Đừng để sự phi lý của chi phí chìm (sunk cost) nhấn chìm khoản đầu tư của bạn
Mặc dù chi phí chìm không nên ảnh hưởng đến quyết định trong hiện tại, con người khó mà buông bỏ được chi phí này. Một nhà đầu tư có thể mua thêm cổ phiếu dù giá đang giảm. Tại sao?
Daniel Kahneman, Nhà Tâm lý học đầu tiên đoạt giải Nobel Kinh tế, phát hiện ra mọi người ghét thua lỗ đến độ đưa ra quyết định phi lý trí để tránh thua lỗ. Điều này giải thích lý do tại sao một số nhà đầu tư bán các cổ phiếu chiến thắng quá sớm, nhưng lại ôm cổ phiếu lỗ quá lâu.
Đặc tính của con người là chốt lời từ cổ phiếu chiến thắng quá nhanh vì cứ nghĩ rằng lợi nhuận sẽ không tồn tại lâu, nhưng lại lì lợm ôm lỗ với hy vọng giá sẽ tăng trở lại.
Hệ thống giao dịch theo xu hướng biết nếu không cắt lỗ, không thoát ra với khoản lỗ nhỏ, thì khoản lỗ sẽ phình lên như ung thư. Bạn càng không chấp nhận khoản lỗ nhỏ, càng vật lộn với nó, khoản lỗ sẽ càng lớn và càng khó giải quyết trong tương lai – đó là nếu như khi ấy bạn chưa cháy tài khoản. Vấn đề của việc chấp nhận thua lỗ là nó buộc mọi người thừa nhận họ đã sai. Con người không thích mình sai – cái tôi là thứ điều khiển việc ra quyết định.
Chi phí chìm (sunk cost) là gì?
Theo đó, khi thảo luận về lý do tại sao chúng ta là kẻ thù tồi tệ nhất của chính mình trong đầu tư, mọi người sẽ bắt đầu với chi phí chìm. Chi phí chìm là chi phí đã phát sinh mà bạn không thể bù đắp được, thứ bạn không thể lấy lại được.
Tư duy theo chi phí chìm cho phép bạn nhìn nhận khoản lỗ đúng theo bản chất của nó: lỗ là lỗ.
Mặc dù chi phí chìm không nên ảnh hưởng đến quyết định trong hiện tại, con người khó mà buông bỏ được chi phí này. Một nhà đầu tư có thể mua thêm cổ phiếu dù giá đang giảm vì ban đầu họ đã đưa ra quyết định mua (“Quyết định của tôi là đúng!”). Mua xong, tuýp nhà đầu tư này sẽ ưỡn ngực bảo, “Tôi mua được giá chiết khấu!”. Nếu giá cổ phiếu đó không tăng trở lại (mà thường là như thế), lý thuyết của anh ta tiêu tùng cùng bài học nhớ đời về khoản lỗ lớn.
“Chấp nhận khoản lỗ nhỏ rồi về nhà” là yếu tố quan trọng nhất trong giao dịch theo xu hướng. Tuy nhiên, rất nhiều nhà đầu tư tham gia thị trường lại thiếu quyết đoán khi phải xử lý chi phí chìm. Mặc dù về mặt nhận thức, mọi người đều biết họ không thể làm gì với số tiền đã bỏ ra và phải tiến lên, nhưng về mặt cảm xúc, con người cứ day dứt trong đầu và dành cả đời để lo lắng.
Thử nghiệm vé xem phim và sự phi lý trí của chi phí chìm
Một thử nghiệm với vé xem phim 10 đô la cho thấy sự phi lý trí của chi phí chìm. Kahneman yêu cầu một nhóm sinh viên tưởng tượng họ đến rạp chiếu phim nhưng phát hiện mình bị mất vé. “Bạn có trả thêm 10 đô la nữa để mua vé khác không?”. Nhóm thứ hai được yêu cầu tưởng tượng họ sẽ đi xem phim nhưng chưa mua vé trước. Khi đến rạp, họ nhận ra mình bị mất tờ 10 đô la. Vậy họ có mua vé không?
Trong cả hai trường hợp, về cơ bản các sinh viên được hỏi cùng một câu đơn giản: Bạn có muốn chi 10 đô la để mua lại vé không? 88% nhóm thứ hai – nhóm mất tờ 10 đô la – chọn mua vé. Tuy nhiên, nhóm đầu tiên, nhóm bị mất vé, tập trung vào chi phí chìm, họ có khuynh hướng đặt câu hỏi theo cách khác: Tôi có sẵn sàng bỏ ra 20 đô la để xem một bộ phim 10 đô la không? Chỉ 46% nói có.
____
“Để trở thành một nhà giao dịch giỏi, bạn cần phải giao dịch bằng con mắt của mình, nhận ra các xu hướng và ngã rẽ thực sự, không lãng phí thời gian hoặc năng lượng cho những hối tiếc và mơ mộng.”
– Alexander Elder
Trích: quyển sách “TREND FOLLOWING: Cách thức để kiếm được vận may lớn và giàu có trong các thị trường Bò, Gấu và các sự kiện Thiên nga đen”
Có thể bạn quan tâm: Trend Following
“Thánh kinh” giao dịch theo xu hướng – Làm chủ dòng chảy thị trường tài chính