Mua đáy bán đỉnh – Việc làm nhà đầu tư giỏi hay câu chuyện cổ tích?
Mua đáy bán đỉnh là ước mơ muôn thuở của nhà đầu tư, đặc biệt với người mới vào nghề. Bạn thậm chí còn vui vẻ “vẫy đuôi” khi bán một cổ phiếu sau đó nó đi xuống – Và mua là nó lên liền.
Trước đây, khi mới chơi, tôi từng mua 1 mã rồi bán nó đúng đỉnh, đó là giá cao nhất của một đợt tăng, chính xác đến từng line, sướng vô cùng rồi “vẫy đuôi” phần phật.
Lại thêm điều sướng nữa, sáng mua xong, chiều đã tăng trần, tôi cũng “vẫy đuôi”. Nhưng rồi, trải qua 9 năm đầu tư (tính đến thời điểm viết bài này) – qua trải nghiệm và đọc sách, học hỏi từ những cây đại thụ đầu tư. Thì đó quả là một sai lầm.
Càng chơi lâu, tôi càng chấp nhận tính tương đối của chứng khoán, chấp nhận tính vô thường của chứng khoán. Đạt tiêu chí là mua, và không đạt tiêu chí nữa thì bán.
Nên dần dần, cũng quên đi việc cố gắng mua đáy cổ phiếu, dù có lẽ sâu thẳm tâm can chắc cũng còn 1 chút thôi thúc mua đáy bán đỉnh. Xét một đoạn đường dài, thì việc mua bán khi cảm giác cổ phiếu đủ rẻ và bán nó đủ đắt và tìm cổ phiếu khác lại giúp bạn lại nhiều hơn.
Mua đủ rẻ, khả năng bạn lại dễ trúng vùng đáy cổ phiếu hơn, cổ phiếu dễ tăng 50% hoặc dễ tăng gấp đôi hơn – và bớt bị áp lực về tâm lý.
Chứng khoán, ta đâu cần phải chiến thắng một trận đánh, mà ta chiến thắng cả một cuộc chiến. Mục đích của đầu tư giúp ta vững vàng về tài chính và có cuộc sống nhàn hạ!
Ước mơ mua đáy bán đỉnh luôn thôi thúc nhà đầu tư đi đến con đường sai lầm. Bởi họ phải căng não stress để giải bài toán vô nghiệm. Trẻ con mong muốn mình là nhân vật cổ tích giống như nhà đầu tư muốn mua đáy bán đỉnh.
Rất nhiều bạn ở trong các tổ chức tài chính, cứ khuyến nghị nhà đầu tư nào là đỉnh, nào là đáy, nào là điều chỉnh ở ngưỡng nào – lại còn phán một cách duy ý chí: “Nó chắc chắn – nó phải chỉnh; hoặc 100% nó sẽ lên.” Rồi khi đúng, thì lục lại khoe, sai thì im luôn.
Chúng ta không thể dự đoán được thị trường. Và chúng ta không thể dự đoán được đỉnh hay đáy của cổ phiếu.
Tuy nhiên, nếu ta có nguyên tắc khi mua bán cổ phiếu, ta sẽ rất dễ dàng mua được những cổ phiếu có khả năng tăng giá cao – nó dựa vào vòng tròn năng lực, triết lý và nguyên tắc mà ta đang theo đuổi.
Chứng khoán chỉ là môn Toán lớp 4 (Peter Lynch) – ta chỉ cần vài tiêu chí đáng để đánh giá và tránh những bài toán vô nghiệm ví dụ như dự đoán đáy của cổ phiếu để
mua.
Sống lâu, đầu tư bền vững qua nhiều năm bạn sẽ thấy tài sản của bản thân gia tăng nhanh chóng.
Nếu bạn còn có ước muốn mua đáy bán đỉnh, thì có thể tham khảo những trích dẫn của những nhà đầu tư xuất chúng của thế giới nói gì về điều này.
Trong bóng đá, người bình thường ta không thể giỏi hơn Messi, Ronaldo, Pele… thì trong đầu tư, thay vì cạnh tranh với những nhà đầu tư xuất chúng, và ta học hỏi họ về việc dự đoán đáy và đỉnh, bằng suy nghĩ đầy tự hào và ngạo mạn: “Dự đoán đỉnh và đáy của tôi bằng với Warren Buffett: Tôi không biết, tôi không quan tâm.”
Danh ngôn về việc mua đáy bán đỉnh của những nhà đầu tư xuất chúng
“Tôi chưa bao giờ mua ở đáy và luôn luôn bán khá sớm” Baron Rothschild
“Cơ hội bạn mua được ở đáy thị trường là rất nhỏ nhoi, nhưng nếu bạn nằm trong khoảng 5% hoặc 10% thì mức lãi của bạn có thể rất phi thường.” Shelby Davis
“Một số người tự hào về việc bán được ở đỉnh thị trường và mua được ở đáy -tôi không tin rằng điều này có thể làm được ngoại trừ sau này bạn nhìn lại. Tôi mua khi mọi thứ có vẻ đủ thấp và bán khi chúng có vẻ đủ cao. Bằng cách đó, tôi đã cố gắng tránh bị cuốn theo những biến động cực đoan thảm khốc xảy ra trên thị trường” Bernard Baruch
“Không có gã nào có năng lực mua được ở đáy giỏi hơn Buffett, nhưng không ai đủ. năng lực nhận thức được thật là ngu ngốc khi cố gắng làm điều đó.” Frank Martin
“Tại những lúc chuyển hướng lớn của thị trường, các nhà tiên lượng thị trường thường sai.” Leon Levy
“Thật là khó – và sau này tôi kết luận – không thể xác định được những chuyển hướng lớn của thị trường.” Paul Singer
“Vì đáy chỉ được biết khi nhìn lại, những người chờ đợi nó hầu như luôn ra về tay trắng.” Frank Martin
“Ngay cả những lúc thị trường bình thường, thì nhà đầu tư điển hình vẫn cảm thấy khó chịu khi mua quá sớm và không vui vẻ khi bán quá sớm. Tuy nhiên, để trở thành người thực hành thực thụ với quy tắc mua thấp bán cao, thì anh ấy phải hoàn toàn sẵn sàng làm cả 2 điều đó.” Benjamin Graham
“Bài học rút ra ở đây là chúng ta không bao giờ mua được với mức giá thấp. Hầu hết mọi cổ phiếu tôi từng có trong danh mục đầu tư luôn giảm sau khi chúng tôi mua chúng – và may mắn là hầu hết không giảm quá nhiều, nhưng tôi nghĩ việc nó giảm giá là điều khá bình thường và ngay lúc này tôi gần như mong đợi điều đó xảy ra.” Mohnish Pabrai
“Bạn phải mua trên đường đi xuống. Bạn có thể tích lũy được số lượng lớn trên quãng đường đi xuống hơn là đi lên, vì ít sự cạnh tranh giữa những người mua. Hầu như lúc nào sớm hơn sẽ tốt hơn so muộn, tuy nhiên bạn cần phải chuẩn bị cho việc giá cổ phiếu giảm khi bạn mua.” Seth Klarman
“Một bài học từ những đợt hoảng loạn trước đây của thị trường chứng khoán là không thể xác định được đáy và hầu như rất khó để mang tiền đầu tư sau khi thị trường quay đầu – bởi vì giá tăng rất nhanh.” Nick Train
“Bạn không bao giờ bán được ở mức giá đình và bạn không bao giờ mua được ở mức giá đáy.” Walter Schloss
“Theo kinh nghiệm của tôi, hầu hết những người may mắn bán được thứ gì đó trước khi nó giảm giá đều bận bịu với sự đắc thắng và quên mất việc mua lại nó.” Howard Marks
“Một nhà đầu tư am hiểu là người mua hoặc bán trong phạm vi 20% so với định hoặc đáy. Hầu hết những người tin rằng họ thông minh để phát hiện và mua bán khi đỉnh hoặc đáy thị trường đang diễn ra thường là ngốc nghếch hơn là thông thái” Frank Martin
“Không ai biết đáy (hoặc đỉnh) nằm ở đâu.” Paul Singer
“Chúng ta không bao giờ biết được khi nào chúng ta đang ở vùng đáy” Howard Marks
“Chờ đợi đáy là điên rồ. Vậy tiêu chí của nhà đầu tư nên là gì? Câu trả lời rất đơn giản: Nếu thứ gì đó rẻ – dựa trên mối quan hệ giữa giá cả và giá trị nội tại – thì bạn nên mua và nếu nó giảm thêm nữa, thì bạn nên mua nhiều hơn.” Howard Marks
Hoai An Le (Theo CophieuX)
Có thể bạn quan tâm