fbpx

Hiệu ứng bầy đàn Henri Fabre và bài học để đời trong đầu tư chứng khoán

Con người thường lý trí khi ở riêng lẽ, và trở nên ít lý trí hơn khi trong đám đông. Những người đi theo đám đông thường lạc lối trong chính đám đông đó… 

Nhà sinh vật học người Pháp Henri Fabre đã từng làm một thí nghiệm với sâu róm, ông đặt một đàn sâu róm lên rìa của một bồn hoa, con nọ nối đuôi con kia thành vòng tròn, cạnh rìa bồn hoa. Sau đó Henri Fabre rải một ít lá thông mà sâu róm rất thích ăn vào trong bồn hoa. Đàn sâu róm bắt đầu nối đuôi nhau bò vòng quanh bồn hoa hết vòng nọ đến vòng kia. Chúng đi liền 7 ngày 7 đêm, và rồi đàn sâu róm đã chết dần do mệt và đói. Một điều đáng thương là, chỉ cần một con sâu róm trong đàn thay đổi một chút lộ trình là có thể ăn được lá thông ở ngay bên cạnh.

Người nông dân cũng đã từng làm một thí nghiệm như sau: Đặt một cây gậy nằm ngang trước một đàn dê, con dê đầu đàn nhảy qua, con dê thứ 2, thứ 3 cũng bắt chước nhảy qua. Sau đó người ta liền bỏ cây gậy đi, khi qua đây những con dê phía sau vẫn có động tác nhảy lên giống như những con dê đi trước, mặc dù cây gậy chặn đường không còn nằm ở đó. Đây chính là “hiệu ứng bầy đàn” hay “tâm lý đám đông”.

“Hiệu ứng bầy đàn” là gì?

Bầy đàn có tính rất tản mạn, bình thường khi ở bên nhau, động vật  thường xuyên chen lấn, xô đẩy, nhưng khi “con đầu đàn” hành động, các “con khác” cũng không suy nghĩ mà hùa theo ngay, bất chấp phía trước có thể có “sói” hay “cá mập” đang rình rập.

Chính vì vậy, “Hiệu ứng bầy đàn” chỉ những suy nghĩ hoặc hành vi của con người thường xuyên chịu ảnh hưởng của những người khác. Người ta thường chạy theo những cái mà số đông cho là hay, đúng và sáng suốt, nhưng bản thân lại không suy nghĩ về ý nghĩa của sự việc.

“Hiệu ứng bầy đàn” trên thị trường chứng khoán

Đặc thù của TTCK là thị trường của đám đông, nhưng có một nghịch lý trên thị trường là đám đông thường không bao giờ chiến thắng. Theo thống kê không chính thức, thì 95% nhà đầu tư tham gia thị trường đều thua lỗ, và chỉ có khoảng 5% thành công.

Có thể trong 1 giai đoạn thị trường tăng, chúng ta đang nắm giữ một số mã cổ phiếu mang lại lợi nhuận nên sẽ rất khó cảm nhận được điều đó, nhưng về dài hạn với những nhà đầu tư từng lăn lộn trên thị trường chứng khoán nhiều năm, họ lại rất hiểu về quy luật “tàn khốc” và “khắc nghiệt” này.

“Hiệu ứng bầy đàn” vốn dĩ luôn xuất hiện trong tất cả thị trường chứng khoán thế giới, chứ không riêng gì ở quốc gia nào. Trong thị trường tư bản, “hiệu ứng bầy đàn” dùng để chỉ trong một nhóm các nhà đầu tư, nhà đầu tư riêng lẻ thường dựa vào hành động của các nhà đầu tư khác để hành động.

Hiệu ứng bầy đàn Henri Fabre và bài học để đời trong đầu tư chứng khoán

Khi người ta mua vào, mình cũng mua vào, khi người ta bán ra mình cũng bán ra. Tâm lý đám đông cũng ồ ạt chạy theo một hướng và xuất hiện trong hai trường hợp: Một là, các nhà đầu tư quá hưng phấn; hai là các nhà đầu tư quá sợ hãi.

Cả hai trường hợp trên đều nguy hiểm như nhau. Quá hưng phấn sẽ dễ tạo ra giá ảo, không thực chất, còn quá sợ hãi thì bán tháo tất cả để “cắt lỗ”. Thậm chí nhiều khi “cắt lỗ” cả nhưng mã cổ phiếu tốt, có cơ hội hồi phục trong tương lai.

Trên thị trường, người ta cứ mải mê đi tìm kiếm cơ hội đầu tư, nhưng lại ít khi tìm kiếm các cơ hội để học tập và nâng cao kiến thức.

Chứng khoán là một thị trường “mua bán rủi ro”, nên rủi ro trên thị trường chứng khoán là điều không bao giờ tránh được, và chúng ta chỉ có thể hạn chế bớt rủi ro cho mỗi quyết định đầu tư của mình bằng cách nâng cao năng lực của bản thân.

Nếu vì lý do gì mà NAV của bạn lớn hơn kiến thức của bạn thì sớm hay muộn nó cũng sẽ trở lại vị trí ban đầu vốn có của nó.

Mỗi quyết định mua bán trên thị trường đều chỉ tốn có chưa đầy 1 phút, nhập lệnh và enter, tuy nhiên đằng sau 1 phút đặt lệnh đó nó là cả một khối lượng công việc nghiên cứu khổng lồ.

Trong cuộc sống đời thường, nhiều khi người ta có thể cò kè, mặc cả từng đồng từng hào, nhưng lên thị trường hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng được ra quyết định một cách vội vàng.

80% thời gian của những nhà đầu tư cá nhân, những người lướt sóng và trading là theo dõi bảng điện, đọc tin và hóng hớt các diễn đàn, group… trong khi đó có khi chưa đến 20% thời gian là nghiên cứu về doanh nghiệp và hoạt động sản xuất kinh doanh của họ hoặc thậm chí nghiên cứu thật kĩ và chuyên sâu về phân tích kĩ thuật.

Nhiều người sợ mất cơ hội lao vào mua cổ phiếu, đến khi cổ phiếu bắt đầu giảm mới bắt đầu quay sang đọc báo cáo tài chính, và lục lại lịch sử doanh nghiệp. Và với nhiều người, họ chỉ thực sự nghiên cứu khi cổ phiếu giảm và lỗ.

Những nhà đầu tư chuyên nghiệp họ dành phần lớn thời gian vào nghiên cứu doanh nghiệp, khảo sát và thực tế doanh nghiệp, sản phẩm, đối thủ, thị trường, phân tích kĩ thuật một cách nghiêm túc, không hời hợt…của công ty mà họ đầu tư, chứ không phải là ngồi hàng giờ trước bảng điện tử và “hy vọng” cổ phiếu tăng giá.

Bài học kinh nghiệm

Sự kỳ vọng cao vào việc hồi phục tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất khiến thị trường chứng khoán bùng nổ. Ngoài ra, hiệu ứng đám đông vì cơn say tăng trưởng và lợi nhuận đã cuốn hút một lượng rất lớn nhà đầu tư mới tham gia thị trường. Tại thời điểm này, người người, nhà nhà đều biết đến chứng khoán.

Câu chuyện về kiếm lời từ chứng khoán len lỏi từ quán trà đá đến văn phòng công sở. Chứng khoán bỗng dưng trở thành đề tài “nóng hổi” và hấp dẫn nhất trong cuộc sống thường nhật, người ta gọi thị trường chứng khoán là “cơn sóng thần” và tình trạng bỏ công việc chính để tập trung đầu tư không quá xa lạ.

Khi được hỏi về nên đầu tư cái gì và như thế nào. Nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffet từng nói: Hãy đầu tư vào bản thân và đầu tư vào bản thân là sự đầu tư tốt nhất. Vì suy cho cùng, con người làm ra tiền bạc, chứ tiền bạc không làm ra con người.

Khi thị trường có những biến động mạnh, để không bị cuốn vào cơn hoảng loạn, nhà đầu tư phải liên tục trau dồi, tự tìm cho mình lối đi riêng, tránh phụ thuộc vào tâm lý đám đông.

Học tập từ chính những lần khớp lệnh, chốt lời, cắt lỗ… của mình là cách học tập hiệu quả nhất, nhà đầu tư nên có cuốn sổ tay giao dịch để ghi lại những sai lầm của chính mình để tránh trong những lần giao dịch tiếp theo.

Bên cạnh đó, cần cập nhật thông tin về những quy định, văn bản, chính sách mới được ban hành và các yếu tố vi mô, vĩ mô và mọi thứ có ảnh hưởng để hiểu được cách cổ phiếu nói riêng và thị trường chứng khoán nói chung vận động.

95% nhà đầu tư đều bị bào mòn tài khoản và vướng phải những khoản thua lỗ. Chúng ta muốn bản thân nằm trong 5% ít ỏi kia hay vẫn tiếp tục chạy theo số đông để kỳ vọng vào những cơ hội dễ dàng, chớp nhoáng? Hy vọng rằng câu chuyện phía trên sẽ cho mỗi nhà đầu tư cái nhìn mới để thay đổi và cải thiện phương pháp đầu tư thật sự của mình.

Tiến Phát

Cafef

Có thể bạn quan tâm: Lạc Quan Tếu – Irrational Exuberance

Nhận diện SIÊU BONG BÓNG

Cơ hội làm giàu từ sự phi lý trí của thị trường chứng khoán

Giải mã từ khóa “lạc quan tếu” trong tâm lý đầu tư

ĐỌC THỬ

ĐẶT SÁCH

Các viết cùng chủ đề