Chuyên gia: Đừng nôn nóng khi thấy chứng khoán Mỹ tăng điểm trở lại
Chuyên gia cho rằng đà giảm trên thị trường chứng khoán vẫn chưa kết thúc. Vì thế, thay vì nôn nóng trở lại thị trường, các nhà đầu tư cần có chiến thuật đầu tư và đa dạng hóa.
Theo ông Trevor Greetham – Trưởng bộ phận Tài sản ở Royal London Asset Management, đà tăng của thị trường chứng khoán trong những ngày qua chỉ là một đợt phục hồi ngắn hạn. Ông cho rằng các nhà đầu tư không nên nôn nóng trở lại thị trường.
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 2,7% trong phiên giao dịch cuối tuần trước. Trong khi đó, cả S&P 500 và Nasdaq Composite đều ghi nhận mức tăng hơn 3%.
Tuy nhiên, theo CNBC, ông Greetham không cho rằng đà giảm đã kết thúc. Kết thúc phiên giao dịch ngày 27/6, chỉ số Dow Jones mất 62,42 điểm, tương đương 0,2%, còn 31.438 điểm. Chỉ số S&P 500 và Nasdaq cũng giảm nhẹ lần lượt 0,3% và 0,72%.
Không nên nôn nóng
“Chúng tôi cho rằng thị trường vẫn đang ở vùng giá xuống, còn đợt tăng giá vừa qua chỉ là đà phục hồi ngắn”, ông Greetham nhận định.
Ông lập luận rằng khi giá hàng hóa hạ nhiệt, khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) mạnh tay nâng lãi suất có thể giảm xuống, từ đó tạo ra đợt điều chỉnh tăng trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, ông Greetham cho rằng giới đầu tư nên nhìn lại các thị trường giá xuống bị tác động bởi ngân hàng trung ương như cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007-2009, đầu những năm 2000, sau khi bong bóng dotcom sụp đổ, và đầu thập niên 90.
“Một thị trường chứng khoán suy yếu thường kéo dài 2-3 năm, nhưng chúng ta chỉ vừa trải qua 6 tháng chứng kiến giá đi xuống. Thu nhập của các doanh nghiệp có thể là vấn đề tiếp theo”, vị chuyên gia tại Royal London Asset Management nhận định.
Ông Greetham chỉ ra thị trường mới bước vào vùng giá xuống giai đoạn đầu. Trong giai đoạn này, giá cổ phiếu và tâm lý nhà đầu tư vẫn còn cao. Đến cuối giai đoạn, các nhà đầu tư mới bắt đầu rời khỏi thị trường để chốt lời.
Ngoài ra, ông cho rằng các ngân hàng trung ương cần đưa lạm phát xuống mức mục tiêu. Điều này có nghĩa là đà giảm trên thị trường sẽ kéo dài khá lâu.
“Tất cả những ngày ghi nhận mức tăng mạnh nhất đều nằm trong thị trường giá xuống. Vì thế, đừng nôn nóng trở lại thị trường”, ông Greetham nhận định.
“Ngay cả khi đà tăng giá kéo dài, các vị đừng cho rằng thị trường đã thoát khỏi vùng giá xuống”, ông cảnh báo. Vị chuyên gia cho rằng giới đầu tư cần có chiến thuật đầu tư và học cách đa dạng hóa.
Các ngân hàng trung ương lớn trên khắp thế giới bước vào chu kỳ nâng lãi suất mạnh tay trong nỗ lực kiềm chế lạm phát. Tại nhiều nền kinh tế lớn, lạm phát đã tăng lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ.
Hôm 15/6, FED thông báo nâng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1994, nâng lãi suất tham chiếu lên khoảng 1,5-1,75%. Tuy nhiên, giới quan sát lo ngại rằng việc mạnh tay thắt chặt chính sách tiền tệ có thể đẩy nền kinh tế toàn cầu vào suy thoái.
Học cách đa dạng hóa
Ông Greetham đồng ý rằng lạm phát Mỹ sẽ sớm quay đầu giảm khi FED đẩy mạnh tăng lãi suất. Washington cũng cam kết hạ nhiệt giá tiêu dùng. Tuy nhiên, ông cảnh báo thị trường suy yếu vẫn chưa bước vào giai đoạn 2.
Trong giai đoạn 2, giá cổ phiếu bắt đầu giảm mạnh, hoạt động giao dịch và lợi nhuận của doanh nghiệp lao dốc. Nhiều nhà đầu tư hoảng loạn, nỗi sợ hãi lây lan nhanh trên thị trường.
“Chúng ta đã rơi vào tình trạng ‘lạm phát đình đốn’, với tăng trưởng giảm tốc và lạm phát gia tăng. Nhưng ngay cả khi lạm phát được kiểm soát, nền kinh tế vẫn sẽ tiếp tục suy yếu”, ông Greetham giải thích.
Mới đây, Chủ tịch FED Jerome Powell khẳng định Mỹ cần đưa lạm phát về mức mục tiêu 2%. Ông thừa nhận rằng việc nâng lãi suất mạnh tay có thể dẫn tới suy thoái kinh tế. Theo người đứng đầu FED, việc đưa nền kinh tế hạ cánh an toàn là “rất khó khăn”.
Mới đây, Citigroup cho rằng nguy cơ xảy ra một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu lên tới gần 50%, khi các ngân hàng trung ương đẩy mạnh nâng lãi suất để kìm hãm lạm phát.
Theo cuộc khảo sát của Đại học Michigan vừa công bố hôm 14/6, tâm lý người tiêu dùng Mỹ đã rơi xuống mức thấp kỷ lục mới trong tháng 6. Đây là mức thấp nhất từng được ghi nhận kể từ khi Đại học Michigan bắt đầu thu thập dữ liệu cách đây 70 năm.
“Vì vậy, các chính sách vẫn sẽ được siết chặt, lãi suất tăng cao ngay cả khi lạm phát đã giảm. Và đó là vấn đề lớn với thị trường chứng khoán”, ông Greetham cảnh báo.
Nguồn: vietstock
Có thể bạn quan tâm: Bộ sách Đầu tư giá trị từ A đến Z