Chuyện đầu tư: 9 rủi ro gắn liền với mọi cổ phiếu
Trong đầu tư, có rất nhiều rủi ro đặc trưng cho từng ngành hoặc gắn liền với một công ty cụ thể. Tuy nhiên, mọi cổ phiếu đều đối mặt với 9 rủi ro dưới đây, bạn có thể tham khảo để tránh mắc phải.
Rủi ro giá hàng hóa
Là rủi ro giá cả hàng hóa biến động làm ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Các công ty bán hàng hóa được hưởng lợi khi giá tăng và thiệt hại khi giá giảm. Các công ty dùng hàng hóa làm đầu vào thì ngược lại.
Tuy nhiên, ngay cả những công ty không kinh doanh hàng hóa cũng chịu rủi ro này. Khi giá hàng hóa tăng, người tiêu dùng có xu hướng giảm chi tiêu và hiện tượng này tác động đến toàn nền kinh tế.
Rủi ro tin tức
Là rủi ro các câu chuyện đăng tải trên truyền thông làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh. Với dòng chảy tin tức vô tận tràn lan khắp thế giới, không công ty nào an toàn trước rủi ro này.
Ví dụ, thông tin về khủng hoảng hạt nhân Fukushima năm 2011 đã giáng đòn mạnh tới cổ phiếu của bất kỳ công ty nào có liên quan, từ các nhà khai thác uranium cho đến các công ty điện hạt nhân.
Một chút tin xấu có thể dẫn đến phản ứng dữ dội của thị trường đối với một công ty cụ thể hoặc toàn bộ ngành, hoặc cả hai.
Các tin xấu có quy mô lớn – ví dụ như khủng hoảng nợ công châu Âu năm 2010 và 2011 – có thể tác động rõ rệt đến kinh tế toàn cầu, chứ chưa nói đến chứng khoán.
Rủi ro xếp hạng
Xếp hạng tín dụng ảnh hưởng trực tiếp tới chi phí vay nợ của doanh nghiệp. Tuy nhiên, các công ty đại chúng phải quan tâm đến một con số còn quan trọng hơn: xếp hạng của nhà phân tích chứng khoán. Bất kỳ thay đổi nào về xếp hạng này dường như đều tạo ra ảnh hưởng tâm lý to lớn lên thị trường.
Thông thường, khi một nhà phân tích có tiếng nâng mức khuyến nghị cổ phiếu (từ Bán lên Trung lập, hoặc từ Trung lập lên Mua), giá cổ phiếu sẽ diễn biến tích cực.
Rủi ro lỗi thời
Là rủi ro việc kinh doanh của công ty sẽ trở thành dĩ vãng. Rất hiếm doanh nghiệp tồn tại được trong 100 năm và không một doanh nghiệp nào sống sót nhờ việc giữ nguyên quy trình kinh doanh mà họ đã bắt đầu.
Rủi ro lỗi thời lớn nhất là ai đó tìm ra cách chế tạo sản phẩm tương tự với giá rẻ hơn. Với sự cạnh tranh toàn cầu ngày càng phụ thuộc vào công nghệ và khoảng cách kiến thức thu hẹp, rủi ro lỗi thời nhiều khả năng sẽ gia tăng theo thời gian.
Rủi ro phát hiện
Là rủi ro hãng kiểm toán, bộ phận tuân thủ nội bộ, cơ quan quản lý hoặc các nhà chức trách phát hiện ra vấn đề quá muộn. Dù vấn đề là giám đốc biển thủ tiền hay doanh thu bị thổi phồng, thị trường sẽ phản ứng dữ dội một khi tin tức lộ ra.
Với rủi ro phát hiện, thiệt hại đối với danh tiếng của công ty có thể khó sửa chữa – và thậm chí có khả năng công ty sẽ không bao giờ phục hồi, ví dụ như trường hợp nổi tiếng của Enron.
Rủi ro pháp lý
Rủi ro pháp lý chỉ mối quan hệ giữa chính phủ và doanh nghiệp. Cụ thể, đó là rủi ro các hành động của chính phủ sẽ kiềm chế một doanh nghiệp hay một ngành, qua đó tác động xấu đến cổ phần của nhà đầu tư.
Rủi ro thực tiễn có thể xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau: cuộc điều tra chống độc quyền như trường hợp của Alibaba, các quy định hoặc tiêu chuẩn mới, một loại thuế cụ thể nào đó, v.v… Mỗi ngành đều có một số rủi ro pháp lý.
Rủi ro lạm phát và Rủi ro lãi suất
Hai rủi ro này có thể hoạt động riêng biệt hoặc song song với nhau. Rủi ro lãi suất, trong bối cảnh này, chỉ đơn giản là đề cập đến các vấn đề mà lãi suất tăng gây ra cho các doanh nghiệp cần đi vay. Khi chi phí tăng lên do lãi suất, doanh nghiệp sẽ khó duy trì hoạt động kinh doanh hơn.
Nếu lãi suất leo thang trong thời kỳ lạm phát thì chi phí vay của doanh nghiệp có thể nhảy vọt trong lúc giá trị đồng tiền họ kiếm được giảm sút. Lạm phát cao nhiều khả năng kéo theo lãi suất cao, do tăng lãi suất là cách phổ biến để chống lạm phát.
Mặc dù cái bẫy kép này không quá nguy hiểm đối với những công ty có thể đẩy gánh nặng chi phí cho khách hàng, lạm phát có thể tác động tiêu cực đến người tiêu dùng. Sự gia tăng đồng thời của lãi suất và lạm phát có thể khiến toàn bộ nền kinh tế suy yếu.
Rủi ro mô hình
Là rủi ro mà các giả định cơ bản của các mô hình kinh tế và kinh doanh là sai. Khi các mô hình hỏng hóc, các doanh nghiệp phụ thuộc vào chúng sẽ bị tổn thương.
Điều này tạo ra hiệu ứng domino trong đó doanh nghiệp có mô hình sai gặp khó khăn hoặc phá sản, làm tổn thương những công ty phụ thuộc vào chúng và hiệu ứng cứ thế lây lan.
Khủng hoảng cho vay thế chấp dưới chuẩn của Mỹ năm 2008-2009 là ví dụ hoàn hảo cho việc mô hình – trong trường hợp này là mô hình rủi ro – không mô tả đúng những yếu tố mà chúng cần phải đo lường.
Mỗi cổ phiếu đều gặp phải các rủi ro phổ biến trên và các rủi ro đặc trưng của hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, lợi ích của việc đầu tư vẫn có khả năng vượt xa rủi ro. Việc tốt nhất nhà đầu tư có thể làm là tìm hiểu kỹ những nguy cơ và rủi ro trước khi xuống tiền.
Nguồn: Vietnambiz, Happy Live tổng hợp.
Có thể bạn quan tâm: Điều Quan Trọng Nhất – Howard Marks
Sự khôn ngoan khác biệt dành cho những nhà đầu tư thông minh
(Cuốn sách huyền thoại Warren Buffett khuyên mọi NĐT nên đọc)