Giá và giá trị của sự xa xỉ, từ đâu mà có?
Trong những thế kỷ trước, ngay cả những hàng hóa như cam, đường và ca cao cũng là những thứ xa xỉ dành cho người giàu ở châu Âu. Các định nghĩa của bên thứ ba về việc “thế nào là xa xỉ dành cho người giàu” sẽ không thể giải thích được những thay đổi như thế này, chưa kể việc có các bên thứ ba chèn ép thị trường tự do có thể khiến những hàng hóa đó trở thành thứ xa xỉ độc quyền lâu hơn so với trong thị trường được tự do phát triển.
Thông thường, thị trường hay bị đổ lỗi là cản trở các giá trị đạo đức hoặc xã hội. Ví dụ, các cây viết của tờ San Francisco Chronicle đã viết “thị trường có thể trở nên vô đạo đức đến mức nào” khi giải thích lý do tại sao không thể giao nguồn cung cấp nước thuộc sở hữu của thành phố Stockton, California, cho một doanh nghiệp tư nhân. Tờ Chronicle đã dẫn lời thị trưởng của Stockton rằng: “Nước là thứ hàng hóa quá quan trọng để duy trì sự sống”. Tuy nhiên, hàng ngày, các hàng hóa để duy trì sự sống vẫn được cung cấp thông qua các doanh nghiệp tư nhân. Hơn nữa, hầu hết các loại thuốc cứu mạng mới đều được phát triển trong các nền kinh tế thị trường, đặc biệt là Mỹ, thay vì các nền kinh tế do chính phủ điều hành.
Các hệ thống nước do tư nhân vận hành đã tồn tại ở Argentina. Tạp chí The Economist đã báo cáo về kết quả của quá trình tư nhân hóa này như sau: Sự kết nối với mạng lưới cấp nước và thoát nước đã tăng lên, đặc biệt là ở các hộ gia đình nghèo hơn: Hầu hết các hộ gia đình giàu và các gia đình ở trung tâm thành phố đã kết nối với hệ thống cấp thoát nước… Trước khi quá trình tư nhân hóa được tiến hành, vào năm 1995 tỷ lệ tử vong ở trẻ em ở các thành phố sau này được tư nhân hóa và những thành phố không được tư nhân hóa hệ thống nước đã giảm với tốc độ tương tự nhau. Nhưng sau năm 1995, có sự sụt giảm mạnh hơn ở các thành phố đã được tư nhân hóa. Sự sụt giảm tập trung vào các nguyên nhân tử vong do các bệnh truyền nhiễm và ký sinh trùng – loại tử vong có nhiều khả năng xảy ra do chất lượng và nguồn nước sẵn có. Còn tỷ lệ tử vong vì các nguyên nhân khác thì không giảm.
Ở Anh cũng tương tự, việc tư nhân hóa dịch vụ cung cấp nước ở Anh đã mang đến những hóa đơn tiền nước thấp hơn, nước uống chất lượng cao hơn, đường dây ít bị rò rỉ hơn và tỷ lệ phần trăm thời gian hệ thống xử lý nước thải tuân thủ các quy định về môi trường cao hơn so với ở Scotland, nơi hệ thống nước do chính phủ điều hành. Bằng chứng này có thể chỉ mang tính chất gợi ý chứ không phải kết luận tuyệt đối, nhưng những người tranh luận về quyền kiểm soát chính trị đối với nguồn cung cấp nước hường không quan tâm đến các bằng chứng thực tế. Đối với nhiều người, hậu quả thực nghiệm thường không quan trọng bằng những niềm tin và thái độ đã ăn sâu.
Khi đối mặt với mọi vấn đề, dù là khẩn cấp hay ít khẩn cấp hơn, thì nhiều người vẫn tin rằng những người có quyền lực chính trị có đủ khả năng để đưa ra các quyết định đạo đức hơn so với các bên tư nhân liên quan trực tiếp đến các vấn đề đó. Thái độ như vậy xảy ra ở mọi nơi trên thế giới. Một doanh nhân ở Ấn Độ đã kể lại trải nghiệm của mình với một bộ trưởng chính phủ ở đó như sau:
Tôi đã lập luận rằng việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ làm giảm giá dầu gội, kem dưỡng da và những đồ vệ sinh cá nhân khác cho người tiêu dùng, từ đó sẽ làm tăng nhu cầu của họ đối với những sản phẩm này. Do đó, doanh thu từ thuế sẽ tăng lên, mặc dù mức thuế suất có thể sẽ thấp hơn. Người bộ trưởng cảm thấy phụ nữ Ấn Độ không cần son môi và kem dưỡng da mặt. Tôi trả lời rằng tất cả phụ nữ đều muốn trông xinh đẹp.
“Kem dưỡng da mặt sẽ không có tác dụng đối với một khuôn mặt xấu xí. Đây là những hàng hóa xa xỉ của người giàu”, ông ta trả lời như vậy. Tôi phản đối và nói rằng thậm chí một cô gái làng chơi cũng sử dụng nghệ để trông xinh đẹp hơn.
“Không, để mặt tự nhiên là tốt nhất,” ông ta nói một cách thiếu kiên nhẫn. “Thưa ông,” tôi nài nỉ, “làm sao ông có thể quyết định cô ấy muốn gì? Dù gì thì đó cũng là số tiền cô ấy vất vả kiếm được”.
“Đúng, và tôi không muốn cô ấy lãng phí nó. Hãy để cô ấy dùng số tiền đó mua đồ ăn. Tôi không muốn các công ty đa quốc gia trở nên giàu có khi bán kem dưỡng da mặt cho những người nghèo ở Ấn Độ”.
Ý tưởng rằng các quan sát viên của bên thứ ba có thể đưa ra các quyết định tốt hơn về mặt đạo đức thường bao hàm ý tưởng rằng họ có khả năng định nghĩa thế nào là “những hàng hóa xa xỉ của người giàu”, trong khi sự tiến bộ của nền kinh tế thị trường tự do đã biến nhiều hàng hóa xa xỉ của người giàu thành những hàng hóa tiện nghi chung của người dân, cả người giàu lẫn người nghèo.
Chỉ trong thế kỷ XX, ô tô, điện thoại, tủ lạnh, tivi, máy điều hòa và máy tính cá nhân đều đã từ những thứ xa xỉ của người giàu trở thành những mặt hàng phổ biến của người Mỹ và của hàng triệu người ở nhiều nền kinh tế thị trường khác. Những chiếc máy ghi video đầu tiên được bán với giá 30.000 đô la mỗi chiếc trước khi tiến bộ công nghệ và tính kinh tế theo quy mô đã khiến giá của nó giảm xuống mức hầu hết người Mỹ đều có thể mua được.
Trong những thế kỷ trước, ngay cả những hàng hóa như cam, đường và ca cao cũng là những thứ xa xỉ dành cho người giàu ở châu Âu. Các định nghĩa của bên thứ ba về việc “thế nào là xa xỉ dành cho người giàu” sẽ không thể giải thích được những thay đổi như thế này, chưa kể việc có các bên thứ ba chèn ép thị trường tự do có thể khiến những hàng hóa đó trở thành thứ xa xỉ độc quyền lâu hơn so với trong thị trường được tự do phát triển.
– Trích từ sách Basic Economics Kinh tế học cơ bản, a bờ cờ, kinh tế học nhập môn cho nhà đầu tư –