fbpx

“Chọn mặt gửi vàng” cho danh mục đầu tư

(ĐTCK) Thị trường chứng khoán Việt Nam đang bước vào giai đoạn công bố báo cáo tài chính và họp Đại hội cổ đông quý đầu tiên của năm 2023. Đây là thời điểm quan trọng để các nhà đầu tư nắm được thông tin của các doanh nghiệp từ đó đưa ra quyết định đầu tư phù hợp.

Hàng năm vào khoảng thời gian này, thị trường tài chính nói chung và thị trường chứng khoán Việt Nam nói riêng dường như nóng hơn cùng mùa báo cáo tài chính và Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) của các doanh nghiệp niêm yết. Bước chuyển mình của thị trường sau đại dịch COVID-19 nhìn chung vẫn chưa thực sự rõ nét, mang theo nhiều yếu tố thăm dò và cẩn trọng của nhà đầu tư hơn trước rủi ro và biến động của thị trường.

Trong “bức tranh” chung của thị trường nhà đầu tư sẽ phải lưu ý những gì và sàng lọc ra sao để định hướng được những mã cổ phiếu phù hợp?

Theo chuyên gia của Công ty Cổ phần Chứng khoán VPS (VPS), bước vào mùa báo cáo tài chính (BCTC) quý I/2023, có một số lưu ý quan trọng mà nhà đầu tư nên quan tâm:

Kết quả kinh doanh của doanh nghiệp

Nhà đầu tư cần lưu ý đến doanh thu, lợi nhuận so sánh với quý trước đó và cùng kỳ để nắm bắt mức độ tăng trưởng có như kỳ vọng của thị trường hay không. “Khi lợi nhuận của doanh nghiệp có sự tăng trưởng đột biến, vượt mức kỳ vọng của thị trường thì giá cổ phiếu thường tăng mạnh ngay trước hoặc sau khi công bố BCTC”, chuyên gia VPS cho biết.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư cần đánh giá chất lượng của lợi nhuận. Chất lượng lợi nhuận có cao hay không ảnh hưởng rất nhiều đến việc giá cổ phiếu có duy trì được đà tăng sau khi công bố BCTC không. Những doanh nghiệp có lợi nhuận đột biến nhưng chất lượng lợi nhuận thấp thì giá thường chỉ tăng trong thời gian ngắn sau khi công bố BCTC rồi sau đó sẽ lại đi xuống.

Một doanh nghiệp có chất lượng lợi nhuận tốt cần thỏa mãn các tiêu chí như:

Thứ nhất, thông tin về doanh thu, lợi nhuận trên BCTC phải là con số thực, không phải là các con số ảo hoặc làm đẹp bằng thủ thuật kế toán.

Thứ hai, lợi nhuận cần phải xuất phát từ hoạt động kinh doanh cốt lõi, bền vững và có khả năng tiếp diễn trong tương lai chứ không chỉ phát sinh một lần. Một số trường hợp cho thấy lợi nhuận có chất lượng thấp như: lợi nhuận đến từ đánh giá lại tài sản, lợi nhuận đến từ việc bán công ty con (thường là cho các doanh nghiệp sân sau nhưng lại chưa thu được tiền), lợi nhuận từ việc đánh giá lại công công ty sau khi mua bán, thâu tóm.

Tình hình dòng tiền

Nhà đầu tư thường chỉ chú ý đến kết quả lợi nhuận mà không quan tâm nhiều đến dòng tiền của doanh nghiệp. Kết quả dòng tiền mà đặc biệt là dòng tiền từ hoạt động kinh doanh cũng phần nào thể hiện hiệu quả hoạt động cũng như chất lượng lợi nhuận.

Ví dụ, một doanh nghiệp báo cáo lợi nhuận cao, tăng trưởng đột biến nhưng dòng tiền từ hoạt động kinh doanh rất mỏng hoặc thậm chí là âm. Điều này có thể dấy lên nhiều câu hỏi về lợi nhuận của doanh nghiệp có phải là thực chất không? Có phải doanh nghiệp khai tăng doanh thu để làm đẹp báo cáo không?

Tình hình tài chính

Trước hết, nhà đầu tư cần chú ý đến các thông tin về cơ cấu vốn của doanh nghiệp như: số dư nợ, vay phải trả có lớn không? Có chiếm tỷ trọng cao trong tổng nguồn vốn không? Một doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy tài chính cao, tỷ lệ nợ vay nhiều sẽ có nhiều rủi ro tài chính hơn, đặc biệt là trong giai đoạn thanh khoản thắt chặt và lãi suất tăng cao như hiện tại.

Cơ cấu và chất lượng tài sản cũng nói lên nhiều điều về tình hình hoạt động của doanh nghiệp. Cơ cấu tài sản cần phải phù hợp với ngành nghề kinh doanh, ví dụ như doanh nghiệp sản xuất thép thì tài sản cố định thường là khoản mục chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng tài sản. Ngoài ra, tỷ trọng tiền mặt cao cũng phần nào cho thấy doanh nghiệp đang có thanh khoản dồi dào và an toàn hơn doanh nghiệp có tỷ trọng khoản phải thu khách hàng lớn.

“Chọn mặt gửi vàng” vào đâu?

Chuyên gia VPS đánh giá hai trong số các nhóm ngành tiềm năng nhất cho giai đoạn Quý I/2023 này có thể kể đến: nhóm cổ phiếu liên quan đến đầu tư công và nhóm bất động sản khu công nghiệp.

Với nhóm cổ phiếu liên quan đến đầu tư công, vị chuyên gia dự báo sẽ được hưởng lợi từ chính sách đầu tư công của Chính phủ nhằm mục tiêu kích thích kinh tế 2023, bao gồm: các công ty tư vấn xây dựng, các nhà thầu xây dựng và các công ty cung cấp vật liệu xây dựng để phục vụ cho các công trình hạ tầng giao thông, kể cả những công trình về điện, nước.

Một số cái tên tiêu biểu của nhóm thầu xây dựng như CII, HHV, LCG, C4G, VCG, nhóm vật liệu xây dựng HPG, KSB, HT1, PLC,…

Nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp cũng là đề tài đáng lưu ý cho Quý I/2023. Theo báo cáo bất động sản công nghiệp phía Nam của Cushman & Wakefield cho biết, tính đến cuối năm 2022, giá thuê đất công nghiệp tiếp tục xu hướng tăng ở thị trường miền Nam, đạt mốc bình quân 159 USD (khoảng 3,8 triệu đồng) mỗi m2 cho một chu kỳ thuê, tăng 3% so với quý trước và tăng 10% so với năm ngoái.

Trong khi đó, báo cáo của Savills Việt Nam cho hay, đến cuối năm vừa rồi, giá thuê trần (cao nhất) đất công nghiệp tại TP. HCM ghi nhận chạm mức 300 USD mỗi m2 một chu kỳ thuê và tỷ lệ lấp đầy gần như tuyệt đối. Tại vùng lân cận như Long An và Bình Dương, giá thuê đất công nghiệp đã lên đến gần 180 USD mỗi m2 một chu kỳ thuê và nguồn cung có sẵn không quá nhiều.

Chuyên gia VPS đã điểm qua một số doanh nghiệp có quỹ đất khu công nghiệp chờ khai thác lớn như sau:

– BCM: 878 ha đất tại Bình Dương.

– IDC: 755 ha đất tại Đồng Nai, Long An, Vũng Tàu, Bắc Ninh, Thái Bình.

– VGC: 676 ha đất tại Bắc Ninh, Hà Nam, Quảng Ninh, Phú Thọ, Thái Bình

– SZC: 588 ha đất tại Vũng Tàu

– KBC: 543 ha đất tại Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, TP HCM.

Tiến Phát

tinnhanhchungkhoan

Có thể bạn quan tâm ấn phẩm bán chạy nhất của Happy Live

Ngày đòi nợ – Phil Town

ĐẶT SÁCH NGAY

Các viết cùng chủ đề