Giải mã về mẫu hình biểu đồ – Thomas N. Bulkowski
Chúng ta sẽ cùng khám phá và bóc tách một mảnh ghép quan trọng trong phân tích kỹ thuật – nơi mà mỗi đường nét, mỗi chuyển động trên biểu đồ không chỉ kể câu chuyện của thị trường, mà còn mở ra những cơ hội tiềm ẩn cho những ai biết lắng nghe. Đó chính là các mẫu hình biểu đồ.
Trước khi máy tính ra đời, biểu đồ giá được vẽ tay là tài nguyên duy nhất có sẵn. Các đường xu hướng và mẫu hình là phương tiện chính giúp các nhà phân tích kỹ thuật phân tích hành vi giá. Sự ra đời của máy tính hiện nay đã khiến cho bộ môn Phân tích kỹ thuật trở nên đa dạng hơn, bởi vì nó đã làm cho các mối quan hệ toán học khác dễ dàng tính toán hơn.
Sau khi thảo luận về một số đặc điểm cơ bản của các mẫu hình biểu đồ, chúng ta xem xét các mẫu hình biểu đồ thanh cổ điển — những mô hình này được đa số các nhà phân tích kỹ thuật sử dụng và có lịch sử lâu đời nhất. Trong phần “Các mẫu hình ngắn hạn”, chúng ta sẽ xem xét các mẫu hình ngắn hạn như: các mẫu hình nến, các mẫu hình kéo dài 1 hoặc 2 ngày và các mẫu hình khác không được sử dụng rộng rãi trong khi ở phần “Các mẫu hình dài hạn”, chúng ta sẽ nghiên cứu về các mẫu hình biểu đồ. Nói chung, các mẫu hình ngắn thì sẽ phổ biến hơn và kém tin cậy hơn, trong khi các mô hình dài hạn thì sẽ phức tạp hơn và diễn ra ít thường xuyên hơn.
Mặc dù vậy, theo nghiên cứu, mẫu hình càng phức tạp thì khả năng sinh lời càng ít, và mẫu hình xuất hiện càng nhiều cũng tương tự. Các mẫu hình tốt nhất là những mô hình có tần suất xuất hiện và độ phức tạp nằm ở mức giữa. Có rất nhiều cuốn sách về các mẫu hình mà bạn có thể tìm đọc, nhưng hầu hết đều không mang lại lợi thế đặc biệt nào trừ những cuốn sách của Thomas N. Bulkowski – được sử dụng làm nguồn chính trong chương này, là những cuốn sách đáng được nghiên cứu, chi tiết và đầy đủ nhất.
Mẫu hình biểu đồ là gì?

Đặc điểm chung
Thomas N. Bulkowski đã hoàn thành các nghiên cứu toàn diện nhất về các mô hình biểu đồ trong hai cuốn sách của ông là Encyclopedia of Chart Patterns, ấn bản thứ 3(2005) và Trading Classic Chart Patterns (2002). Bulkowski đã quan sát hơn 700 cổ phiếu trong hơn 10 năm và lập danh mục Mô hình trong các điều kiện khác nhau. Tổng cộng, trong hai giai đoạn thị trường (Bò và Gấu), ông đã tìm thấy và phân tích 150.000 mô hình biểu đồ. Mặc dù phân tích của ông về các mô hình phụ thuộc vào thiên kiến của ông, nhưng nó vẫn nhất quán và bao gồm một số lượng lớn các ví dụ. Phần lớn tài liệu — cụ thể là số liệu thống kê — trong chương này dựa trên công trình của Bulkowski.

Bulkowski có một trang Web (thepatternsite.com) giải thích chi tiết về tất cả các mô hình mà chúng ta tìm hiểu trong chương này và hơn thế nữa. Tuy nhiên, trước khi bắt đầu thảo luận về một số mô hình cụ thể, chúng ta cần tìm hiểu một vài khái niệm liên quan đến các đặc điểm chung của mẫu hình biểu đồ.
Điểm khởi đầu và Điểm thoát khỏi mẫu hình
Tất cả các mẫu hình đều có 1 điểm khởi đầu và điểm thoát khỏi mô hình. Điểm khởi đầu mô tả xu hướng trước khi hình thành mẫu hình và điểm thoát khỏi mô hình thường là tín hiệu hành động (mua hoặc bán). Giả sử với mẫu hình giảm, điểm khởi đầu của mẫu hình sẽ là từ phía trên, hoặc trong đợt tăng trước đó; và điểm thoát khỏi mô hình sẽ nằm bên dưới mẫu hình. Trong hình bên dưới, một mẫu hình Hai đỉnh, cho thấy giá khởi đầu từ 1 xu hướng tăng trước đó và thoát khỏi mô hình theo hướng xuống.
Tất cả các mô hình đều được cấu thành với 4 biến như sau: Khởi đầu từ phía trên, khởi đầu từ bên dưới, thoát ra đi xuống và thoát ra đi lên. Những biến số này khá quan trọng về mặt thống kê, bởi trong mỗi một mẫu hình, một số đặc điểm sẽ đáng tin cậy hơn, xảy ra thường xuyên hơn hoặc có lợi hơn những đặc điểm khác.
Tính đồng dạng
Các mẫu hình biểu đồ có thể xuất hiện ở bất kỳ khung thời gian nào: khung tuần, khung ngày, phút, v.v. Các mẫu hình biểu đồ cùng loại thường đồng dạng với nhau. Điều này có nghĩa là chúng có thể giống nhau trong bất kỳ khung thời gian nào, bất kể chu kỳ nào. Ví dụ, một Mô hình Tam giác có thể xuất hiện trên cả khung Ngày hoặc khung Tuần. Đồng dạng có nghĩa là có cùng một hình dạng và sẽ luôn có những đặc điểm chung giống nhau. Nếu nhìn vào một mẫu hình biểu đồ mà không có khoảng thời gian cụ thể, một nhà phân tích kỹ thuật khó có thể cho biết đó là khung thời gian nào.
Điều chỉnh tăng và Điều chỉnh giảm (Throwback & Pullback)
Điều chỉnh tăng và điều chỉnh giảm xảy ra khi giá phá vỡ hướng xuống và sau đó “kéo ngược trở lại” điểm phá vỡ. “Điều chỉnh tăng” xảy ra khi giá phá vỡ đi lên và sau đó “giảm trở lại” mức phá vỡ (Edwards và Magee, 2007). Trong khi đó, “Điều chỉnh giảm” là hiện tượng giá phá vỡ xuống, sau đó tăng trở lại điểm phá vỡ. Hình minh họa phía trên cho thấy một ví dụ về hiện tượng Điều chỉnh giảm (pullback). Chúng ta không thể xác định trước liệu giá có khả năng điều chỉnh tăng hoặc điều chỉnh giảm hay không, nhưng chúng ta sẽ biết tới sự xuất hiện của nó khi nó đã được hình thành.
Khía cạnh thú vị của hành vi giá này là sau khi phá vỡ, nếu giá điều chỉnh tăng hoặc điều chỉnh giảm trở lại điểm phá vỡ sẽ khiến cho mục tiêu giá sau đó khó có thể đạt được hơn (hiệu suất sau phá vỡ của mô hình giảm). Do đó, mặc dù chúng có thể cung cấp cơ hội thứ hai để vào lệnh tại điểm phá vỡ, nhưng bước giá tăng hoặc giảm tiếp theo nói chung sẽ ngắn hơn so với việc không có Điều chỉnh tăng và điều chỉnh giảm. Về mặt chiến thuật, điều này ngụ ý rằng chúng ta nên vào lệnh ngay lập tức sau khi tín hiệu phá vỡ được cung cấp; chờ đợi 1 sự điều chỉnh sẽ làm giảm lợi nhuận và bạn rất có thể bỏ lỡ toàn bộ động thái giá mạnh mẽ.
Các đợt điều chỉnh giảm xuất hiện thường xuyên hơn đối với các cú phá vỡ đi xuống có khối lượng nhỏ hơn trung bình; trong khi đó, các đợt điều chỉnh tăng xuất hiện thường xuyên hơn đối với các cú phá vỡ đi lên có khối lượng trên trung bình. Bởi vì điều chỉnh tăng và điều chỉnh giảm làm suy yếu hiệu suất, nên các cú phá vỡ đi lên có khối lượng nhỏ và các cú phá vỡ đi xuống có khối lượng lớn sẽ là những cú phá vỡ có chất lượng cao nhất.
Mẫu hình thất bại
Tất cả các cú phá vỡ đều có thể thất bại, điều này đặc biệt gây khó chịu cho những nhà giao dịch mới – vốn mong muốn sự hoàn hảo. Tuy nhiên, như chúng ta đã thấy, sự hoàn hảo không nằm trong từ điển của phân tích kỹ thuật. Chúng ta chỉ đang tìm kiếm các “lợi thế” mà mô hình mang lại.
Theo định nghĩa của Bulkowski, một mô hình thất bại là mô hình mà sau khi phá vỡ, giá không thể di chuyển ít nhất 5% theo hướng phá vỡ.
Happy Live team sưu tầm/ traderviet