Năng suất và tiền lương dưới góc nhìn kinh tế học
Việc hiểu sai hoặc sử dụng không đúng cách dữ liệu của chính phủ có thể dẫn đến nhiều kết luận sai lầm.
STEVEN R. CUNNINGHAM
Cho đến nay, khi thảo luận về việc phân bổ các nguồn lực, chúng ta vẫn thường dành sự quan tâm đến các nguồn lực vô tri hơn. Nhưng con người là một nguồn lực đầu vào quan trọng của quá trình tạo sản phẩm đầu ra. Đa số mọi người không muốn lao động không công, vậy nên để họ làm việc, họ phải được trả tiền hoặc bị buộc phải làm việc, bởi vì công việc bắt buộc phải được hoàn thành bằng bất cứ giá nào dù chúng ta có phải sống với ít tiện nghi theo tiêu chuẩn sống hiện đại đi chăng nữa. Trong nhiều xã hội ở quá khứ, con người bị buộc phải làm việc, dù là dưới hình thức nông nô hay nô lệ. Trong một xã hội tự do, mọi người được trả tiền để làm việc. Nhưng tiền lương không chỉ là thu nhập của các cá nhân. Nó cũng là một nhóm các động cơ khuyến khích dành cho tất cả mọi người đang làm việc hoặc có khả năng đang làm việc, và đồng thời là một nhóm các ràng buộc dành cho người sử dụng lao động để họ không sử dụng nguồn lao động khan hiếm kém hiệu quả như trong thời Liên Xô – đó là giữ lao động dư để “đề phòng”, trong khi những công nhân đó có thể chuyển sang làm việc hiệu quả ở một nơi khác.
Tóm lại, việc trả tiền lương và tiền công lao động không chỉ dừng lại ở vai trò kinh tế chu cấp thu nhập cho một cá nhân cụ thể. Từ quan điểm của toàn bộ nền kinh tế, việc trả tiền để công việc được thực hiện là một cách phân bổ các nguồn lực khan hiếm có các mục đích sử dụng thay thế khác nhau. Lao động là một nguồn lực khan hiếm bởi vì lượng công việc phải làm luôn lớn hơn số lượng lao động với thời gian làm việc giới hạn, vậy nên thời gian của những lao động đó phải được phân bổ cho các cách sử dụng thời gian và tài năng cạnh tranh nhau. Nếu lương của tài xế xe tải tăng gấp đôi, một số tài xế taxi có thể muốn chuyển sang lái xe tải. Nếu thu nhập của các kỹ sư tăng gấp đôi thì một số sinh viên đang cân nhắc học chuyên ngành toán hoặc vật lý có thể quyết định chuyển sang học chuyên ngành kỹ thuật. Nếu tiền lương của tất cả các công việc tăng gấp đôi thì một số người đã nghỉ hưu có thể quyết định quay lại làm việc, ít nhất là bán thời gian, trong khi những người đang nghĩ đến chuyện nghỉ hưu có thể quyết định hoãn lại một thời gian nữa.
Số tiền mọi người được trả phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Những mức lương cao ngất ngưởng của các vận động viên chuyên nghiệp, các ngôi sao điện ảnh hoặc giám đốc điều hành của các tập đoàn lớn thường khiến cánh nhà báo và nhiều người khác đặt ra câu hỏi rằng liệu người này hay người kia “thực sự” đáng giá bao nhiêu.
May mắn thay, bởi vì chúng ta đã biết từ Chương 2 rằng không có cái gọi là giá trị “thực sự”, nên chúng ta có thể tiết kiệm thời gian và năng lượng đổ vào một câu hỏi khó trả lời như vậy. Thay vào đó, chúng ta có thể đi tìm câu trả lời cho một câu hỏi thực tế hơn: Yếu tố nào quyết định số tiền mà mọi người được trả cho công việc của họ? Đối với câu hỏi này, câu trả lời rất đơn giản: đó chính là Cung và Cầu. Tuy nhiên, câu hỏi này mới chỉ là bước khởi đầu. Tại sao cung và cầu lại có thể giúp một cá nhân kiếm được nhiều tiền hơn một cá nhân khác?
Có một sự thật rõ ràng là người lao động sẽ luôn muốn được trả lương cao nhất có thể, còn người sử dụng lao động luôn muốn trả thấp nhất có thể.
Việc tuyển dụng chỉ xảy ra khi có sự trùng khớp giữa mức lương được đề nghị và mức lương được người sử dụng lao động chấp nhận trả. Nhưng tại sao sự trùng khớp đó lại diễn ra với mức lương trả cho một kỹ sư cao hơn gấp mấy lần so với mức lương trả cho một người đưa thư?
Tất nhiên là người đưa thư cũng muốn được trả lương theo mức lương của các kỹ sư, nhưng nguồn cung lao động của những người có khả năng trở thành người đưa thư quá nhiều, do vậy các nhà tuyển dụng không cần phải tăng thang lương của họ lên mức đó. Trong khi đó, phải mất một thời gian dài mới đào tạo được một kỹ sư, và không phải ai cũng có khả năng thành thạo quá trình đào tạo đó, nên số lượng kỹ sư không hề dư dả so với nhu cầu thị trường. Đó là khía cạnh “cung” của câu chuyện. Nhưng điều gì xác định “cầu” lao động? Điều gì xác định giới hạn mức lương mà một người sử dụng lao động sẵn sàng trả?
Thực tế khan hiếm kỹ sư không phải yếu tố duy nhất làm cho lượng lao động này có giá đến thế. Chính khả năng giúp cho thu nhập của công ty tăng cao mới là thứ khiến người sử dụng lao động sẵn sàng trả giá cao cho dịch vụ của những kỹ sư này – và nó cũng là thứ đặt ra hạn mức cao nhất mà người sử dụng lao động có thể trả. Một kỹ sư làm tăng thu nhập của công ty lên 100.000 đô la và yêu cầu mức lương 200.000 đô la rõ ràng sẽ không được tuyển dụng. Mặt khác, nếu kỹ sư làm tăng thu nhập của công ty lên 250.000 đô la, thì kỹ sư đó đáng được thuê với mức giá là 200.000 đô la – với điều kiện là không có kỹ sư nào khác có khả năng làm công việc tương tự với mức lương thấp hơn.
Trích từ sách Basic Economics: Kinh tế học cơ bản, a bờ cờ, kinh tế học nhập môn cho nhà đầu tư
Có thể bạn quan tâm:
Basic Economics Kinh tế học cơ bản, a bờ cờ, kinh tế học nhập môn cho nhà đầu tư
“Cuốn sách giúp thay đổi rất nhiều luận điểm còn đang mơ hồ và những lầm tưởng khi nghĩ về kinh tế học”