Guy Spier: Trong đầu tư hãy im lặng mà làm đừng công khai nói về các khoản đầu tư của bạn
Qua nhiều năm, tôi bắt đầu nhận ra rằng tuyên bố công khai những cổ phiếu tôi sở hữu là một ý tồi. Vấn đề không phải là các nhà đầu tư khác có thể ăn cắp ý tưởng của tôi. Vấn đề thực sự chính là điều này sẽ làm tôi rối trí. Một khi chúng ta đã công bố một điều gì đó, sẽ có một rào cản tâm lý khiến ta không thể quay mặt với những điều đã tuyên bố – ngay cả khi chúng ta hối hận vì nhận định đó.
George Soros có một câu nói nổi tiếng: “Trong đầu tư, hãy im lặng mà làm.” Còn Michael Burry, một nhân vật trong cuốn sách nổi tiếng The Big Short của Michael Lewis, thì thừa nhận: “Tôi ghét thảo luận các ý tưởng với các nhà đầu tư, và sau đó tôi trở nên bảo thủ, điều đó ảnh hưởng đến quá trình suy nghĩ của mình.”
Bản thân nhà đầu tư Guy Spier cũng cho rằng tuyên bố công khai những cổ phiếu mình sở hữu là một ý tồi. Thậm chí ngay cả khi hối tiếc về quyết định sai lầm ban đầu của mình, bạn vẫn rất khó thay đổi suy nghĩ vì đã lỡ tuyên bố và như thế thì sẽ “mất mặt” với mọi người.
Lúc đấy, bạn đang tự rơi vào cái bẫy tâm lý do chính mình tạo ra mà không hay.
Qua nhiều năm, tôi bắt đầu nhận ra rằng tuyên bố công khai những cổ phiếu tôi sở hữu là một ý tồi. Vấn đề không phải là các nhà đầu tư khác có thể ăn cắp ý tưởng của tôi. Vấn đề thực sự chính là điều này sẽ làm tôi rối trí. Một khi chúng ta đã công bố một điều gì đó, sẽ có một rào cản tâm lý khiến ta không thể quay mặt với những điều đã tuyên bố – ngay cả khi chúng ta hối hận vì nhận định đó. Thế nên điều mà tôi không muốn làm nhất chính là đặt chân vào cái bẫy tuyên bố với mọi người về một cổ phiếu, biết rằng tình thế có thể thay đổi và sau đó tôi có thể phát hiện ra rằng mình đã sai.
Tôi bắt gặp ý tưởng này lần đầu trong bài nói chuyện của Munger về các nguyên nhân gây nhận định sai lầm, sau đó tôi đã tìm đến quyển sách của Robert Cialdini: Influence: Science and Practice (tạm dịch: Tầm ảnh hưởng: Khoa học và Thực hành). Cialdini miêu tả đặc tính bất thường của não bộ là “nguyên tắc cam kết và nhất quán”. Để minh họa cho ý tưởng này, ông viết về một thí nghiệm tâm lý năm 1966, trong thí nghiệm này các cư dân Palo Alto được hỏi liệu họ có làm gì đó không tốn nhiều chi phí nhưng có thể giúp cho cộng đồng hay không. Một vài ngày sau, họ được yêu cầu đặt một bảng hiệu xấu xí trước sân để ngăn tài xế phóng nhanh trong khu dân cư. Những cư dân trước đó đã cam kết làm gì đó không tốn nhiều tiền để giúp đỡ cộng đồng cảm thấy thật sự khó khăn để thay đổi cam kết họ đã đưa ra đến nỗi họ cảm thấy bị buộc phải gắn những bảng hiệu này trước sân nhà.
Tương tự, nếu bạn bảo với một đứa bé rằng bạn sẽ cho nó kẹo, chúng thường sẽ đáp lại, “Chú hứa chứ?” Chúng tự nhiên hiểu rằng bạn sẽ khó mà làm trái lời một khi đã hứa.
Tôi lần đầu nếm trải điều này với một công ty có mã EVCI, tôi mua nó vào tầm năm 2003. Trong vòng 18 tháng, nó tăng lên gấp bảy lần, khiến nó trở thành vụ đầu tư thành công nhất mà tôi đã thực hiện tính đến thời điểm ấy. Chúng ta sẽ bàn sau, lẽ ra tôi đã nên bán hết số cổ phiếu mình đang cầm. Nhưng tôi đã trả lời phỏng vấn trên chương trình Value Investor Insight, khoe rằng EVCI là ví dụ cho khả năng đầu tư của tôi. Kết quả là tôi công khai đầu tư vào cổ phiếu này và không thể rút khỏi nó mặc dù nó đã không còn rẻ nữa. Vì nhiều lý do, cổ phiếu này giảm giá còn một nửa. Giờ nhìn lại, tôi lẽ ra có thể có kết quả tốt hơn nếu không bao giờ công khai nói về nó vì tôi có được quyền tự do bán nó đi khi tình huống đã thay đổi.
Tuy nhiên, tôi vẫn phải tốn khá nhiều thời gian để áp dụng nguyên tắc này và thực sự ngưng công khai nói về những cổ phiếu trong danh mục của mình. Đôi khi tôi cần phải hé lộ những gì mình làm. Ví dụ, sau khi quỹ của tôi bị giáng một cú mạnh hồi khủng hoảng tài chính, tôi cần trấn an cổ đông của mình để họ vững tin. Tôi đã giải thích cặn kẽ với họ về những cổ phiếu đang cầm như Cresud và London Mining, nhấn mạnh rằng đây là những cổ phiếu đang ở mức giá rất rẻ và có viễn cảnh tuyệt vời.
Vào năm 2010, sau khi quỹ của tôi đã nảy lên mạnh mẽ, cuối cùng tôi cũng thực hiện thay đổi: tôi không công khai bàn về các khoản đầu tư hiện tại của tôi nữa, bao gồm cuộc họp thường niên, phỏng vấn với ký giả, và trong cả thư gửi cổ đông. Thoạt đầu, đây chẳng phải một sự thay đổi dễ dàng. Một khi bạn đã tạo nên một sự kỳ vọng trên thị trường, thật khó đểchống lại bản thân mà không khiến người khác cảm thấy bạn đang lừa dối họ. Nhưng sự thay đổi trong quy trình này xứng đáng với nguy cơ khiến nhiều người nóng mặt.
Tôi không giáo điều trong nguyên tắc này. Nếu tôi nói chuyện riêng với một cổ đông, có thể cuối cùng tôi sẽ nói về một cổ phiếu nào đó mà chúng tôi đang nắm giữ. Nhưng ngay cả trong những cuộc chuyện trò riêng tư ấy, tôi cố giữ thái độ trung tính và khiêm tốn, ngăn cản ham muốn trình bày thật nhiệt tình lý do tôi nghĩ một cổ phiếu là tuyệt vời. Tôi biết sau khi đã nói ra những nhận định ấy, việc thay đổi quyết định là khó đến dường nào. Vậy nên tại sao lại tạo nên những cơn đau đầu khi ta có thể dễ dàng tránh nó đi?
Thay vì bàn về các cổ phiếu tôi hiện đang nắm giữ, trong thư gửi cổ đông, giờ đây tôi cung cấp thông tin “giải phẫu tử thi” chi tiết về các cổ phiếu tôi đã từng nắm giữ. Động thái này cung cấp cho cổ đông một góc nhìn về cách tiền của họ được đầu tư, nhưng không làm ảnh hưởng đến khả năng hành động càng lý tính càng tốt của tôi. Với tôi, điều này đã gỡ bỏ một vướng mắc về tâm lý. Tôi cũng cho rằng hầu hết các nhà đầu tư cá nhân cũng có lợi từ việc giữ im lặng về các khoản đầu tư hiện tại của họ vì nói ra chỉ khiến họ khó hành động có lý trí hơn mà thôi. Thật dễ dàng biết mấy khi bạn không phải lo lắng xem người khác đáng giá sao về mình.
Nguyên tắc: Đừng công khai nói về các khoản đầu tư của bạn vì bạn có thể sẽ phải hối hận vì đã làm thế.
Nguồn: Trích sách Lột xác để trở thành nhà đầu tư giá trị