fbpx

Peter Lynch: Công ty nhỏ trong ngành công nghiệp đơn giản là mỏ vàng (Phần 3)

Khi những người trong nội bộ say mê mua vào, thì bạn có thể chắc chắn rằng ít nhất công ty sẽ không bị phá sản trong vòng sáu tháng nữa. Tôi cá rằng trong lịch sử có không đến ba công ty bị phá sản trong tương lai gần khi mà việc mua bán nội bộ vẫn tiếp tục diễn ra.

Theo Nhà đầu tư Peter Lynch, nếu như phải lựa chọn giữa việc sở hữu cổ phiếu của một công ty tốt với ban lãnh đạo tuyệt vời trong một ngành công nghiệp phức tạp cạnh tranh cao và một công ty nhỏ với ban lãnh đạo bình thường trong một ngành công nghiệp đơn giản không có cạnh tranh, thì ông sẽ chọn phương án hai.

Peter Lynch

Dưới đây là những thuộc tính tiếp theo trong 13 thuộc tính làm nên một công ty lý tưởng được nhà đầu tư Peter Lynch chia sẻ: 

9. Nó có lợi thế độc quyền

Tôi thà sở hữu cổ phiếu của một công ty khai thác mỏ đá địa phương còn hơn là sở hữu cổ phiếu của Twentieth Century-Fox, bởi vì một công ty điện ảnh có thể cạnh tranh với các công ty điện ảnh khác, và công ty khai khác mỏ đá có lợi thế độc nhất. Twentieth Century- Fox hiểu được điều này khi nó mua lại Pebble Beach, cùng với mỏ đá đi kèm.

Rõ ràng, sở hữu một mỏ đá sẽ an toàn hơn rất nhiều việc sở hữu một mỏ châu báu. Nếu bạn kinh doanh trong lĩnh vực đồ trang sức, bạn sẽ phải cạnh tranh với những công ty trang sức trên toàn thị trấn, toàn bang hay thậm chí cạnh tranh xuyên lãnh thổ quốc gia bởi vì khách du lịch có thể mua đồ trang sức ở bất kỳ nơi đâu và đem về nhà. Nhưng nếu như bạn sở hữu một mỏ đá duy nhất ở Brooklyn, thì bạn là một nhà độc quyền thực sự, bạn còn được bảo vệ một lần nữa bởi sự khan hiếm của những mỏ đá như thế.

Những người trong ngành gọi đây là kinh doanh “chất đống”, cho dù chính xác cái tên gọi là thế nào chăng nữa thì cũng không thể thay đổi sự thật rằng đá, sỏi và cát gần như là những thứ vốn không có giá trị gì. Thật là ngược đời: trộn lẫn chúng với nhau cũng chưa bán được 3 đô la một tấn. Chỉ với giá của một cốc nước cam, bạn đã có thể mua được nửa tấn hỗn hợp trên, nhưng bạn phải có xe tải lớn để vận chuyển chúng về nhà.

mỏ đá
Điều làm nên giá trị của những mỏ đá là nó không hề có đối thủ cạnh tranh nào. Công ty sở hữu mỏ đá ở hai thị trấn láng giềng chắc chắn sẽ không có ý định chuyên chở đá của mình đến bán ở địa bàn của bạn bởi chi phí vận tải sẽ ngốn hết lợi nhuận của công ty.

Điều làm nên giá trị của những mỏ đá là nó không hề có đối thủ cạnh tranh nào. Công ty sở hữu mỏ đá ở hai thị trấn láng giềng chắc chắn sẽ không có ý định chuyên chở đá của mình đến bán ở địa bàn của bạn bởi chi phí vận tải sẽ ngốn hết lợi nhuận của công ty. Bất kể chất lượng đá ở Chicago có tốt đến mức nào thì không một chủ sở hữu mỏ đá nào ở Chicago có thể xâm lược địa bàn làm ăn của bạn ở Brooklyn hay Detroit. Nhờ trọng lượng khổng lồ của đá, nên bạn có được đặc quyền kinh tiêu trong khu vực của mình. Bạn không cần phải thuê hàng tá luật sư để bảo vệ đặc quyền này.

Không thể nào phóng đại thêm giá trị của những đặc quyền kinh tiêu đối với một công ty và các cổ đông. Hiện nay, Inco là công ty sản xuất ni-ken lớn nhất thế giới, và nó vẫn sẽ tiếp tục giữ vị trí thống trị trong vòng 50 năm nữa. Một lần tôi đứng trên rìa mỏ đồng thau Bingham ở Uhtan, nhìn sâu xuống lòng hang đá hùng vĩ, nó như nói với tôi rằng không một ai ở Hàn Quốc và Nhật Bản có thể sáng tạo nên mỏ Bingham.

Một khi bạn có được đặc quyền kinh tiêu đối với bất kỳ sản phẩm nào, bạn có thể tăng giá. Trong trường hợp những mỏ đá, bạn có thể tăng giá tới một ngưỡng sao cho chủ sở hữu của mỏ đá vùng lân cận chưa hề nghĩ tới chuyện cạnh tranh với bạn. Anh ta cũng sẽ tính toán giá cả của mình dựa trên một cách thức giống như vậy.

Ngoài ra, bạn được ưu đãi thuế rất lớn để làm giảm thiểu chấn động bề mặt trái đất, và tán đá, cộng thêm vào đó bạn còn nhận được trợ cấp hao mòn khoáng sản, giống như những gì Exxon và Atlantic Richfield nhận được cho những mỏ dầu và gas của họ. Tôi không thể tưởng tượng nổi ai đó lại có thể phá sản với một mỏ đá. Do đó nếu bạn không sở hữu một mỏ đá, thì điều tốt nhất tiếp theo mà bạn nên làm là mua cổ phiếu của những công ty như Vulcan Materials, Calmat, Boston Sand & Gravel, Dravo, và Florida Rock. Khi những công ty lớn như Martin-Marietta, General Dynamic, hay Ashland bán đi nhiều nhánh hoạt động khác nhau của mình, thì bao giờ họ cũng giữ lại những mỏ đá.

Tôi luôn tìm kiếm những lợi thế độc quyền. Một công ty lý tưởng nhất định phải có được lợi thế này. Warrent Buffett khởi đầu với việc đầu tư vào nhà máy dệt ở New Bedford, Massachusetts, nhưng ngay sau đó ông nhận ra rằng nó không phải là một ngành độc quyền. Ông không thu được nhiều từ ngành dệt, nhưng ông lại mang đến cho những cổ đông của mình hàng tỷ đô la thông qua việc đầu tư vào những thị trường độc quyền. Ông là một trong những người đầu tiên nhận ra giá trị của báo chí và truyền hình – những ngành thống trị những thị trường chủ yếu, bắt đầu với tờ Washington Post. Với cùng một hướng suy nghĩ như vậy, tôi mua tất cả những cổ phiếu của Affliated Publications trong khả năng tài chính của mình. Tập đoàn này hiện đang sở hữu tờ báo địa phương Boston Globe. Vì Globe nắm giữ 90% doanh thu in quảng cáo ở Boston nên làm sao mà Globe có thể lỗđược? Globe có một lợi thế độc quyền, và Times Mirror Company có nhiều hơn thế, bao gồm tờ Los Angeles Times, Newday, Hartford Courant, và Baltimore Sun. Gennet sở hữu 90 tờ nhật báo, và hầu hết trong số này đều là những tờ nhật báo độc nhất vô nhị ở thị trấn. Vào đầu những năm 70, nhà đầu tư nào khám phá ra lợi thế của những tờ báo độc quyền và đặc quyền cung cấp truyền hình cáp sẽ thu được rất nhiều những túi mười gang bởi cổ phiếu của những công ty trong lĩnh vực cáp và truyền thông đã trở nên rất phổ biến và được ưa chuộng ở Phố Wall.

Bất kỳ một phóng viên, biên tập viên, nhân viên xúc tiến quảng nào làm việc cho tờ Washington Post cũng có thể nhận thấy doanh thu và lợi nhuận không ngừng tăng và họ đều hiểu được giá trị của độc quyền. Và cũng vì những lý do tương tự mà một công ty thông tấn báo chí cũng là một đối tượng kinh doanh tuyệt vời.

Những công ty dược phẩm và hóa chất cũng có những lợi thế độc quyền – những sản phẩm mà không một ai khác được phép sản xuất. Phải mất hàng năm để SmithKline có được bằng độc quyền phát minh cho loại thuốc Tagamet. Một khi phát minh được bảo hộ độc quyền thì những công ty đối thủ dù có đầu tư hàng tỷ đô la vào nghiên cứu cũng không thể xâm chiếm được lãnh địa của nó. Cái họ phải sáng chế là một loại thuốc khác, chứng minh được tính khác biệt của nó, và tiến hành thử thuốc trong vòng ba năm trước khi được chính phủ cho phép bán ra thị trường. Họ phải chứng minh rằng loại thuốc này không làm chuột chết khi uống vào, và hầu hết mọi loại thuốc có vẻ như đều giết chết chuột. Hoặc có lẽ những con chuột đã không còn khoẻ mạnh như trước. Bạn hãy suy nghĩ về điều này. Tôi đã từng kiếm được tiền từ một cổ phiếu có liên quan đến chuột – Charles River Breeding Labs. Đây là một ngành không mấy người hứng thú.

Các công ty hóa chất có lợi thế độc quyền đối với những loại thuốc trừ sâu diệt cỏ. Việc chứng minh một loại thuốc có độc tính quả là dễ dàng hơn rất nhiều so với việc chứng minh một loại thuốc có khả năng chữa bệnh. Một khi bạn có được bằng độc quyền sáng chế thì cũng có nghĩa bạn đã sở hữu một cái máy in tiền. Tập đoàn Monsanto ngày nay đã có đến một vài chiếc máy như thế.

Những thương hiệu nổi tiếng như Robitussin hay Tyleco, Coca-Cola hay Marboro, đều có những lợi thế độc quyền. Để phát triển nên một thương hiệu nổi tiếng khắp toàn cầu trong ngành nước giải khát hay thuốc cảm, có khi phải tốn đến cả một gia tài bạc tỷ. Và cả quá trình như vậy phải mất đến hàng năm trời.

10. Mọi người vẫn tiếp tục mua nó

búp bê
Trong ngành công nghiệp đồ chơi, ai đó có thể thiết kế nên một con búp bê xinh đẹp mà bất kỳ bé gái nào cũng muốn có, nhưng mỗi bé lại chỉ cần có một con mà thôi.

Tôi thà đầu tư vào những công ty sản xuất thuốc, nước giải khát có gas, dao cạo râu, hay xì gà còn hơn vào những công ty sản xuất đồ chơi. Trong ngành công nghiệp đồ chơi, ai đó có thể thiết kế nên một con búp bê xinh đẹp mà bất kỳ bé gái nào cũng muốn có, nhưng mỗi bé lại chỉ cần có một con mà thôi. Tám tháng sau, những con búp bê đó sẽ bị nhấc khỏi giá để nhường chỗ cho một con búp bê mới mà bé gái nào “cũng phải có” – của một nhà sản xuất khác.

Tại sao bạn lại đặt niềm tin vào những nơi hay thay đổi như vậy, trong khi xung quanh vẫn còn vô số ngành khác phát triển ổn định?

11. Nó là ngành ứng dụng công nghệ

Thay vì đầu tư vào những công ty máy tính luôn luôn phải cạnh tranh để sinh tồn trong một trận chiến giá cả không hồi kết, tại sao bạn không đầu tư vào một công ty được hưởng lợi từ cuộc chiến giá cả này – ví dụ như Automatic Data Processing? Vì giá máy tính ngày càng rẻ nên Automatic Data Processing có thể tiến hành công việc với chi phí thấp hơn, do đó lợi nhuận sẽ tăng lên. Hay thay vì đầu tư vào những công ty sản xuất máy quét tự động, tại sao bạn không đầu tư vào một siêu thị có lắp đặt những máy quét này? Nếu một máy quét có thể giúp siêu thị cắt giảm 3% chi phí thì chỉ riêng việc này đã có thể nhân đôi doanh thu của siêu thị đó.

12. Những người trong công ty mua cổ phiếu của chính công ty mình

Không có một dấu hiệu nào chứng minh sự thành công của một cổ phiếu tốt hơn việc những người trong nội bộ công ty đang đổ tiền đầu tư vào cổ phiếu đó. Nhìn chung, những người trong công ty là những người bán ròng. Và thông thường tương ứng với mỗi một cổ phần mua vào thì họ sẽ bán ra 2,3 cổ phần. Sau vụ rớt 1.000 điểm từ tháng Tám đến tháng Mười năm 1987, người ta càng tin tưởng hơn khi phát hiện ra rằng cứ một cổ phần bán ra thì có bốn cổ phần được mua vào bởi những người trong nội bộ. Ít nhất họ cũng đã không mất đi niềm tin của mình.

Khi những người trong nội bộ say mê mua vào, thì bạn có thể chắc chắn rằng ít nhất công ty sẽ không bị phá sản trong vòng sáu tháng nữa. Tôi cá rằng trong lịch sử có không đến ba công ty bị phá sản trong tương lai gần khi mà việc mua bán nội bộ vẫn tiếp tục diễn ra. Trong dài hạn, còn có một lợi ích quan trọng nữa. Khi ban giám đốc sở hữu cổ phiếu, thì việc thưởng cổ tức cho các cổ đông sẽ được ưu tiên hàng đầu. Nhưng khi giám đốc chỉ đơn giản tập hợp các bảng lương, thì việc tăng lương sẽ trở thành ưu tiên hàng đầu. Vì những công ty lớn hơn có xu hướng trả nhiều tiền lương hơn cho các giám đốc điều hành, nên nảy sinh một xu hướng tự nhiên là những người ăn lương từ tập đoàn sẽ bằng mọi giá mở rộng công việc kinh doanh, và điều này thường làm phương hại đến các cổ đông. Hiện tượng này sẽ ít phổ biến hơn khi ban giám đốc được đầu tư mạnh vào cổ phần.

Mặc dù, việc các CEO hay chủ tịch tập đoàn với mức lương hàng triệu đô la mua một vài nghìn cổ phần của công ty là một cử chỉ đẹp, nhưng sẽ ấn tượng hơn rất nhiều khi những nhân viên ở hàng ngũ thấp nhất cũng mua vào cổ phiếu của công ty. Nếu bạn thấy ai đó với thu nhập hàng năm 45.000 đô la mua 10.000 đô la cổ phiếu, bạn có thể chắc chắn rằng đó là một lá phiếu ủng hộ cho niềm tin của bạn. Đó là lý do vì sao tôi thích thấy bảy vị phó giám đốc mua 1.000 cổ phần mỗi người hơn là một vị tổng giám đốc mua 5.000 cổ phần. Việc dõi theo tình hình mua bán nội bộ cũng khá đơn giản. Mỗi khi giám đốc hay nhân viên mua bán cổ phần, họ phải giải trình việc này bằng mẫu văn bản 4 và nộp lên Uỷ ban giao dịch chứng khoán để thông báo sự kiện đó. Có nhiều dịch vụ gửi thư thông báo (Newsletter) như Vicker’s Weekly Insider Report và The Insiders, nắm bắt những thông tin trên Barron’s Wall Street Journal, và Investor’s Daily cũng cung cấp những thông tin tương tự. Rất nhiều báo kinh tế địa phương đưa tin về tình hình mua bán nội bộ của các công ty trong khu vực – theo tôi biết Boston Business Journal cũng dành một cột báo để bàn về vấn đề này. Nhân viên môi giới chứng khoán cũng có thể cung cấp cho bạn thông tin, hoặc bạn có thể đăng ký nhận thư thông báo tại thư viện địa phương. Ngoài ra cũng có một bảng công bố khá lớn về tình hình mua bán nội bộ tại ấn bản Value Line.

(Việc bán nội bộ hầu như chẳng có ý nghĩa gì, thật là ngây thơ khi phản ứng trước những thông tin này. Nếu giá cổ phiếu tăng từ 3 đô la lên 12 đô la và chín người trong công ty đang bán cổ phần ra, thì tôi sẽ chú ý, đặc biệt là khi họ đang bán ra một khối lượng lớn cổ phần. Nhưng trong những trường hợp thông thường, việc bán ra từ những người trong nội bộ không phải là dấu hiệu của những rắc rối sẽ xảy ra với công ty. Có rất nhiều lý do khác giải thích cho hành động này. Họ có thể đang cần tiền để chi trả học phí cho con cái, hoặc họ muốn mua một căn nhà mới hay họ cần thanh toán một khoản nợ. Họ có thể vừa quyết định đa dạng hóa danh mục đầu tư vào những cổ phiếu khác. Nhưng chỉ có một lý do duy nhất cho việc mua vào: họ cho rằng cổ phiếu đang bị định giá thấp và chắc chắn giá sẽ tăng lên.

13. Công ty đang mua lại cổ phần của chính mình

Mua lại cổ phần là cách đơn giản và tốt nhất mà một công ty có thể đền đáp cho những nhà đầu tư của mình. Nếu một công ty có niềm tin vào tương lai của mình, thì tại sao nó lại không đầu tư vào chính mình, giống như những cổ đông khác đang làm? Sau vụ sụt giá vào ngày 20 tháng 10 năm 1987, lời tuyên bố mua vào một khối lượng cổ phần của công ty đã giúp bình ổn lại thị trường đang trong cơn náo loạn. Về dài hạn, việc mua vào của công ty sẽ là phần thưởng lớn dành cho các nhà đầu tư.

Khi cổ phiếu được công ty mua lại, nó sẽ ra khỏi dòng lưu thông, do đó số lượng cổ phiếu hiện hành sẽ ít đi. Điều đó sẽ có một tác động diệu kỳ đến tỷ số thu nhập trên cổ phần, và lần lượt sẽ tác động diệu kỳ lên giá cổ phiếu. Nếu một công ty mua lại một nửa số cổ phần của mình và tổng doanh thu của công ty vẫn giữ nguyên, thì thu nhập trên một cổ phần sẽ tăng lên gấp đôi. Hầu như không có mấy công ty làm được điều này thông qua biện pháp cắt giảm chi phí hay bán tài sản.

Peter Lynch

Exxon đang mua lại cổ phần của chính mình bởi chi phí cơ hội rẻ hơn so với đầu tư vào khoan và khai thác dầu khí. Exxon sẽ tốn khoảng 6 đô la một thùng để tìm kiếm dầu, nhưng nếu mỗi cổ phần của Exxon đại diện cho 3 đô la một thùng trong tài sản dầu của Exxon thì những cổ phần được rút khỏi lưu thông sẽ có một tác động tương tự như việc khám phá ra 3 đô la dầu trên sàn của sở giao dịch chứng khoán New York.

Thực tiễn đúng đắn này chẳng mấy khi được nhắc tới cho đến thời gian gần đây. Trở lại những năm 60, International Daily Queen là một trong những tập đoàn tiên phong trong việc mua lại cổ phần, nhưng rất ít những công ty khác đi theo xu hướng này. Ở thời kỳ phát triển rực rỡ của mình, Crown, Cord, và Seal hàng năm cũng mua lại cổ phần trong suốt hai mươi năm qua. Họ không bao giờ trả cổ tức, và họ chưa bao giờ thực hiện những vụ sáp nhập không mang lại lợi nhuận, nhưng bằng cách giảm lượng cổ phần lưu thông trên thị trường, họ đã đạt được doanh thu tối đa đến mức có thể. Nếu như việc này tiếp tục, sẽ có hàng nghìn cổ phần của Crown, Cord, và Seal có giá trị trên 10 triệu đôla.

Ở Teledyne, ngài chủ tịch Henry E. Singeton thường xuyên đặt mua cổ phiếu ở mức giá cao hơn rất nhiều so với đấu giá ở trung tâm giao dịch chứng khoán. Khi Teledyne được bán với giá 5 đô la thì ông có thể trả giá đến 7 đô la, và khi giá là 10 đô la thì ông sẵn sàng trả 14 đô la. Như vậy ông đã mang đến cho các cổ đông cơ hội kiếm được khoản lợi tức lớn ngoài sức tưởng tượng. Niềm tin của Teledyne vào chính bản thân mình là bằng chứng hùng hồn thuyết phục hơn bất kỳ một bản báo cáo thường niên hoa mỹ nào.

Những phương án khác tương đương với việc mua lại cổ phiếu là (1) tăng cổ tức, (2) phát triển sản phẩm mới, (3) khởi động một dây chuyền mới, và (4) tiến hành sáp nhập. Gillete đã nỗ lực thực hiện cả bốn phương án trên, nhấn mạnh vào ba phương án sau cùng. Nhờ vậy mà Gillete đã thu được lợi nhuận khổng lồ từ việc kinh doanh lưỡi dao cạo. Nếu như công ty này cứ tiếp tục mua lại cổ phiếu của mình và tăng cổ tức lên thay vì chuyển vốn sang lĩnh vực mỹ phẩm, thiết bị toa-let, bút bi, bật lửa, văn phòng phẩm, thuốc đánh răng, thuốc dưỡng tóc, đồng hồ kỹ thuật số, và rất nhiều những thứ khác, thì giá cổ phiếu có thể lên tới 100 đô la thay vì 35 đô la như hiện nay.

Trong năm năm gần đây, Gillete đã tìm lại được hướng đi đúng khi loại bỏ những hoạt động gây thua lỗ và chú trọng vào sản phẩm nòng cốt của mình là dao cạo râu. Sản phẩm này của Gillete hiện đang thống trị thị trường. Ngược với việc mua lại cổ phiếu là phát hành thêm nhiều cổ phiếu, hay còn được gọi là quá trình làm loãng giá trị cổ phiếu. International Harvester, bây giờ là Navistarr, bán ra thị trường thêm hàng triệu cổ phiếu để huy động vốn giúp công ty thoát khỏi tình trạng khủng hoảng tài chính do sự sụp đổ của ngành sản xuất thiết bị nông nghiệp gây ra.

Nhưng hãy nhớ rằng Chrysler đã làm điều ngược lại – mua lại các cổ phiếu cũng như chứng chỉ bảo đảm và giới hạn số cổ phiếu hiện hành khi mà công việc làm ăn bắt đầu tiến triển. Navistar lại một lần nữa làm ăn phát đạt, nhưng vì giá trị cổ phiếu đã trở nên quá loãng do số lượng phát hành quá nhiều nên những gì mà các cổ đông thu được sau sự phục hồi giá là không đáng kể.

Nguồn: Trên đỉnh phố Wall/ Tổng hợp & Biên tập: Happy.Live

Có thể bạn quan tâm

Bộ sách Đầu tư giá trị từ A đến Z

bo-sach-dau-tu-gia-tri-tu-den-z

ĐẶT SÁCH NGAY

Các viết cùng chủ đề