Cơn lốc “call margin” thổi bay 20-30% giá trị cổ phiếu BĐS chỉ sau 1 tuần, đà giảm bao giờ ngưng?
Với diễn biến hiện tại, chỉ cần qua được cơn bĩ cực “margin call” thì thị trường sẽ hồi phục, nhóm cổ phiếu bất động sản cũng ngưng đà giảm.
Tuần giao dịch buồn của nhóm cổ phiếu bất động sản
Khép lại một tuần giao dịch đầy sóng gió, VN-Index giảm mạnh gần 43 điểm so với tuần trước để lui về mốc 954 điểm. Trong đó, tâm điểm chú ý của thị trường tập trung vào nhóm cổ phiếu bất động sản khi điệp khúc “giảm sàn, trắng bên mua” lại tiếp diễn.
Mức giảm trên 20% trong một tuần xuất hiện trên hàng loạt cổ phiếu như DXG, DRH, QCG, DXG,… Đặc biệt, ba cái tên đáng chú ý nhất tuần qua là DIG, NVL, PDR đều ghi nhận mức giảm xấp xỉ trên 30% với hàng chục triệu cổ phiếu “chất sàn” nhưng không có người mua.
Sau chuỗi giảm sàn liên tiếp, chốt phiên 11/11, NVL dừng lại ở mốc 41.850 đồng/cp với 58 triệu cổ phiếu dư bán sàn. Như vậy, cổ phiếu địa ốc này đã mất 30% chỉ sau 1 tuần và mất gần nửa giá trị chỉ sau 1 tháng.
Giải trình về 5 phiên giảm sàn liên tiếp, doanh nghiệp cho rằng giá cổ phiếu NVL giảm trong thời gian gần đây do yếu tố tâm lý trên thị trường chứng khoán và bị tác động bởi nhiều điều kiện kinh tế vĩ mô.
Diễn biến tương tự với PDR, cổ phiếu này ghi nhận chuỗi 18 phiên giảm điểm liên tiếp, trong đó có 6 phiên giảm sàn. Sau những cú rơi mạnh, thị giá PDR trôi về vùng 26.200 đồng/cp, tương đương mức đáy tháng 12/2020. Đặc biệt, khối lượng dư bán sàn ngày 11/11 lên tới 55 triệu đơn vị, song chỉ vỏn vẹn vài trăm nghìn cổ phiếu có thể khớp lệnh.
Tuy vậy, Phát Đạt lên tiếng khẳng định công ty vẫn hoạt động bình thường, hiệu quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2022 đang tăng trưởng tốt và hoàn toàn không có biến động gì xấu làm ảnh hưởng đến giá cổ phiếu. Doanh nghiệp cho rằng cổ phiếu PDR giảm do cung cầu của thị trường và thị hiếu của nhà đầu tư nằm ngoài tầm kiểm soát của công ty.
Trong bối cảnh cổ phiếu liên tục giảm mạnh, lãnh đạo và cổ đông lớn của Phát Đạt liên tục bị Chứng khoán Yuanta Việt Nam, Chứng khoán Tân Việt “call margin” hàng trăm nghìn đến hàng triệu cổ phiếu PDR. Ngay sau đó, doanh nghiệp này đã có động thái bổ sung tài sản đảm bảo là quyền sở hữu tài sản tại dự án Khu du lịch Bến Thành – Long Hải với diện tích 126.336,5m2 do CTCP Bến Thành Long Hải làm chủ đầu tư.
Không nằm ngoài tâm bão của nhóm BĐS, cổ phiếu DIG cũng có một tuần giao dịch đầy ảm đạm với mức giảm xấp xỉ 30% chỉ trong vòng 1 tuần. Tuy vậy, DIC Corp cũng khẳng định tình hình kinh doanh của công ty vẫn diễn ra bình thường và việc cổ phiếu giảm điểm đều do tác động tiêu cực của yếu tố vĩ mô cộng với niềm tin nhà đầu tư suy giảm.
Sau khi các CTCK ồ ạt “call margin” hàng loạt lãnh đạo và cổ đông lớn, DIC Corp cũng có động thái mới khi bất ngờ mua lại 1.600 tỷ đồng trái phiếu trước hạn vào ngày 10/11.
Đà giảm bao giờ ngưng?
Đà giảm của nhóm cổ phiếu bất động sản không quá khó hiểu khi làn sóng “call margin” lãnh đạo doanh nghiệp vẫn chưa có hồi kết. Dòng tiền doanh nghiệp đã thiếu hụt từ việc siết chặt thị trường trái phiếu và room tín dụng ngân hàng, nay càng chật vật để xoay tiền cân nguồn vay từ các CTCK.
Với diễn biến hiện tại, chỉ cần qua được cơn bĩ cực “margin call” thì thị trường sẽ hồi phục, nhóm cổ phiếu bất động sản cũng ngưng đà giảm. Tuy nhiên, câu hỏi quan trọng là làn sóng giải chấp bao giờ sẽ đi qua?
Để trả lời cho câu hỏi này, ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc Công ty Chứng khoán Yuanta cho rằng có hai cách để doanh nghiệp giải quyết tình trạng “call margin” (1) tăng thêm cổ phiếu để đưa tỷ lệ về ngưỡng an toàn (2) giải quyết các tài sản đảm bảo để bên cho vay không bán tiếp cổ phiếu.
Do đó, doanh nghiệp buộc phải cân được lượng margin tại các CTCK, sau đó có động thái “trấn an” nhà đầu tư. Tuy nhiên, trong bối cảnh doanh nghiệp đang cạn kiệt về dòng vốn, việc mua vào lượng lớn cổ phiếu để “đỡ giá” cũng là một thách thức lớn.
Để “giải cứu” thị trường thoát khỏi tình trạng “call margin”, ông Bùi Văn Huy – Giám đốc Chi Nhánh Chứng khoán DSC đưa ra ví dụ tương tự bối cảnh của TTCK thời điểm hiện tại, đó là cú rơi của thị trường chứng khoán Trung Quốc năm 2015. Với hàng loạt đợt “call margin”, các chỉ số của thị trường trung Quốc khi đó đều rơi 40-50% từ đỉnh.
Tại thời điểm đó, Trung Quốc cũng đã đưa ra các giải pháp hành chính như cấm các cổ đông lớn (nắm trên 5%) bán cổ phiếu và ngưng giao dịch một lượng lớn các cổ phiếu trên sàn trong một thời gian nhất định. Đồng thời, thành lập riêng một ủy ban điều tra về thao túng chứng khoán và bơm thêm thanh khoản của các ngân hàng thương mại.
Theo đó, việc tạm ngưng giao dịch để các cổ đông lớn có thời gian thu xếp vốn nếu tổng lượng call margin quá lớn sẽ tránh tình trạng “hòn tuyết lăn” ngày càng lớn hơn và ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh cốt lõi của các doanh nghiệp và xa hơn là sức khỏe nền kinh tế.
Bàn về riêng nhóm cổ phiếu bất động sản, ông Huy cho rằng cổ phiếu sẽ cân bằng trở lại khi “cơn lốc call margin” qua đi. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp cũng đang rất cố gắng sắp xếp nguồn vốn bằng cách thế chấp nhiều tài sản khác nhau của doanh nghiệp/cá nhân cổ đông lớn.
Tất nhiên vẫn sẽ có những doanh nghiệp chưa thể xoay nguồn ngay được, song chuyên gia dự đoán tuần tới sẽ có nhiều doanh nghiệp cân được số force sell gần đây. Còn với những cổ phiếu vẫn chưa thoát khỏi vòng xoáy margin thì câu chuyện vẫn là “giá nào” để kích cầu thị trường và bên ngoài cổ đông hiện tại.
Tiến Phát
Có thể bạn quan tâm: Tủ sách Đầu tư Happy.Live