Đầu tư như đánh trận, phải biết cả tấn công và phòng thủ
Bắt đầu với một câu hỏi khá đơn giản: Trong đầu tư, điều gì quan trọng hơn với bạn: Giành chiến thắng, hay cố để không bị thua cuộc?
Tấn công và phòng thủ trong đầu tư là gì?
Tấn công thì dễ định nghĩa rồi. Một cách dễ hiểu, tấn công là áp dụng những chiến thuật mạo hiểm và tăng rủi ro trong việc theo đuổi lợi nhuận trên trung bình.
Nhưng còn phòng thủ thì sao?
Đó là thay vì làm những điều đúng đắn thì trọng tâm chính của nhà đầu tư phòng thủ là không phạm phải sai lầm.
Sự khác biệt giữa “làm điều đúng đắn” và “tránh phạm phải sai lầm”
Không thể phủ nhận, nhìn bề ngoài thì nghe có vẻ như giống nhau thật. Nhưng khi bạn nhìn sâu hơn, có một sự khác biệt rất lớn giữa 2 quan điểm này. Sự khác biệt ở đây nằm ở tư duy. Tư duy cần thiết để làm điều đúng đắn sẽ khác với tư duy cần thiết cho tránh phạm phải sai lầm. Và vì tư duy khác nhau, chiến thuật thực hiện mà cả hai hướng đến cũng khác nhau.
Phòng thủ nghe có vẻ không có gì khác với cố gắng tránh các kết quả xấu, nhưng nó không hẳn mang ý nghĩa tiêu cực hay thiếu khát vọng. làm giàu. Phòng thủ thực sự có thể được coi là một nỗ lực để mang lại lợi nhuận cao hơn, nhưng thông qua việc tránh các nhược điểm hơn là tận dụng ưu điểm, và nghiêng về hướng đều đặn mà tiến bộ một cách vừa phải còn hơn là le lói một chút huy hoàng rồi chợt tắt.
Có hai yếu tố chính trong đầu tư phòng thủ
Thứ nhất, là loại bỏ các tài sản tệ hại ra khỏi danh mục đầu tư. Điều này được thực hiện tốt nhất bằng cách tiến hành thẩm định sâu rộng, áp dụng tiêu chuẩn cao, đòi hỏi mức giá thấp và biên sai số rộng nên sẽ khó khăn hơn trong việc đặt cược vào việc tiếp tục tăng trưởng, các dự báo với lăng kính màu hồng và và tất nhiên, sự phát triển đó có thể không chắc chắn.
Yếu tố thứ hai là tránh những thời điểm khó khăn, đặc biệt là tránh tổn hại trong các vụ sụp đổ. Ngoài các thành phần được mô tả ở trên giúp loại các khoản đầu tư thua lỗ ra khỏi danh mục, khía cạnh của đầu tư phòng thủ đòi hỏi đa dạng hóa danh mục đầu tư một cách thận trọng, giới hạn rủi ro tổng thể, và nói chung, là nghiêng về sự an toàn.
Về khía cạnh đầu tư tấn công…
Đầu tư tập trung (ngược lại với đa dạng hóa) và sử dụng đòn bẩy là hai ví dụ về tấn công. Cả hai sẽ làm tăng lợi nhuận khi hoạt động hiệu quả, nhưng lại được chứng minh là có hại khi không hiệu quả: lợi nhuận tiềm năng cao hơn và thua lỗ nhiều hơn từ các chiến thuật mạo hiểm.
Tuy nhiên, việc cố sử dụng quá nhiều chiến thuật có thể gây phá hủy cơ hội sống còn của nhà đầu tư nếu mọi thứ đi sai hướng. Suy cho cùng, phòng thủ có thể tăng khả năng của bạn để có thể vượt qua thời điểm khốn khó và tồn tại đủ lâu để tận hưởng lợi nhuận sau cùng từ các khoản đầu tư thông minh.
*tham khảo sách Điều Quan Trọng Nhất – Howard Marks
Vậy sự lựa chọn của bạn là gì? Tấn công hay Phòng thủ?
Hãy cùng khép bài viết này với câu nói nổi tiếng của Charlie Munger
Điều đáng chú ý là những người như chúng tôi đã có được bao nhiêu lợi thế lâu dài bằng cách cố gắng nhất quán không ngu ngốc, thay vì cố tỏ ra rất thông minh.
– Charlie Munger –
Có thể bạn quan tâm: Điều Quan Trọng Nhất – Howard Marks
Sự khôn ngoan khác biệt dành cho những nhà đầu tư thông minh
(Cuốn sách huyền thoại Warren Buffett khuyên mọi NĐT nên đọc)