fbpx

Bạn có khả năng chịu được bao nhiêu rủi ro?

Mức độ chấp nhận rủi ro là một chủ đề thường xuyên được bàn luận, song hiếm khi được định rõ. Việc đọc được một lời giới thiệu đầu tư đưa ra những phương án thay thế hay lựa chọn dựa trên các mức độ chấp nhận rủi ro khác nhau không phải là chuyện hiếm, nhưng làm cách nào để một nhà đầu tư cá nhân xác định được mức độ chấp nhận rủi ro của mình? Việc hiểu khái niệm này sẽ giúp các nhà đầu tư như thế nào trong việc đa dạng hóa danh mục đầu tư của họ?

Bạn có khả năng chịu được bao nhiêu rủi ro

Một suy nghĩ rập khuôn mà chúng ta thường thấy là mức độ chấp nhận rủi ro dựa trên độ tuổi. Người ta thường nghĩ rằng một nhà đầu tư trẻ sẽ có thời gian đầu tư dài khi xét đến nhu cầu đầu tư, và do vậy có thể chấp nhận nhiều rủi ro hơn. Theo cách nghĩ này, một nhà đầu tư có tuổi sẽ có thời gian đầu tư ngắn, đặc biệt là khi người đó đã nghỉ hưu, và do đó họ sẽ có mức độ chấp nhận rủi ro thấp. Mặc dù điều này nhìn chung là đúng, chúng ta vẫn phải xét đến một số yếu tố khác không kém phần quan trọng.

Trước hết, cần xem xét các khoản đầu tư. Khi nào chúng ta cần các khoản vốn? Nếu thời gian đầu tư là tương đối ngắn, thì chấp nhận rủi ro nên ở mức thấp. Ngược lại, với các khoản đầu tư dài hạn, chúng ta có cơ hội đầu tư mạnh mẽ hơn.

Tuy nhiên, bạn cũng cần cẩn thận và không nên tuân theo suy nghĩ trên một cách mù quáng. Ví dụ như, đừng nghĩ rằng chỉ vì bạn đã 65 tuổi mà bạn phải chuyển mọi khoản đầu tư thành đầu tư thận trọng như đầu tư vào chứng chỉ tiền gửi hay trái phiếu kho bạc. Mặc dù cách này phù hợp với một vài người, một số khác lại không- như đối với một người đã có đủ tiền để nghỉ hưu và sống bằng lãi suất từ các khoản đầu tư của mình mà không cần dùng đến tiền vốn gốc. Ngày nay, với sự gia tăng tuổi thọ và các tiến bộ khoa học y khoa, một nhà đầu tư 65 tuối vẫn có thể có thêm 20 (hoặc hơn) năm đầu tư nữa.

Vốn rủi ro

Giá trị tài sản ròng và vốn rủi ro hiện có nên là những yếu tố quan trọng cần được cân nhắc khi xác định mức độ chấp nhận rủi ro. Giá trị tài sản ròng đơn giản là tổng tài sản của bạn trừ đi nợ bạn có. Vốn rủi ro là số tiền bạn có để đầu tư hay giao dịch mà sẽ không ảnh hưởng đến đời sống của bạn ngay cả khi khoản đó bị mất đi. Đây nên được định nghĩa là vốn lưu động, hay nguồn vốn có thể dễ dàng chuyển đổi thành tiền mặt.

Vậy nên, một nhà đầu tư hay nhà giao dịch với giá trị tài sản ròng cao có thể tiếp nhận nhiều rủi ro hơn. Tỉ lệ phần trăm đầu tư hay giao dịch trong tổng giá trị tài sản ròng của bạn càng nhỏ, thì mức độ chấp nhận rủi ro bạn có thể tiếp nhận sẽ càng lớn.

Tuy nhiên, thật không may, với những ai không có hay có giá trị tài sản ròng nhỏ, hoặc có số vốn rủi ro hạn chế, họ thường bị hấp dẫn bởi những khoản đầu tư rủi ro cao hơn như futures (hợp đồng tương lai) và options (hợp đồng quyền chọn), vì chúng cho lợi nhuận lớn, nhanh và dễ dàng. Vấn đề với kiểu đẩu tư này là bạn đang “giao dịch với tiền đi vay” và rất khó để nắm bắt thị trường. Ngoài ra, khi rủi ro được đẩy lên cao với nguồn vốn quá ít, một nhà giao dịch có thể bị buộc phải thoát khỏi vị thế của họ.

Mặt khác, nếu một nhà giao dịch thiếu vốn và sử dụng những công cụ rủi ro xác định hay hữu hạn (như mua quyền chọn) và thất bại, nhà giao dịch đó có thể không mất một thời gian quá dài để thu lại những gì đã mất. Trái lại, một nhà giao dịch với giá trị tài sản ròng cao và đầu tư tất cả tiền vào một thương vụ mạo hiểm rồi mất tất cả, người đó sẽ cần một thời gian dài hơn để lấy lại những gì đã mất.

Hiểu mục tiêu đầu tư của bạn

Bạn có khả năng chịu được bao nhiêu rủi ro

Bạn cũng cần xem xét mục tiêu đầu tư khi tính toán mức độ rủi ro mình có thể chịu được. Nếu bạn đang tiết kiệm tiền cho con mình học đại học hay tiết kiệm cho lúc nghỉ hưu, đâu là mức rủi ro bạn thực sự có thể chấp nhận được với các khoản đầu tư này? Ngược lại, bạn có thể chấp nhận nhiều rủi ro hơn nếu đang sử dụng vốn rủi ro hay thu nhập sau thuế để có thêm nguồn thu nhập.

Đáng ngạc nhiên là một vài người sẵn sàng sử dụng quỹ hưu trí để giao dịch các công cụ có mức rủi ro cao hơn. Nếu bạn chỉ làm việc này để bảo vệ các giao dịch của mình khỏi bị tổn thất thuế, như giao dịch futures (Hợp đồng tương lai) trong một tài khoản hưu trí cá nhân, bạn nên hiểu rõ mình đang làm gì. Chiến lược này sẽ không có vấn đề gì nếu bạn có kinh nghiệm trong giao dịch futures, chỉ dùng một phần nhỏ quỹ hưu trí của mình cho việc này và không mạo hiểm quỹ hưu trí của mình vào duy nhất một giao dịch.

Kinh nghiệm đầu tư

Khi xác định mức độ chấp nhận rủi ro của mình, bạn cũng cần nghĩ tới kinh nghiệm đầu tư của bản thân. Bạn mới biết tới đầu tư và giao dịch? Hay bạn đã có một chút kinh nghiệm nhưng đang nhắm tới một lĩnh vực mới, như bán quyền chọn? Thận trọng khi bắt đầu những hoạt động kinh doanh mới là một việc khôn ngoan, và điều này cũng áp dụng với giao dịch và đầu tư. Hãy tích lũy một chút kinh nghiệm trước khi sử dụng nguồn vốn lớn đồng thời luôn nhớ và cố gắng thực hiện việc “bảo toàn vốn”. Chấp nhận rủi ro phù hợp với hoàn cảnh của bạn chỉ hợp lí khi nó giúp bạn có thể sống sót và tiếp tục chiến đấu trong viễn cảnh tồi tệ nhất.

Cân nhắc kỹ lưỡng về mức độ chấp nhận rủi ro

Có rất nhiều điều bạn cần xem xét khi xác định câu trả lời cho câu hỏi tưởng chừng đơn giản, “Đâu là mức độ chấp nhận rủi ro của tôi?”. Câu trả lời sẽ khác nhau dựa trên độ tuổi, kinh nghiệm, giá trị tài sản ròng, vốn rủi ro và khoản đầu tư hay giao dịch bạn đang cân nhắc. Một khi đã suy nghĩ kĩ về điều này, bạn có thể áp dụng kiến thức này vào một chương trình đầu tư và giao dịch cân bằng, đa dạng.

Bạn nên phân tán rủi ro của mình, kể cả khi đó đều là rủi ro cao, và giảm rủi ro tổng thể của bạn ở bất kì khoản đầu tư hay giao dịch đơn lẻ nào. Với sự đa dạng hoá hợp lí, khả năng của việc mất trắng sẽ được giảm đáng kể, và điều này lại một lần nữa nhắc nhở chúng ta về việc bảo toàn vốn.

Hiểu rõ mức độ chấp nhận rủi ro của bạn không chỉ đơn thuần là một việc khiến bạn yên tâm hay lo lắng về những giao dịch của mình. Đó là một quy trình phức tạp bao gồm phân tích tình hình tài chính cá nhân và cân bằng nó với mục tiêu và mục đích đầu tư của bạn. Tóm lại, biết được mức độ chấp nhận rủi ro của mình và duy trì các khoản đầu tư trong mức đó sẽ giúp bạn tránh khỏi những thất bại tài chính nặng nề.

Nguồn: Saga.vn

Có thể bạn quan tâm

Người Đàn Ông Đánh Bại Mọi Thị Trường – Edward Thorp

Từ sòng bạc Las Vegas tới phố Wall

Edward Thorp, Người Đàn Ông Đánh Bại Mọi Thị Trường: từ sòng bạc Las Vegas tới phố Wall, a man for all markets: from las vegas to wall street

ĐỌC THỬ

ĐẶT SÁCH

Các viết cùng chủ đề