fbpx

Bức tranh kinh doanh ảm đạm của các doanh nghiệp trong quý 4

Theo những thông tin đã được công bố, bức tranh kinh doanh của các doanh nghiệp trong quý 4/2022 hiện lên khá ảm đạm khi cả mặt bằng doanh thu và lợi nhuận đều không đạt được tăng trưởng.

Cụ thể, theo dữ liệu từ VietstockFinance, 289 doanh nghiệp đã công bố BCTC quý 4/2022 ghi nhận tổng cộng hơn 90,476 tỷ đồng doanh thu thuần và hơn 5,663 tỷ đồng lãi ròng trong kỳ. Trong đó, doanh thu giảm nhẹ gần 2% so với cùng kỳ, còn lợi nhuận giảm gần 28%.

Thống kê cho thấy đa phần các doanh nghiệp ghi nhận lãi giảm đều thuộc nhóm ngành bất động sản – xây dựng.

buc-tranh-kinh-doanh-am-dam-cua-cac-doanh-nghiep-trong-quy-4-happy-live-1
Nguồn: VietstockFinance

Doanh nghiệp có mức giảm lãi lớn nhất sàn là CTCP Đầu tư Xây dựng và Phát triển Đô thị Sông Đà (HNX: SDU). Trong kỳ, doanh thu thuần của Công ty tăng 40%, đạt gần 30 tỷ đồng, nhờ kinh doanh dịch vụ tòa nhà và kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên, giá vốn tăng cao cộng với việc không còn được hoàn nhập chi phí bán hàng như cùng kỳ, SDU chỉ lãi ròng gần 17 triệu đồng, trong khi cùng kỳ lãi gần 2 tỷ đồng.

Dù không thuộc nhóm bất động sản – xây dựng nhưng CTCP Sản xuất Kinh doanh và Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (HOSE: GIL) vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh không mấy khả quan trong quý 4 vừa qua. Doanh thu thuần và lãi ròng của Công ty lần lượt giảm 81% và 92%, còn 262 tỷ đồng và 10 tỷ đồng. Kết quả này ghi nhận trong bối cảnh GIL và đối tác quan trọng là Amazon đang có những căng thẳng sau khi GIL cáo buộc Amazon đột ngột thu hẹp các đơn đặt hàng trong tháng 4 và 5 khiến nhà sản xuất này gặp tình trạng dư thừa năng lực sản xuất và nguyên liệu thô.

Bên cạnh các doanh nghiệp giảm lãi, nhiều doanh nghiệp đã không may phải ghi nhận kết quả thua lỗ ngay trong quý cuối năm.

buc-tranh-kinh-doanh-am-dam-cua-cac-doanh-nghiep-trong-quy-4-happy-live-2
Nguồn: VietstockFinance

Trong bối cảnh giá thép đã “nguội” lại trong năm 2022, cộng với đó là nhiều biến động thị trường khác, Tổng Công ty Thép Việt Nam – CTCP (UPCoM: TVN) đã phải đối mặt với nhiều khó khăn trong quý cuối năm. Không chỉ doanh thu thuần giảm 27%, Công ty còn phải ghi nhận khoản lỗ hơn 402 tỷ đồng từ công ty liên doanh, liên kết. Không những vậy, TVN còn phải ghi nhận khoản chi phí tài chính hơn 145 tỷ đồng, phần lớn là các khoản lỗ chênh lệch tỷ giá. Hệ quả, Công ty lỗ ròng gần 406 tỷ đồng chỉ trong quý 4/2022.

Trong khi đó, ở CTCP Đầu tư Phát triển Nhà Đà Nẵng (HNX: NDN), Công ty đã rời bỏ lĩnh vực kinh doanh cốt lõi là kinh doanh bất động sản và tập trung chủ yếu vào hoạt động kinh doanh chứng khoán. Tuy nhiên, với diễn biến không ổn định của thị trường chứng khoán năm 2022 cũng như trong quý 4, NDN báo lỗ gần 13 tỷ đồng trong quý cuối năm, trong khi cùng kỳ lãi hơn 21 tỷ đồng.

Đi ngược lại đà giảm lãi chung của cả sàn, nhiều doanh nghiệp vẫn báo lãi tăng trong một quý 4 đầy biến động.

buc-tranh-kinh-doanh-am-dam-cua-cac-doanh-nghiep-trong-quy-4-happy-live-3
Nguồn: VietstockFinance

Tiêu biểu nhất trong các doanh nghiệp báo lãi quý 4/2022 tăng là CTCP Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Cao su Việt Nam (UPCoM: VRG). Cụ thể, doanh thu thuần và lãi ròng trong kỳ của Công ty lần lượt ghi nhận 92 tỷ đồng và 46 tỷ đồng, gấp 21 lần và 125 lần so với cùng kỳ.

Theo giải trình, kết quả của VRG đạt được là do Công ty đã ghi nhận 90% giá trị hợp đồng thuê đất và cơ sở hạ tầng của Công ty TNHH Khoa kỹ Sinh vật Thăng Long Hải Dương tại KCN Cộng Hòa, Chí Linh theo phương pháp hạch toán doanh thu 1 lần.

Ở lĩnh vực hàng không, CTCP Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO, UPCoM: SAS) của tỷ phú Johnathan Hạnh Nguyễn đã có quý báo lãi lớn nhất kể từ năm 2019 với 89 tỷ đồng lãi ròng, gấp gần 30 lần so với cùng kỳ. Mức tăng đột biến này chủ yếu là nhờ mức nền thấp của quý cuối năm 2021, thời điểm ngành không mới bắt đầu hồi phục sau những ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Ở diễn biến khác, dù không tăng trưởng so với cùng kỳ, CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (HOSE: DGC) vẫn đang là doanh nghiệp có mức lãi lớn nhất thị trường tính tại thời điểm thống kê.

Trong quý 4, ông lớn hóa chất đạt doanh thu hơn 3.1 ngàn tỷ đồng, lãi gộp gần 1.3 ngàn tỷ đồng, đi lùi lần lượt 10% và 20% so với cùng kỳ. Doanh thu hoạt động tài chính tăng mạnh lên hơn 197 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ. Chi phí tài chính cũng bật tăng lên 75.3 tỷ đồng, gấp 2.8 lần cùng kỳ. Các mảng chi phí khác bật tăng nhẹ. Kết quả, DGC lãi ròng 1,032 tỷ đồng, giảm so với cùng kỳ 21%.

buc-tranh-kinh-doanh-am-dam-cua-cac-doanh-nghiep-trong-quy-4-happy-live-4
Nguồn: VietstockFinance

Tiến Phát

Vietstocks

Có thể bạn quan tâm

Bộ sách Phân tích kỹ thuật toàn diện kiếm tiền trên mọi thị trường

Bộ sách Phân tích kỹ thuật toàn diện kiếm tiền trên mọi thị trường

ĐẶT SÁCH

Các viết cùng chủ đề