fbpx

Chuyện mỗi mùa đại hội cổ đông: Khoảng cách thế hệ giữa nhà đầu tư già – trẻ

Giai đoạn cao điểm của mùa đại hội đã qua, tổng kết năm trước đã rồi, bàn về kế hoạch năm mới thì cũng đã xong. Tạm quên đi những con số doanh thu và lợi nhuận, cùng tản mạn về những gì mắt thấy tai nghe trong mùa họp mỗi năm một lần này.

đại hội cổ đông

Bài viết là quan điểm riêng của tác giả, bàn về: Những mối quan tâm khác nhau của hai thế hệ nhà đầu tư già – trẻ; mối quan hệ giữa ban lãnh đạo doanh nghiệp và cổ đông; những quy trình, thủ tục tại cuộc họp thường niên.

Cổ tức – tăng trưởng, khoảng cách thế hệ và thú chơi chim

Tại không ít đại hội, các cuộc tranh luận nổ ra liên quan đến những mối quan tâm có phần đối nghịch giữa hai thế hệ cổ đông già – trẻ. Trong đó, vấn đề nổi cộm nhất vẫn thường là cổ tức của doanh nghiệp.

Dễ thấy, nhóm những cổ đông lớn tuổi thường yêu cầu một tỷ lệ cổ tức tiền mặt càng cao càng tốt. Tại nhiều đại hội, cổ tức dường như luôn là mối quan tâm duy nhất đối với lớp cổ đông này, phần còn lại có lẽ không có cũng chả sao. “Tôi già rồi, giờ muốn tiền thôi!” – Một cổ đông lâu năm cảm thán tại Đại hội thường niên của một doanh nghiệp gỗ.

Về phía nhóm cổ đông trẻ tuổi, “khẩu vị” của họ lại khác hoàn toàn, cổ tức tiền mặt chẳng phải là mối quan tâm trọng yếu. Nhóm này yêu thích một công ty kinh doanh tăng trưởng hơn là một doanh nghiệp ổn định (và đương nhiên cổ tức cũng ổn định), họ sẵn sàng đề nghị doanh nghiệp giữ lại lợi nhuận để tiếp tục đầu tư phát triển. “Chúng tôi sẵn sàng không nhận cổ tức nếu công ty có thể sử dụng tốt lợi nhuận giữ lại để phục vụ mở rộng kinh doanh”, lời của một cổ đông trẻ tuổi; và theo sau câu phát biểu là tràng pháo tay giòn tan, đương nhiên cũng của những người trẻ.

Những mối quan tâm đối nghịch nhau kể trên hợp lý dưới góc độ hoàn cảnh, vị thế kinh tế của hai thế hệ cổ đông. Sau một quãng đời dài làm lụng, tích góp rồi đầu tư thì những cổ đông lớn tuổi ít nhiều cũng đã tích lũy được tài sản cho riêng mình; giờ đây họ muốn đống tài sản đó phải tạo ra những dòng tiền đều đặn, có đồng ra đồng vào để họ còn vui cái thú điền viên.

Đối với lứa nhà đầu tư trẻ tuổi, phần đông họ vẫn trong giai đoạn bắt đầu sự nghiệp và đương nhiên vẫn chưa tích lũy được nhiều tài sản, nhóm này không đi tìm sự ổn định mà đi tìm sự gia tăng giá trị tài sản. Họ yêu thích lợi nhuận trên vốn (capital-gain) hơn là những dòng lợi tức ổn định tính trên lượng tài sản có giá trị chưa lớn, đây là lý do họ sẵn sàng bỏ qua những đồng cổ tức giao ngay để kỳ vọng về những con số lợi nhuận tăng trưởng trong tương lai của doanh nghiệp, qua đó phản ánh lên giá cổ phiếu.

Chợt nghĩ, mối quan tâm khác biệt đối với cổ tức và tăng trưởng của hai thế hệ cổ đông âu cũng giống như thú chơi chim cảnh vậy. Sáng nào tại công viên gần nhà người viết cũng có một hội chơi mà phần đông người tham gia là các anh, các bác lớn ngồi xem một hàng dài những đám chim trong lồng, cũng như cổ tức đã nằm gọn trong túi. Còn đối với các bạn trẻ thì chắc có lẽ hiếm ai thích cái trò vui ấy, mà thích nhìn những chú chim vẫn còn líu lo trên cành hơn, cũng như những dòng lợi nhuận tương lai của doanh nghiệp vậy.

Ban lãnh đạo và cổ đông: Vốn đã cách xa hay do cư xử?

Tại nhiều đại hội, dường như không có mối liên kết nào giữa những người trực tiếp điều hành doanh nghiệp (ban lãnh đạo) và những người chủ của doanh nghiệp (cổ đông). Cuộc trao đổi giữa họ chỉ xoay quanh “giá cổ phiếu thế nào? Năm nay lãi nhiêu? Năm sau thế nào?…”, xong xuôi thì ai về nhà đó. Thậm chí, trong nhiều trường hợp cổ đông ra về với sự không hài lòng khi tờ trình được thông qua kèm những lời giải thích đại khái, vì nói cho cùng lượng cổ phần biểu quyết của nhóm kiểm soát cũng đã áp đảo kể cả khi những cổ đông nhỏ không đồng tình.

Tuy vậy, tại một số đại hội thì mối quan hệ này lại thân tình hơn. Ban lãnh đạo nhớ tên của cổ đông, nhiều cổ đông tham dự cuộc họp cũng là những cổ đông lâu năm của công ty, cổ đông cũng khá thoải mái trong việc đưa ra ý kiến vì có lẽ họ cũng đã quá quen mặt nhau. Thậm chí tại đại hội của một doanh nghiệp gỗ, khi tất cả cổ đông tham dự đều đồng thuận với mọi tờ trình chỉ duy nhất một cá nhân nhỏ lẻ không đồng ý thông qua, thì vị chủ tịch vẫn dừng đại hội lại để thuyết phục cho bằng được người cổ đông khó tính này. Và đương nhiên cuối cùng vị cổ đông nọ cũng thuận theo đề xuất của ban lãnh đạo. Thế mới thấy, cứ nhẹ nhàng mà nói chuyện chứ cãi nhau phỏng có ích gì?

Cách đối xử của ban lãnh đạo với cổ đông cũng làm nên không khí của một đại hội. Kế hoạch kinh doanh năm trước không hoàn thành, có vị chủ tịch đứng ra gập người xin lỗi và đương nhiên cổ đông chẳng có lý do gì để phàn nàn; tại một đại hội khác, có vị Chủ tịch giải thích nhiều nhưng cổ đông vẫn không hài lòng và tiếp tục chất vấn lý do. Thế mới thấy, một hành động hơn vạn lời nói.

Cái khó của các “sếp” và chuyện thủ tục tại đại hội

Tiến hành một cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên luôn đòi hỏi một quy trình nội dung, báo cáo mà có vẻ như nhiều doanh nghiệp hiện vẫn đang mắc kẹt với những quy trình cứng nhắc này.

Có một quy trình chuẩn hóa đương nhiên là điều cần thiết, nhưng điều này không nghĩa là cứ đến đại hội thì cổ đông lại phải thấy cảnh ban lãnh đạo mang giấy ra đọc như diễn văn. Trong khi, những tài liệu được đem ra đọc vốn đã được gửi đến cổ đông từ trước. Tại không ít đại hội, thời gian diễn văn thậm chí chiếm phần lớn còn thời gian thảo luận eo hẹp, không mang tính xây dựng. Không thể “vơ đũa cả nắm”, nhưng xét khía cạnh này, ta càng thấy được sự khác biệt khi so sánh giữa hai nhóm doanh nghiệp tư nhân niêm yết và nhóm doanh nghiệp niêm yết có cổ đông chi phối là Nhà nước.

Tuy nhiên, việc đặt vấn đề ở đây không phải là để chỉ trích cách làm của ban lãnh đạo những doanh nghiệp niêm yết mà Nhà nước nắm quyền chi phối. Ở một góc nhìn khác, rõ ràng họ không có được sự thoải mái cùng quyền hạn nhiều như các vị lãnh đạo của nhóm doanh nghiệp tư nhân niêm yết. Đó là lẽ dĩ nhiên, vì vốn dĩ họ không phải là “chủ thực sự” của doanh nghiệp mình đang điều hành.

Ban lãnh đạo nhóm tư nhân thường cũng là những cổ đông lớn tại những doanh nghiệp họ quản lý, việc này đương nhiên ở một khía cạnh nào đó trao cho họ quyền tự quyết nhiều hơn. Tại một số đại hội, vị chủ tọa liên tục xin cổ đông bỏ qua những phần đọc rườm rà để đi nhanh đến phiên thảo luận trực tiếp. Đấy là tư duy hướng đến cổ đông, đơn giản vì họ cũng là một trong số đó.

Đối với nhóm doanh nghiệp niêm yết có vốn Nhà nước, ban lãnh đạo trong hầu hết trường hợp chỉ là người đại diện đứng mũi chịu sào. Họ đứng ra quản lý vốn của Nhà nước, vốn của nhân dân do đó quyền hạn của họ đương nhiên ít hơn rất nhiều. Mặt khác, trên khía cạnh vẫn là một cán bộ Nhà nước, họ bị giới hạn từ việc phải đảm bảo quy trình thủ tục, rồi chú ý lời ăn tiếng nói cho đến mức độ chia sẻ thông tin đến cổ đông.

Vào cửa thôi mà cũng khó!

Thêm một vấn đề nữa, không liên quan nội dung cuộc họp, mà về thủ tục kiểm tra, chứng minh quyền tham dự đại hội của cổ đông, đương nhiên chỉ xét trên con số Đại hội vẫn còn khiêm tốn mà người viết có cơ hội tham dự. Để ý thấy rằng, tại phần đông những doanh nghiệp niêm yết tư nhân thì việc này giống với lúc đi mua một món đồ giá trị tại cửa hàng; tại những doanh nghiệp niêm yết Nhà nước nắm quyền chi phối, nói hơi quá thì cho cảm giác như lúc người viết đi làm giấy tờ gì đó tại một cơ quan Nhà nước vậy.

Nhưng nói là thế, thủ tục “check-in” tại không ít các doanh nghiệp tư nhân niêm yết lớn vẫn cực kỳ “khó chịu”. Liên quan đến việc ủy quyền tham dự Đại hội, tại một doanh nghiệp bất động sản, những cổ đông có giấy ủy quyền với chữ ký, đóng mộc đầy đủ vẫn không được phép tham dự cuộc họp. Lý do được đưa ra đó là cổ đông không cung cấp được thư mời gốc từ phía doanh nghiệp này (bắt chuyện với nhóm cổ đông, người viết được biết các cổ đông không hề nhận được thư mời chứ không phải là quên mang theo), còn nếu không nhận được thư mời thì phải gọi trực tiếp đến công ty để thưa. “Ơ sao lại đẩy cái khó về chúng tôi, trong khi tại sao công ty đã gửi và không thấy chúng tôi hồi đáp mà lại không thắc mắc liên lạc?” – Một cổ đông cảm thán.

“Chúng tôi không có nghĩa vụ gọi đến từng cổ đông để xác nhận.” – là lời hồi đáp tức thì và súc tích từ phía nhân viên công ty. Giờ mới thấy, người chủ của doanh nghiệp niêm yết đúng là “khổ chủ”.

Phần 2: Chuyện mỗi mùa đại hội cổ đông: Những đại hội hiu hắt

Nguồn: FILI

Có thể bạn quan tâm: Bộ sách Đầu tư giá trị từ A đến Z

bo-sach-dau-tu-gia-tri-tu-den-z

ĐẶT SÁCH NGAY

Các viết cùng chủ đề