Định thời điểm: Khi nào ra khỏi vị thế lỗ?
Thời điểm để suy nghĩ rõ ràng nhất về lý do và lúc nên thoát ra, là trước khi vào vị thế. Trong bất kỳ hệ thống giao dịch nào, điều quan trọng nhất là bảo toàn vốn. Định trước điểm bán không chỉ giúp bạn bảo toàn vốn mà còn tái phân bổ vào các thị trường cơ hội hơn.
Và khi nào các nhà giao dịch theo xu hướng thoát khỏi vị thế thua lỗ?
Thoát thật nhanh! Đây là điều cơ bản trong giao dịch theo xu hướng.
Theo Bernard Baruch, tư duy về việc cắt lỗ đã tồn tại từ trước giao dịch theo xu hướng: “Nếu một nhà đầu cơ đúng phân nửa thời gian, anh ta ở mức tốt. Dù chỉ đúng 3 hoặc 4 trong số 10 lần cũng sẽ cho anh ta cả gia tài nếu anh ta có ý thức cắt lỗ nhanh trên những lần sai”.
Ví dụ bạn mở vị thế GOOG với cắt lỗ 2%. Điều này có nghĩa nếu bạn mất 2%, bạn thoát ra. Chấm hết. Thoát ra ngay. Đừng tranh luận. Xem lại giao dịch đồng Bảng Anh trong Chương 2 phần về Dunn mà xem. Đồ thị đó (Hình 2.3) cho thấy các lệnh vào và dừng lỗ. Dunn liên tục nhận tín hiệu vào và thoát ra. Xu hướng ban đầu là tăng, sau đó giảm. Ông vào rồi ra vị thế. Dunn biết ông không thể dự đoán hướng đi của Bảng Anh. Ông chỉ biết mình nhận được tín hiệu, nên ông lên tàu. Sau đó ông lại nhận tín hiệu nên ông thoát ra. Mọi thứ cứ lặp đi lặp lại. Dunn nói việc này cứ như đang chơi trò cưỡi ngựa phi vậy.
Các nhà giao dịch gọi các nhịp lên xuống này là xu hướng răng cưa. Răng cưa là những nhịp lên xuống nhanh nhưng chẳng đi đến đâu. Giao dịch của bạn đi theo các nhịp răng cưa này, gây ra các khoản lỗ nhỏ do không có xu hướng bền vững. Seykota cho biết cách duy nhất để tránh rơi vào giai đoạn răng cưa là ngừng giao dịch. Răng cưa là một phần của giao dịch. Nếu không muốn sống với chúng thì đừng giao dịch.
Một nhà giao dịch thâm niên chuyên nghiệp đã chia sẻ câu chuyện tuyệt vời về những ngày tham gia lò luyện giao dịch theo xu hướng Commodities Corporation đưa ra quan điểm:
Đầu những năm 90, Commodities Corporation (CC) đưa một số nhà giao dịch Nhật Bản đến để “đào tạo” nội bộ. Tất nhiên mục tiêu thực sự là để thu được khoản tiền lớn từ những người Nhật Bản này. Tôi vẫn được họ trọng vọng và CC yêu cầu tôi ăn trưa với những quý ông đấy. Họ mới biết đến chương trình và tôi hy vọng cung cấp cho họ một số góc nhìn về cách tôi xử lý giao dịch. Tôi bảo họ phải đề ra một phương pháp hoặc hệ thống phù hợp với con người họ. Rồi tôi bảo họ sẽ rất tuyệt nếu tìm được một người cố vấn và tôi luôn sẵn sàng khi họ có thắc mắc hoặc vấn đề, đến giờ tôi vẫn thế.
Sau đó, tôi bắt đầu thảo luận về tầm quan trọng của quản trị rủi ro và chia sẻ rằng tôi chỉ sẵn sàng chấp nhận rủi ro 1% cho mỗi lần đặt cược khi giao dịch với tiền của khách hàng. Ngày nay tôi quyết liệt hơn lúc ấy.
Tôi nói thua lỗ là một phần của quá trình tìm kiếm giao dịch chiến thắng. Tôi sẽ không bao giờ quên nhà giao dịch trẻ nhất đã nhìn thẳng vào mắt tôi và bối rối hỏi: “Ông có bị lỗ sao?”. Ngay lúc đó, tôi biết những “chú chim non” (baby birds – tay mơ) này còn cả chặng đường dài, và thỉnh thoảng tôi tự hỏi không biết họ ra sao rồi.
Tôi dám cá nhà giao dịch trẻ kia đã chuyển nghề.
Trích: quyển sách “TREND FOLLOWING:Cách thức để kiếm được vận may lớn và giàu có trong các thị trường Bò, Gấu và các sự kiện Thiên nga đen”
Có thể bạn quan tâm: Trend Following
“Thánh kinh” giao dịch theo xu hướng – Làm chủ dòng chảy thị trường tài chính