không. Càng kiểm chứng ý tưởng này nhiều, và càng tiếp xúc thường xuyên với nhiều người trong nhiều bối cảnh sống, văn hóa và đạo đức đa dạng, tôi càng nhận ra giả định cơ bản về sự thiếu thốn đang tràn lan khắp nơi. Các ngộ nhận và ngôn ngữ của sự thiếu thốn là tư tưởng thống trị trong đa số các nền văn hóa. Cách tư duy về sự thiếu thốn này thường không dựa trên sự hợp lý và bằng chứng nào cả, nhưng nó lại bóp méo thái độ và hành vi của con người, đặc biệt là khi liên quan đến các vấn đề tiền bạc. Tôi phát hiện ra rằng, dù chúng ta đang ở trong điều kiện chính trị, kinh tế hay tài chính thế nào, thì các ngộ nhận và suy nghĩ về sự “thiếu thốn” luôn tạo ra một nỗi sợ tiềm ẩn. Nó khiến chúng ta và những người chúng ta yêu thương sẽ không bao giờ cảm thấy mình có đủ những thứ cần thiết để sống một cuộc đời thỏa mãn, hạnh phúc, hữu ích, hoặc thậm chí là có cảm giác được tồn tại.

Cách tư duy “thiếu thốn” này không phải là thứ chúng ta cố ý tạo ra hay chủ định đưa vào cuộc sống một cách có ý thức. Nó đã ở đây trước chúng ta, và có thể sẽ tiếp tục tồn tại sau khi chúng ta biến mất trên cõi đời này, trong những ngộ nhận và trong ngôn ngữ của nền văn hóa tiền bạc hiện đại. Tuy nhiên, chúng ta có thể lựa chọn chấp nhận cách tư duy này và để nó thống trị cuộc đời mình hay không?

Nguồn: Trích sách Linh hồn của tiền

Có thể bạn quan tâm:
Linh hồn của tiền

Đánh thức “sự giàu có” từ nội lực của chúng ta

Linh hồn của tiền

ĐỌC THỬ

ĐẶT SÁCH

Các viết cùng chủ đề