Basic Economics: Kinh tế học và những nhu cầu không thể đáp ứng trong nền kinh tế
Một trong những quan niệm sai lầm phổ biến và sâu sắc nhất về kinh tế học là quan niệm liên quan đến “những nhu cầu không được đáp ứng”. Các chính trị gia, nhà báo và các học giả liên tục chỉ ra những nhu cầu chưa được đáp ứng trong xã hội của chúng ta. Đa phần những thứ này đều là những sản phẩm mà phần lớn mọi người đều mong xã hội có số lượng nhiều hơn.
Vậy quan niệm này sai ở đâu? Chúng ta hãy quay trở lại những khái niệm cơ bản nhất. Nếu kinh tế học là môn khoa học nghiên cứu về việc sử dụng các nguồn lực khan hiếm theo nhiều cách khác nhau, thì sẽ luôn có những nhu cầu không được đáp ứng. Một số mong muốn nhất định có thể được chọn ra và đáp ứng 100%, nhưng điều đó có nghĩa là những mong muốn khác thậm chí sẽ càng không được thỏa mãn hơn so với hiện tại. Bất cứ ai từng lái xe ở các thành phố lớn chắc chắn đều sẽ cảm thấy nhu cầu về chỗ đậu xe vẫn chưa được đáp ứng đủ. Tuy nhiên, mặc dù việc xây dựng các thành phố có đủ chỗ đậu xe cho bất kỳ ai, ở bất cứ đâu, vào bất kỳ giờ dù ngày hay đêm, là khả thi về mặt kinh tế và công nghệ, nhưng chúng ta có nên làm điều này hay không?
Chi phí cho việc xây dựng các ga-ra ngầm đậu xe lớn, phá bỏ các tòa nhà hiện có để tạo ra các ga-ra đậu xe trên mặt đất, hoặc thiết kế các thành phố mới với ít tòa nhà hơn và nhiều bãi đậu xe hơn đều rất tốn kém về mặt kinh tế. Chúng ta sẽ buộc phải từ bỏ điều gì để có được những bãi đậu xe rộng lớn này? Ít bệnh viện hơn? Ít sự bảo vệ của cảnh sát hơn? Ít trạm cứu hỏa hơn? Chúng ta có sẵn sàng trì hoãn những nhu cầu chưa được đáp ứng trong những lĩnh vực này không? Có thể một số người sẽ từ bỏ các thư viện công cộng để có thêm chỗ đậu xe. Tuy nhiên bất cứ lựa chọn nào được đưa ra và dù chúng ta thực hiện các lựa chọn đó bằng cách thức nào, ở những nơi khác vẫn sẽ có nhiều nhu cầu chưa được đáp ứng xảy ra do tác động của việc đáp ứng nhu cầu về chỗ đậu xe.
Quan điểm của chúng ta về những điều đáng phải hy sinh để đạt được nhiều điều khác có thể rất khác nhau. Vấn đề ở đây cơ bản hơn nhiều: Việc chứng minh một nhu cầu đang chưa được đáp ứng thôi là không đủ để nói rằng nhu cầu này cần được đáp ứng – nguyên nhân bởi các nguồn lực của chúng ta là các nguồn lực khan hiếm và có nhiều mục đích sử dụng khác nhau.
Trong trường hợp chỗ đậu xe phía trên, nếu chỉ dùng chi tiêu chính phủ để đo lường, những lựa chọn khác sẽ có chi phí rẻ hơn – ví dụ như ra lệnh hạn chế hoặc cấm sử dụng ô tô cá nhân ở các thành phố, điều chỉnh số lượng ô tô bằng số chỗ đậu xe hiện có, thay vì điều chỉnh theo hướng ngược lại. Hơn nữa, việc thông qua và thực thi những luật này sẽ chỉ tiêu tốn một phần rất nhỏ so với chi phí mở rộng số lượng chỗ đậu xe. Nhưng khoản tiết kiệm được trong chi tiêu chính phủ này sẽ phải được cân nhắc so sánh với các khoản chi tiêu tư nhân lớn hiện đang dành cho việc mua, bảo trì và đậu xe ô tô ở các thành phố. Rõ ràng là những khoản chi tiêu này sẽ không được thực hiện nếu những người tiêu dùng – người chi trả những mức giá này – không nhận thấy lợi ích xứng đáng với mình.
Ở đây chúng ta sẽ cần nhắc lại kiến thức cơ bản một lần nữa, chi phí chính là những cơ hội bị bỏ qua, chứ không phải là mức chi tiêu của chính phủ. Chi phí cho việc buộc hàng nghìn người phải từ bỏ các cơ hội mà họ đã sẵn sàng chi trả một số tiền lớn, có thể lớn hơn rất nhiều so với số tiền tiết kiệm được do không phải xây thêm chỗ đậu xe, hoặc làm những việc cần thiết khác để điều tiết lượng xe ô tô tại các thành phố. Tất cả những điều trên đều không hề nói rằng chúng ta nên tăng hoặc giảm số lượng chỗ đậu xe ở các thành phố. Điều nó đang truyền đạt cho chúng ta đó là: Cách mà vấn đề này – và nhiều vấn đề khác – được xem xét không hề có ý nghĩa gì trong một thế giới tài nguyên khan hiếm có nhiều cách sử dụng thay thế khác nhau. Đó là thế giới của sự đánh đổi, không phải thế giới của những giải pháp – và bất cứ đánh đổi nào cũng đều để lại những nhu cầu chưa được đáp ứng.
Vậy nên chừng nào chúng ta vẫn còn tin vào những luận điệu chính trị nói về những nhu cầu chưa được đáp ứng, chúng ta vẫn sẽ tự ý chọn chuyển nguồn lực sang bất kỳ nhu cầu đặc trưng chưa được đáp ứng trước mắt nào và tránh xa những nhu cầu chưa được đáp ứng khác. Sau đó, khi một chính trị gia khác – hoặc cũng có thể là chính ông ta vào thời điểm khác – phát hiện ra rằng việc cướp của Peter để trả cho Paul đã khiến Peter trở nên khó khăn hơn, nên bây giờ muốn giúp Peter đạt được những nhu cầu chưa được đáp ứng của anh ta, thế là chúng ta bắt đầu chuyển nguồn lực sang một hướng khác. Nói tóm lại, chúng ta giống như một con chó không ngừng chạy vòng tròn đuổi theo đuôi của mình và không thể đến gần cái đuôi đó, cho dù có chạy nhanh đến đâu chăng nữa.
Điều này không phải để nói rằng chúng ta đã có những đánh đổi đúng đắn lý tưởng và nên để yên như vậy. Thay vào đó, điều này nói lên rằng bất kỳ sự đánh đổi nào mà chúng ta thực hiện đều nên được coi là sự đánh đổi ngay từ đầu – chứ không nên được coi là đáp ứng các nhu cầu chưa được đáp ứng. Từ “nhu cầu” này đã cưỡng chế đặt một số mong muốn lên cao hơn so với những mong muốn khác, vì theo cách phân loại thì nó quan trọng hơn. Tuy nhiên, dù có cấp bách đến đâu đi chăng nữa – ví dụ như nhu cầu thức ăn và nước để duy trì sự sống – thì đến một lúc nào đó hai sản phẩm này sẽ không những không cần thiết mà thậm chí còn phản tác dụng và gây nguy hiểm. Tình trạng béo phì ở người Mỹ ngày càng lan rộng cho thấy lương thực đã đạt đến một mức bão hòa, và bất kỳ ai từng chứng kiến sức tàn phá của lũ lụt (dù chỉ là nhìn thấy tầng hầm ngập nước) đều biết rằng nước cũng có thể đạt đến mức độ đó.
Tóm lại, ngay cả những sản phẩm thiết yếu nhất cũng chỉ thiết yếu trong một phạm vi nhất định. Chúng ta không thể sống nửa giờ mà không có oxy, nhưng nếu nồng độ oxy vượt quá mức nào đó cũng có thể thúc đẩy sự phát triển của ung thư và có thể khiến trẻ sơ sinh bị mù suốt đời. Đó là lý do tại sao các bệnh viện không dám sử dụng bình oxy một cách vô kế hoạch. Nói tóm lại, không có gì là “nhu cầu” cả, bất kể việc đạt được một số lượng sản phẩm đó có khẩn cấp đến mức nào tại một thời điểm và địa điểm nhất định. Không may là hầu hết các bộ luật và chính sách của chính phủ đều được áp dụng một cách không khoan nhượng, giá mà những nguy cơ có thể khiến mọi quan chức chính phủ giải thích rõ ràng hơn về ý nghĩa của những luật lệ và chính sách, khi nào chúng nên được áp dụng. Trong bối cảnh này, việc quyết đoán gọi một thứ gì đó là “nhu cầu” rõ ràng là đang đùa với lửa. Nhiều người phàn nàn rằng một số chính sách tốt của chính phủ lại được áp dụng một cách ngu ngốc, hậu quả là chúng không thể giải quyết được vấn đề ưu tiên của các luật tuyệt đối trong một thế giới không ngừng gia tăng. Có lẽ sẽ chẳng có một cách áp dụng thông minh và tuyệt đối nào cho một chính sách vốn được thiết kế để đáp ứng các mong muốn – trong khi đó lợi ích của các mong muốn này lại biến động tăng dần và cuối cùng không còn là lợi ích nữa.
Do bản chất nghiên cứu về việc sử dụng các nguồn tài nguyên khan hiếm có nhiều mục đích sử dụng thay thế khác nhau, nên kinh tế học là môn khoa học khám phá sự đánh đổi tăng thêm – chứ không phải là “nhu cầu” hay “giải pháp”. Đây có thể là lý do tại sao các nhà kinh tế học chưa bao giờ nổi tiếng được như các chính trị gia – những người hứa sẽ giải quyết các vấn đề và đáp ứng nhu cầu của chúng ta.
Trích từ sách Basic Economics – Kinh tế học cơ bản, a bờ cờ, kinh tế học nhập môn cho nhà đầu tư
Có thể bạn quan tâm: Basic Economics Kinh tế học cơ bản, a bờ cờ, kinh tế học nhập môn cho nhà đầu tư
“Cuốn sách giúp thay đổi rất nhiều luận điểm còn đang mơ hồ và những lầm tưởng khi nghĩ về kinh tế học”.
ĐẶT SÁCH NGAY