fbpx

Các nhà phân tích chỉ ra 3 lý do khiến giá dầu mỏ có thể quay lại 100 USD/thùng trong năm nay

(Happy Live) Gần đây, thị trường dầu mỏ tương đối bình lặng sau suốt năm 2022 đầy biến động. Tuy nhiên, xu hướng này có thể sắp thay đổi trong thời gian tới.

cac-nha-phan-tich-chi-ra-3-ly-do-khien-gia-dau-co-the-quay-lai-100-usd-thung-trong-nam-nay-happy-live-1

Giá dầu đã biến động, nhưng hầu hết vẫn ở mức quanh 80 USD/thùng trong vài tháng qua, mặc dù cao theo tiêu chuẩn lịch sử nhưng không đủ cao để đe dọa nền kinh tế toàn cầu hoặc khiến các chính trị gia hành động như chúng ta đã thấy trong 12 tháng qua.

Các nhà phân tích hàng đầu của Phố Wall đang nhận thấy giá dầu có khả năng tạo ra một bước nhảy vọt về giá khác ở mọi ngóc ngách quan trọng của thị trường dầu mỏ. Họ cho rằng việc vượt qua mốc 100 USD/thùng là có thể xảy ra trong những tháng tới, điều này một lần nữa sẽ đe dọa đến nền kinh tế toàn cầu đang suy yếu và đưa giá năng lượng trở lại là vấn đề ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của nhiều chính phủ.

Sự trở lại của nhu cầu ở Trung Quốc

Việc phong tỏa kéo dài tại các thành phố lớn trên khắp Trung Quốc vào năm ngoái đã làm giảm nhu cầu tại quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới và giúp kiềm chế giá tại thời điểm nguồn cung khan hiếm.

Jan Stuart, nhà phân tích tại ngân hàng đầu tư Piper Sandler đã viết trong một ghi chú gần đây về trường hợp dầu thô tăng giá: “Lý do duy nhất khiến giá dầu không ở trên mức 130 USD/thùng là do nhu cầu của Trung Quốc giảm đi”. Piper Sandler dự báo giá dầu Brent trung bình là 110 USD/thùng trong năm nay, tăng khoảng 40% so với mức giá ngày 10/1.

Các nhà phân tích lập luận rằng, tiêu thụ dầu sẽ tăng mạnh sau khi Bắc Kinh dỡ bỏ chính sách Zero Covid vào tháng trước. Việc lái xe và bay nhiều hơn sẽ thúc đẩy nhu cầu năng lượng phục hồi tương tự như khi các hạn chế về đại dịch được nới lỏng trên khắp Mỹ và châu Âu.

Nhiều nhà phân tích cho biết, sự xuất hiện trở lại của nhu cầu dầu Trung Quốc sau thời gian đóng cửa sẽ đủ để thúc đẩy nhu cầu dầu thô toàn cầu cao hơn tốc độ của năm ngoái ngay cả khi tăng trưởng tiêu dùng trên khắp Mỹ và châu Âu giảm sút.

Jeff Currie, nhà phân tích của Goldman Sachs cho biết: “Theo quan điểm của chúng tôi, tin tức lạc quan nhất là việc Trung Quốc mở cửa trở lại”. Ông nhận định rằng, giá dầu có thể tăng thêm 5 USD/thùng so với kỳ vọng của Goldman Sachs về việc giá dầu sẽ vượt qua 100 USD/thùng vào cuối năm nay.

Xung đột Nga-Ukraine và các lệnh trừng phạt lên Nga

Đồng thời với nhu cầu dầu thô Trung Quốc tăng trở lại, các nhà phân tích cho rằng, tác động của xung đột và lệnh trừng phạt của phương Tây cuối cùng sẽ bắt đầu ảnh hưởng đến sản lượng của Nga, vốn vẫn duy trì khả năng phục hồi đáng kể.

Các biện pháp trừng phạt mới đối với việc nhập khẩu các sản phẩm dầu của Nga như xăng và dầu diesel vào châu Âu sẽ có hiệu lực vào đầu tháng 2/2023. Điều đó sẽ gây thêm vào các lệnh cấm nhập khẩu dầu thô hiện có, các hạn chế đối với khả năng bảo hiểm các chuyến hàng dầu của các công ty châu Âu và mức trần giá mà các chính phủ phương Tây đã cố gắng áp đặt đối với dầu thô của Nga.

Các chính phủ phương Tây đã cố gắng áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga theo cách làm cạn kiệt doanh thu từ dầu mỏ của Nga trong khi vẫn giữ năng lượng chảy qua nền kinh tế toàn cầu. Nhưng các nhà phân tích nói rằng các biện pháp trừng phạt đang bắt đầu gây thiệt hại cho sản xuất.

“Với các biện pháp trừng phạt làm tăng rủi ro pháp lý xung quanh vận chuyển, bảo hiểm và tài trợ cho các luồng thương mại dầu mỏ, hàng xuất khẩu đang ngày càng khó tìm được chỗ đứng, thậm chí Trung Quốc và Ấn Độ cũng chứng kiến lượng nhập khẩu giảm liên tiếp trong thời gian gần đây”, nhà phân tích Jeff Currie cho biết.

Nếu sản lượng của Nga trượt dốc, đừng trông đợi vào các thành viên khác trong nhóm các nhà cung cấp của OPEC+ sẽ thu hẹp khoảng cách. Ả Rập Xê Út đã làm rất ít để kiềm chế đà tăng của giá trong đợt tăng giá năm ngoái và ngay cả khi họ muốn nâng sản lượng, thì vẫn có khả năng dự phòng hạn chế trong nhóm để đối phó với tình trạng thiếu hụt nguồn cung.

Sự suy giảm sản xuất của dầu đá phiến Mỹ và Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược (SPR)

Mỹ cũng khó có thể tung thêm nhiều dầu ra thị trường trong năm nay. Các công ty khai thác đá phiến của Mỹ đã bị cản trở bởi sự kết hợp giữa áp lực của Phố Wall trong việc hạn chế chi tiêu cho sản lượng mới và giới hạn thực sự đối với thiết bị và con người cần thiết để thúc đẩy tăng trưởng cao.

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) dự báo, sản lượng của Mỹ sẽ giảm mạnh xuống dưới 400.000 thùng/ngày từ tháng 1 đến cuối năm, khác xa so với những năm bùng nổ của đá phiến trong thập kỷ qua.

Chính quyền Tổng thống Biden đã giúp tăng sản lượng của Mỹ vào năm ngoái và hạ giá dầu bằng cách khai thác các kho dự trữ chiến lược, khi bơm khoảng 1 triệu thùng mỗi ngày từ SPR trong vài tháng. Nhưng, với các kho dự trữ ở mức thấp nhất kể từ đầu những năm 1980 và chính quyền chịu áp lực chính trị phải xây dựng lại kho dự trữ, nỗ lực đó sẽ khó được lặp lại nếu giá dầu bắt đầu tăng trở lại trong những tháng tới. Thay vào đó, chính quyền hiện đang quan tâm tới việc bổ sung dự trữ.

Tổng hợp lại, đây là một trường hợp thuyết phục cho một đợt tăng giá dầu khác khi chúng ta bước vào mùa hè và nhu cầu dầu thô tăng lên.

Tuy nhiên, quá trình mở cửa trở lại nền kinh tế của Trung Quốc sẽ rất phức tạp, đặc biệt nếu số ca mắc Covid tăng cao và các bệnh viện trở nên quá tải. Cũng không nên đánh giá thấp khả năng tiếp tục bơm dầu ở mức cao của Nga sau những gì chúng ta đã thấy trong năm qua. Cũng sẽ khó có thể duy trì đà phục hồi của giá dầu nếu Mỹ và các nền kinh tế lớn ở châu Âu rơi vào suy thoái. Quan trọng hơn cả là thị trường dầu vẫn chưa thoát khỏi xu hướng khó khăn.

Tiến Phát

tinnhanhchungkhoan

Có thể bạn quan tâm

Bộ sách Phân tích kỹ thuật toàn diện kiếm tiền trên mọi thị trường

Bộ sách Phân tích kỹ thuật toàn diện kiếm tiền trên mọi thị trường

ĐẶT SÁCH

Các viết cùng chủ đề