fbpx

Bài học đắt giá, một triệu đô la sai lầm, Jesse Livermore nhận trái đắng vì tự tin quá mức

Mục tiêu của Jesse Livermore trong bài viết này là đưa ra một số nguyên tắc chung áp dụng trong giao dịch. Sau đó sẽ là phần giải thích cụ thể về công thức kết hợp các yếu tố : Thời gian, Quản lý tiền bạc và Kiểm soát cảm xúc. Khi xem xét các nguyên tắc giao dịch chung này, cần phải nói rằng có quá nhiều nhà đầu cơ đang mua bán một cách bốc đồng, mua toàn bộ cổ phiếu với gần như một mức giá. Điều đó thật sai lầm và nguy hiểm.

bai-hoc-dat-gia-mot-trieu-do-la-sai-lam-jesse-livermore-nhan-trai-dang-vi-tu-tin-qua-muc-happy-live-1

Kỹ thuật mua khi thấy lợi nhuận trước mắt

Giả sử bạn muốn mua 500 cổ phiếu của một công ty.

Hãy bắt đầu bằng cách mua 100 cổ phiếu. Sau đó, nếu thị trường tăng trưởng, hãy mua thêm 100 cổ phiếu khác như một “cuộc thăm dò” để xem liệu phán đoán của bạn có
đúng hay không. Cứ như vậy, mỗi lần mua phải ở mức giá “cao hơn” so với lần trước đó.

Quy tắc tương tự cũng nên được áp dụng trong việc bán ra. Không bao giờ bán thêm trừ khi mức giá ở lần sau thấp hơn mức giá ở lần bán trước đó. Bằng cách tuân theo quy tắc này, bạn sẽ tiến gần về phía của những nhà đầu cơ thành công hơn bất kỳ phương pháp nào khác mà tôi từng biết. Lý do cho quy tắc này là bạn chỉ giao dịch khi bạn thấy trước lợi nhuận. Thực tế là khi giá lên bạn có lợi nhuận, và lợi nhuận là bằng chứng chứng minh rằng bạn đã đúng .

Thực tế các giao dịch của Jesse Livermore sẽ diễn ra như sau: Thị trường tăng trưởng về khối lượng giao dịch của một loại cổ phiếu mà tôi quan tâm. 

Tiếp theo, điều quan trọng là tôi phải xác định mức giá mà tôi nên cho phép mình tham gia hoặc rút khỏi thị trường – điểm “MUA” ban đầu hoặc điểm “BÁN” nếu tôi muốn bán.

Luôn luôn ghi lại những nghiên cứu vào sổ ghi chép của bạn và thường xuyên xem lại, nghiên cứu cẩn thận các chuyển động trong vài tuần qua, tìm kiếm điểm Pivotal. Khi
cổ phiếu bạn chọn đạt đến điểm Pivotal mà bạn đã quyết định trước đó, đây chính là lúc bạn để thực hiện quyết định của mình.

Sau khi quyết định sẽ mua vào, hãy quyết định chắc chắn số tiền bạn sẵn sàng mạo hiểm nếu tính toán của bạn sai. Bạn có thể thực hiện một hoặc hai quyết định sai. Nhưng
bằng cách nhất quán và không bao giờ tham gia khi chưa đến điểm Pivotal, bạn sẽ lấy lại những gì đã mất và hơn thế nữa. Bạn không thể làm gì sau khi đã đưa ra quyết định vì vậy hãy thận trọng với tiền của mình.

Cẩn trọng về thời điểm là điều cần thiết. Thiếu kiên nhẫn sẽ đem đến tốn kém. Hãy để tôi kể cho bạn nghe làm thế nào mà tôi từng bỏ lỡ khoản lợi nhuận hàng triệu đô la
do sự thiếu kiên nhẫn và bất cẩn trong việc quyết định thời điểm nào sẽ thực hiện giao dịch. Khi kể lại câu chuyện này, tôi gần như muốn kiếm một cái lỗ để chui xuống vì xấu hổ.

Nhiều năm trước, tôi đã rất lạc quan về Cotton. Tôi đã hình thành một quan điểm chắc chắn rằng Cotton sẽ có một sự trỗi dậy mạnh mẽ. Nhưng thị trường thường xuyên bất lợi và không sẵn sàng để tôi có thể tham gia. Nhưng tôi đã quá tự tin, tôi đã đưa ra kết luận rằng mình chắc chắn đúng và mình phải tham gia thị trường bằng mọi giá.

Lệnh mua đầu tiên của tôi là 20.000 cổ phiếu. Lệnh này khiến thị trường buồn tẻ đột ngột tăng 15 điểm. Sau đó, sau khi mua 100 cổ phiếu cuối cùng, thị trường giảm trở lại về mức giá ban đầu chỉ sau 20 tiếng đồng hồ. Mức giá này duy trì một thời gian. Cuối cùng, trong sự chán nản, tôi đã bán hết, lỗ 30.000 đô la, bao gồm cả tiền phí. Đương nhiên 100 cổ phiếu cuối cùng tôi đã phải bán với giá thấp chưa từng có. 

Vài ngày sau, thị trường lại hấp dẫn tôi. Tôi không thể gạt bỏ nó khỏi tâm trí của mình, và tôi cũng không thể gạt bỏ niềm tin ban đầu rằng đây là một món hời. Vì vậy, tôi đã mua lại 20.000 cổ phiếu. Điều tương tự lại xảy ra: Thị trường tăng vọt theo lệnh mua của tôi và sau đó, ngay sau
đó, thị trường giảm xuống và chạm đáy thấp nhất. Việc chờ đợi khiến tôi khó chịu, vì vậy một lần nữa tôi lại bán số cổ phiếu đang nắm giữ, và đương nhiên lô cuối cùng với giá thấp chưa từng có.

Tôi đã lặp lại hành động ngu ngốc và tốn kém này năm lần trong sáu tuần, mỗi lần tôi mất từ 25.000 đến 30.000 đô la. Tôi trở nên chán ghét chính mình. Tổng cộng, tôi đã mất
gần 200.000 đô la cùng một tâm trạng tồi tệ.

Vì vậy, tôi đã ra lệnh cho Harry Dache – Trợ lý văn phòng của tôi – gỡ bỏ biểu tượng Cotton trước khi tôi đến văn phòng vào sáng hôm sau. Tôi không muốn bị cám dỗ khi nhìn vào thị trường Cotton nữa. Đó là tâm trạng chán nản, một tâm trạng không có lợi cho việc suy nghĩ kỹ càng – điều luôn rất cần thiết trong đầu cơ.

Và chuyện gì xảy ra tiếp theo? 

Hai ngày sau khi tôi cố gắng xóa mã cổ phiếu Cotton – thứ mà tôi không còn hứng thú – thị trường bắt đầu nóng dần lên, và nó không dừng lại cho đến khi tăng 500 điểm.
Trong quá trình tăng điểm, đã có lúc giá tăng một khoảng tuyệt vời, 40 điểm một lúc. Đó là cách tôi đã đánh mất một trong những thương vụ hấp dẫn nhất và hay nhất mà tôi từng hình dung. Có hai lý do cơ bản dẫn đến sai lầm của tôi.

THỨ NHẤT: Tôi thiếu kiên nhẫn để đợi cho đến thời điểm tâm lý thị trường xuất hiện và hỗ trợ cho việc đẩy giá xuống mức phải chăng, để bắt đầu mua vào. Tôi đã biết rằng nếu Cotton được bán với giá 12 xu/pound (1 pound khoảng 0,45 ki-lô-gam) thì nó sẽ còn tăng giá rất nhiều. Nhưng không, tôi đã không kỷ luật và kiên nhẫn để chờ đợi. Tôi nghĩ mình phải nhanh chóng kiếm thêm vài đô la, trước khi Cotton đến điểm mua, và tôi đã hành động trước khi thị trường đạt độ chín.

Tôi không chỉ mất 200.000 đô la tiền vốn, mà còn mất khoản lãi 1.000.000 đô la đáng lẽ tôi đã có thể kiếm được. Đáng lẽ tôi nên theo kế hoạch ban đầu của tôi – thứ nên được cố định trong tâm trí – tích lũy 100.000 cổ phiếu sau khi điểm Pivotal bị vượt qua. Nếu làm vậy tôi đã không bỏ lỡ việc đạt được ít nhất 200 điểm lợi nhuận trở lên.

THỨ HAI: Tôi đã cho phép mình trở nên tức giận và chán ghét thị trường chỉ vì tôi đã ra một quyết định tồi trong một khoảnh khắc, dù cho thương vụ này vô cùng tiềm năng. Sự mất mát của tôi hoàn toàn là do thiếu kiên nhẫn trong việc chờ đợi thời điểm thích hợp để bảo toàn nhận định ban đầu và tuân thủ kế hoạch đã định trước.

Tôi đã học được điều này – điều mà tất cả mọi người nên học – đó là không bao biện khi sai. Chỉ cần thừa nhận nó và cố gắng thu lợi nhuận bằng việc rút kinh nghiệm từ những sai lầm vào lần sau. Tất cả chúng ta đều biết khi nào chúng ta sai. Thị trường sẽ nói với nhà đầu cơ khi anh ta sai, vì khi đó anh ta đang thua lỗ. Khi anh ấy nhận ra mình sai tức là anh ta đã được giải tỏa, chấp nhận những mất mát của mình, cố gắng tiếp tục mỉm cười, nghiên cứu dữ liệu để xác định nguyên nhân của sai lầm trong thương vụ này và chờ đợi cơ hội lớn tiếp theo. Kết quả sẽ xứng đáng với thời gian và sự kiên nhẫn mà anh ta đã bỏ ra.


Cảm nhận mình đã sai trước cả khi thị trường cho bạn biết sẽ càng giúp bạn phát triển. Đó là cảm giác của tiềm thức. Đó là một tín hiệu từ bên trong dựa trên kiến thức về
thị trường trong quá khứ. Đôi khi nó mang tới sự chủ động tích cực giúp bạn tránh được các khoản thua lỗ nặng nề.

Hãy để tôi giải thích bằng một thương vụ có thật.

Trong suốt quá trình Thị trường Bò tót diễn ra vào cuối những năm 1920, có những lúc tôi sở hữu một lượng lớn các cổ phiếu khác nhau, mà tôi đã nắm giữ trong một khoảng
thời gian khá dài. Trong khoảng thời gian này, tôi chưa bao giờ cảm thấy bất an về vị thế và triển vọng của các cổ phiếu mà tôi đang nắm giữ.

Nhưng sớm muộn gì cũng có lúc, sau khi thị trường đóng cửa, tôi sẽ trở nên bất an. Đêm đó tôi sẽ cảm thấy khó ngủ. Một cái gì đó sẽ khiến tôi tỉnh táo và tôi sẽ suy nghĩ vềthị trường. Sáng hôm sau tôi gần như sốc khi nhìn vào các tờ báo. Một tình huống bất lợi ngẫu nhiên đã xảy ra. Nhưng cũng có khi mọi thứ vẫn tốt đẹp và cảm giác kỳ lạ của tôi dường như không thể giải thích được. Thị trường có thể mở cửa ở một mức giá cao hơn mức đóng cửa. Biến động giá đều thuận lợi. Giá đang hướng đến mức đỉnh mới. Người khác sẽ có thể cảm thấy buồn cười về cảm giác trằn trọc giữa đêm của mình. Nhưng tôi đã học cách kìm nén những tiếng cười như vậy và lắng nghe bản năng.

Ngày hôm sau, câu chuyện sẽ khác hẳn. Không có tin tức tai hại nào, mà chỉ đơn giản là một trong những bước ngoặt đột ngột của thị trường sau một đợt tăng giá kéo dài. Vào những ngày như vậy, mọi thứ đều bị xáo trộn. Tôi sẽ phải đối mặt với việc kiểm tra và thanh lý nhanh chóng nhiều cổ phiếu cùng một lúc. Ngày hôm trước, tôi đã có thể
dễ dàng thanh lý cổ phiếu của mình trong mức giảm chỉ 2 điểm tính từ đỉnh. Nhưng hôm nay, đó là một câu chuyện hoàn toàn khác.

Tôi tin rằng nhiều nhà đầu cơ đã có những trải nghiệm tương tự, nội tâm liên tục phát ra các tín hiệu nguy hiểm trong khi mọi thứ đều đang đi theo chiều hướng có lợi và đầy hứa hẹn. Tôi tin đó là một trong những sự tiến hóa kỳ quặc, xảy ra trong quá trình chúng ta nghiên cứu thị trường trong một thời gian dài.

Thành thật mà nói, tôi luôn nghi ngờ sự mách bảo của nội tâm và thường thích áp dụng công thức khoa học hơn. Nhưng thực tế trong nhiều trường hợp, tôi đã hưởng lợi lớn từ việc chú ý đến những cảm giác khó chịu kỳ lạ này. Điều này rất thú vị khi một người lại có cảm giác nguy hiểm đang rình rập phía trước, và dường như chúng chỉ xuất hiện ở những người nhạy cảm với thị trường, những người có suy nghĩ logic và tuân theo một mô hình khoa học trong việc xác định thời điểm có thể xảy ra các biến động
giá. Những phán đoán này có thể chỉ đơn giản là dựa trên những thông tin thoáng qua hoặc một nhận xét thị trường bâng quơ từ một người nào đó.

Hãy nhớ rằng trong số hàng triệu nhà đầu cơ trên thị trường, chỉ một số ít dành toàn bộ thời gian cho việc đầu cơ. Với đại đa số, đây chỉ là một trò may rủi, cờ bạc. Ngay cả đối với những người kinh doanh thông minh, những chuyên gia trong một vài lĩnh vực hoặc những người đã nghỉ hưu,
việc đầu cơ vẫn chỉ là một nghề phụ mà họ dành ít sự quan tâm và thời gian tìm hiểu. Hầu hết họ sẽ không giao dịch cổ phiếu trừ phi nhận được một lời gợi ý hay mách nước từ người môi giới hoặc từ một người quen nào đó.

Bất kể thời kỳ nào cũng sẽ có những người bắt đầu bước vào thị trường, chỉ bởi vì anh ta có tin nội bộ hấp dẫn từ một người bạn trong ban lãnh đạo một tập đoàn lớn nào đó.

Hãy để tôi lấy một ví dụ: Bạn gặp một đồng nghiệp của mình tại một bữa tiệc trưa hoặc tiệc tối. Hai người trò chuyện về thị trường chung trong một lúc. Sau đó, bạn hỏi anh ta về Tập đoàn Great Shakes. Chà, việc kinh doanh vẫn ổn. Sắp tới sẽ là bước ngoặt lớn với triển vọng tương lai rực rỡ. Vâng, cổ phiếu đang rất nóng trên thị trường. “Quả thật là một món hời,” anh ấy nói với tất cả sự chân thành và tự tin, “khoản lời sẽ rất tuyệt vời, tình hình kinh doanh đã tốt hơn rất nhiều so với năm ngoái. Bạn còn nhớ chứ? Jim, cổ phiếu đã rất bùng nổ trong lần trước chúng ra đầu tư vào nó”.

Bạn say mê và ngay lập tức mua lại cổ phiếu. 

Bạn lướt qua các báo cáo và mỗi báo cáo đều cho thấy hoạt động kinh doanh của quý này đang tốt hơn quý trước. Thông tin về cổ tức được công bố. Giá cổ phiếu cứ tăng và tăng. Và bạn chìm đắm trong giấc mơ về một viễn cảnh thu lợi dễ dàng. Nhưng theo thời gian, công việc kinh doanh của công ty bắt đầu tuột dốc một cách đáng sợ. Bạn không biết lý do đằng sau là gì. Bạn chỉ thấy giá cổ phiếu cứ giảm và giảm. Bạn vội gọi cho người bạn của mình.

“À phải,” anh ta nói, “giá cổ phiếu giảm khá mạnh. Nhưng chỉ là tạm thời thôi. Khối lượng giao dịch đang giảm chẳng vì một lý do nào cả. Đó có thể chỉ là những kẻ bán khống đang cố điều khiển thị trường thôi”.

Anh ta có thể nói theo rất nhiều kịch bản khác nhau và đưa ra một vài lý do nghe rất thuyết phục, nhưng mục đích chỉ để che giấu lý do thực sự. Anh ta và các cộng sự của mình đang sở hữu rất nhiều cổ phiếu và đang cố bán ra càng nhanh, càng nhiều càng tốt trước khi thị trường nhận ra những dấu hiệu rõ ràng về sự sụt giảm trong hoạt động kinh doanh của công ty. Khi tôi nói thế với bạn, phản ứng đầu tiên của bạn sẽ là phản bác lại và tìm đủ lý lo để biện minh cho hành động của mình là đúng. Đó chỉ là bản năng tự vệ tự nhiên của con người.

Rõ ràng anh bạn của bạn, một tay trong, có thể dễ dàng cho bạn biết khi nào nên mua. Nhưng anh ta không thể và sẽ không cho bạn biết khi nào nên bán. Vì điều đó đồng
nghĩa với việc phản bội lại các cộng sự cùng chung lợi ích và phản bội lại chính lợi ích của anh ta.

Tôi mong các bạn luôn giữ một cuốn sổ nhỏ bên mình. Dùng để ghi lại những suy nghĩ của bạn trước những thông tin thú vị trên thị trường: những ghi chép này có thể hữu ích trong tương lai; mục đích để bạn có thể đọc lại trong tương lai; hãy nhớ ghi lại cả những ý kiến cá nhân mà bạn có khi quan sát biến động giá hoặc khi đọc được một tin
tức nào đó và quan sát được phản ứng của thị trường với tin tức đó. Trên trang đầu tiên của cuốn sổ nhỏ này, tôi khuyên bạn nên viết – không, tôi nghĩ tốt hơn hết là hãy in nó bằng mực – “HÃY CẨN THẬN VỚI THÔNG TIN NỘI BỘ… BẤT KỲ THÔNG TIN NÀO CŨNG VẬY, KHÔNG CÓ NGOẠI LỆ!”.

Trong đầu cơ và đầu tư, thành công chỉ đến với những người chăm chỉ làm việc vì nó. Sẽ không ai cho không bạn những món hời dễ dàng. Nó giống như chuyện kể về kẻ lang thang không một xu dính túi. Cơn đói đã khiến anh ta can đảm để bước vào một nhà hàng và gọi “một miếng bít-tết to, ngon, dày, ngọt”, và anh ta nói thêm với người
phục vụ, “hãy nói với ông chủ làm nó thật nhanh”. Trong giây lát, người phục vụ quay lại và nói: “Ông chủ chuyển lời rằng nếu anh có miếng bít-tết của mình thì người khác sẽ không có”. Và nếu có bất kỳ khoản tiền dễ dàng nào tồn tại, sẽ không có ai cầm nó và nhét vào túi của bạn. 

Trích sách: Cách thức kinh doanh và đầu cơ cổ phiếu

Cách thức kinh doanh và đầu cơ cổ phiếu! – How to Trade in Stocks

Nghệ thuật định thời điểm thị trường, quản lý tiền và kiểm soát cảm xúc

của bậc thầy đầu đầu cơ Jesse Livermore

ĐỌC THỬ

ĐẶT SÁCH

Các viết cùng chủ đề