fbpx

Bí quyết đối mặt với khủng khoảng kinh tế và việc tài khoản sụt giảm 50%

New York là trung tâm khủng hoảng. Và tòa nhà đầy rẫy những nhà đầu tư chuyên nghiệp chìm trong sợ hãi, bao gồm cả những quản lý quỹ phòng hộ chưa từng bị giáng một cú mạnh thế này. Tôi cảm thấy như mình bước vào một nhà thương. Những gương mặt xung quanh tôi đượm nét u sầu, mệt mỏi. Nghe như tôi đang cường điệu hóa vấn đề, nhưng những biểu hiện trên gương mặt họ thật sự gợi cho tôi nhớ đến gương mặt của những người bộ hành trên đường phố Manhattan trong sự kiện 11 tháng Chín.

Tôi đã thành công lèo lái quỹ Aquamarine qua nhiều đợt điều chỉnh trước đó của thị trường, bao gồm cả khủng hoảng châu Á 1997, bong bóng dot-com 1999-2000, và đợt thị trường căng thẳng sau sự kiện ngày 11 tháng Chín, 2001. Trong mười năm đầu hoạt động của quỹ, tôi đã vượt xa các chỉ số, tăng gấp bốn lần số tiền ban đầu của cổ đông. Năm tệ nhất của tôi là năm 1999 với tỉ lệ sụt giảm là 6,7%.

Nhưng những gì xảy ra trước đó không là gì so với năm 2008. Tôi chưa từng trải qua một cú trượt siêu tốc như thế này trong danh mục của tôi. Tính tròn cả năm, tôi giảm 46,7%. Trên giấy tờ, gần một nửa tiền của cổ đông và gia đình tôi đã tan thành mây khói.

Trong quá khứ, tôi đã cảnh báo rất rõ trong các lá thư gửi cổ đông rằng có một xác suất là một ngày nào đó quỹ có thể giảm đến 50%. Bạn chỉ có thể nhìn vào lịch sử ngổn ngang của thị trường tài chính để biết rằng điều này rồi sẽ đến. Cái khó, dĩ nhiên, là dự đoán khi nào cú trượt lịch sử này sẽ xảy ra. Là một nhà đầu tư dài hạn, sự lựa chọn của tôi – khi ấy và cả bây giờ – là không cố dự đoán thị trường, vốn là một nhiệm vụ bất khả thi, ít nhất là với tôi. Tôi cũng lựa chọn không mua bảo hiểm (ví dụ, bằng cách bán khống một chỉ số hay mua quyền chọn bán (put option) vì điều này làm giảm rủi ro nhưng làm giảm tỉ lệ lợi nhuận dài hạn.

Guy Spier
Nhà đầu tư Guy Spier

Về mặt cảm tính, năm 2008 là một năm đầy đau đớn. Nhưng tôi có thể chấp nhận những món lỗ khổng lồ trên giấy này vì tôi hiểu rằng chúng không phản ánh giá trị nội tại của các khoản đầu tư của tôi. Tôi biết mình sẽ ổn nếu tôi không bị các thế lực bên ngoài buộc phải đầu hàng. Ở một mức độ nào đó, tôi cũng đã đặt một ván cược mang tầm kinh tế vĩ mô rằng chúng ta không đến mức lặp lại thời kỳ Đại Suy Thoái vì chúng ta có những nhà hoạt định chính sách hiểu rõ rủi ro và sẵn lòng sử dụng mọi công cụ có trong tay để ngăn ngừa thảm họa.

Một điều cũng hữu ích là tôi đã chuẩn bị bản thân sẵn sàng cho chính xác loại hỗn loạn này. Một trong những quyết định tài chính chủ yếu mà tôi đã đưa ra trên cương vị một người trưởng thành là tôi sẽ không bao giờ sống trên mức thu nhập hay vướng vào nợ nần. Khoản nợ lớn nhất mà tôi có là vài nghìn đô trong thẻ tín dụng mà tôi luôn trả đúng hạn và đầy đủ.

Tôi không bao giờ vay mua xe hay thế chấp để mua nhà. Vào năm 2008, khi thị trường sụp đổ, tôi đang thuê một căn hộ và có đủ tiền mặt để phòng thân trong cơn bão tố. Tôi biết mình cần tránh mắc nợ vì nợ có thể ảnh hưởng đến khả năng hành động theo lý trí của tôi. Tương tự, tôi không đầu tư số tiền đi vay vì điều này làm tăng áp lực khiến tôi không thể giữ bình tĩnh và sáng suốt.

Thái độ của tôi với nợ nần cũng bị ảnh hưởng bởi Warren Buffett – trước cả khi ông kể chúng tôi nghe câu chuyện về kinh nghiệm thương đau của Rick Guerin với đòn bẩy. Có lúc, Warren có một khoản thế chấp chính căn nhà của ông ở Omaha, nhưng ông đã trả hết từ lâu. Trong quá khứ, ông cũng đã nói rằng ông không bao giờ muốn vay nợ nhiều vì ông không muốn khám phá ra ông có khả năng cư xử đến thế nào. 

Dưới góc nhìn xã hội, nợ nần (debt) là một chất bôi trơn thiết yếu của nền kinh tế. Sử dụng có chừng mực, nợ nần hoàn toàn tích cực. Nhưng với một nhà đầu tư cá nhân, nợ có thể trở thành thảm họa, khiến cho anh ta khó trụ lại cuộc chơi – cả về mặt tài chính và mặt cảm xúc – khi thị trường quay lưng lại với anh ta.

Guy Spier, Warren Buffett
Guy Spier (phải) và Warren Buffett (trái)

Như Buffett đã viết trong lá thư gửi cổ đông năm 2001, “Khi thủy triều xuống mới biết ai ở truồng”. Một trong những cổ đông của tôi là một chuyên gia tiếp thị thuộc công ty thứ ba. Cô rất nhiệt tình với lối tiếp cận giá trị dài hạn của quỹ đến nỗi một mình cô đã đầu tư vào quỹ đến 2 triệu đô la. Nhưng niềm tin vào đầu tư dài hạn của cô nhanh chóng tan rã, và cô rút tiền ra vào tháng Một năm 2009. Tôi bị sốc. Không rõ do cô không thể chịu được nỗi đau hay do thực sự cần tiền vì cô đơn giản là không thể chịu nổi những mất mát chúng tôi đã trải qua. Nỗi tuyệt vọng của cô là một dấu hiệu gần như hoàn hảo cho thấy chúng tôi đã đến cùng cực của bi quan. Chỉ một vài tháng sau, thị trường chạm đáy và bắt đầu bò lên lại.

Chỉ duy nhất một trong số tất cả các nhà đầu tư tổ chức là không rút tiền ra, phần đa phải thoái vốn vì bản thân họ cũng cần tiền để xoay xở. Nhưng, đại đa số các cổ đông cũng tôi vẫn kiên gan bền chí, tin tưởng rằng thế cờ rồi sẽ xoay chuyển. Quan trọng nhất, bố tôi – người đã đối mặt với những nguy hiểm chết người thời còn là binh sĩ Israel – giữ được một thái độ bình tĩnh tuyệt vời. Ở cao điểm của cuộc khủng hoảng, khi non nửa số tiền dành dụm cả đời ông đã bốc hơi, ông hỏi tôi liệu ông có nên rút một ít tiền ra khỏi quỹ hay không. Tôi nói đây là thời điểm tệ hại nhất để bán cổ phiếu, và tôi bảo ông rằng tôi thà sống trong nhà lá còn hơn lấy bất kỳ xu nào ra.

Với các nhà quản lý quỹ, vấn đề cổ đông rút tiền là một vấn đề căng thẳng và khó khăn. Trước khủng hoảng, quỹ của tôi quản lý 120 triệu đô la. Thị trường sụp đổ và số tiền này rớt xuống còn 60 triệu. Tệ hơn nữa, cổ đông thoái vốn thêm 10 triệu. Một trong những lý do là vì thời hạn thông báo trước rút tiền là 90 ngày khiến tài sản nằm trong quỹ có tính thanh khoản cao. Nhiều quỹ phòng hộ khác thực sự ngưng không cho cổ đông rút tiền, thu lợi từ những câu nằm sâu trong hợp đồng được viết nên bởi những luật sư khôn lanh nhằm bảo vệ lợi ích của quỹ. Tôi cảm thấy cách làm này không ổn.

Để đáp ứng yêu cầu thoái vốn từ cổ đông, tôi phải trở thành người bán ròng cổ phiếu trong một môi trường mà giá cổ phiếu chưa bao giờ rẻ rúng đến thế. Bằng cách thoái lui ở một thời điểm trái ngược, một phần nhỏ cổ đông của tôi khiến tôi gặp nhiều khó khăn trong việc hành xử hợp lý và lợi dụng những cơ hội mua giá rẻ này. Thay vì đó, tôi phải dành năng lượng tư duy cho nhiệm vụ siêu khó lúc ấy là quyết định xem phải bán gì.

Điều này dạy tôi một bài học quan trọng. Vào thời điểm ấy, điều tôi thèm khát ở Buffett không phải là trí tuệ cao vời, mà là lợi thế cấu trúc: ông có nguồn vốn vĩnh viễn để đầu tư vì Berkshire là một công ty, chứ không phải một quỹ. Điều này có nghĩa là ông không phải lo lắng gì về việc đáp ứng yêu cầu rút tiền của cổ đông. Kết quả là ông hoàn toàn tự do thực hiện các khoản đầu tư khổng lồ vào thời điểm hoàn hảo. Theo Warren, tính khí quan trọng hơn IQ trong đầu tư. Điều này là chính xác, không còn gì phải nghi ngờ nữa. Nhưng tôi cũng nghiệm ra rằng có lợi thế cấu trúc còn quan trọng hơn.

Về phần Mohnish Pabrai, ông ấy thiết kế quỹ để nhà đầu tư chỉ có thể rút tiền một lần duy nhất trong năm. Phần lỗ của Mohnish khi thị trường sụp đổ còn tệ hơn của tôi. Nhưng ông ta chỉ phải đối mặt với các yêu cầu rút tiền một lần duy nhất trong suốt cuộc khủng hoảng, vào cuối năm 2008. Lợi thế cấu trúc này cho bạn tôi quyền tự quyết hơn hẳn tôi để có thể suy nghĩ sáng suốt về danh mục của mình. Trái lại, phần lớn các cổ đông của tôi vẫn sở hữu loại cổ phần cho phép họ rút tiền mỗi quý. Mười năm đã trôi qua kể từ khi tôi lập quỹ với cấu trúc này; giờ đây, sau ngần ấy năm, tôi đang phải trả giá cho sai lầm của mình. Đó là một lời nhắc mạnh mẽ về tầm quan trọng của việc tạo nên cấu trúc phù hợp ngay từ khi mới bắt đầu.

Giữa cuộc khủng hoảng, tôi cũng thèm muốn được như Warren, tức là tách hẳn ra khỏi Wall Street và đám đông dân đầu tư. Không như các nhà đầu tư chuyên nghiệp, ông dường như tách biệt tuyệt đối khỏi nỗi sợ và sự phi lý trí đang bóp nghẹt thị trường. Văn phòng nhỏ đơn sơ của ông ở Omaha tọa lạc tại Kiewit Plaza, nơi ông dùng chung với công ty Kiewit, một công ty chuyên xây dựng cơ sở hạ tầng như đường, cầu, hầm. Đó là một địa điểm lý tưởng để một nhà đầu tư đi ngược với đám đông suy nghĩ thuần lý trí về những sai lầm đám đông nhà đầu tư đang mắc phải.

Văn phòng của Warren Buffett
Văn phòng của Warren Buffett

Văn phòng của tôi trong tòa nhà Carnegie Hall ở Mahattan là một địa điểm tệ hại trong thời khủng hoảng. New York là trung tâm khủng hoảng. Và tòa nhà đầy rẫy những nhà đầu tư chuyên nghiệp chìm trong sợ hãi, bao gồm cả những quản lý quỹ phòng hộ chưa từng bị giáng một cú mạnh thế này. Tôi cảm thấy như mình bước vào một nhà thương. Những gương mặt xung quanh tôi đượm nét u sầu, mệt mỏi. Nghe như tôi đang cường điệu hóa vấn đề, nhưng những biểu hiện trên gương mặt họ thật sự gợi cho tôi nhớ đến gương mặt của những người bộ hành trên đường phố Manhattan trong sự kiện 11 tháng Chín.

Giờ đây nhìn lại thời khủng hoảng, tôi hài lòng vì mình đã giữ được cảm xúc. Khi ấy, tôi đã có cốt lõi cảm xúc đủ mạnh để không bị cuốn phăng đi bởi những áp lực ghê người. Một điều cũng giúp ích rất nhiều là tôi thực tâm tin tưởng vào sức mạnh của sự chịu đựng trong đầu tư giá trị. Cách tiếp cận này có hiệu quả với tôi đã được một thập niên, và tôi hoàn toàn không hề nghi ngờ rằng nó có thể tiếp tục mang lại hiệu quả cho tôi nhiều năm sau nữa – miễn là tôi vẫn đi đúng đường.

Tuy vậy, cũng chẳng dễ dàng để giữ thái độ bình tĩnh và tích cực. Một cách để tôi đối diện với căng thẳng là áp dụng chiến lược tôi được học từ Tony Robbins: nghiên cứu các người hùng của tôi, những người đã thành công vượt qua nghịch cảnh, rồi tưởng tượng họ đang ở bên cạnh để tôi có thể mô phỏng thái độ và hành vi của họ. Tôi lẳng lặng nhìn lại danh mục đầu tư hết lần này đến lần khác, kiểm tra lần hai rồi đến lần ba để đoan chắc rằng những cổ phiếu tôi nắm giữ có khả năng sống sót qua cơn bão. Tự tin vào những phân tích của mình, tôi tôi từ chối bán bất kỳ một cổ phiếu nào trong số những khoản đầu tư lớn, ví dụ như American Express. Vào tháng Chín 2009, cổ phiếu này rớt đến mức 10 đô la mỗi cổ phiếu. Tôi kiên trì nắm giữ và chứng kiến nó tăng lên gấp chín lần trong những năm sau này.

Chỉ có một cổ phiếu tôi nắm giữ có vẻ rủi ro: CarMax, một công ty bán xe đã qua sử dụng. Cổ phiếu này đã giảm giá còn một nửa, nhưng tôi lo rằng mô hình kinh doanh của họ sẽ không trụ nổi, vì biết rằng những người mua xe sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc tìm kiếm các nguồn hỗ trợ tài chính chi phí thấp. Cuối cùng, suy nghĩ của tôi đã sai, và cả CarMax cũng hồi sinh từ đáy vực. Duy nhất trường hợp này, tôi đã cho phép nỗi sợ của thị trường ảnh hưởng đến suy nghĩ lý tính của mình. Đó là một lời nhắc nhở hợp lý rằng tôi không miễn nhiễm trước những nỗi sợ vô lý, tuy nhiên tôi đã cố gắng cẩn thận ngăn ngừa chúng.

Cùng thời gian ấy, tôi cũng mua vào những cổ phiếu rẻ vô đối, bất chấp gánh nặng thoái vốn từ các cổ đông. Ví dụ, tôi đầu tư vào London Mining PLC, khi ấy đang bán với giá gọi là khuyến mại so với giá trị tiền mặt mà công ty đang nắm trong tay. Tôi mua hàng tá cổ phiếu Brookfield Office Properties, công ty sở hữu những bất động sản hàng đầu đang được định giá thấp hơn chi phí thay thế các bất động sản này. Tôi mua cổ phiếu Cresud, một công ty Argentina sở hữu một lượng lớn đất nông nghiệp giá trị, với giá gần như cho không vì cả công ty được bán với giá rẻ hơn giá trị cổ phần của nó trong IRSA, một công ty bất động sản đang niêm yết. Tôi cũng đầu tư vào Fortescue Metals Group, công ty phát triển phương án dự phòng với chi phí cực kỳ rẻ cho quặng sắt chuyên chở bằng đường biển. Giá quặng sắt rớt thê thảm, nhưng tôi chắc rằng nhu cầu của Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng lên.

Đó là những khoản đầu tư ngon lành. Không phải chỉ vì chúng quá rẻ, mà vì mỗi công ty ấy đều có những chất xúc tác giúp chúng tăng trưởng. Các công ty này không chỉ có khả năng tạo lợi nhuận mạnh mẽ mà còn có giá trị phụ trội rất lớn. Do đó, tỉ lệ thành công vô cùng cao.

Tất thảy những lựa chọn cổ phiếu này cũng như trò bắn cá bơi trong chậu vậy. Vài năm sau đó, khi nền kinh tế toàn cầu hồi phục và dần trở về bình thường, mọi cổ phiếu vừa nêu đều tăng giá trở lại. Ví dụ, Brookfield tăng gấp đôi, Cresud gấp ba, và London Mining gấp bốn. Đúng như tôi đã nghĩ, khủng hoảng tài chính quả là cơ hội cả đời mới có một lần.

Nguồn: Sách Lột Xác Để Trở Thành Nhà Đầu Tư Giá Trị

Có thể bạn quan tâm:

Lột Xác Để Trở Thành Nhà Đầu Tư Giá Trị – Guy Spier

(Hành trình lột xác từ tay “mafia” cò mồi phố Wall

trở thành nhà đầu tư giá trị chân chính)

Lột Xác Để Trở Thành Nhà Đầu Tư Giá Trị

ĐỌC THỬ

ĐẶT MUA

Các viết cùng chủ đề