Góc nhìn chuyên gia: TTCK nửa cuối năm tăng trưởng trong thận trọng, dòng tiền đang tập trung vào các kênh đầu tư an toàn
Theo TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV cho biết kinh tế phục hồi dẫn đến cơ hội sẽ tốt lên, lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết dự đoán sẽ tăng ở mức 20 – 25%. Cùng với định giá chứng khoán đang ở mức hấp dẫn, đây là lúc chúng ta đầu tư dài hơi hơn.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, nền kinh tế Việt Nam đã phục hồi mạnh mẽ với GDP quý II ước tính tăng 7,72%. Đặc biệt, dù lạm phát trên thế giới tăng cao nhưng Việt Nam vẫn giữ được chỉ số CPI bình quân 6 tháng ở mức 2,44%. Trong hội thảo được Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam, Công ty chứng khoán Nhất Việt và tạp chí Việt Nam Finance phối hợp tổ chức, các chuyên gia đã lý giải vì sao lạm phát vẫn ở mức tốt.
Theo TS Nguyễn Bích Lâm, Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng vừa qua chúng ta chủ động được các loại lương thực thực phẩm và có những loại thực phẩm trong 6 tháng còn giảm giá cho nên lạm phát của nước ta không tăng nhiều.
Tuy nhiên, cũng theo các chuyên gia, sức ép lạm phát và chính sách thắt chặt tiền tệ trên thế giới ngày càng gia tăng, khiến Việt Nam cũng sẽ không tránh khỏi những ảnh hưởng vào nửa cuối năm 2022. Do đó, thị trường chứng khoán được đánh giá là sẽ có tăng trưởng trong thận trọng.
Chia sẻ tại hội thảo, TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết kinh tế phục hồi dẫn đến cơ hội sẽ tốt lên, lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết dự đoán sẽ tăng ở mức 20 – 25%. Cùng với định giá chứng khoán đang ở mức hấp dẫn, đây là lúc chúng ta đầu tư dài hơi hơn.
Hiện nay các nước Châu Âu và Mỹ đang tiếp tục chấp nhận nền kinh tế tăng trưởng chậm để kiềm chế lạm phát, dự kiến các ngân hàng trung ương sẽ còn tiếp tục tăng lãi suất trong thời gian tới.
Tại Việt Nam, do làn sóng COVID-19 đến sau, dẫn đến lệch môt pha, và hiện nền kinh tế mới trong giai đoạn phục hồi với các chỉ số kinh tế 6 tháng đầu năm hết sức tích cực. Câu hỏi đặt ra là trước sức ép lạm phát và chính sách tiền tệ thắt chặt từ bên ngoài, nền kinh tế Việt Nam sẽ như thế nào nửa cuối năm 2022 khi mà các dữ liệu kinh tế vĩ mô trong nửa đầu năm đang hết sức tích cực.
Chia sẻ trong Talk show Phố Tàu Chính, TS Vũ Đình Ánh, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường – giá cả, Bộ Tài Chính cho biết với mức phục hồi hiện nay, chúng ta tăng trưởng cả ba bộ phận là khu vực nông nghiệp, khu vực công nghiệp và khu vực dịch vụ. Tổng cầu tiêu dùng đã tăng trở lại với tốc độ giống như thời điểm trước đại dịch, điều này hỗ trợ rất tốt cho doanh nghiệp Việt Nam lấy lại đà phục hồi. Bên cạnh đó lĩnh vực đầu tư cũng có một sự phục hồi.
Ngoài ra, chỉ nửa đầu năm 2022, xuất khẩu vẫn tiếp tục tăng tới 17% và thặng dư thương mại ở mức trên 700 triệu USD. Rõ ràng với tốc độ tăng trưởng kinh tế như vậy là tín hiệu rất tốt cho việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng cho cả năm 2022 ở mức 6 – 6,5% hay thậm chí còn cao hơn. Một yếu tố nữa là lạm phát vẫn được kiềm chế ở mức 2,44% trong khi ở những nước phát triển lạm phát của họ đã lên đến 8 – 9%.
Cùng quan điểm với TS Vũ Đình Ánh, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư Maybank Investment Bank cho biết cho đến ngày hôm nay, chỉ số USD-Index đã vượt 108 điểm so với thời điểm thấp nhất năm ngoái chỉ có 89 điểm. Trong bối cảnh nhiều đồng tiền mất giá rất mạnh so với USD nhưng đồng Việt Nam vẫn giữ được mức độ rất ổn định. Nghĩa là đồng tiền Việt Nam là một đồng tiền mạnh và có mức độ tăng so với những đồng tiền khác. Trong các yếu tố về kinh tố vĩ mô, đây là yếu tố được hỗ trợ rất lớn bên cạnh những thông tin TS. Ánh đã cung cấp.
Tuy nhiên sức ép về lạm phát và thắt chặt tiền tệ trên thế giới đang gia tăng, trong khi ở Việt Nam mới trong giai đoạn phục hồi kinh tế. Đứng giữa thế gọng kìm như vậy, liệu có lời giải phù hợp cho bài toán này,
TS Vũ Đình Ánh nêu quan điểm, một nền kinh tế khổng lồ như Mỹ, năm 2021, họ tăng trưởng đến 4,6%. Trong khi đó Việt Nam tăng trưởng đâu đó 2,38%. Như vậy khi chúng ta bắt đầu tăng trưởng cao, kinh tế toàn cầu lại đang đối mặt với suy thoái. Năm 2020, 2021 khi lạm phát toàn cầu đã lên tới trên 3% nhưng Việt Nam lại có mức độ lạm phát rất thấp.
Việt Nam không chỉ lệch pha về tăng trưởng mà chúng ta còn lệch pha về lạm phát. Lo ngại lạm phát có thể xảy ra vào nửa cuối năm 2022, thứ nhất liên quan đến vấn đề về nhập khẩu lạm phát. Khi giá nguyên vật liệu tăng lên đến hàng chục %, quy mô nhập khẩu của nước ta mỗi năm hiện nay chỉ tương đương 100% GDP, tương đương xấp xỉ 360 tỷ USD. Yếu tố thứ hai lạm phát do cầu kéo, phục hồi tiêu dùng rất có thể gây ra lạm phát do cầu kéo.
Mặt khác, thế giới bắt đầu tăng lãi suất so với đồng USD vì hầu hết các đồng tiền đều mất giá. Trong bối cảnh đó đồng tiền Việt Nam trong nửa đầu năm 2022 không những không mất giá mà còn lên giá một chút – khoảng 0,2%. Như vậy ta đang đối mặt với áp lực phải điều chỉnh một bước nhất định giảm giá đồng tiền Việt Nam để đảm bảo lãi suất ít nhất là không tăng và hỗ trợ cho phục hồi phát triển kinh tế.
“Trong 6 tháng đầu năm, số liệu về kinh tế vĩ mô của Việt Nam rất tốt, tuy nhiên thị trường chứng khoán Việt Nam lại liên tục tìm đáy. Bên cạnh đó thanh khoản của thị trường hiện nay, vào những giai đoạn thấp nhất chỉ bằng 1/4 thậm chí là 1/5 so với mức thanh khoản ở vùng đỉnh. Ngay cả thị trường bất động sản mức thanh khoản cũng có xu hướng giảm mạnh trong thời gian qua.
Bên cạnh đó trong quý I và đầu quý II/2022, lượng tiền gửi từ người dân vào hệ thống ngân hàng tăng mạnh, lần đầu tiên vượt 1 triệu tỷ. Nghĩa là dòng tiền hiện nay đang có xu hướng tập trung vào nhóm kênh đầu tư an toàn”, Giám đốc Tư vấn Đầu tư Maybank Investment Bank cho hay.
Nguồn: Vietnambiz
Có thể bạn quan tâm: