Đón đọc Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 8-2022
Mời quý độc giả đón đọc Kinh tế Việt Nam bộ mới số 8 phát hành ngày 21-02-2022 với nhiều chuyên mục hấp dẫn…
Cho phép mở lại chuyến bay thương mại quốc tế từ ngày 15/2 cũng như tuyên bố mở cửa du lịch quốc tế từ ngày 15/3, Việt Nam đang phát đi những thông điệp đầu tiên ra thế giới về quyết tâm mở cửa trở lại.
Việc quyết liệt khôi phục đường bay quốc tế không những tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài trực tiếp đến tìm kiếm những cơ hội từ phục hồi và phát triển kinh tế ở Việt Nam mà còn vực dậy ngành hàng không và du lịch – đã bị đại dịch tàn phá đến kiệt quệ suốt 2 năm qua. Yêu cầu này càng quan trọng hơn khi Việt Nam đang rất cần nguồn vốn và kỹ năng quản trị từ nhà đầu tư nước ngoài cho những lĩnh vực mới như năng lượng sạch, nông nghiệp hữu cơ, đổi mới sáng tạo… Nhiều chuyến bay quốc tế hơn cũng sẽ giúp Việt Nam có thêm cơ hội để khai thác các FTA mới, trong đó có Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực đã đi vào thực hiện từ ngày 01/01/2022.
Trong số báo ra sáng mai, thứ Hai, 21/2/2022, Tạp chí Kinh tế Việt Nam sẽ dành trọn chuyên mục Tiêu điểm cho chủ đề “Mở cửa quốc tế, đón dòng đầu tư” nhằm ghi lại những ý kiến, những góc nhìn và cả những kiến nghị cho việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết khi Việt Nam chính thức mở cửa quốc tế trong điều kiện bình thường mới.
Các bài viết bao gồm:
–Phục hồi du lịch sau đại dịch: Cần “cần câu hơn là con cá”. Việc mở cửa du lịch quốc tế trở lại từ ngày 15/3 sẽ đem đến những cơ hội mới cho ngành du lịch trở lại “đường đua” tăng trưởng. Song để thực sự bứt tốc, ngoài việc hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết bài toán về tài chính, nhân lực… cơ quan quản lý nhà nước cần có định hướng rõ ràng về hướng đi của ngành trong thời gian tới. Phỏng vấn ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban Thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB). (Anh Nhi).
– Ngành hàng không phục hồi sau thời gian dài thua lỗ. Việc dỡ bỏ hoàn toàn hạn chế tần suất các đường bay quốc tế từ ngày 15/2 cùng các chương trình kích cầu du lịch giúp ngành hàng không sớm phục hồi sau thời gian dài thua lỗ. Tuy nhiên, hệ thống cơ sở hạ tầng kém sẽ là một trở lực “kìm chân” sự trỗi dậy của ngành. (Ánh Tuyết).
– Bắt đầu đón những dự án tỷ đô hậu đại dịch. Từ khi Việt Nam thay đổi toàn diện chính sách chống dịch, những cơ hội lớn trong thu hút nguồn vốn FDI đã mở ra. Đầu năm 2022, Hải Dương “mở hàng” với biên bản ghi nhớ đầu tư dự án Công viên Dược phẩm có trị giá hơn 10 tỷ USD. Tín hiệu lạc quan này cho thấy, Việt Nam sẽ tiếp tục bứt phá khi mở cửa bầu trời, mở cửa đất nước. (Hoàng Việt).
– Vá “lỗ hổng” nhân sự ngành du lịch hậu đại dịch. Dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần vừa qua, khi du lịch nội địa cơ mở cửa, rất nhiều tín hiệu lạc quan đã được ghi nhận, hàng loạt tỉnh thành đã “bội thu” du khách nội địa. Nhưng quãng thời gian mở cửa “nháp” cũng cho thấy một thực tế đáng lo ngại, đó là tình trạng khủng hoảng thiếu nhân sự trầm trọng của ngành công nghiệp không khói. (Song Hoàng).
– Mở cửa du lịch, đón dòng đầu tư. Mở cửa, mở cửa và mở cửa, đó là những cụm từ được những người làm du lịch nhắc tới nhiều nhất trong những ngày vừa qua. Chỉ có mở cửa đất nước, mở cửa bầu trời, đón du khách từ năm châu thì du lịch nói riêng và nhiều ngành kinh tế của Việt Nam mới chính thức trở lại đường băng phát triển. Để có thêm những góc nhìn về câu chuyện mở cửa, trong Diễn đàn bàn tròn kỳ này, Tạp chí Kinh tế Việt Nam đã ghi lại những quan điểm, ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý và các doanh nghiệp. (Nhóm phóng viên thực hiện)
Cùng nhiều chuyên mục hấp dẫn khác về kinh tế Việt Nam:
– Đừng để lỡ nhịp phát triển. Việt Nam đã mở cửa nền kinh tế và mở cả bầu trời cho các hãng hàng không quốc tế đưa khách từ nước ngoài đến nước ta, như thời kỳ trước dịch. Điều đó càng đòi hỏi phải triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội theo đúng tiến độ và đạt kết quả như Nghị quyết số 11/NQ-CP đề ra. (Nguyễn Quốc Uy).
– Xuất siêu đầu năm: Mừng ít lo nhiều? Trong tháng đầu tiên của năm 2022, xuất siêu của cả nước đã đạt 1,39 tỷ USD (cao hơn 1,3 tỷ USD của năm 2021). Nhìn tổng thể, đây là kết quả tích cực trong bối cảnh diễn biến của dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp, thương mại toàn cầu chưa thực sự hồi phục. Tuy nhiên, nếu đánh giá con số cụ thể, thành tích xuất siêu vẫn hoàn toàn thuộc về khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. (Mạnh Đức).
– Giải ngân vốn đầu tư công: Quy trách nhiệm cho người đứng đầu. Việc Thủ tướng Chính phủ liên tiếp ký ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP, Chỉ thị 01 và Công điện số 126/CĐ-TTg về việc đôn đốc triển khai quyết liệt, hiệu quả chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công một lần nữa cho thấy sự quyết liệt của Chính phủ trong chỉ đạo thực hiện các giải pháp để đưa nền kinh tế phục hồi hiệu quả, phát triển bền vững. Điều đó cũng có nghĩa, không thể chần chừ trong thực hiện nhanh và hiệu quả các biện pháp nhằm đẩy nhanh tiến trình phục hồi kinh tế. (Khánh Vy).
– Công nghiệp sẽ bứt phá trong năm mới. Theo báo cáo của Bộ Công Thương, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 01/2022 giảm 3,1% so với tháng 12/2021 và tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: ngành chế biến, chế tạo tăng 2,8%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 5,1%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,2%; ngành khai khoáng giảm 4,6%. (Nguyễn Mạnh).
– Thực hiện “giấc mơ” về Trung tâm Tài chính quốc tế TP.HCM. Ý tưởng về việc xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế tại TP.HCM đã có từ cách đây khoảng 20 năm nhưng đến nay vẫn đang còn xem xét, chỉnh sửa. Nhiều chuyên gia cho rằng để xây dựng một trung tâm tài chính như vậy cần có tư duy đột phá, vượt ra khỏi khung khổ pháp lý hiện hành thì dự án mới có thể khả thi và triển khai được trong thời gian tới. (Linh Lan).
– Chặn cửa né thuế của hoạt động thương mại điện tử. Số thuế ngành thương mại điện tử đóng góp cho ngân sách nhà nước chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”. Để hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số “hết cửa” né thuế, cơ quan thuế sẽ tiếp tục củng cố hành lang pháp lý, tạo hệ thống dữ liệu liên thông và mạnh tay xử lý các hành vi gian lận, lách thuế. (Ánh Tuyết).
– Xây dựng cơ chế thúc đẩy sáng tạo trên thị trường tài chính. Dù đạt nhiều bước tiến trong quá trình ứng dụng và phát triển Fintech trong nước nhưng Việt Nam cần có nhiều hành động thiết thực hơn nữa để có các định hướng và chính sách hỗ trợ việc xây dựng các cơ chế thúc đẩy sáng tạo (innovation facilitator – IF) trên thị trường tài chính. (Kiều Mai).
– Phát triển hệ sinh thái nền tảng số. Để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số tại Việt Nam cần nhiều yếu tố, trong đó hình thành và phát triển hệ sinh thái nền tảng số là một trong những giải pháp đột phá. Nền tảng số được coi là “hạ tầng mềm” của không gian số, giải quyết các bài toán cụ thể của chuyển đổi số Việt Nam. (Nhĩ Anh).
– Những quy định mới quyết định tương lai tiền điện tử ở Nga. Năm 2022 dự kiến sẽ là năm có nhiều sự thay đổi lớn trong lĩnh vực tiền điện tử tại Nga. Phó Thủ tướng Nga Dmitry Chernyshenko mới đây đã ký một “lộ trình” hoạt động của tiền điện tử, mở ra một lối đi đầy hứa hẹn tạo đột phá trong lĩnh vực tiền điện tử ở quốc gia này. (Phương Anh).
– Mặt bằng bán lẻ chịu áp lực lớn, khó lấp đầy. Cho tới thời điểm hiện tại, không chỉ nhà phố mà các trung tâm thương mại cũng phải chấp nhận cảnh đìu hiu khi các đơn vị kinh doanh bán lẻ gặp nhiều khó khăn do vắng khách. Điều này đòi hỏi cả chủ đầu tư lẫn khách thuê mặt bằng phải thay đổi chiến lược hoạt động kinh doanh của mình, để tiếp cận và đáp ứng được xu hướng mới trên thị trường. (Thanh Xuân).
– “Thức tỉnh” để tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Điệp khúc “đóng – mở – đóng – mở” cửa khẩu phía Bắc khiến hàng nông sản tắc nghẽn đã diễn ra thường xuyên trong nhiều năm chưa dừng. Theo các chuyên gia, đã đến lúc chúng ta cần “thức tỉnh” để tái cơ cấu sản xuất, thay đổi phương thức xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. (Vũ Khuê).
– Tránh tái diễn ùn tắc mậu biên: Cần xây dựng vùng đệm.Trong bối cảnh Trung Quốc thực hiện chính sách “zero Covid”, nhiều doanh nghiệp cho rằng cần xây dựng và đưa vào vận hành khu trung chuyển, vùng đệm xanh an toàn để có thể xuất khẩu một cách thuận lợi nhất.(Lưu Hiệp).
– Giá xăng tăng cao, doanh nghiệp vận tải “đau đầu” ứng phó. Với giá xăng hiện đã vượt 25.000 đồng/lít – mức cao nhất trong 8 năm qua, các doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ, nhất là doanh nghiệp vận tải, “khó chồng khó” khi chưa kịp khôi phục lại hết công suất hoạt động do dịch bệnh Covid-19. (Lưu Hà).
– Xuất khẩu thanh long sang Ấn Độ: Tránh “vết xe đổ” với Trung Quốc. Theo số liệu thống kê từ Bộ Công Thương, 7 tháng cuối năm 2021, trái thanh long Việt Nam chiếm gần 90% thị phần tại Ấn Độ. Mặc dù sản lượng xuất khẩu tăng nhưng chỉ bằng khoảng 1% lượng xuất loại trái cây này sang thị trường Trung Quốc. Nhiều ý kiến cảnh báo, chúng ta đã có bài học với thị trường Trung Quốc nên đừng để lặp lại tình trạng này ở thị trường Ấn Độ. (Vũ Khuê).
– Để “vực dậy” thị trường lao động: Cần giải pháp đột phá. Báo cáo nhanh mới đây của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về tác động của đại dịch Covid-19 tới thị trường lao động cho thấy sự đình trệ trong công cuộc phục hồi toàn cầu và sự chênh lệch đáng kể giữa các nền kinh tế phát triển và đang phát triển. Đặc biệt, dự báo số người thất nghiệp tại Việt Nam sẽ tăng lên. (Dũng Hiếu).
– “Bùng nổ” thiết bị công nghệ theo dõi sức khỏe. Trái ngược với các ngành khác bị ảnh hưởng nghiêm trọng do dịch bệnh Covid-19, chính khả năng theo dõi sức khoẻ và hỗ trợ điều trị trang bị đầy đủ thiết bị đeo thông minh đã trở nên cần thiết và phổ biến trong thời buổi mà người ta hiểu ra không gì quan trọng hơn sức khỏe. (Hoài Phương).
– Cuộc chiến khí đốt Nga-Ukraine chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Thỏa thuận 5 năm được ký kết giữa Naftogaz và Gazprom từ năm 2019 và sẽ hết hạn vào năm 2024, dựa trên cơ sở “bơm hoặc trả tiền” đã đi được gần hai phần ba đoạn đường. Các chuyên gia dự đoán năm 2022 sẽ là năm có nhiều biến động của thị trường khí đốt trong bối cảnh hai nước Nga và Ukraine chưa thể xuống thang mâu thuẫn. (Lan Phương).
– Xung đột Nga-Ukraine đẩy giá dầu leo thang. Căng thẳng địa chính trị ở biên giới giữa Nga và Ukraine đẩy giá dầu vốn dĩ đã cao lên mức cao hơn trong thời gian gần đây, khiến áp lực lạm phát càng thêm nóng. (Bình Minh).
– Fed chống lạm phát và nguy cơ đánh đổi tăng trưởng kinh tế. Với tình hình lạm phát không ngừng leo thang, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang tiến tới bắt đầu chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ nhằm hãm đà tăng của giá cả. Tuy nhiên, giới phân tích lo ngại Fed có thể mạnh tay quá mức, đặt ra những thách thức cho nền kinh tế, đặc biệt là thị trường lao động. (An Huy).
Nguồn: vneconomy.vn
Có thể bạn quan tâm: Tủ sách Đầu tư Happy.Live